Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
17:41 (GMT +7)

Truyện ngắn Ma Văn Kháng, trú sở của các nhân vật nghịch dị

VNTN - Nhà văn Ma Văn Kháng được đông đảo người đọc, cả người đọc bình thường và người đọc chuyên sâu, biết đến chủ yếu qua thể loại tiểu thuyết. Những “Vùng biên ải”, “Đồng bạc trắng hoa xòe”, “Mưa mùa hạ”, “Mùa lá rụng trong vườn”, “Đám cưới không có giấy giá thú”, “Ngược dòng nước lũ” - tức những tác phẩm được Ma Văn Kháng viết vào giai đoạn sung sức nhất của tuổi đời và tuổi nghề - đã đủ để làm nên một sự nghiệp tiểu thuyết dày dặn đáng nể trong văn chương Việt Nam hiện đại. Nhưng sự dày dặn đáng nể ấy cũng kèm theo tác dụng phụ: nó đã hầu như che mắt người đọc khỏi một Ma Văn Kháng của thể loại truyện ngắn. Không rõ điều ấy là thiệt thòi cho nhà văn hay thiệt thòi cho người đọc, nhưng dù thế nào thì truyện ngắn Ma Văn Kháng vẫn có đó, tự định vị một khoảnh riêng trong truyện ngắn Việt Nam kể từ thập niên bảy mươi của thế kỷ XX đến nay. Có thể phải nói về nhiều cái “riêng” của truyện ngắn Ma Văn Kháng, ở đây tôi sẽ chỉ đề cập một thôi: riêng, bởi những nhân vật như là hiện thân của “cái nghịch dị”. Khái niệm “cái nghịch dị” - hoặc “cái thô kệch”, hay “cái kỳ quặc” - vốn có gốc là một từ tiếng nước ngoài (grotesque), dùng để chỉ một kiểu hình thức tổ chức nghệ thuật dựa vào huyễn tưởng, vào tính trào phúng, tính ngụ ngôn, ngụ ý, vào sự kết hợp và tương phản một cách kỳ quặc cái huyền hoặc và cái xấu, cái bi và cái hài, cái giống thực và cái biếm họa. Ở cấp độ xây dựng hình tượng nghệ thuật, lịch sử văn chương thế giới từng chứng kiến sự xuất hiện của những nhân vật nghịch dị phi thường, như Don Quijote và Sancho Pansa của Cervantes, Gargantua và Pantagruel của Rabelais, Quasimodo và Người Cười của Hugo, Geoger Samsa của Kafka, AQ của Lỗ Tấn v.v. Văn chương Việt Nam trước năm 1945 cũng có một vài nhân vật nghịch dị khá đặc sắc, như Chí Phèo và Thị Nở, Trạch Văn Đoành hay lang Rận của Nam Cao, Xuân tóc đỏ của Vũ Trọng Phụng… Tiếp đó là một khoảng thời gian dài nhân vật nghịch dị dường như im hơi bặt tiếng. Phải đợi đến thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, với truyện ngắn Ma Văn Kháng, nhân vật nghịch dị mới bắt đầu tái xuất hiện. Nói “thập niên cuối cùng của thế kỷ XX” là căn cứ vào thời điểm mà nhà văn tỏ ra có hứng thú đặc biệt với việc sinh hạ kiểu nhân vật có sự kết hợp và tương phản một cách kỳ quặc giữa những phạm trù thẩm mỹ trái dấu. Trên thực tế, từ những thập niên 1970, 1980 ông đã có những nhân vật nghịch dị của mình, nhưng là những nhân vật nghịch dị chưa hẳn đã nằm trọn trong nội hàm khái niệm “cái nghịch dị” đã nêu ở trên. Tôi muốn nói đến nhân vật thằng Khun trong truyện “Vệ sỹ của quan châu” (1978), và nhân vật Giàng Tả trong truyện “Giàng Tả, kẻ lang thang” (1986). Là hai nhân vật thuộc hai truyện ngắn độc lập ra đời cách nhau tám năm, song nếu đặt thằng Khun và Giàng Tả kề nhau, ta sẽ thấy đây là một cặp nhân vật nghịch dị đối lập. Thằng Khun nghịch dị là nghịch dị với chính môi trường hắn đang sống, vì hắn không giống một ai hết. Là người, nhưng không mang phẩm tính người. Hắn hoàn toàn là một con quỷ. Quỷ từ hình hài diện mạo: “Thấp, lùn, hai chân đã cái cao cái thấp lại khuệnh khoạng, vòng kiềng. Một mắt lép, một tai không vành. Cả cái mặt cũng nham nhở như cái đầu lâu bị khoét gặm dở dang, vì chỗ nào cũng thấy có vết sẹo, vết xây xước, vết dao chém. Cái sọ người gớm guốc ấy cuối cùng lọt thỏm vào đám tóc, râu, lông lá rậm bù, hôi rình”. Quỷ cho đến thứ năng lực cá nhân siêu việt: “Khun ngửi được hơi lạ trong gió, nghe được bằng da thịt, nhìn xuyên thấu đêm tối”. Quỷ tới tận cung cách hưởng thụ lạc thú với bạn tình, bà nấu bếp người Hoa: “Hắn cắn cấu, đánh đấm, có lúc gầm gào như hổ báo động cỡn ngay trong lúc làm tình với bà… Cuộc ái ân của hắn và bà đang dâng lên cực điểm thì bỗng dưng Khun ngừng phắt. Rồi tiếp đó hắn nhảy bịch xuống đất, mũi khìn khịt đánh hơi như chó săn thấy hơi lạ”. Chó săn, đó chính là từ khóa để hiểu chất quỷ của Khun: một căn tính nô lệ mù lòa kiểu động vật thấm suốt từ trong ra ngoài, chi phối mọi suy nghĩ, cảm xúc và hành động. Khun trung thành tận tụy với thổ ty Vàng A Ký như con chó săn trung thành tận tụy với chủ. Khun được/bị Vàng A Ký đối xử cũng theo cách người chủ có thể đối xử với một con chó săn: cho thức ăn khi nó lập công, bắn vỡ đầu khi nó nổi cơn điên và đe dọa đến tính mạng của chủ. Ngược với Khun, dù cũng không giống một ai hết trong môi trường đang sống, Giàng Tả được nhà văn mô tả một cách sắc gọn mà khoáng đạt: “Cũng là da là thịt mà da thịt Giàng Tả như sắt như đồng. Vai Giàng Tả rộng gấp rưỡi vai người. Ngực phồng như hai quả gò, bả vai nổi u xương. Cái cổ cái đầu còn lạ hơn, thẳng đơ một đường, không biết gục xuống chịu lụy ai, lúc nào cũng như quyết giữ thẳng, bành ra, to bằng mặt, trông thẳng như một khối đúc liền, với vài ba nét mắt, miệng, mũi, ngắn nhỏ, đơn sơ”. Giàng Tả có thể khiến ta nghĩ tới một Jean Van Jean người Hà Nhì, mà tốt nhất là nên thế, vì nhân vật của Ma Văn Kháng cũng có sức khỏe không kém nhân vật của Victor Hugo: Giàng Tả có thể phát nương, chặt cây, thồ củi, thồ đá ngày lại ngày không biết mệt, có thể cõng cả phuy xăng hai trăm lít đi băng băng lên núi mà mặt không hề biến sắc. Giàng Tả ngay thẳng, đôn hậu và trượng nghĩa. Nhưng phẩm chất nổi bật nhất ở Giàng Tả là lòng yêu tự do. Yêu tự do nên không chấp nhận sống bằng sự ban phát của kẻ khác, không khi nào chịu bị lệ thuộc vào một ý chí ngoài mình. Yêu tự do nên thành khí khái hiên ngang, dù là quan Tây hay quan ta cũng không thể ép được Giàng Tả vào khuôn khổ của những luật định phi nhân. Ở nơi biên ải “lúc nào cũng có hình sắc của thời mới khai thiên” (Vệ sỹ của quan châu) nếu Giàng Tả là mảnh đất để mầm thiện, để bản năng sống lành mạnh được nảy nở tốt tươi, thì thằng Khun lại là mảnh đất để mầm ác, để bản năng chết bạo tàn được tha hồ hoành hành. Với Ma Văn Kháng, dường như đời sống rừng núi hoang sơ chứa đựng mọi khả năng. Bất chấp ý chí của con người và không phụ thuộc vào hoàn cảnh, những khả năng ấy ngẫu nhiên rơi vào cá nhân nào thì chúng cứ thế phát triển. Đến tận độ, chúng sẽ hiện hình thành những nghịch dị vượt ngưỡng với chính môi trường xã hội. Nhân vật nghịch dị có xuất xứ miền núi của truyện ngắn Ma Văn Kháng là như vậy, ít nhất, trong khoảng thời gian đầu khi ông về lại Hà Nội sau hai chục năm sống và đi khắp đó đây trên dãy Hoàng Liên Sơn (1954 - 1974). Nhân vật nghịch dị mang hộ tịch miền xuôi của ông sẽ phức tạp hơn rất nhiều. Trước hết, chúng đích thực là những bức biếm họa, nơi các đường nét diện mạo hình hài của con người bị phóng đại hoặc bóp méo, rồi lại được gắn nối với nhau theo một cách rất kệch cỡm. Trong “Ngẫu sự”, là đôi nhân tình vụng trộm Dụng và Bường. Chàng: “Năm mươi tuổi… sung mãn tràn trề… trang phục mũ phớt đen và chiếc áo măng-tô khoác ngoài bộ com-lê màu bạch dương đắt tiền… Nét ngây đần, cơn ngẫu hứng của thói đam mê âm thầm đang hiện hình và cái miệng méo lệch như miệng con trai đồng”. Nàng: “Bốn mươi tuổi… xồ xề, to ngang, thoạt trông thấy buồn tẻ và quê mùa… miệng cười hoa nở và cái mũi lai chủng tộc Âu Tây cao nhọn, tỏa ra thần thái cao sang, át đi tất cả các nhược điểm khác ở vóc dáng, nhất là cái bụng xệ mỡ”. Trong “Nhiên, nghệ sỹ múa”, là mụ tạp công tên Sấn: “Ba mươi hay bốn mươi? Nhìn bề ngoài không ai đoán nổi… Sấn trát phấn vào mặt vào cổ. Sấn liên tục thay hình đổi dạng bằng váy áo. Sấn tơ tuốt kiểu cách từ cái móng tay đến điệu đi, cách nói. Tiếc thay, Sấn vẫn lùn tịt, mắt ti hí, mũi tẹt, môi vều, ngực bẹt, đít nhọn”. Trong “Suối mơ”, là người vợ trắc nết của anh giáo Rư: “Chị Nhần thấp lùn, chân tay ngắn chùn chũn. Chưa con nhưng ngực xệ, bụng phưỡn. Mặt chị lại quá nhỏ, khéo chỉ bằng cái niêu kho cá bống. Thêm hai con mắt lá răm ở xa nhau, mặt chị thêm cái vẻ đong đưa, hay lên mặt đài đệ” v.v. Những bức biếm họa ấy càng trở nên hài hước hơn khi, bằng thủ pháp giễu hoặc nhại, Ma Văn Kháng đính thêm vào nhân vật những hành vi, những trạng thái bất tương xứng. Đặc biệt, để đảm bảo về tính sống động của những con người thực trong một thực tại mà ai cũng có thể trải nghiệm, nhà văn luôn nắm bắt nhân vật nghịch dị ở khả năng và quá trình vận động, biến đổi của nó. Như ở “Ngẫu sự”, cuộc giao hòa xác thịt của đôi nhân tình quá lứa Dụng và Bường lại được khoác chiếc áo đầy lãng mạn của những mối tình thuở đầu đời. Có nó, Bường lột xác: “Như cái cây bị hạn lâu ngày được tưới tắm, chị tươi tốt rực rỡ như khóm hoa giấy… Lửa tình râm ran trên mỗi miền cơ thể Bường, đượm đà trong mỗi cử chỉ và giọng nói của chị chàng. Nhất là giọng nói. Một giọng nói tẩm hương tình, vang bổng trong trời thu càng về cuối mùa càng xanh trong”. Thế rồi khi Bường đoàn tụ với chồng, lại như chẳng có gì từng xảy ra cả. “Họ là cặp vợ chồng yêu nhau nhất thế gian”, câu bình luận của người kể chuyện ngay lập tức đã biến tất cả công cuộc lột xác nọ thành một trò hề. Hay như ở “Suối mơ”, nhân vật chị Nhần xấu xí và đặc sệt quê kệch kia lại học đòi thói cảnh vẻ thị thành: “Dài giọng, chị mắng anh là vai u thịt bắp mồ hôi dầu, là đồ ăn gio bõ trấu ỉa ra than”. Nhưng bất ngờ hơn cả là việc người đàn bà ấy có thể rung động trước giai điệu bài “Suối mơ” từ tiếng đàn măng-đô-lin “bốn sợi mỏng manh gai gai gởn gởn”, để rồi bắt nhân tình nhân ngãi với gã nhân viên thuế vụ chơi đàn. Sẽ chẳng là gì to tát nếu không có chuyện anh giáo Rư phải nhảy xuống giếng tự tử khi phát hiện ra cái thai oan nghiệt của vợ. Lúc kéo xác anh lên, tiếng đàn quay trở lại với người kể chuyện: “Lọt xuống lòng giếng tối mờ như âm phủ là tiếng đàn măng-đô-lin quen thuộc gẩy bài Suối mơ. Tiếng đàn lởn vởn như một hồn ma bóng quỷ từ tiền kiếp hiện về”. Khi ấy, tiếng đàn như âm thanh tương hỗ với cái chết tức tưởi, đã khiến sự nghịch dị của nhân vật chị vợ trở thành quái dị… Trong bài viết “Ma Văn Kháng - Ngược dòng nước lũ”, nhà văn Hồ Anh Thái cho biết kể từ khi “xuống núi”, Ma Văn Kháng viết liên tục, viết cả ở những nơi tưởng như không thể viết được, lúc nào cũng nhấp nhổm, bứt rứt không yên, sôi sùng sục lên vì những điều ngang tai chướng mắt xung quanh. Sở dĩ như vậy là vì, về lại thành thị, Ma Văn Kháng đột nhiên có quá nhiều điều để viết và phải viết. Thành thị nhiêu khê chồng chéo hơn gấp bội cuộc sống miền núi đơn giản, thậm chí còn có phần hoang sơ. Thêm nữa, đúng vào giai đoạn xã hội bung ra, “mở cửa”, có bao nhiêu cái mầm thiện mầm ác trong con người thì cũng có bấy nhiêu nết, tật được dịp phô bày lên bề mặt đời sống. Không đặt trên vai văn chương trách nhiệm của một trường học đạo đức, nhưng với tư cách một người viết, Ma Văn Kháng đã nhạy cảm tóm lấy cái xấu, cái ác, cái nhố nhăng, khéo biến nó thành những nhân vật nghịch dị trong truyện ngắn của mình. Nhờ thế, ít ra thì nhà văn cũng giúp người đọc nhận diện chúng được rõ ràng hơn. Hoài Nam

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy