Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
17:38 (GMT +7)

Từ đường BOT đến “chùa BOT”

VNTN - Không chỉ nổi tiếng khi gắn với các công trình giao thông mà BOT đã xuất hiện ở một "khái niệm mới" là "chùa BOT" tại hoạt động chất vấn ở kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khoá 14.

Ở tuần làm việc thứ ba (từ ngày 3 đến ngày 7 tháng Sáu), Quốc hội đã dành hai ngày rưỡi chất vấn 5 thành viên Chính phủ, trong đó có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể. Và đường BOT (công trình thực hiện theo hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) gắn với các trạm thu phí tréo ngoe, tất nhiên vẫn chưa hết độ nóng.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, đoàn ĐBQH tỉnh An Giang

Báo cáo trước phiên chất vấn trực tiếp của người đứng đầu ngành giao thông, phần cập nhật kết quả xử lý các bất cập các dự án BOT cho thấy còn không ít khó khăn, vướng mắc. Theo đó, BOT Cai Lậy - một trong những cái tên tai tiếng nhất của lĩnh vực này - đã sẵn sàng thu phí trở lại, nhưng theo nhận định của Bộ và các bên liên quan thì việc này có thành công hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào hỗ trợ của lực lượng công an các địa phương trong khu vực và của Bộ Công an.

 

Trong danh sách các dự án có bất cập cần xử lý có trạm BOT Thái Nguyên - Chợ Mới. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết đã thống nhất với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên về phương án miễn giảm giá cho người dân khu vực lân cận, đang hoàn thiện thủ tục để thu theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

Đáng chú ý, trong các "điểm nóng" BOT còn có 2 trạm có vị trí nằm ngoài phạm vi dự án là Trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài; Trạm Bỉm Sơn - Thanh Hóa.

Người đứng đầu ngành giao thông vận tải cho biết, mặc dù đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và nhà đầu tư triển khai tất cả các biện pháp xử lý, khắc phục bất cập nhưng do nguồn lực (kinh phí) hạn hẹp nên chưa thể xử lý dứt điểm.

Và, trong khi lo ngại về đường BOT chưa có điểm dừng thì quan ngại về "chùa BOT" đã làm nóng nghị trường.

Khi Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện lên "ghế nóng", đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang), Uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng - an ninh của Quốc hội, chất vấn về việc thương mại hóa trong việc xây dựng chùa tâm linh, mà đại biểu "tạm gọi là chùa BOT". Đại biểu Nguyễn Mai Bộ muốn biết, có việc một số quan chức đóng cổ phần vào xây dựng chùa BOT để kiếm lời sau khi công trình hoạt động hay không?. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện mới chuẩn bị trả lời câu hỏi này, từ vị trí điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lên tiếng: "Tôi nói lại không có khái niệm chùa BOT đâu, chúng ta đừng có lấy những công trình tín ngưỡng, tôn giáo để nói như thế là không được, xúc phạm đến tín ngưỡng và tôn giáo là không được".

Trả lời ngay sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, việc thương mại hóa các công trình tâm linh và lợi dụng tâm linh để thương mại hóa và thu lợi bất chính, thực hiện để thu lợi, thực hiện các hành vi mê tín dị đoan, đó là hành vi vi phạm pháp luật cần phải lên án và xử lý theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng cũng nói rõ, "quản lý tôn giáo thuộc trách nhiệm của Bộ Nội vụ, tuy nhiên về khía cạnh văn hóa, quản lý của mình thì tôi chưa có thông tin nào liên quan đến sự đóng góp của các quan chức như đại biểu Nguyễn Mai Bộ nói trong câu hỏi của mình để xây dựng chùa. Chúng tôi cũng đề nghị nếu đại biểu thấy thông tin gì thì có thể cung cấp cho Quốc hội, và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước để xử lý theo quy định của pháp luật".

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói tiếp: "Đại biểu Quốc hội khi chất vấn thì cũng sẽ chịu trách nhiệm với câu hỏi của mình. Do đó những thông tin như Bộ trưởng nói là chưa có thông tin về việc quan chức đóng góp xây dựng chùa rồi là chùa BOT gì đó thì đề nghị nếu đại biểu Quốc hội có thông tin chính xác thì xin cung cấp để Quốc hội cũng giám sát việc này và các cơ quan quản lý nhà nước xem có việc này hay không và xử lý theo đúng quy định". "Có đại biểu cho rằng, một số cán bộ đã góp tiền xây dựng chùa để kinh doanh. Theo báo cáo của Ban Tôn giáo và Bộ Nội vụ nắm được thì đến nay chưa phát hiện cán bộ, công chức nào có góp tiền xây dựng chùa để kinh doanh trục lợi", Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết khi được mời "chia lửa" với Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng khẳng định "không có chùa BOT".

"Là một đại biểu Quốc hội, một tu sĩ Phật giáo, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tôi xin trân trọng báo cáo trước Quốc hội và cử tri cả nước rằng tất cả các chùa trên phạm vi cả nước đều do Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo các địa phương cùng nhân dân địa phương xây dựng và quản lý. Không có chùa nào nằm ngoài hệ thống này, đặc biệt khẳng định không có một chùa nào có sự góp vốn đầu tư xây dựng từ những cá nhân, công chức, tập thể với mục đích kinh doanh mà đại biểu nêu bằng một cụm từ rất mới, rất lạ là chùa BOT", Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nói trong phiên họp được truyền hình trực tiếp..

Nhưng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (thành phố Hồ Chí Minh) vẫn băn khoăn. Ông đề nghị Chính phủ cho biết luôn vì nhân dân rất lúng túng, nhiều khi không biết chùa là ai sở hữu.

"Những người sở hữu chùa làm gì để bảo đảm không có vụ lợi cá nhân, nếu có thì có luật pháp gì để quản lý việc này hay không. Kinh nghiệm của các nước như thế nào, quản lý nguồn thu như thế nào cho đúng pháp luật và chân chính. Bởi truyền thống dân tộc ta bao đời nay, mọi người đến chùa là tự nguyện công đức, không phải tốn kém gì cả. Từ người nghèo nhất cho đến người giàu, những ai có thiện chí ủng hộ xây cái này cái kia, tặng cái này cái kia thì hoàn toàn vô vụ lợi, không khai thác cho lợi ích của cá nhân mình. Do đó, chúng tôi đề nghị Chính phủ có trả lời rõ ràng là chúng ta quản lý các sở hữu, các công trình tâm linh như thế nào và các nguồn thu được quản lý thế nào để đáp ứng đúng nhu cầu tâm linh một cách chân chính", ông Nghĩa nêu chất vấn.

Đại biểu Nghĩa, cũng chính là người khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trước đó đã phản ánh, tình trạng khu du lịch tâm linh, chùa chiền vài trăm ha nhưng nhà đầu tư được cấp đến vài nghìn ha, có những trường hợp được cấp chục nghìn ha, có sự nhập nhằng giữa công và tư. Và băn khoăn ở đây là Nhà nước bỏ ra chục ngàn ha đất đai rừng biển thì thực ra là có sự đầu tư lớn tài sản công và sau đó thuộc quyền kiểm soát của nhà đầu tư tư nhân. Rất tiếc, chất vấn này chưa có câu trả lời rõ ràng. Vì thế, những băn khoăn về "chùa BOT" có lẽ sẽ còn song hành với lo ngại về đường BOT, tại nghị trường và cả ngoài cuộc sống.

Trúc Bạch

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy