Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
04:44 (GMT +7)

Tư tưởng “trọng dân” của Trần Nhân Tông và Hồ Chủ tịch

VNTN - Trần Nhân Tông là vị vua có những hành động nhân từ với nhân dân, và có cả những việc làm cứng rắn với đội ngũ quan lại. Tiếp theo tư tưởng “trọng dân” của Trần Nhân Tông, được phát triển trên một tầm cao mới của thời đại mới của dân tộc Việt Nam là tư tưởng “trọng dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 


Trần Nhân Tông: “cố kết lòng dân”

Trần Nhân Tông (1258-1308), là vị vua thứ ba của nhà Trần, trị vì 15 năm (1278-1293) và làm Thái Thượng hoàng 15 năm (1293-1308). Thời gian ở ngôi vua, Trần Nhân Tông đã hai lần lãnh đạo quân dân nhà Trần đánh bại quân xâm lược Nguyên - Mông vào năm 1285 và năm 1287. Sau khi sạch bóng quân thù, đất nước trở lại thái bình nhưng đầy rẫy đau thương, mất mát. Bởi vậy, trong bài thơ “Tụng giá hoàn kinh sư”, Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải với chức Thượng tướng Thái sư đã khuyên vua Trần nên bắt tay ngay vào việc xây dựng lại đất nước: “Đoạt sáo Chương Dương độ/Cầm hồ Hàm Tử Quan/Thái bình tu trí lực/Vạn cổ thử giang san” (“Bến Chương Dương cướp giáo/Cửa Hàm Tử bắt thù/Thái bình nên gắng sức/Non nước cũ muôn thu”). Tư tưởng của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cũng là “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ, bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước”. Bởi vậy, Trần Nhân Tông rất coi trọng việc đem lại cuộc sống thái bình, an cư lạc nghiệp cho nhân dân.

Khi bàn về việc triều chính dân sinh, thấy Trần Anh Tông thăng quan tước cho hàng trăm người, Trần Nhân Tông lúc đó là Thái Thượng Hoàng tức giận đến mức vất cái danh sách dài dằng dặc ấy ra giữa sân rồng và nói như thét lên bằng tiếng thét xé lòng: “Đất nước bé bằng bàn tay, quan nhiều như thế, dân làm sao sống nổi?”.

Năm 1293, Trần Nhân Tông bỏ ngôi vua, xuống tóc tu hành tại hành cung Vũ Lâm, Ninh Bình. Đến năm 1299, khi dời đến Yên Tử (Quảng Ninh), ngự tại am Ngự Dực, Người đã sáng lập nên Thiền phái Trúc lâm Yên Tử, lấy pháp hiệu là Đầu đà Hoàng giác Điều ngự. Người đã quyết chí tu hành với câu nói nổi tiếng “Ta đã trút bỏ ngôi vua như trút bỏ đôi giày rách”. Bởi trong tâm thức Trần Nhân Tông mọi thứ có lợi cho dân, cho nước Ngài đều tận lực gắng sức. Hoàn cảnh thúc đẩy vua đi vào cửa Phật chính là dân tộc Đại Việt đã trải qua 3 lần kháng chiến chống Nguyên Mông, bao nhiêu cảnh chết chóc tang thương đã xảy ra. Với lòng từ bi vốn có, Người không thể không vì nhân dân mà xả thân cứu giúp. Ngồi trên đỉnh Yên Tử hư vô, Phật hoàng vẫn nhìn về phương Bắc, canh giữ cho sự thái bình của thiên hạ, không để cho lũ giặc phương Bắc quấy nhiễu Đại Việt.

Đối với phương Nam, để tiếp tục củng cố và phát huy mối quan hệ hòa hiếu giữa Đại Việt và Champa, năm 1301 Trần Nhân Tông với cương vị một đại sư đã nhân sứ giả của vua Champa sang cống lễ vật đã theo sứ bộ thăm đất nước láng giềng phương Nam này trong 5 tháng (từ tháng 3 đến tháng 8 năm 1301). Đây là một cuộc viếng thăm ngoại giao đặc biệt, người cầm đầu bề ngoài là một đại sư nhưng thực sự vẫn là một Thái thượng hoàng đầy quyền lực. Chính trong cuộc viếng thăm này, nhà vua đã hứa gả công chúa cho vua Chế Mân nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ Đại Việt - Champa, một quan hệ láng giềng chống họa xâm lược phương Bắc mà trước đó nhà Nguyên đã ra sức lợi dụng.  

Hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vở kịch “Bác không phải là vua” của Trung tâm Văn hoá tỉnh Thái Nguyên tại Liên hoan Sân khấu kịch toàn quốc tại Huế 2012. Ảnh: Nguyễn Văn Toàn

Năm 1306 vua Trần Anh Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Champa Chế Mân và Chế Mân đã đem hai châu Ô, Lý làm vật dẫn cưới. Năm 1307, nhà Trần đổi hai châu Ô, Lý thành châu Thuận và châu Hóa. Lúc đầu, một bộ phận cư dân Champa trên đất Ô, Lý như các thôn La Thủy, Tác Hồng, Đà Bồng không tôn thuận, nhưng nhà Trần cử một trọng thần là Tham tri chính sự Đoàn Nhữ Hài, người đã đi sứ Champa, về tận nơi phủ dụ, ban hành chính sách bổ dụng người Champa làm quan, cấp ruộng đất, tha tô thuế trong 3 năm.

GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng phải thừa nhận rằng “Người thiết kế cuộc hôn nhân ngoại giao này là Thượng hoàng Trần Nhân Tông, người thực thi là vua Trần Anh Tông và người vì nước chấp thuận làm hoàng hậu một quốc vương láng giềng phương Nam là công chúa Huyền Trân. Sau khi xuất gia, vua Trần Nhân Tông vẫn tham dự việc nước và để lại một công lao to lớn như vậy”.

Phật hoàng nhập cõi Niết bàn vào ngày 16 tháng 12 năm 1308, hưởng dương 51 tuổi, được an táng ở lăng Quy Đức, phủ Long Hưng (nay thuộc tỉnh Thái Bình), xá lỵ cất ở bảo tháp am Ngọa Vân. “Đại Việt sử ký toàn thư” của các sử gia thời Hậu Lê nhận định về Trần Nhân Tông: “Vua nhân từ hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thuở trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần” (Xem: “Đại Việt sử ký toàn thư”, t.2, Bản in Nội các quan bản, Nxb. Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2000, tr.64). Nhưng sau đó, Nhà Trần dần suy kiệt. Một phần là do đội ngũ quan lại ngày càng “phình to” và ngày càng tăng cường bóc lột nhân dân. Trần Khánh Dư, viên tướng già từng đi bán than, có công lao đánh giặc giữ nước cũng đã khẳng định về mối quan hệ quan dân trước vua Trần Anh Tông rằng: “Tướng là chim ưng, quân dân là vịt, lấy vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ?”.

Do đó, từ đời vua Trần Dụ Tông (1341 - 1369) về sau, triều đại nhà Trần bắt đầu lâm vào tình trạng khủng hoảng. Các vị vua Trần bất tài, hèn kém, chỉ lo ăn chơi, không nghĩ gì đến giang sơn, xã tắc. Như vua Dụ Tông có tật nghiện rượu, mê đàn hát, xa xỉ, làm cung điện nguy nga và tường vách trạm trổ, lãng phí tiền của đất nước và công sức của nhân dân không sao kể xiết.

Bậc làm vua đã như vậy, quý tộc và quan lại cũng không khá hơn. Một bộ phận a dua, xu nịnh, chia bè kéo cánh, tranh giành quyền lợi, chèn ép nhân dân; bộ phận khác chán nản, bạc nhược, chỉ cầu yên phận. Vua quan nhà Trần không lo cho đê điều khiến đê sông Hồng bị vỡ 9 lần, lũ lụt, mất mùa, đói kém diễn ra thường xuyên. Khởi nghĩa nông dân, nô tì bùng phát càng khiến cho xã hội Đại Việt thêm rối loạn.

Thái học sinh Nguyễn Phi Khanh, sống gần gũi với nhân dân, đại diện cho tiếng nói của xã hội lúc bấy giờ đã cảm thán viết:

“Ruộng lúa ngàn dặm đỏ như cháy

Đồng quê than vãn trông vào đâu

Lưới chài quan lại còn vơ vét

Máu thịt nhân dân cạn nữa rồi”.

Xem như nhà Trần thời kỳ đầu nước mạnh cũng do có vua anh minh, xem dân như con như Trần Nhân Tông, còn về sau nước yếu cũng là do vua kém, xem dân như cỏ rác như Trần Dụ Tông.

Hồ Chủ tịch: “Không có gì quý bằng nhân dân”

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói lên được vị trí - vai trò cán bộ cách mạng đối với nhân dân hết sức sâu sắc. Đó là không có “ông quan cách mạng”, chỉ có cán bộ cách mạng là “đầy tớ của nhân dân”. Tư tưởng Hồ Chí Minh rất gần với tư tưởng của Trần Nhân Tông.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không nói đến những lý luận cao xa về chủ nghĩa xã hội, mà Người nói một cách giản dị, dễ hiểu: “Nói một cách tóm tắt, mộc mạc thì chủ nghĩa xã hội trước hết là làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một cuộc đời hạnh phúc”, “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, người già không lao động được thì được nghỉ ngơi...”.

Khi được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch nước, Người đã tuyệt đối khẳng định: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh, phú quý chút nào. Bây giờ gánh vác chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng làm, cũng như một người lính vâng lệnh quốc dân ra trước mặt trận”.

Nói về trách nhiệm của Đảng đối với nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Hễ còn một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ. Cho nên Đảng vừa phải lo tính công việc lớn như đổi mới nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành nền văn hóa tiên tiến, đồng thời luôn luôn quan tâm đến những công việc nhỏ như tương, cà, mắm, muối cần thiết cho đời sống hàng ngày của nhân dân”. Bởi Người khẳng định: “Ngoài lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân thì ta hết sức tránh”. Cho nên: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm, Đảng và Chính phủ có lỗi”.

Trong bản Di chúc thiêng liêng của mình gửi lại cho những thế hệ sau, Bác viết: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bốc lột, lại phải kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Chúng ta sẽ nhận thấy rằng trong bản Di chúc của mình, Bác đã 17 lần nhắc đến chữ “Nhân dân”. Và những chữ “Nhân dân” Bác đều gạch dưới.

Trong mối quan hệ giữa cán bộ và nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ “cán bộ không có đội viên, lãnh tụ không có quần chúng thì không làm gì được”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức mạnh của Đảng nằm trong mối quan hệ giữa Đảng với dân và dân với Đảng: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Khi sức dân được huy động, được tổ chức, được tập hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng thì thành vô địch”, “Làm việc gì cũng phải có quần chúng. Không có quần chúng thì không thể làm được... Việc gì có quần chúng tham gia bàn bạc, khó mấy cũng trở nên dễ dàng và làm được tốt”. Người nhấn mạnh: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn căn dặn: “Cán bộ, đảng viên phải nâng cao tinh thần phụ trách trước Đảng và trước quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Phải kính yêu nhân dân. Phải tôn trọng thật sự quyền làm chủ của nhân dân. Tuyệt đối không được lên mặt “quan cách mạng”, ra lệnh, ra oai... phải khiêm tốn, gần gũi quần chúng, không được kiêu ngạo”. Về cách học tập của người cán bộ cách mạng, trong mục “học ở đâu”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn”.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Luận điểm về con người của Hồ Chí Minh là luận điểm về các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân lao động, tin ở dân, dựa vào dân, bồi dưỡng sức dân, phát huy năng lực của dân. Lực lượng cách mạng theo Hồ Chí Minh là lòng dân, có lòng dân là có tất cả, mất lòng dân là mất hết”.

Trên Báo Nhân Dân, PGS. TS Ðức Vượng cũng đã nhận xét: “Trọng dân, gần dân, thân dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, vì nhân dân quên mình, chăm lo đến lợi ích của dân, dân chủ với dân, thật sự tôn vinh nhân dân làm chủ xã hội là một tư tưởng lớn, mang tính văn hóa, nhân văn, nhân đạo cao cả và tính cách mạng, tính nhân dân sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người tận tâm suốt đời với sự nghiệp đấu tranh để giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng con người”.

Huế, ngày 11/10/2016

Nguyễn văn Toàn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy