VNTN - Truyện Kiều ra đời trong chế độ phong kiến, phản ánh đời sống xã hội phong kiến thối nát, đầy những gian trá và bất công. Bên cạnh lũ người gian manh lúc nào, ở đâu cũng mang đến tai họa cho những người lương thiện là nhan nhản những ông quan. (Cuộc đời gian truân đau khổ của Thúy Kiều dài đằng đẵng, bắt đầu từ việc “xưng xuất” của một thằng bán tơ vu khống, bịa đặt và một ông quan xuất hiện. Sau mười lăm năm chìm nổi với bao đọa đày cay đắng, Thúy Kiều phải nhảy xuống sông Tiền Đường tự vẫn, lại gắn với ông quan khác. Ông quan lớn là Hồ Tôn Hiến - “Tổng đốc trọng thần” và một ông quan bé là thổ quan). Những người đại diện cho nhà nước, các ông quan đều thô lỗ, gian manh và tham lam, nhũng nhiễu, dốt nát về luật pháp, thiếu tình người.
Giữa bối cảnh đó, bỗng đột ngột xuất hiện một ông quan tòa với phẩm chất ngược lại. Đó là vị quan tòa xử vụ án do Thúc Ông khởi đơn kiện Thúy Kiều. Vụ án nằm trong mối quan hệ Thúy Kiều và Thúc Sinh.
Truyện Kiều có 3254 câu (có bản hơn kém vài câu). Thúy Kiều gặp Thúc Sinh từ câu 1257 và mối tình Thúy Kiều - Thúc Sinh chấm dứt ở câu 2032. Như vậy mối quan hệ của Thúy Kiều và Thúc Sinh chiếm 775 câu thơ, chiếm xấp xỉ ¼ tác phẩm. Đoạn thơ này có vị trí quan trọng trong tác phẩm, quyết định số phận của Thúy Kiều ở lầu xanh của mụ Tú Bà. Trong đó vụ án do Thúc Ông khởi kiện (từ câu 1385 đến 1472) là một yếu tố - mắt xích làm nên nội dung bi đát của mối tình Thúy Kiều - Thúc Sinh. Dưới góc độ tự sự thì sự kiện này là yếu tố góp phần tạo nên tấn bi hài và số phận của Thúy Kiều.
Khi biết Thúc Sinh đã cưới Thúy Kiều làm vợ, Thúc Ông đã “phong lôi nổi trận bời bời”. Nhưng là bố nên ông trước hết là vì thương con “nặng lòng e ấp”, rồi vì ghét Thúy Kiều mới “tính bài phân chia”, và mục đích của ông là giải thoát cho con trai, còn với Thúy Kiều thì “Dạy cho má phấn lại về lầu xanh”.
Thúc Sinh yêu thương Thúy Kiều nhưng sợ bố (sau này sợ vợ mới kinh). “Thấy lời nghiêm huấn rành rành” nên chàng mới “nài kêu” xin cha rủ lòng thương mà tha thứ: Trót vì tay đã nhúng chàm/ Dại rồi còn biết khôn làm sao đây/ Cùng nhau vả tiếng một ngày/ Ôm cầm ai nỡ dứt dây cho đành. Chưa đủ, Thúc Sinh còn dọa bố là sẽ tự tử: “Bạc đen thôi có tiếc mình làm chi”.
Trước thái độ của Thúc Sinh, ông cụ mới “sốt gan”. Con trai không vâng lời, ông cụ tự ái và “quyết bài phân ly” dẫn đến quyết định cáo quan và khởi kiện.
Vụ kiện đã xảy ra. Vụ án đúng nghĩa đầu tiên trong văn học trung đại Việt Nam. Nguyễn Du là người đầu tiên viết về vụ án và đã xây dựng nên một ông quan tòa điển hình, mẫu mực trong văn học trung đại qua vụ án này.
Phiên toà này được thực hiện đúng trình tự, xử công khai. Trước khi mở phiên tòa đã có công văn triệu tập đương sự “Phủ đường gửi lá phiếu hồng thôi tra”, là điều tra xét hỏi của cơ quan hành pháp. Phiên tòa mở công khai: Cùng nhau theo gót sai nha/ Song song vào trước sân hoa lạy quỳ. Như vậy ta biết, dự phiên toà công khai này có quan tòa, sai nha (lính), có Thúc Ông (nguyên đơn), Thúy Kiều (bị đơn), Thúc Sinh (người bị hại, theo Thúc Ông) và chưa giới thiệu ai là người bào chữa (luật sư). Rồi đến khi tranh tụng tại tòa thì vai trò luật sư chính là do Thúc Sinh đảm nhiệm.
