Thứ sáu, ngày 18 tháng 04 năm 2025
14:35 (GMT +7)

Truyền thông và việc bảo vệ trẻ em

VNTN - Những ngày vừa qua, cả thế giới hướng về Thái Lan trong cuộc giải cứu 12 cầu thủ nhí đội bóng Lợn Hoang và người huấn luyện viên sau 17 ngày mắc kẹt trong hang Tham Luang. Kéo theo sự kiện là những headlines (tiêu đề), brealing news (tin giật gân) của hầu như truyền thông toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Khi thông tin về tai nạn “mất tích” của nhóm cầu thủ Lợn Hoang trong hang động Tham Luang lan rộng truyền thông toàn cầu, cùng lúc là cuộc tìm kiếm cứu nạn của lực lượng chuyên nghiệp quốc tế cùng các đặc nhiệm SEAL Mỹ và Thái Lan… Cho đến khi tìm được họ, thì tất cả các cơ quan thông tấn, các hãng truyền thông thế giới chỉ có duy nhất một tấm ảnh chụp như là bằng chứng xác thực, họ bình an và đang chờ được giải cứu. Trước đó cũng chỉ có một tấm hình chụp cả đội trước khi “mất tích” được đăng tải.

Chiến dịch giải cứu kéo theo sự quan sát và đưa tin của truyền thông quốc tế. Tất cả bình an ra khỏi hang sâu trong một hành trình thoát hiểm cực kỳ gian nan và nguy hiểm… Điều đặc biệt nhất chính là, không một bức ảnh nào của đội bóng Lợn Hoang trong quá trình thoát hiểm hay sau khi thoát ra khỏi hang bị lọt ra ngoài truyền thông, không một cuộc phỏng vấn cá nhân nào, hay bất kỳ danh tính của các em bị tiết lộ.

Ngay từ đầu, Hội đồng báo chí Thái Lan đã đề nghị truyền thông đưa tin một cách phù hợp về cuộc giải cứu theo nguyên tắc “cần phải kín đáo và tôn trọng quyền riêng tư”... Họ đã tạo một “hàng rào đỏ” đúng luật pháp quốc tế, đúng cả nghĩa đen, nghĩa bóng đối với truyền thông để bảo vệ quyền nhân thân các em. Khuyến cáo các ký giả nếu muốn phỏng vấn các em thì “trước hết phải gặp bác sĩ tâm lý để bảo đảm những câu hỏi đặt ra thích hợp với các em, không tạo ra hiểu lầm, làm tổn thương thêm một lần nữa…”. Phát biểu trên tờ The Nation, phát ngôn viên Bộ Tư pháp Thái Lan cũng cảnh báo về Đạo luật Bảo vệ Trẻ em, cấm bất cứ ai xuất bản thông tin về trẻ vị thành niên và cha mẹ của họ với mục đích gây thiệt hại (tinh thần, tâm lý…).

Chính vì thế, cuộc giải cứu Lợn Hoang trên truyền thông quốc tế chỉ có hình ảnh liên quan đến công việc và thành viên cứu nạn. Ngay cả khi các em được đưa ra bên ngoài, không chỉ che chắn để bảo đảm “thợ săn ảnh” cũng không thể chụp trộm, họ còn giấu danh tính để bảo đảm cho một sự công bằng và nhân văn với tất cả các em và gia đình các em.

Có một khoảng cách rất xa về nhận thức trong tác nghiệp của các phóng viên và các ban biên tập về vấn đề bảo vệ hình ảnh nhân thân trẻ em trong sản xuất tin bài. Nếu trường hợp này ở Việt Nam, chắc chắn không dưới vài trăm bài của vài trăm cơ quan truyền thông, báo chí đủ loại hình sẽ “khai thác” không bỏ sót bất kỳ chi tiết nào. Không chỉ về danh tính, mà còn miêu tả kỹ lưỡng về sở thích, sở trường, thậm chí cả học bạ của các em, rồi gia đình bè bạn thầy cô cũng trở thành đối tượng để khai thác… Các phóng viên lại “túc trực” cửa hang, giành nhau chụp khi đưa trẻ ra, rồi ào ào kéo nhau đến bệnh viện để “dí” từ bác sĩ đến y tá, hộ lý, y công chăm sóc các em, thậm chí có khi còn ép các em mô tả lại khoảng thời gian gặp nạn, hay lúc thoát hiểm nhìn thấy mặt trời…

Chỉ là một giả định, nhưng nhìn vào truyền thông Việt Nam lâu nay trong ứng xử với trẻ em, thì giả định này không hề “hư cấu”. Dù có nhiều quy định, Luật đề cập đến việc bảo vệ nhân thân cho trẻ em vị thành niên, kể cả khi trẻ vi phạm luật pháp đối với truyền thông, song truyền thông Việt cứ “hồn nhiên” vi phạm. Đã có nhiều trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng mà không có cơ quan truyền thông nào chịu trách nhiệm.

Giới truyền thông lâu năm ở TP. Hồ Chí Minh, chắc hẳn sẽ nhớ vụ một nữ sinh trung học phổ thông ngoan hiền, học giỏi đã tự tử vì không chịu nổi áp lực báo chí đăng tải thông tin về người cha vi phạm luật, lại còn đăng cả danh tính gia đình, nêu cả tên trường của em. Rất nhiều cơ quan truyền thông Việt Nam khi đưa thông tin tội phạm trẻ vị thành niên thường đăng tải hình ảnh, danh tính như một sự tuyên án dù tòa chưa tuyên phạt.

Gần đây nhất, khi đưa những tin về nạn “ấu dâm”, xâm hại tình dục trẻ em, báo chí cũng rất “hồn nhiên” đưa tên, địa chỉ của trẻ, hoặc “trá hình” bằng cách đưa ảnh bố mẹ trẻ… Tương lai đứa trẻ sẽ thế nào, hệ lụy ra sao, liệu có cơ quan truyền thông nào thử điều tra “hậu” của bài báo?

Từ sự kiện “hang Tham Luang”, truyền thông Việt Nam nên chăng có sự điều chỉnh và cần tôn trọng Luật về vấn đề bảo vệ quyền nhân thân của trẻ. Đừng vì câu view, câu like, câu tiền bán báo mà “hồn nhiên” xâm phạm, bất chấp hậu quả xấu đến tương lai trẻ.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Phong bì mừng cưới

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Văn chương và các hội văn chương

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Ấn đền Trần không phải để thăng quan!

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Để dân không bị phạt

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Tinh giản… nghệ thuật

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Luật pháp có vô tình?

Xem tin nổi bật 4 tháng trước