Truyện ba xu
VNTN - Trong lứa nhà văn thành danh trước năm 1945 ở nước ta, Phạm Cao Củng có vẻ như không “nổi tiếng” bằng một số người khác. Tuy vậy, chỉ cần đọc Nhà văn hiện đại, thấy Vũ Ngọc Phan nhận xét: “Trong các tiểu thuyết trinh thám của Thế Lữ, Bùi Huy Phồn và Phạm Cao Củng, chỉ có tiểu thuyết của Phạm Cao Củng là có phần đặc sắc hơn”. Vậy cũng đủ biết vị trí của ông trong văn đàn. Nhưng cho đến nay, vẫn còn một điều ít ai để ý: Phạm Cao Củng chính là nhà văn đầu tiên viết loại “truyện ba xu”.
Trong hồi kí Phạm Cao Củng (NXB Hội Nhà văn - 2012) từ trang 55, ông kể (xin ghi tóm tắt):
Hồi tôi làm tại Hải Phòng tuần báo, một hôm họp tòa soạn, anh Đỗ Xuân Mai (thường gọi là Mai Lĩnh) nói:
- ở Hà Nội có tuần báo Thứ Bảy bán rất chạy một phần là do có đăng truyện dài kiếm hiệp của Tàu, mặc dù người dịch là một anh Tàu dịch lắm chữ thật ngô nghê. Nếu bây giờ mình cũng có một truyện kiếm hiệp dài đăng hàng tuần như thế thì chắc chắn số độc giả cũng tăng lên nhiều lắm. Tôi cũng đã nhờ một ông bạn nhà Nho tìm và dịch cho một bộ truyện Tàu, nhưng ông này nói có mấy bộ kiếm hiệp hay thì người ta đã lấy dịch cả rồi. Phải chờ một thời gian xem Hồng Kông có gửi sang bộ nào khác thì mình mới mua và dịch được.
Nghe mọi người bàn bạc, đột nhiên tôi nảy ra ý nghĩ: Tại sao mình không viết một truyện kiếm hiệp, rồi tuy là truyện mới sáng tác nhưng cũng đề là “truyện dịch” thì mấy ai biết được nào.
Nghĩ thế nên tôi liền nói: “Ông thân sinh ra tôi ngày xưa cũng có dịch nhiều truyện Tàu, để tôi tìm xem có bộ nào hay sẽ đưa ra đăng báo”. Được mọi người ủng hộ nên về nhà tôi lập tức bắt tay vào “dịch” bộ truyện từ trong đầu óc mới sáng tác ra. Đó chính là bộ truyện Tàu… giả có tên Giang Đông Tam Hiệp của dịch giả Văn Tuyền, đăng nhiều kỳ trên Hải Phòng tuần báo.
Giang Đông Tam Hiệp được độc giả nồng nhiệt đón nhận phần lớn là do các tình tiết trong truyện được bố cục theo lối Tây, lại có nhiều chỗ bất ngờ như truyện trinh thám, không “thẳng ruột ngựa” như mấy cây bút Tàu chính cống. Ngay cả ông bạn nhà Nho của anh Mai Lĩnh đọc truyện này cũng sốt ruột muốn đọc toàn bộ ngay một lúc đã phải viết thư hỏi Giang Đông Tam Hiệp chính nhan đề truyện Tàu là gì mà đến mấy hiệu bán sách Tàu hỏi mua đều không có. Điều này chứng tỏ việc “giả dịch truyện Tàu” đã thành công ngoài mong đợi.
Anh Mai Lĩnh vốn có đầu óc kinh doanh nên bảo tôi kiếm thêm một bộ khác nữa để in thành tập 16 trang, giá bán 3 xu phát hành hàng tuần. Vậy là bộ Lục Kiếm Đồng của tôi sáng tác ngạo nghễ ra mắt độc giả suốt từ Bắc vào Nam, bán được nhiều hơn hẳn mấy bộ truyện dịch chính cống của các nhà xuất bản Tân Dân, Lê Cường, Quốc Gia, Văn Hồng Thịnh…
Nhận thấy đã đến lúc dốc toàn lực đánh mau đánh mạnh nên anh Mai Lĩnh lên Hà Nội vận động xin phép xuất bản tờ “Tiểu thuyết nhật báo” để mỗi ngày ra một tập truyện kiếm hiệp của “dịch giả” Văn Tuyền, cũng với giá bán 3 xu. Sau này, nhiều người thấy truyện bán chạy một cách vượt trội nên đã dè bỉu gọi đó là “truyện ba xu”. Nhưng truyện ba xu ấy mỗi lần in là phải mười ngàn bản. Thử hỏi hiện nay ở trong nước cũng như ở hải ngoại, có tác phẩm nào được in với số lượng như thế?
Rất tiếc là cho đến hôm nay, phần lớn bạn đọc và cả một số người cầm bút vẫn coi “truyện ba xu” hoặc “tiểu thuyết ba xu” như loại tác phẩm “hàng chợ”, “rẻ tiền”. Tuy vậy, khách quan mà nhận xét, hẳn ai cũng biết, nếu không có tài năng và sự sáng tạo của người trong cuộc thì cũng sẽ không thể có loại truyện ba xu
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...