Ông quan tòa xuất hiện đúng diện mạo của mọi ông quan mọi thời đại: oai vệ, nghiêm trang và uy quyền. "Trông lên mặt sắt đen sì". Và để tỏ ra uy quyền, chưa cần xét hỏi tội trạng, nôi dung đơn kiện, ông ta đã “ra uy nặng lời”, quát nạt buộc tội. Thì cũng giống như trăm nghìn trường hợp khác, ông bênh vực người bị hại (Thúc Sinh), nhất là khi người bị hại lại là con thương gia giàu có, con rể con quan Lại Bộ, hạng cao cấp có quyền có thế trong xã hội. Bênh vực cho bên nguyên vừa có tiền vừa có quyền như vậy, trong các chế độ và xã hội đồi bại chắc chắn được mang ơn, được hậu đãi, chưa nói là thu được khoản tiền “chạy án” không nhỏ. Đến mãi đầu thế kỷ XX, cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, một ông quan đã cáo lão còn khéo xỉ vả lũ quan toà: Có tiền việc ấy mà xong nhỉ/ Ngày trước làm quan cũng thế a?
Còn bị can là ai? Một cô gái thân cô, thế cô, lại là gái lầu xanh thuộc tầng lớp tận cùng trong xã hội, bị người đời và xã hội khinh rẻ, coi là “phường mèo mả gả đồng”, không tiền tài, địa vị, không có ai bảo vệ, bị khinh rẻ, coi thường.
Nhưng ông quan tòa này đã không để những lý do kể trên ảnh hưởng đến chức năng và nhiệm vụ của ông. Vì mới gặp “can phạm”, chưa tiếp xúc tìm hiểu gì, dĩ nhiên ông vẫn đánh giá Thúy Kiều như mọi ông quan tòa khác có sẵn định kiến với phạm nhân, “Lập nghiêm trước đã ra uy nặng lời”. Ông cho rằng Thúy Kiều đã mồi chài, giăng bẫy Thúc Sinh vì tiền tài, địa vị xã hội, theo ông, Thúc Sinh “dại nết chơi bời”, Thúy Kiều “là người đong đưa” lấy sắc đẹp và thủ đoạn “nhuộm màu son phấn” để “đánh lừa con đen” bằng “hoa thải hương thừa”. Rõ ràng Thúy Kiều là người có tội, tội nặng lắm.
Nhưng khác những ông quan tòa khác, hơn hẳn những ông quan tòa khác là ông chưa khẳng định, chưa buộc tội Thúy Kiều mà ông đắn đo, phân vân, không dùng quyền uy và sức mạnh của pháp luật để kết tội phạm nhân.
Ông đã đọc, suy nghĩ và đối chiếu với pháp luật hiện hành. Ông đặt vấn đề nghi ngờ và cố gắng tìm hiểu và phát hiện ra những vấn đề chưa rõ ràng, chưa chính xác của nguyên đơn: Suy trong tình trạng nguyên đơn/ Bề nào thì cũng chưa yên bề nào. Tội trạng của Thúy Kiều chưa rõ ràng. Nàng có tội không, tội gì, xảy ra như thế nào?
Tìm hiểu kỹ những lý do ấy, ông quan tòa này là người có trình độ và kiến thức pháp lý, và hơn hết là người có lý có tình. Rồi ông căn cứ vào luật định mà “Phép công chiếu án luận vào”. Nhưng ngay cả khi dựa vào luật định mà “chiếu án” thì ông cũng đưa ra hai khả năng (ta chẳng biết cái phép công - luật định ấy cụ thể ra làm sao, không biết có một là, hai là hay không nhưng có lẽ chẳng có điều luật nào quy định một tội lại có hai hình thức xử trí khác nhau), cho tội nhân lựa chọn hình thức trừng phạt: Một là cứ phép gia hình/ Một là lại cứ lầu xanh phó về.
Trở lại lầu xanh thì bao nhiêu cay đắng ê chề. Thúy Kiều kinh sợ những ngày sống bị chà đạp trong đó. Hơn thế nữa Thúy Kiều còn có một tình yêu sâu nặng với Thúc Sinh, “Nhện này vương lấy tơ kia mấy lần”. Do vậy Thuý Kiều đã chấp nhận phép gia hình, chấp nhận đòn roi xiềng xích gông cùm mà không muốn bị trả lại lầu xanh: “Yếu thơ vâng chịu trước sân lôi đình”.
Để thực thi pháp luật nhưng là chấp nhận nguyện vọng của phạm nhân, ông quan tòa mới quyết định “Cứ phép gia hình”. Như vậy kể cũng thoả đáng đối với công việc của một ông quan tòa. Thúy Kiều bị đánh, bị tra tấn bằng roi, bằng gậy đến nỗi da thịt tả tơi, tóc tai rối bời, cát bụi mù sân: Đào hoen quẹn má liễu tan tác mày/ Một sân lầm cát đã đầy/ Gương mờ nước thủy mai gầy vóc sương.
Trước cảnh Thúy Kiều bị trừng phạt như vậy, Thúc Sinh vốn là nạn nhân của vụ kiện đã không thể cầm lòng. Chàng đã xuất hiện nhưng không phải với tư cách, vị trí của nạn nhân mà là của một nhân chứng. Hơn thế nữa là của một luật sư trong phiên toà. Thúc Sinh chứng kiến cảnh trừng phạt Thúy Kiều, chàng xót xa thương cảm đã khóc lên và nhận tất cả tội lỗi trong cáo trạng về mình: Khóc rằng oan khốc vì ta/ Có nghe lời trước chẳng đà luỵ sau. Chàng nhận tội vì “chẳng biết nghĩ sâu” để dẫn đến nông nỗi Thúy Kiều bị trừng phạt đau đớn thế này. Tất cả những tội lỗi mà Thúy Kiều bị buộc như mưu mô, lừa gạt, phá hoại hạnh phúc gia đình nhà người khác của gái lầu xanh… đều là hậu quả của việc trước đó Thúc Sinh không nghe theo lời Thúy Kiều, chứ đâu có phải bị Kiều lừa gạt như trong “nguyên đơn”.
Và tuyệt vời là ông quan tòa dù mới “nghe thoảng vào tai” đã ra lệnh dừng tra tấn phạm nhân để tìm hiểu. Điều đó chứng tỏ ông quan tòa này có tấm lòng nhân hậu, có ý thức và trách nhiệm trong việc tìm hiểu sự thật, xét đến tình trạng phạm tội của phạm nhân. Ông cho dừng tra tấn Thúy Kiều và hỏi, điều tra ngay nhân chứng là Thúc Sinh: “Động lòng lại gạn đến lời riêng tây”. Thúc Sinh đã kể lại tất cả những điều trước đây khi chàng đặt vấn đề cưới Thúy Kiều làm vợ. Rằng nàng vô tội vì: “Nàng đã tính hết xa gần”. Và Thúc Sinh nhận tội: Tại tôi hứng lấy một tay/ Để nàng cho đến nỗi này vì tôi.
Thế là rõ. Người gây nên “tội” không phải là Thúy Kiều. “Tại tôi”, “vì tôi” chứ đâu có phải như nguyên đơn tố cáo. Có phạt thì phạt tôi chứ, Thúy Kiều vô tội. Và đến đây thì Thúc Sinh đã trở thành luật sư gỡ tội cho Thúy Kiều bằng những chứng cứ và lý luận hợp lý hợp tình.
Ông quan tòa đã nghe ra, nhưng chẳng lẽ lại hủy án, thừa nhận mình xử sai? Âu cũng là lẽ thường tình. Nhưng ông đã không cố chấp, không tự ái, không chối bỏ trách nhiệm như nhiều vị quan tòa khác vẫn nhân danh công lý. Thì ngay mới đây thôi, những năm kháng chiến chống Mỹ, nhà thơ Tố Hữu - một ông quan cách mạng vẫn thừa nhận: Song còn bao nỗi chua cay/ Gớm quân Ưng Khuyển ghê bầy Sở Khanh. Và trong đời sống thực tế những năm 2014, 2015 vụ án oan ông Nguyễn Thanh Chấn đã làm cho bao người dân sững sờ kinh ngạc.
Nghe Thúc Sinh “Đầu đuôi kể lại…” ông quan toà mới biết thân phận, nhân cách, khả năng, trí tuệ, tình cảm của nàng Kiều. Ông thay đổi cách nghĩ của mình về phạm nhân: Nghe lời nói cũng thương lời. Cảm thương cho thân phận của Thúy Kiều cho nên ông đã “dẹp uy”, cho Thúy Kiều minh oan, “cho bài giải vi”. Ông đã sơ bộ nhận xét “tội phạm” là người “thị phi biết điều”. Nhân cơ hội đó, Thúc Sinh mới thanh minh cho nàng, rằng nàng có tài, được học hành tử tế: Sinh rằng: chút phận bọt bèo/ Theo đòi vả cũng ít nhiều bút nghiên.
Rồi để giải vây cho Thúy Kiều, để có lý do đình chỉ vụ án, ông quan tòa mới cho nàng thử tài, có đúng như Thúc Sinh trình bày hay không. Là người yêu văn nghệ, yêu thơ, ngẫu hứng, ông cho Thúy Kiều vịnh ngay cái gông đang gông cổ nàng. Ông quan tòa kể cũng đáng yêu khi bảo Thúy Kiều làm thơ vịnh cái gông. Cái “mặt sắt đen sì” của ông khi “lập nghiêm” đã biến mất. Bây giờ ông lại cười: Cười rằng đã thế thì nên/ Mộc già hãy thử một thiên trình nghề.
Rồi khi Thúy Kiều làm thơ xong, trình lên, Ông quan tòa khen tài thơ của nàng "đáng giá Thịnh Đường”. Rõ ràng để đánh giá được thơ Thúy Kiều, ông cũng phải biết thơ, phải có học, có trình độ văn chương. Mà dám coi thơ của Thúy Kiều “đáng giá Thịnh Đường” đâu có phải là ba vạ, nói bừa, bởi Đường thi là một đỉnh cao chói lọi, huy hoàng, mà Thịnh Đường đạt đến đỉnh cao nhất, hoàn chỉnh nhất. Trữ tình và hiện thực xã hội là đặc điểm lớn nhất của Thịnh Đường. Như vậy ông quan tòa đã đọc và so sánh bài thơ Vịnh cái gông của Thúy Kiều so với Thịnh Đường không chỉ về nghệ thuật ngôn ngữ mà trên hết là tâm trạng của Thúy Kiều và hiện thực xã hội mà nàng đã viết trong bài thơ.
Rõ ràng ông quan tòa này không chỉ là người có trình độ, có kiến thức sâu rộng về thơ ca mà còn hiểu và thông cảm với tác giả bài thơ Vịnh cái gông, để rồi có những hành động hợp tình hợp lý về sau. Ấy là trước sắc đẹp lộng lẫy của “phạm nhân” ông đã có một nhận xét, một đánh giá về phẩm hạnh, tài năng và sắc đẹp của Thúy Kiều thỏa đáng: Tài này sắc ấy nghìn vàng chưa cân. Nghìn vàng cũng không sánh được với Thúy Kiều. Ông cho rằng Thúy Kiều rất xứng đáng làm vợ Thúc Sinh, xứng đáng là con dâu của Thúc Ông. Thực là tài tử giai nhân/ Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn.
Ông quan tòa cũng hiểu sâu sắc về pháp lý, được tục ngữ, ca dao Việt Nam đúc rút, tổng kết từ thực tế nghìn đời: “Một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”, “Vô phúc mà đáo tụng đình - Tụng đình mà rình vô phúc”, nên ông đưa ra một lời khuyên giải Thúc Ông và cả xã hội một phương thức giải quyết mâu thuẫn: Đã đưa đến trước cửa công/ Ngoài thì là lý song trong là tình.
Hơn nữa cuộc kiện tụng này không phải là mâu thuẫn mất - còn, được - thua, đúng - sai mà lại là chuyện của gia đình, cách tốt nhất là “thôi thì dẹp nỗi bất bình là xong”. Trước một “tội phạm” tài sắc như vậy, tình cảm như vậy lại được một ông quan tòa chỉ ra sự hợp tình hợp lý như vậy thì ai nỡ làm gì hơn mà không chấp thuận.
Thúc Ông cũng thoả mãn lắm. Ông quan tòa “mặt sắt đen sì” ấy có đủ trình độ, kiến thức văn hóa, kiến thức pháp luật, có cả tình thương người, đủ tình và lý trong xét xử, đã trở thành người chủ hôn cho đám cưới chính thức của Thúy Kiều và Thúc Sinh: Kíp truyền sắm sửa lễ công/ Kiệu hoa cất gió đuốc hồng điểm sao/ Bày hàng cổ súy xôn xao/ Song song đưa tới trướng đào sánh đôi
Lê Đình Cúc
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...