Thứ năm, ngày 26 tháng 12 năm 2024
12:52 (GMT +7)

Trường đại học cho người già

VNTN - Khẩu hiệu học tập suốt đời trong những năm gần đây được Bộ Giáo dục đề ra như một mục tiêu quan trọng của việc đổi mới giáo dục một cách căn bản toàn diện. Đây là một chủ trương đúng đắn và phù hợp với xu thế phát triển hội nhập thế giới của Việt Nam nhằm xây dựng một môi trường học tập thường xuyên liên tục, đảm bảo sự phát triển của xã hội trong mọi tình huống. Nó không chỉ là lợi ích của tất cả mọi người trong xã hội hiện đại mà còn làm giảm thiểu những vấn nạn đạo đức trong xã hội.

Tuy nhiên trên thực tế chúng ta cần nhìn nhận lại là việc học tập suốt đời được thực hiện như thế nào khi môi trường để tạo điều kiện cho mục tiêu này chưa thật sự được đảm bảo. Đặc biệt là phân khúc giáo dục vẫn chỉ hướng đến lứa tuổi từ 6 đến 30 hơn so với các lứa tuổi khác. Vấn đề cần được nhìn nhận ở đây là, lứa tuổi nghỉ hưu có cần môi trường để học tập nữa hay không?

Về cơ bản ở Việt Nam, sau khi nghỉ hưu đa phần những người già rơi vào tình trạng bị lãng quên hoặc được cho là không còn có khả năng đóng góp cho xã hội nữa. Nhiều trường hợp bị cô lập và nếu không khỏe mạnh thì mang tiếng là gánh nặng cho gia đình. Ở nhiều quốc gia, việc cô lập những người già yếu như vậy có thể được coi là một “diện mạo của sự đàn áp”. (Iris Young - Năm diện mạo của sự đàn áp [Five faces of oppression])

Mặt khác, có nhiều người do điều kiện kinh tế nên khi còn trẻ không thể học hành một cách bài bản, cho đến khi về già họ lại không có một môi trường thực sự để tiếp tục việc học của mình. Ở Việt Nam, việc những người tuổi sáu mươi, bảy mươi vẫn đi thi đại học rõ ràng không phải là hiếm, nhưng có lẽ họ cần một trường đại học, một chương trình, phương pháp truyền đạt đặc thù phù hợp cho lứa tuổi. Tất nhiên nhiều người có thể biện luận, việc học là nhu cầu tự thân của mỗi người. Muốn học thì hãy tự đọc sách ở nhà. Nhưng nếu nói như vậy thì có lẽ khẩu hiệu “Học tập suốt đời” và vai trò của Bộ Giáo dục chưa được thực thi?

Thêm vào đó, tâm lý của đa phần người Việt Nam với sự ảnh hưởng của Khổng giáo rất thích lối sống ẩn dật không màng thế sự mang vẻ thanh tao, thoát tục. Đặc biệt khi họ đã đến tuổi nghỉ hưu. Hoặc họ cho rằng khi nghỉ hưu nên tận hưởng, lo chữa bệnh sau một tuổi trẻ đã quá vất vả. Tất nhiên điều này hoàn toàn có lý nhưng ở khía cạnh nào đó, nó thật sự trái ngược với xu thế của nhiều nước phát triển, rằng tất cả nguồn lực ở mọi độ tuổi, trong mọi hoàn cảnh đều có thể đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Cũng vì xu thế đó mà nhiều quốc gia đã xây dựng những trường đại học dành cho người già. Năm 1973 ngôi trường đầu tiên được thành lập ở Pháp rồi lan rộng ra nhiều nước châu Âu. Gần đây là Nga và Trung Quốc. Riêng Trung Quốc đặt ra mục tiêu đến năm 2020, mỗi thành phố sẽ có một trường đại học dành cho người cao tuổi với quan điểm: “Việc đi học khiến người già buộc phải ra khỏi bốn bức tường”, Yu Ninh, chuyên gia về giáo dục tại Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải nói với Financial Times. Hoặc “Giống như tập thể dục, đi học giúp họ cải thiện tâm trạng, sức khỏe, tăng tuổi thọ và chất lượng cuộc sống sau khi về hưu.” (An Hồng - Vn Express)

Câu chuyện về trường đại học dành cho người già ở Việt Nam có lẽ còn nhiều nỗi khó. Người ở độ tuổi nghỉ hưu của chúng ta trong nhiều trường hợp vẫn phải lo lắng cho con cháu do những ràng buộc gia đình. Đây cũng có thể là một lý do cho sự thiếu vắng những trường đại học dành cho người cao tuổi. Tuy nhiên trong xu thế hội nhập thế giới, cũng như mục tiêu giáo dục “học tập suốt đời” của Bộ Giáo dục, thì tại sao không nghĩ đến một trường đại học như vậy để thúc đẩy những nguồn lực cho sự phát triển của đất nước? Bởi suy cho cùng, một xã hội văn minh là một xã hội mà các lứa tuổi, các tầng lớp… đều có vai trò và được đảm bảo nhu cầu của nó.

Thành lập trường Đại học cho người già được kỳ vọng là một giải pháp thú vị cho việc thay đổi hành vi của lứa tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam. Ít nhất họ có thể có một cộng đồng để giao tiếp và hỗ trợ lẫn nhau, cùng niềm vui được học tập ngay cả khi đã già thay vì chỉ quanh quẩn trong bốn góc tường. Đại học cho người già cũng giúp cho việc xây dựng môi trường học tập suốt đời được đúng theo ý nghĩa của nó.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Luật pháp có vô tình?

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Một cuộc cách mạng chưa từng có

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Sống chung với lũ

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Người dẫn đường và con đường đã mở

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Chủ nhật yên tĩnh – nghĩ và mong…

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Nhà văn và xuất bản sách

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Đạo đức người làm báo

Xem tin nổi bật 6 tháng trước