Thứ bảy, ngày 04 tháng 05 năm 2024
01:26 (GMT +7)

Tục lạ châu Phi

Châu Phi là lục địa lớn thứ hai thế giới sau châu Á, song lại là nơi có nhiều dân tộc nhất, tới hơn 3.000 dân tộc với nhiều tục lệ, truyền thống kỳ lạ. Nhiều hoạt động của họ đến nay vẫn gây tranh cãi, không rõ nên hay không nên vì có khá nhiều cộng đồng, thậm chí đất nước cùng thực hiện và đã được chấp nhận hàng ngàn đời qua. Hoặc cũng có thể do môi trường, hoàn cảnh phải vậy như tục lấy nhiều vợ, tục săn bắn kiếm ăn, tục ra ở rừng chứng tỏ sự trưởng thành… Tuy nhiên, dù là tục lệ gì nó cũng có nét đẹp và ý nghĩa riêng, tạo cho châu Phi một vẻ đẹp độc đáo, hiếm gặp.

Tục nhảy lửa của thầy cúng


Một trong những tục “kì lạ” đó là nhổ nước bọt vào người khác, thường được biết ở người Maasai tại Kenya và Tanzania. Với họ, đây là một lời chào, tựa như Hello trong tiếng Anh và bắt tay giữa các quý ông châu Âu. Hơn thế, còn là sự cầu chúc và cử chỉ âu yếm, thương mến mà cha mẹ, anh em dành tặng thân quyến. Khi một đứa trẻ đầy tháng, thay vì vuốt ve như cách nghĩ thông thường, cả nhà sẽ bu lại, nhổ vào người em một chút nước bọt hay một chút sữa bò vừa vắt. Hoặc khi con gái đi lấy chồng, cha và anh cũng đến để nhổ vào trán của cô, kế tới là họ hàng, lối xóm gần xa. Tất cả là để chúc phúc, mong cô có được tình yêu của mọi người và cuộc sống hôn nhân thuận lợi, dài lâu. Người ta có thể nhổ ở bất cứ đâu trên người đối diện, hoặc là nhổ vào tay mình rồi bắt tay người đó.

Tục nhổ nước miếng

Do điều kiện khó khăn, đa số nam nữ các dân tộc ít người ở châu Phi đều trải đời rất sớm, ý là hòa nhập với môi trường và xã hội từ nhỏ. Từ bảy, tám tuổi theo tục tự thân vận động, độc lập, trẻ em đã phải ra khỏi nhà ở tít đâu đó xa xa so với gia đình nhằm tự kiếm sống và cho dạn dày sương gió. Đến tuổi trưởng thành, nhằm được công nhận mình đã lớn, cả trai lẫn gái đều phải qua các bài kiểm tra nghiêm ngặt, ví dụ như nhảy cao ở người Maasai, cá biệt là đi săn khỉ đột, sư tử mà không cầm vũ khí để dành được vị trí Moran. Và với những người chăn bò Hamer tại Ethiopia thì bé trai phải nhảy qua cả chục con bò xếp thành hàng ngang bốn lần không ngã và nếu số bò hay khoảng cách càng cao thì sẽ nhận được danh hiệu Maza, biểu hiện cho sự đủ chín chắn để lấy vợ - lập gia đình, còn không đạt sẽ mãi được coi là “cậu bé” trong làng, cả đời phải sống độc thân.

Người Fulani ở Nigeria lại có suy nghĩ khác, đó là trai tráng phải biết chịu đòn, chịu được sức nặng của công việc và gia đình, thế là cứ chàng trai nào muốn lấy vợ sẽ trải qua lễ Sharo trước mặt người yêu hay nhà vợ tương lai. Anh vợ, em vợ hay ai đó trong nhà gái sẽ dùng roi, gậy đánh tới tấp vào lưng anh. Cá biệt đối thủ cạnh tranh cũng được quyền đánh anh khoảng 10 roi và nếu anh không kêu, không khóc mới chứng tỏ bản lĩnh đàn ông và sức trẻ trai. Thông thường, nhà gái sẽ đánh nhẹ thôi, song các địch thủ thì đánh rất nặng đến nỗi bầm tím cả lưng mà anh vẫn phải cắn răng nhẫn nhịn hoặc mỉm cười vì nếu phát ra tiếng kêu sẽ mất vợ ngay lập tức. Điều này cực kỳ dễ hiểu vì ở châu Phi còn có tục cướp vợ và bắt cóc cô dâu.

Cũng trong cộng đồng nói tiếng Fulani, người Wodaable có việc cướp cô dâu, người yêu của kẻ khác. Bất kể cô gái nào đã có chồng, bạn trai hay chưa, các anh chàng cũng có thể gạ gẫm vào ngày hội Gerewol (ngày của sự hòa hợp) vào tháng chín và hễ cô gái chấp nhận đi theo anh thì cả gia đình dâu rể cũng không cấm cản nổi. Thay vì dùng bạo lực cướp dâu, các thanh niên chưa vợ sẽ dùng sắc đẹp, sự đong đưa, nhún nhảy để quyến rũ một cô gái. Vào đêm hội tưng bừng, họ sẽ bôi son, đánh phấn, trang điểm và ăn mặc thật lộng lẫy đồng loạt đứng trước cửa nhà nàng mà nhảy múa, dùng tất cả các động tác gợi cảm hay hoang dại nhất như trợn mắt, nhe răng để thu hút nàng. Người đẹp, thắng cuộc là người có chiều cao, khuôn mặt cân đối, mũi mảnh, răng trắng, mắt to… Nhằm chống trả đối thủ, bạn trai cô cũng có thể tham gia song trước đám đông áp đảo, anh rất dễ bị thua mà phải nhường vợ vì bản thân mình đã không còn sức hấp dẫn nữa. Song không buồn, anh sẽ sang nhà khác trồng cây si.

Khi một chàng trai Latuka ở Sudan muốn lấy vợ, anh sẽ bắt cóc một cô gái, mang về. Có trường hợp cô gái đồng thuận đi theo, song nhiều trường hợp là giằng co, chống trả, giãy giụa bởi giữa “kẻ cướp” và “người bị hại” nhiều khi không biết mặt, biết rõ về nhau, hay ít ra cô gái không biết về chàng trai. Còn về phần anh, sau khi để ý thấy cô gái xinh đẹp, ưng bụng, thì lén theo sau về nhà cô, ra mắt “bố vợ tương lai”, xin cưới, nếu ông gật đầu thì mai “bắt dâu” luôn. Nếu ông không gật đầu, anh cũng sẽ cố gắng lấy nàng cho bằng được. Và cái giá phải trả cho việc này rất đắt - hoặc là bị đánh thương tật hoặc phải đưa một món tiền thách cưới khổng lồ. Có rất nhiều dân tộc ở châu Phi có tục thách cưới, chẳng hạn người Lobola của Nam Phi thách cưới rất cao, bằng hàng chục con dê, con bò… Cả dâu lẫn rể, nhà dâu, nhà rể nhiều khi không gặp nhau, không nói với nhau lời nào, cho đến khi sính lễ đầy đủ mang sang. Sính lễ không đủ, khỏi tiếp.

Con dê, con bò và bắp ngô với người châu Phi vô cùng quan trọng do chúng là thước đo sự giàu có. Thay vì xây nhà cao tầng, ăn vận sang chảnh, người Pokot ở Kenya thích gia súc hơn. Họ sống rất xuề xòa song ai nấy đều có đàn bò đông đúc. Trước khi quyết định lấy ai, cô gái sẽ đến nhà của họ, đếm số lượng đầu bò xem của anh nào nhiều hơn sẽ lấy anh ấy.

Đất đai rộng rãi là một phần, song nhiều thổ dân châu Phi đều có quan niệm nam nữ nên ở riêng. Vì thế, mẹ ở một nhà, bố ở một nhà, anh chị em cũng vậy như trường hợp của người Gio thuộc Bờ biển Ngà. Tại đây, sau khi lấy chồng, người phụ nữ sẽ có một nhà riêng thật to để sinh nở, nuôi nấng con cái tại đó, chồng chỉ ghé qua vài lần rồi đi, thành thử đôi khi con không rõ mặt cha.

Thường nhiều đứa trẻ không sống bên cha, do cha suốt ngày bận rộn đi làm như chăn thả xa nhà, khá nhiều tuổi thơ châu Phi đều lớn lên dưới sự nuôi dạy của người bác hay chú. Đơn cử là ở dân tộc Songo của Angola. Cứ năm, sáu tuổi, các bé trai đều được gửi sang nhà ngoại, cho ở với các bác hay cậu ruột. Và dĩ nhiên, họ sẽ nghe lời cậu hơn lời cha khi có các sự kiện trong gia đình.

Mặc dù đẻ nhiều, nhưng ở nhiều nơi tại châu Phi người ta không đặt tên cho trẻ và nếu đặt cũng theo danh sách giới hạn do sợ bị “ma” bắt. Họ cũng hay cho bệnh tật là do ma quỷ gây ra nên thường nhờ thầy đồng, thầy cúng nhảy múa chữa bệnh. Đặc biệt người San ở Namibia và Botswana có điệu múa nhảy lửa của thầy shaman, mà khi khám bệnh ông sẽ sờ vào người, kéo con ma ra khỏi bệnh nhân, đồng thời nhảy múa trên lửa hàng giờ để kêu gọi sự phù hộ của thần linh đến khi người bệnh tỉnh táo.

Vốn là chiến binh, thợ săn, nhiều bộ lạc ở châu Phi không ngại sống cạnh thú dữ. Tiêu biểu là người Maasai, sau khi chuyển sang chăn bò, họ vẫn không ở một chỗ mà lang thang khắp nơi trong các khu bảo tồn, lùa bò đi lại trước cả một bầy sư tử hung dữ và chỉ tự vệ bằng một cây gậy hay giáo dài. Một số dân tộc khác cũng coi thú hoang là một thành viên của gia đình hay bộ tộc nên cứ thoải mái cho chúng mon men, lai vãng quanh nhà mà không đuổi đánh. Có thể nói họ có tục sống cùng các con thú.

Tục trát bùn đỏ của người Himba tại Nambia

Tuy rằng chai sạn mưa nắng, song nhiều người ở châu lục này cũng biết làm đẹp. Như người Himba tại Nambia thường bôi tóc, bọc tóc trong bùn đỏ, thậm chí trát người đỏ lòm. Họ để đó cả tháng không tắm hay gội, nhằm vừa tránh được sự oi bức, vi khuẩn vừa tạo nên nét đẹp riêng biệt. Đã từng có rất nhiều tộc người Phi châu có tục căng tai, căng môi và đến giờ còn một số mà điển hình là người Surma ở Sudan hay Mursi ở Ethiopia duy trì điều này. Từ nhỏ, các bé gái ở đây đã được bà và mẹ xiên những mẩu gỗ, viên sỏi vào tai và môi, cứ thế tăng dần theo thời gian để tới tuổi cập kê đút vừa một đĩa đất to từ tám đến 20 centimet. Người ta cho thế là đẹp, phi phàm, cuốn hút.

Tục căng môi

Nam giới Ahaggaren Tuareg ở Algeria lại giữ gìn nhan sắc bằng cách quấn khăn quanh mặt suốt ngày. Họ chỉ bỏ khăn ra khi ở trong nhà hay giữa cộng đồng của mình. Lý do thật sự là vì nắng nóng của sa mạc Sahara khiến mặt mũi cháy bỏng, thêm nữa vì họ vốn là những chiến binh dữ dằn, một mất một còn nên che khăn nhằm tự vệ. Đã từ lâu, họ nhận nhiệm vụ chuyên chở hàng qua các chuyến caravan, đưa người từ Tây Phi đi khắp thế giới nên việc che đậy cũng là lẽ thường và giúp ai cũng giống ai.

Tại Mauritania, đối với nam giới, da trắng hay vàng không bằng có một thân thể mũm mĩm, nên nhiều người thường lấy vợ thật béo, ngược lại phụ nữ lại thích chồng gầy và cao như cái sào. Thành thử cặp đôi nào cũng như “con số 1 và số 0”.

Ngoài mạnh mẽ như vẻ ngoài hay sức chịu đòn roi, ở Somalia, nam giới còn chứng tỏ độ mạnh tay bằng cách đánh vợ ngay trước mặt nhà nàng để cho nàng rõ chàng mãnh liệt như thế nào...

Chu Mạnh Cường

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy