Thứ năm, ngày 31 tháng 10 năm 2024
00:22 (GMT +7)

Vài nét về tình hình nghiên cứu, phê bình văn học – nghệ thuật ở Thái Nguyên (2010 – 2015)

LTS: Ngày 28/1/2016 vừa qua, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo “Công tác phê bình lý luận văn học nghệ thuật Thái Nguyên", với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học cùng một số văn nghệ sĩ đại diện cho các chi hội thuộc Hội. Hội thảo xoay quanh thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với công tác phê bình lý luận văn học nghệ thuật Thái Nguyên. 

Văn Nghệ Thái Nguyên số này giới thiệu bài tham luận mang tính đề dẫn của TS. Cao Thị Hồng tại Hội thảo.


1. Về đội ngũ tác giả

Đội ngũ nghiên cứu, phê bình văn học - nghệ thuật của Thái Nguyên bao gồm nhiều thế hệ, đa phần là các nhà giáo đã và đang giảng dạy trong nhà trường. Hầu hết các cây bút nghiên cứu, phê bình đều được đào tạo khá bài bản, trưởng thành từ các trường đại học, có trình độ học vấn và được trang bị cơ bản về tri thức văn hóa. Trong số những người viết nghiên cứu phê bình của Thái Nguyên đã xuất hiện những cây bút sung sức, nhiều công trình nghiên cứu đã được ghi nhận trong các sách, báo, tạp chí khoa học chuyên ngành cấp quốc gia và có giá trị ứng dụng trong thực tiễn.

Tuy nhiên, cũng như tình trạng chung của cả nước, ở Thái Nguyên, lực lượng nghiên cứu phê bình các chuyên ngành nghệ thuật như sân khấu, mỹ thuật, điện ảnh, nhiếp ảnh, múa, kiến trúc, âm nhạc là rất mỏng, phân bố không đồng đều, thậm chí có chuyên ngành gần như vắng bóng các cây bút viết nghiên cứu, phê bình. Ngành phê bình văn học có lực lượng nhiều hơn, số lượng và chất lượng các tác phẩm chuyên môn trội hơn các chuyên ngành khác.

2. Về số lượng tác phẩm

Trong năm năm trở lại đây, các nhà nghiên cứu, lý luận phê bình văn học - nghệ thuật ở Thái Nguyên đã công bố một số lượng đáng kể các bài viết, công trình nghiên cứu phê bình đăng tải trên báo, tạp chí chuyên ngành của Trung ương và địa phương. Các tác giả có nhiều bài viết, công trình được công bố như: Vũ Kim Khoa, Gia Bẩy, Nguyễn Văn Cường… với những bài viết phê bình về các chuyên ngành nghệ thuật như nhiếp ảnh, mỹ thuật, kiến trúc đăng trên Báo Văn nghệ Thái Nguyên; Ma Trường Nguyên với 3 cuốn sách: Hiện đại mà dân tộc (2010), Trên cánh đồng chữ nghĩa (2011), Các nhà văn nói về nghề (2013); Nguyễn Đức Hạnh với Thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của Chu Lai (2010); Hồ Thủy Giang với tiểu luận, phê bình Thái Nguyên một dòng chảy văn chương (2010); Lâm Tiến với Tiếp cận văn học dân tộc thiểu số (2011), Trần Thị Việt Trung với: Lịch sử phê bình văn học Việt Nam (giai đoạn đầu thế kỷ XX đến năm 1945 (2002, tái bản 2010), Bản sắc dân tộc trong thơ các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại (Chủ biên, 2010), Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam thời kỳ hiện đại - Một số đặc điểm (Đồng chủ biên, 2011), Nghiên cứu lý luận phê bình Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam thời kỳ hiện đại - Diện mạo và đặc điểm (Chủ biên, 2013); Nguyễn Kiến Thọ với Thơ ca dân tộc H'Mông từ truyền thống đến hiện đại (2014); Cao Thị Hồng với 2 chuyên luận: Một chặng đường đổi mới lý luận văn học Việt Nam 1986 - 2011 (2011), Lý luận, phê bình văn học - Đổi mới và sáng tạo (2013), và tham gia đồng tác giả nhiều đầu sách: Nhìn lại Thơ mới và văn xuôi Tự lực văn đoàn (2013),  Nhà văn Việt Nam hiện đại (2015), Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học nghệ thuật (2015)…

Việc công bố đều đặn bài báo khoa học và các công trình nghiên cứu cho thấy sự nỗ lực không ngừng của người làm công tác nghiên cứu, phê bình văn học - nghệ thuật ở Thái Nguyên. Một số tác phẩm nghiên cứu, lý luận phê bình của các tác giả Thái Nguyên đã được bạn đọc quan tâm, chú ý và nhận giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, giải thưởng của UBND tỉnh và Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên.

3. Về chất lượng tác phẩm

Trong lĩnh vực nghiên cứu, phê bình văn học, có thể nhận thấy một số đặc điểm tiêu biểu sau:

Thứ nhất, các tác giả thường tập trung vào nghiên cứu, giới thiệu, thẩm bình những sáng tác văn học nghệ thuật của các tác giả ở Thái Nguyên và khu vực miền núi phía Bắc. Vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc được các nhà nghiên cứu chú ý, coi như một tiêu chí quan trọng để xác định giá trị tác phẩm. Các nhà nghiên cứu đã chỉ rõ sự đa dạng và phong phú trong sáng tác, nghiên cứu, phê bình văn học của các tác giả người dân tộc thiểu số như Nông Quốc Chấn, Vi Hồng, Lò Ngân Sủn, Y Phương, Dương Thuấn, Cao Duy Sơn, Ma Trường Nguyên, Pờ Sảo Mìn,… khẳng định sự đóng góp của họ trong việc góp phần làm nên diện mạo của nền văn học dân tộc thiểu số nói riêng và văn học dân tộc nói chung.

Thứ hai, so với giai đoạn trước, bên cạnh khuynh hướng Phê bình truyền thống, những năm gần đây, một số cây bút viết phê bình văn học ở Thái Nguyên như Hồ Thủy Giang, Nguyễn Đức Hạnh, Cao Thị Hồng, Phạm Văn Vũ, Nguyễn Nhật Huy… đã chú trọng tiếp nhận và ứng dụng lý thuyết văn học hiện đại trong nghiên cứu, phê bình văn học như: thi pháp học, ký hiệu học, phân tâm học, mỹ học tiếp nhận, phong cách học, ngữ học, tự sự học… để nghiên cứu các hiện tượng văn học, góp phần phát hiện và khẳng định những giá trị của nhiều tác phẩm văn học từ những điểm nhìn lý thuyết mới.

Thứ ba, với xu thế hội nhập và phát triển của thời kỳ toàn cầu hóa, các nhà nghiên cứu lý luận Thái Nguyên đã bước đầu có những đóng góp nhất định trong nghiên cứu các vấn đề lý luận mang tính lý thuyết, cùng các nhà khoa học trong cả nước góp phần vào sự phát triển nền lý luận, phê bình văn học dân tộc. Thành tựu của việc nghiên cứu được ghi nhận trong các công trình khoa học chuyên ngành được công bố trên phạm vi toàn quốc, được dùng làm tài liệu giảng dạy, tài liệu tham khảo nghiên cứu văn học cho sinh viên, học viên sau đại học. Đó là công trình của các tác giả tiêu biểu như Trần Thị Việt Trung, Nguyễn Đức Hạnh, Đào Thủy Nguyên, Trần Văn Tác, Cao Thị Hồng...

Thứ tư, một ưu điểm thấy rõ trong phê bình văn học ở Thái Nguyên là các cây bút phê bình không mắc “bệnh” quy chụp động cơ, thái độ chính trị nặng nề đối với tác giả, không “tô hồng” hoặc “bôi đen” các hiện tượng văn học mới, lạ một cách cực đoan thái quá. Không độc tôn một kiểu sáng tác, một kiểu tư duy nghệ thuật nào. Những dấu hiệu trên cho thấy người viết nghiên cứu, phê bình văn học ở Thái Nguyên đã bước đầu bắt kịp tư duy đổi mới lý luận phê bình văn học,  ý thức sâu sắc quan niệm phê bình văn học vừa là khoa học vừa là nghệ thuật.

Đối với các tác phẩm nghiên cứu, thẩm bình thuộc các chuyên ngành nghệ thuật như nhiếp ảnh, mỹ thuật, kiến trúc,… các nhà phê bình đã phân tích, đánh giá đúng mức các sáng tác: bám sát thực tiễn, gắn bó với đời sống hiện thực, phản ảnh được nhiều bình diện của hiện thực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm phong phú năng lực thẩm mỹ của công chúng. Có thể thấy điều này trong nhiều bài viết đăng tải trên Báo Văn nghệ Thái Nguyên như: “Người đàn bà gào khóc” của Robert Capa, Vũ khúc trên đồi sương, Bến vắng- tác phẩm nhiếp ảnh kinh điển theo trường phái ấn tượng (Vũ Kim Khoa); Đất sống nào cho múa dân gian dân tộc? (Kim Việt), Sự tinh tế khi nhìn nhận tác phẩm mỹ thuật, Tranh cổ động - một dòng tranh lịch sử, Tượng và tượng thờ - thế nào cho phải? (Gia Bảy); Kịch bản nào cho quy hoạch xây dựng thành phố Thái Nguyên, Trong quy hoạch xây dựng cần có sự lãng mạn (Nguyễn Văn Cường); Vấn đề “ở” qua một cuộc triển lãm kiến trúc (Mã Sôi)…

4. Những giới hạn và hướng phát triển 

Ít người cầm bút chuyên nghiệp và gắn bó lâu dài với nghề

Thái Nguyên mặc dù là trung tâm văn hóa của khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam, tập trung nhiều trí thức có học hàm, học vị cao ở các trường đại học, cao đẳng, trung học nhưng số người cầm bút viết nghiên cứu, lý luận - phê bình văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp gắn bó lâu dài với nghề là rất ít. Phần lớn những người cầm bút thường đảm nhiệm việc giảng dạy, nghiên cứu tại các trường đại học, cơ quan báo chí hoặc xuất bản. Họ có điều kiện tiếp xúc với tác phẩm văn học, nghệ thuật, có mối quan hệ với các văn nghệ sĩ trong ngành nhưng nghề viết với họ chỉ là tay ngang, kiêm nhiệm hoặc tùy hứng, không ổn định.

Tình hình trên cho thấy muốn có một đội ngũ làm công tác nghiên cứu, phê bình mang tính chuyên nghiệp là một vấn đề không đơn giản. Muốn vậy, trong các trường đại học có giảng dạy về văn học, nghệ thuật cần có chiến lược, chính sách trọng dụng những người có thực tài và có năng khiếu văn học nghệ thuật, tạo điều kiện và cơ hội cho họ được học hành bài bản về lý luận, phê bình văn học nghệ thuật và ứng dụng những kiến thức về lý thuyết ấy trong cảm thụ và bình giá các hiện tượng văn học; tờ báo của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên phải là diễn đàn để chuyển tải những nghiên cứu của họ.

Phê bình văn học là một khoa học nhưng cũng là một nghệ thuật, vì vậy, những người làm công tác lý luận phê bình hơn ai hết phải được đào tạo và tự đào tạo, phải rèn luyện tính nghiêm cẩn, kiên trì của một nhà khoa học trong nghiên cứu nhưng cũng cần có sự bay bổng, lãng mạn sáng tạo của một nghệ sĩ.

Tính học thuật trong nhiều công trình nghiên cứu, lý luận - phê bình chưa cao

Bên cạnh những tác phẩm nghiên cứu, phê bình nghệ thuật có chất lượng, cũng cần thấy trong thời gian qua, phê bình văn học - nghệ thuật ở Thái Nguyên vẫn có nhiều bài viết chưa đạt chất lượng. Vì vậy, người viết nghiên cứu, phê bình nghệ thuật cần không ngừng trang bị kiến thức nền về triết học và mỹ học, có kiến văn phong phú, uyên bác, có hiểu biết sâu sắc về văn hóa dân tộc và nhân loại, hiểu biết về chuyên ngành mà mình phê bình, có năng lực diễn đạt đúng phong cách ngôn ngữ khoa học thì mới có sức hấp dẫn, lôi cuốn người đọc.

Theo thiển nghĩ của tôi, nghiên cứu, phê bình văn học - nghệ thuật, bên cạnh việc chú ý đến bản sắc vùng miền cũng cần quan tâm đến những vấn đề tư tưởng mang tính nhân loại để giải mã những thông điệp về nội dung và nghệ thuật, để khẳng định những giá trị nhân văn ẩn tàng nơi mỗi tác phẩm. Mọi kiểu phê bình “tán gẫu”, phê bình “xu phụ” khen chê thiếu căn cứ, thiếu cơ sở khoa học, không dựa trên một nền tảng lý thuyết nào đều nhạt nhẽo và sẽ nhanh chóng bị rơi vào sự lãng quên của người tiếp nhận. Không ý thức được điều này các tác phẩm phê bình sẽ chỉ là những văn bản vô hồn được/ bị bao phủ bởi lớp bụi thời gian trên các giá sách của các thư viện chứ không bao giờ là những tác phẩm văn học đúng nghĩa được người đọc tiếp nhận.

Để nghiên cứu, phê bình văn học - nghệ thuật của Thái Nguyên có thể phát triển hơn, cũng cần phải vượt thoát khỏi quan niệm chỉ “tắm ao ta” hiện nay đang tồn tại đây đó trong tư duy giới cầm bút viết nghiên cứu, phê bình văn học ở Thái Nguyên. Người cầm bút phải có bản lĩnh bứt thoát khỏi giới hạn của bản thân mình về tư duy, về sự ràng buộc danh lợi thì mới mong có những tác phẩm nghiên cứu, phê bình văn học nghệ thuật đúng nghĩa, mới trở thành những tri âm của người đọc.

***

Một nền lý luận - phê bình tiên tiến với những giá trị vừa truyền thống lại vừa hiện đại là một nền lý luận - phê bình luôn luôn mở ra với mọi xu hướng sáng tạo và tiếp nhận những lý thuyết mới. Trước xu thế hội nhập và phát triển của sự nghiệp đổi mới đất nước hôm nay, điều ấy lại càng có ý nghĩa khoa học và thực tiễn hơn. Nhìn một cách tổng thể, mặc dù còn những giới hạn cần phải phấn đấu để tiếp tục hướng về chặng đường phát triển cao hơn phía trước, nhưng trong 5 năm gần đây (2010 - 2015)  những người làm nghiên cứu, lý luận - phê bình văn học - nghệ thuật ở Thái Nguyên đã nỗ lực không ngừng và đạt được những thành tựu đáng trân trọng. Điều này có tác động không nhỏ trong việc kích thích sáng tạo văn học nghệ thuật của tỉnh nhà nói riêng và cả nước nói chung.

Bằng sự chủ động, phát huy nội lực sẵn có, nắm thời cơ thuận lợi do thời đại mang lại, hy vọng những nhà nghiên cứu, lý luận - phê bình ở Thái Nguyên sẽ tiếp tục hành trình sáng tạo, chinh phục thử thách bằng những tác phẩm nghiên cứu, lý luận - phê bình văn học - nghệ thuật ở tầm cao mới, với sự đón nhận của đông đảo bạn đọc.

Cao Thị Hồng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy