Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
09:42 (GMT +7)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về hòa giải, hòa hợp dân tộc

VNTN - Trong hệ thống các quan điểm lý luận, đường lối chiến lược và sách lược của tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta vận dụng linh hoạt, sáng tạo, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời nhiều vị trong chế độ cũ tham gia Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, 1946. Ảnh tư liệu.

Dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc/Hồ Chí Minh, ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã đề ra đường lối chủ trương hòa giải, hòa hợp dân tộc nhằm đoàn kết toàn dân tộc để đánh đổ thực dân, phong kiến, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Xuất phát từ đường lối đã xác định trong "Chánh cương vắn tắt", "Sách lược vắn tắt" của Đảng chủ trương thu hút rộng rãi các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh đoàn kết rộng rãi của toàn dân tộc chống thực dân, phong kiến. Theo đó, Đảng ta chủ trương phải dựa vào dân cày làm thổ địa cách mạng, đánh đổ bọn đại địa chủ và phong kiến. Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, thanh niên… để kéo họ đi vào phe giai cấp vô sản…

Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, tháng 1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc, với khát vọng cháy bỏng là "làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành". Với nhãn quan chính trị sắc sảo và những trải nghiệm trong những năm tháng đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh nhận ra rằng, muốn cứu nước, giải phóng dân tộc thì chỉ có "đem sức ta mà giải phóng cho ta". Tuy nhiên, thực tiễn lại đặt ra những thách thức vô cùng to lớn cho mục tiêu của cách mạng Việt Nam. Đất nước sau hơn 80 năm chịu sự đô hộ và áp bức, bóc lột tàn bạo của chủ nghĩa thực dân và chế độ phong kiến đã trở nên kiệt quệ, nghèo nàn, lạc hậu, nhân dân cơ cực, lầm than. Trong khi đó, cùng lúc chúng ta lại phải đối mặt với rất nhiều kẻ thù, đó là chủ nghĩa thực dân, đế quốc, có sức mạnh kinh tế, quân sự to lớn hơn ta rất nhiều lần, cùng với đó là những phần tử phản động, bán nước cầu vinh và giai cấp địa chủ phong kiến. Sự chênh lệch to lớn trong cán cân lực lượng giữa ta với thế lực thù địch và chính sách phong tỏa của chúng đã trở thành thách thức sống còn đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Vấn đề hòa hợp, hòa giải, đoàn kết hợp toàn dân tộc, phát huy sức mạnh bên trong, tranh thủ sức mạnh bên ngoài là đòi hỏi khách quan của cách mạng Việt Nam. Trên cơ sở thấm nhuần lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, về nghệ thuật phân hóa kẻ thù, kết hợp với truyền thống hòa hiếu và kinh nghiệm hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, Hồ Chí Minh nhận ra rằng trong khi thực lực của ta còn hạn chế, kẻ thù vừa mạnh vừa đông, thì "muốn làm cách mạng thắng lợi thì phải phân biệt rõ ai là bạn ai là thù, phải thực hiện thêm bầu bạn, bớt kẻ thù". Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, với cương vị là Chủ tịch nước, trong Thư gửi đồng bào Nam Bộ đăng trên báo Cứu quốc số 255 ra ngày 1/6/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên, ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc sẽ vẻ vang".

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kiên định nguyên tắc: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, không ai có thể chia cắt được", "Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!".

Tư tưởng Hồ Chí Minh về hòa giải, hòa hợp dân tộc trước hết là phải phân biệt tường minh giữa nhân dân yêu nước với bọn phản động, hiếu chiến. Chủ trương đó đã phân hóa, làm cho kẻ thù bị cô lập. Hồ Chí Minh chủ trương khoan hồng, đại độ với những người Việt Nam đã từng làm tay sai cho đế quốc, thực dân, qua đó, cô lập kẻ thù bằng cách cảm hóa, lôi kéo những người Việt lầm đường trở về với chính nghĩa, với dân tộc; loại bỏ "vây cánh", phần tử tay sai của chúng. Xuất phát từ quan điểm đó, Người chủ trương: "Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ".

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về hòa giải, hòa hợp dân tộc, các Hiến pháp Việt Nam, từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013, đều quy định rõ ràng về vấn đề dân tộc. Điều 5, Hiến pháp năm 2013 quy định: 1) Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam; 2) Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc; 3) Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình…

Sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Văn hóa - xã hội có bước phát triển; bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được tăng cường. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

 

Bút tích bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Nam Bộ trước khi sang Pháp đàm phán, năm 1946

Tuy nhiên, hiện nay, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của chúng ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra tiếp tục tồn tại, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nguy cơ "diễn biến hòa bình" của thế lực thù địch nhằm chống phá nước ta; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí diễn biến phức tạp. Bảo vệ chủ quyền biển, đảo đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn. Tình hình chính trị - xã hội ở một số địa bàn còn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định. Vì vậy, việc tiếp tục vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về hòa giải, hòa hợp dân tộc, đấu tranh làm thất bại âm mưu "diễn biến hòa bình", chống phá quá trình hòa hợp dân tộc, gây chia rẽ đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch là vấn đề rất cấp thiết. Thực tế cho thấy, các thế lực thù địch, phản động luôn tìm mọi cách tuyên truyền xuyên tạc, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc của Việt Nam, từ đó gây mất an ninh quốc gia, tạo cơ hội để các thế lực bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta. Chúng muốn đất nước ta luôn mất ổn định, thậm chí rơi vào cảnh "nồi da nấu thịt" như đã diễn ra ở một số nơi trên thế giới; kích động quan điểm đề cao lợi ích cục bộ của mỗi dân tộc, chia rẽ tình đoàn kết thống nhất và từ bỏ những lợi ích chung của dân tộc Việt Nam; dung dưỡng tư tưởng chống đối, ly khai. Chúng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, kích động đồng bào các dân tộc khiếu kiện đòi đất đai, gây rối an ninh trật tự, làm cho tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là ở các tỉnh biên giới, miền núi trở nên phức tạp. Chúng tìm mọi cách xuyên tạc lịch sử, bóp méo sự thật, phủ nhận đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm gây mất đoàn kết trong nội bộ các dân tộc, chia rẽ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, kích động tư tưởng ly khai, móc nối, tạo dựng lực lượng chống đối, xây dựng khung chính quyền ngầm trên địa bàn chờ thời cơ tổ chức gây bạo loạn, tạo cớ để can thiệp, lật đổ, phá hoại thành quả cách mạng.

Các thế lực thù địch phản động ở trong nước và nước ngoài cố tình bóp méo sự thật, cáo buộc rằng, do chính quyền trong nước đối xử thậm tệ với những người từng phục vụ cho chế độ Việt Nam Cộng hòa và không hề quan tâm việc hòa hợp dân tộc. Thậm chí, chúng còn lớn tiếng cho rằng, đối với người Việt Nam thì không thể có hòa giải, hòa hợp dân tộc; hay đặt ra điều kiện, ngày nay muốn hòa hợp thì chế độ chính trị trong nước phải được thay đổi, v.v và v.v.. Đặc biệt, những người không có thiện chí với chế độ chính trị trong nước vu cáo Đảng Cộng sản và chính quyền trong nước đã "bỏ rơi" kiều bào nước ngoài để phủ nhận việc Đảng ta luôn coi cộng đồng người Việt ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam…

Do đó, hiện nay và trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục đấu tranh vạch trần âm mưu lợi dụng vấn đề hòa hợp dân tộc để chống phá cách mạng Việt Nam. Đây là cuộc đấu tranh lâu dài, phức tạp và là trách nhiệm của các cấp, các ngành, sự tham gia của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, không chỉ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt mà còn mang tính chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Vũ Khanh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy