Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
22:13 (GMT +7)

Truyền thông và Lễ hội phồn thực dân gian

VNTN - Văn hóa lễ hội đã và đang trở thành đề tài nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh xu hướng tôn vinh giá trị tâm linh, văn hóa, thẩm mỹ của lễ hội là lời cảnh tỉnh về yếu tố phản văn hóa do những biến tướng của loại hình sinh hoạt cộng đồng đặc biệt này. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng phản văn hóa của lễ hội: sự thiếu hiểu biết, lòng tham, tính a dua cố hữu của người dân, sự thiếu kinh nghiệm, trách nhiệm của người tổ chức; những mánh khóe của đối tượng cơ hội, trục lợi… Và ít nhiều có cả sự vô tình của báo chí khi không ít người đưa tin, viết bài phản ánh mà chưa chuẩn bị đầy đủ những hiểu biết về văn hóa lễ hội, thậm chí cưỡi ngựa xem hoa, chỉ nhìn lễ hội ở một phương diện bề nổi nhằm “giật tít” thu hút sự hiếu kỳ của độc giả. Ở đây, xin bàn về sự ứng xử của một số người viết đối với hệ thống các lễ hội phồn thực từ lâu vẫn được duy trì trong dân gian.

Lễ hội phồn thực là sự biểu hiện sinh động nhất của tín ngưỡng phồn thực - một trong những hình thức tín ngưỡng bản địa sơ khai hình thành trong lòng văn hóa nông nghiệp, đặc biệt phổ biến ở khu vực Đông Nam Á. Với quan niệm thế giới lưỡng cực và sự phát triển luôn bắt đầu từ việc kết hợp âm dương, tín ngưỡng phồn thực tôn thờ cơ quan sinh sản và hành vi giao phối. Ở hầu hết các phương diện của văn hóa, nghệ thuật dân gian, ta đều có thể bắt gặp biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực. Thần thoại, truyền thuyết các tộc người với hình ảnh những vị thần mà cơ quan sinh sản và “gây giống” được phóng đại, tranh dân gian Đánh ghen, Hứng dừa, Lợn đàn… thể hiện ước vọng dân gian về sự giao hòa âm dương, con đàn cháu đống. Phong tục tập quán, trò chơi dân gian gắn với ý nghĩa phồn thực như giã cối đón dâu, đeo nõ nưỡng trên giàn bầu bí, lấy chày đâm vào khe đá cầu mùa, đấu vật, ném còn, bắt chạch trong chum… quen thuộc đối với nhiều cộng đồng dân cư. Các cặp đôi linh vật (linga- yoni, nõ - nường, trống đực - cái…) được thờ cúng thành kính. Yếu tố phồn thực thậm chí còn len lỏi vào cả không gian an tịnh nhất là chùa chiền (với nhiều phù điêu, cột đá vẽ hình trai gái nô đùa, ôm ấp…). Lễ hội phồn thực rất đa dạng trên đất nước ta với trung tâm là khu vực người Việt cổ cư trú (Vĩnh Phúc, Phú Thọ) rồi lan tỏa đến khắp các vùng miền. Được biết đến nhiều nhất là Lễ hội Trò Trám (Lâm Thao, Phú Thọ), Đánh bệt (Làng La, Hà Tây cũ), Niệm Thượng (Võ Giàng, Bắc Ninh)…

Khởi nguyên, tín ngưỡng phồn thực không nhằm mục đích hướng đến yếu tố tính dục dung tục mà thể hiện lòng ngưỡng mộ đối với sự sinh tồn từ những kết hợp bản năng của tạo hóa. Người ta nhìn thấy cái thiêng trong những biểu hiện đời thường. Đặc biệt, cái thiêng ấy hướng đến ý nghĩa lớn hơn nhiều so với dục vọng bản năng thuần túy. Đó là sự sinh sôi nảy nở của cây trồng, vật nuôi, sự âm thịnh dương hòa, người người no ấm…

Tuy nhiên, trong không ít bài báo đề cập đến các lễ hội phồn thực hiện nay, cách đặt tiêu đề và khai thác nội dung dường như chỉ hướng đến yếu tố dung tục đơn thuần với cách gọi tên linh vật, động tác thiêng theo cách hiện đại, tếu táo, có phần “báng bổ” như: “của quý”, “cái ấy”, “chuyện ấy”... Đặc biệt, miếu Trò, nơi diễn ra lễ hội Trò Trám (còn gọi là lễ hội Linh tinh tình phộc) luôn được “réo” tên tục đánh vào thị hiếu tầm thường là miếu Đụ Đị. Khách quan mà nói, “Đụ Đị” không phải cái tên do người viết báo tự đặt, song nó ít phổ biến hơn hẳn những cái tên quen thuộc như Miếu Trò, Miếu Trò Trám. Phải chăng dùng tên “Đụ Đị” chỉ bởi cái tên ấy nhạy cảm, gây sốc, đánh vào sự tò mò của công chúng? Tại sao đi sâu khai thác “lễ mật” như một trò tiêu khiển tiếu lâm mà ít lý giải sâu sắc về bản chất tín ngưỡng của nó? Vì thế, mới có những tilte bài kiểu “Đỏ mặt xem lễ hội X”, “Chị em tò mò ngắm của quý “khủng” ở hội Y” hay “Ngại ngùng xem làm chuyện ấy cầu may”… Yếu tố “mật”, yếu tố “thiêng” vì thế đã vô tình bị nhấn chìm. Không (hoặc ít) khai thác được chiều sâu tín ngưỡng, không những không cung cấp cho người đọc kiến thức mà còn tạo ra cách hiểu nông cạn, cách nhìn thiếu tôn trọng, thậm chí cợt nhả trước một hiện tượng văn hóa tâm linh vốn chứa đựng ý nghĩa sâu sắc.

Truyền thông định hướng dư luận. Sự định hướng ấy sẽ thật đáng quý nếu người viết bắt nguồn từ hiểu biết, cái tâm, trách nhiệm với nghề và ý thức nghiêm túc trước các hiện tượng tâm linh văn hóa.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy