Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
04:26 (GMT +7)

Vài hình dung về các bạn viết trẻ Thái Nguyên

Nói về những người viết trẻ là nói về sự lựa chọn, sự chuyển động, năng lượng và cảm hứng. Nhưng không chỉ có vậy, nói về họ còn là nghĩ về những thử thách không dễ gạt bỏ, bước qua. Trong tâm thế đó, tôi đặt ra đây một vài hình dung về các bạn viết trẻ Thái Nguyên hôm nay, trước nhất là để được chia sẻ, sau nữa cũng là để tự tiếp thêm động lực cho chính bản thân mình.

Người viết trẻ có gì?

Trong hình dung của tôi, người viết trẻ thường nhiều ảo tưởng và ít vốn liếng, luôn tạo được đam mê nhưng khó lòng chế ngự nó, thừa tha thiết nhưng thiếu kiên tâm để đi tiếp trên con đường văn chương vốn nhiều thách thức, nghiệt ngã.

Người viết trẻ có lợi thế là sự tươi mới trong cảm hứng, sự hối thúc trong tưởng tượng, sự đột phá trong ý hướng. Nhưng dường như người viết trẻ lại thường thiếu sự điềm tĩnh và lắng kết, thiếu khả năng dừng lại để nắm bắt những khoảnh khắc huy hoàng và thấu hiểu những điều thăm thẳm khôn cùng, thiếu độ giản dị và trải nghiệm để tiệm cận đến chân ngộ.

Điều đáng nói nữa, người viết trẻ nắm giữ một năng lượng tuyệt vời, đó là hi vọng - thứ mà có lẽ càng qua tuổi tác người ta càng nhường nó cho sự chấp nhận, đối diện, thấu hiểu. Tuổi trẻ là quãng sống mà người viết dồn nhiều năng lượng nhất cho hi vọng, bắt đầu là niềm hi vọng về bản thân mình, xa hơn là niềm hi vọng về đời sống, và nó được tựu lại trong niềm hi vọng về văn chương, sáng tạo. Nó như là suối nguồn để nuôi dưỡng và đưa dẫn người viết chảy hòa vào chân trời lớn.

Tất nhiên cần nói thêm, ở chiều ngược lại, người viết trẻ cũng phải đối diện với vô vàn những khó khăn. Ở phía chủ quan, những yêu cầu thiết thân khiến những người viết trẻ phải dành nhiều thời gian và tâm sức để đảm bảo đáp ứng được những đòi hỏi đương nhiên của đời sống mưu sinh, đòi hỏi về việc trang bị và tích lũy, hài hòa được giữa việc hoàn thành bổn phận và nuôi dưỡng đam mê. Ở phía khách quan, sự cạnh tranh của quy luật giá trị trong đời sống hiện đại khiến vị trí của văn chương trong tâm thức cộng đồng bị chia sẻ với nhiều lĩnh vực khác. Điều này khiến cho sự đón nhận của công chúng không còn đủ sự nhiệt thành, mà sự thờ ơ lạnh lùng nghiệt ngã lại thường là liều thuốc đắng dù tốt nhưng khó nuốt với những người trẻ chưa đủ dạn dày.

Nghĩ và nói bao giờ cũng có khoảng cách rất xa so với thực hành, cho nên không nhiều người trẻ sau khi bước vào con đường sáng tác văn chương có thể đi dài lâu với nó. Những ai có thể gắn bó với hành trình văn chương thực sự xứng đáng được trân trọng và chia sẻ.

Quay trở lại câu chuyện về những người viết trẻ Thái Nguyên hôm nay, tôi nghĩ rằng mỗi chúng tôi khi bước vào hành trình này đều đã xác định được ý hướng của mình, cảm nhận hình dung phần nào con đường xa khó, và quan trọng hơn hết là tự mình đặt mình vào lựa chọn.

Nếu người viết trẻ có dốc lòng dốc sức dấn thân vào con đường sáng tác thì hẳn cũng không có ai tặng hoa chúc mừng, bằng ngược lại, nếu người viết trẻ bỏ dở cuộc hành trình thì hẳn cũng không có ai phiền trách ngoài sự truy vấn của chính bản thân. Thay vì âu lo về những thách thức, có lẽ mỗi người viết trẻ nên nghĩ nhiều hơn về nghĩa lí của văn chương, lí do mình lên đường, năng lượng và cảm hứng mà mình nuôi dưỡng. Gạt bỏ đắn đo trước những khó dễ, có lẽ mỗi người viết trẻ nên bình thản bước về phía những khám phá, tìm ra bản thân mình và tìm đến những đường biên, cánh cửa. Và cũng đừng tham vọng ở những câu trả lời, dường như chúng ta chỉ có thể đi tìm những câu hỏi mà thôi.

Khi những người viết trẻ còn bận lòng nói với nhau về câu chuyện “văn chương để làm gì?”, thì văn chương vẫn đang đi làm việc của nó, trên những cánh đồng, sau mỗi ô cửa, bên kia bức tường, trong phòng ăn, trong bệnh viện, trong những tháng năm, trong những cuộc đời. Sẽ rất khó để những người viết trẻ nói về văn chương nếu thông qua những con chữ nhảy múa uốn lượn trên các trang giấy hay bàn phím.

Suy cho cùng, việc sáng tác văn chương với người trẻ hôm nay nên coi là một lựa chọn bình thường nhưng đáng quý, đáng trân trọng, giống như bao nhiêu những lựa chọn khác trong đời sống này. Văn chương trong đời sống này thực ra là thứ mà tự nó vốn thế, giống như là trái quả trên cây, lọ hoa trên bàn ăn, sách trên giá sách, cũng có khi như là thuốc cầm máu giữa gươm đao. Không tầm thường hóa nó, nhưng cũng không phi thường hóa nó, hãy để văn chương đồng hành cùng người trẻ một cách vô điều kiện và không nhân danh.

Một chuyến thực tế của Trại sáng tác Trẻ do Hội tổ chức năm 2011

Người viết trẻ Thái Nguyên hôm nay

Sáng tác là câu chuyện cá nhân, nhưng thực hành sáng tạo của cá nhân cũng còn được đặt trong thực tiễn của cộng đồng. Như một dữ liệu đáng tin cậy, tác phẩm của một/nhóm người viết cho ta cơ sở để hình dung về thế hệ của họ. Từ góc độ này, có thể coi việc nhận diện các tác giả trẻ của Thái Nguyên hôm nay vừa như là cách để nhìn vào công việc sáng tạo của cá nhân, cũng vừa như là cách để hình dung về sự chuyển động của một lứa người viết mới nơi đây.

Trong phạm vi điều kiện quan sát và đọc của cá nhân, tôi thấy hiện nay Thái Nguyên đang có một số tác giả trẻ nghiêm túc đi theo con đường sáng tác và thực sự dành tâm sức cho điều này, như: Trinh Nguyên, Hoàng Thị Hiền, Bích Hồng, Trần Nhung, Hồ Điệp…

Với Trinh Nguyên, con đường sáng tác của chị đến nay nhất quán trong lối viết, tập trung duy nhất ở truyện ngắn. Trinh Nguyên có lợi thế của một người sớm tích lũy trải nghiệm phong phú, từ việc đọc nhiều của người làm công tác thư viện, cho đến thực tiễn giảng dạy lĩnh vực xã hội nhân văn, và nhất là trải nghiệm qua những va đập với đời sống thường nhật. Chính vì vậy, dù là người viết trẻ nhưng Trinh Nguyên khá dày dặn về vốn liếng và sâu lắng trong suy cảm, cho nên truyện ngắn của chị giàu chất liệu, đắt chi tiết, thú vị ở cấu trúc.

Trong khi đó, Hoàng Thị Hiền có con đường viết biến động hơn khi chị bắt đầu bằng thơ nhưng về sau ngày càng nghiêng sang văn xuôi. Bằng không gian văn hóa miền núi của một cô gái Tày, Hoàng Thị Hiền đã bắt đầu với những bài thơ giàu màu sắc. Nhưng dường như những khúc rẽ mới trong cuộc sống và công việc khiến chị mở rộng biên độ tiếp cận, cho nên chị lựa chọn truyện ngắn để mang tải phù hợp hơn. Truyện ngắn của Hoàng Thị Hiền “nền nã” về ngôn ngữ và giọng điệu, nhưng góc độ khai thác lại gắn được vào những vấn đề mới của thân phận con người trong đời sống hiện thời.

Bích Hồng là một trường hợp khá độc đáo khi ngay ở tuổi học trò đã xuất bản tiểu thuyết và được sự đón nhận tích cực của bạn đọc. Qua thời gian cùng những trải nghiệm thực tiễn, dường như Bích Hồng nhận ra tiểu thuyết là một cuộc chơi lớn và hóc búa hơn mình tưởng tượng, cho nên chị tập trung vào truyện ngắn. Từ chỗ quan sát mô tả những hiện hữu bề ngoài, truyện ngắn Bích Hồng đang ngày càng lách sâu hơn vào những câu chuyện bên trong, bên kia của đời sống, con người.

Hai đại biểu nhà văn trẻ Thái Nguyên Nguyễn Bích Hồng và Hoàng Thị Hiền (thứ tư, thứ năm từ phải sang) cùng bạn văn trong chuyến đi thăm Tập đoàn Thaco và Khu kinh tế Chu Lai - Quảng Nam.

Hồ Điệp là một trong số rất ít những người trẻ của Thái Nguyên hôm nay theo đuổi tản văn. Bản thân việc theo đuổi tản văn là một lựa chọn dũng cảm và đáng quý. Theo thói quen nào đó, người đọc thường đánh giá “vị thế thể loại” của tản văn không cao như truyện hay thơ. Bù lại, tản văn giúp người viết có thể viết ra bất kỳ điều gì mà họ trăn trở, muốn giãi bày, dù đó là vấn đề mang tầm vĩ mô hay chỉ là một tâm sự cá nhân nhỏ bé. Đặc biệt, tản văn là mảnh đất để ươm trồng những xúc động lắng sâu, những biểu đạt tinh tế nhuần nhụy. Tận dụng và phát huy được thế mạnh này của thể loại, Hồ Điệp đang có những trang tản văn có không khí, đẹp và chân thành. Chị đang dần bứt ra khỏi những suy cảm “chung chung” để lắng mình vào những câu chuyện riêng, và đây có lẽ sẽ là điều đáng chờ đợi.

Trần Nhung là trường hợp ít ỏi trong các tác giả trẻ Thái Nguyên hôm nay còn neo lại với thơ. Mặc dù có viết cả truyện ngắn, nhưng dường như nội cảm và tâm thức của Trần Nhung nghiêng/thuộc về thơ. Thành thực với bản thân, đối diện với câu chuyện của mình, thơ của Trần Nhung bao giờ cũng khởi hành từ đau đớn và nước mắt, nhưng luôn hướng về vùng sáng ấm thơm thảo an lành. Cá nhân tôi tin con đường thơ của chị sẽ là một hành trình rất xa.

** *

Ai đó có thể nuối tiếc, băn khoăn, thậm chí âu lo khi thấy rằng một trung tâm vùng và trung tâm giao thoa như Thái Nguyên mà đội ngũ người viết trẻ những năm gần đây còn khá mỏng, số người viết gần như có thể “điểm tên” chỉ trong một danh sách ngắn. Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng, đội ngũ là khái niệm không có lợi cho văn chương, sáng tạo - lĩnh vực đặc thù trong đời sống tinh thần mỗi chủ thể, mỗi cá nhân, trước khi hòa góp vào đời sống tinh thần cộng đồng. Việc khơi gợi cảm hứng, nuôi dưỡng đam mê, tạo lập môi trường, hỗ trợ các điều kiện hữu ích là việc cần làm của những người đi trước, nhưng sự lựa chọn và những bước đi lại là câu chuyện thuộc về mỗi cá nhân của những người viết trẻ.

Nhìn vào từng người viết và đặt họ lại cạnh nhau, có thể thấy Thái Nguyên đang có một lứa người viết trẻ còn khiêm nhường về số lượng, khá lặng lẽ trong việc xuất hiện hay giới thiệu và quảng bá tác phẩm, nhưng đáng nói hơn và quan trọng hơn là họ đều có sự nghiêm túc, sâu sắc trong lựa chọn con đường sáng tác, đều thể hiện được bản thể và nội lực của mình. Với văn chương, đó là điều thật đáng mừng, đáng trân trọng.

Nếu có điều mong muốn hơn nữa, là một người trong cuộc, tôi tự thấy rằng những người viết trẻ Thái Nguyên cần một sự bứt phá thực sự, cần một cuộc lên đường thực sự, để hi vọng tìm thấy mình ở một biên độ khác. Viết, nó là một cuộc chữ nghĩa đến độ, không có chỗ cho sự cầm chừng.

Phạm Văn Vũ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy