Trường ca “Lửa Hồ” của Hoàng Cầm
VNTN - Rất có thể, sau 72 năm nằm trong cuốn sổ ghi cảm tưởng nơi căn cứ cách mạng, trường ca “Lửa Hồ” ký tên tác giả Hoàng Cầm lần đầu tiên được công bố trên báo chí, lại ở “Văn nghệ Thái Nguyên” một tờ báo văn nghệ địa phương - nơi năm xưa nằm trong Thủ đô Kháng chiến chống Pháp. Và như vậy cũng có nghĩa, tác giả Hoàng Cầm đã sáng tác trường ca trong một hoàn cảnh đặc biệt, duy nhất một bản…
Về một tư liệu lịch sử độc đáo
15 năm trước, khi tôi đang làm Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên. Một buổi sáng, phòng tôi có hai vị khách quý tới thăm, đó là ông Đinh Quang Ấn, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy và ông Phạm Tất Quynh, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh. Hai ông mang đến một tài liệu, cũng là kỷ vật cực kỳ quý, với lời đề nghị tôi nghiên cứu và tổ chức tuyên truyền… Đó là một cuốn sổ bìa cứng khổ 20x30cm, gáy bọc vải, các trang ruột là loại giấy giang bình thường. Tất nhiên cuốn sổ đã ngả mầu thời gian, bong tróc nhiều chỗ. Đó chính là cuốn sổ ghi những dòng lưu bút của những người qua đây để lên chiến khu hay từ chiến khu về xuôi. Chúng tôi thống nhất đặt tên cho tài liệu là “Thái Nguyên qua một tư liệu lịch sử độc đáo”, tôi giữ bản phô tô, còn ông Quynh giữ bản gốc (sau này ông Quynh đã gửi lại Thư viện tỉnh Thái Nguyên để lưu giữ tại đây)… Về phần tôi, 15 năm kể từ khi tiếp cận tài liệu, đã hơn một lần giới thiệu khái quát trên báo Nhân Dân và Đài Truyền hình Quốc gia...
Trở lại với cuốn số lưu niệm, sau ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), ATK Thái Nguyên là vùng căn cứ để lãnh đạo cách mạng của Đảng, Chính phủ. Thị xã tỉnh lỵ Thái Nguyên thực hiện tiêu thổ kháng chiến một cách triệt để. Trên đống đổ nát, Ủy ban Hành chính Kháng chiến đã lập trụ sở dã chiến, trạm đón tiếp cán bộ, bộ đội qua lại chiến khu. Cuốn sổ lưu niệm ghi cảm tưởng được lập ra - một sáng kiến rất lãng mạn cách mạng. Từ Tổng Bí thư Trường Chinh, đến Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp cùng nhiều cán bộ, nhân sĩ, văn nghệ sĩ qua đây vào những năm 1947 - 1951 đều để lại lưu bút… Ngủ lại một đêm (7/5/1948), Tổng Bí thư Trường Chinh viết: “Ủy ban Hành chính thị xã có nhiệm vụ rất nặng nề. Làm sao cho nó xứng đáng với vai trò một đội du kích canh gác cửa ngõ Việt Bắc và là một nhân viên tiếp tế cho cả ngược và xuôi”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì ghi: “Từ Khu Giải phóng Việt Bắc đến Thủ đô Hà Nội; từ ngày khởi chiến đến đại thắng Việt Bắc, Thái Nguyên đã có một địa vị quan trọng. Từ Việt Bắc đại thắng đến toàn quốc đại thắng, Thái Nguyên nhất định có một địa vị quan trọng, dân chúng Thái Nguyên gắng lên” (19/6/1948). Ông Lê Quang Đạo, Bí thư Thành bộ Việt Minh Hà Nội (sau này là Trung tướng, Bí thư Trung ương Đảng) cảm xúc: “Hôm nay qua đất Thái Nguyên là một dịp để được biết tinh thần kháng chiến của nhân dân trên đống gạch hoang tàn…”. Và hơn 50 lưu bút khác cũng hết sức có ý nghĩa, ngặt nỗi trong khuôn khổ một bài báo tôi không thể trích dẫn hết được…
Trường ca “Lửa Hồ” và đôi điều suy nghĩ
Trong cuốn sổ này có một trường ca mang tên “Lửa Hồ” gồm 178 câu thơ viết tay trên 9 trang giấy, đề ngày 5/4/1948, ký tên Hoàng Cầm. Với âm hưởng chủ đạo là ca ngợi con người, lý tưởng, nhân cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, tác giả phác họa việc tìm hình hài đất nước và ý chí quyết tâm giành độc lập dân tộc của Bác. Và khẳng định, Người luôn là ngọn lửa soi đường cho dân tộc đi qua đêm trường nô lệ… Trường ca được trình bày đẹp, tác giả trực tiếp vẽ minh họa và lời đề tặng đồng chí Thắng(1).
15 năm qua, tôi đã để tâm tìm trên các báo và tạp chí, nhưng chưa thấy bài thơ này được đăng tải, kể cả việc tìm hiểu tác giả bài thơ là Hoàng Cầm, với một niềm tin rằng tác giả bài thơ Bên kia sông Đuống với Hoàng Cầm - tác giả Lửa Hồ là một…
Nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập Nước (2/9/1945 - 2/9/2020), tôi nghĩ đây là dịp thích hợp để giới thiệu bài thơ. Và tôi coi đây là một đóng góp nhỏ cho trang lịch sử kháng chiến nói chung, cho mảnh đất Thái Nguyên anh hùng nói riêng… Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Hữu Minh
Lửa Hồ
“Nguồn ánh sáng Hồ Chí Minh”
Hồ Chí Minh không phải là một người.
Hồ Chí Minh là Ngọn Lửa - Lửa sống
của Dân tộc và Nhân loại...
***
Có người đánh cá trên bờ biển
Chợt thấy bình minh lửa rực trời
Có bác phó rèn vung nhát búa
Sèo sèo gang sắt cạn mồ hôi
Từ đó sông dài nhắn núi cao
Đây nguồn ánh sáng đã xôn xao
Lúa vàng vùng dậy, dâng màu đất
Xóa vết xe trâu đẫm máu đào.
Nguồn lửa soi dần các ngõ sâu
Miền Nam xứ Bắc dịu lòng đau
Nụ cười nở giữa hai dòng lệ
Ánh sáng bừng tươi mảnh áo nâu
Hết vua rồi đến giặc
Gieo rắc nghìn thảm sâu
Những bóng quỷ đen tối
Càng đè nặng trên đầu
Dân ta càng đói rét
Xương vụn trắng đầu lâu
Lửa Hồ xa đất Việt
Bập bùng trên hoàn cầu
Năm năm gió thảm mưa sầu
Lửa Hồ lãng đãng nhịp cầu chênh vênh
Bao nhiêu tình thương xót
Ngần ấy ngày lênh đênh
Thuyền nan bốn bể dập dềnh
Lửa lên đầu thác, cuối ghềnh lửa thiêu.
***
Nhẫn nại chịu gian khổ
Cho đến một buổi chiều
Nguồn ánh sáng Hồ Chí Minh bừng đỏ
Trên giang sơn chưa sạch vết tiêu điều.
Cách mạng đã thành công
Chúng ta hết nô lệ
Lòng già như tuổi trẻ
Đầm trong ngọn lửa hồng
Dân ta đã đứng dậy
Lửa soi hồng cánh tay
Thắm tươi nét mặt ấy
Rắn chắc bàn tay này
Có bông, ta dệt vải
Có ruộng, ta cấy cày.
Hồ Chí Minh! Nguồn ánh sáng tràn đầy
Đã chia ra hai mươi triệu tia lửa:
Tôi có cây bút thơ,
Anh có bàn tay thợ,
Anh có lưỡi cày dài,
Anh có ngọn súng nhỏ,
Chị có gánh ngô khoai,
Chị có lều họp chợ,
Dù già trẻ, gái trai,
Ai cũng là đốm lửa…
Ấp trong lòng chan chứa
Nguồn sáng Hồ Chí Minh.
Hỡi người cấy lúa xinh xinh,
Lúa bao nhiêu ngọn, thương mình bấy nhiêu.
Hôm nay ngày mười chín
Tháng Năm, đang vụ hè
Chúng ta đang kháng chiến
Tôi đọc thơ, mình nghe
Đây ruộng mạ xanh biếc
Còn vết máu thằng Tây
Nó thua trận liên tiếp
Xác nó còn chôn đây.
Mình ơi! Nấm mộ cỏ gầy
Lửa Hồ đốt cháy, những ngày thảm thương.
Trên chiến trường Việt Bắc
Nổi gió loạn rừng thu
Lửa Hồ từng đám lớn
Thiêu tan quân giặc thù
Mé ơi! Noọng nhớ sông Lô
Một chiều loang loáng Lửa Hồ mênh mang
Vuông vắn bếp nhà sàn
Ngày đêm, lửa không tàn
Ông Ké đi gánh thóc
Slầu tập bắn trên ngàn
Mé ngồi kéo sợi tơ chàm
Lửa Hồ ấm áp đôi bàn tay khô
Ngoài kia, đường phá hoại
Hố dọc liền hố ngang
Xẻng cuốc đi kháng chiến
Đoàn người vui hát vang
Em ơi! Đường nát, cầu tan
Lửa Hồ ngăn gót bạo tàn tới đây!
Đường ruộng thành lối hẹp,
Ruộng nhỏ lấn thành to,
Đường đi thì chả đẹp
Những thêm đất giồng ngô
Chiều chiều sóng lúa lô xô
Ai nghe thấy ngọn lửa Hồ mọc cao?
Giữa đồng có quán ngói
Trong quán vui trẻ già
Làm ruộng xong vào đó
Ngồi học chữ nước nhà
Trưa hè, tiếng đọc ê a
Lửa Hồ nhắn gió vang ra cánh đồng.
Súng nổ gần đâu đó?
Đàn trẻ vẫn chơi đùa
Ai bắt chim đừng hót?
Ai bắt bướm đừng đua?
Gót chân díu díu lửa Hồ
Tiếng hoa, tiếng lá, tiếng mùa xuân reo.
Gần đây có xưởng thợ
Anh chị em vui tươi
Đúc súng đạn giữ nước
Thuốc súng thơm miệng cười
Diệt thù bằng giọt mồ hôi
Lửa Hồ tung khói về nơi chiến trường.
Ai chiến sĩ bị thương
Về nằm an dưỡng đường?
Lửa Hồ là ống thuốc
Thấm dần vào thịt xương
Hỡi anh, trời lạnh đẫm sương
Lửa Hồ sưởi ấm đêm trường quạnh hiu.
Bọn người hèn bán nước
Có mắt cũng như không
Càng gần lũ giặc cướp
Càng thêm ân hận lòng
Lửa Hồ gạn đục khơi trong
Sạch lầu tội lỗi, thong dong quay về.
Về rừng thiêng nước độc
Về thị thành tan hoang
Như gianh đua nhau mọc
Gồng gánh đua nhau sang
Ngày một, máy bay bắn,
Ngày hai, đạn nổ vang
Việc nó, nó cướp nước
Việc ta, ta cứ làm.
Ai ơi! Sức sống huy hoàng
Lửa Hồ vươn dậy, lại càng dẻo dai.
Trong vùng giặc chiếm đóng
Tối om như ngục tù
Chúng ta càng gắng sống
Mỗi làng một chiến khu
Nó tra tấn giết chóc
Nó bắt thuế, bắt phu
Tha hồ nó hiểm độc
Sắt vàng còn trơ trơ.
Đêm đêm những ngọn lửa Hồ
Rủ nhau đốt trại quân thù sạch không.
Những người lính Pháp nhìn theo lửa
Xúc động niềm riêng nước mắt ròng
Cha mẹ ngày thương nhớ
Vợ con ngày ngóng trông
Đi giết thuê cướp mướn
Nơi quê người uổng công
Bỗng dưng bừng tỉnh cơn mê cũ
Thấy lửa Hồ thiêng thấm thía lòng.
Khắp bốn phương thế giới
Bạn nghèo tha thiết mong
Ngày Việt Nam thắng lợi
Nhân loại chung một lòng
Năm châu rải rác tia hồng
Lửa Hồ đúc một chữ đồng nguy nga
***
Ngày nay chúng ta
Bữa rau, bữa cháo, tan cửa nát nhà
Xóm đông, tiếng khóc con lìa mẹ
Chợ bắc, lời than trẻ mất già
Thảm thiết bao nhiêu rồi cũng hết
Lửa Hồ đốt cháy cả hồn ma.
Cái vui, còn mãi mãi
Buồn thương, gió thoảng qua
Nụ cười kẻ chết khinh ly biệt
Vũng máu trồi lên những nụ hoa.
Chúng ta phải thắng trận
Mai sau về Thủ đô
Nghìn triệu tia ánh sáng
Chụm lại thành Lửa Hồ.
Lớp lớp cuộn sóng đỏ
Vang vang tung tiếng hô
Chói lọi đầu ngọn lửa
Ngôi sao vàng nhấp nhô.
Quanh lửa Hồ ta hát
Quanh lửa Hồ ta chơi
Nắm tay nhau mà khóc
Ôm chặt nhau mà cười.
Thôi nhé, chồng về với vợ ngoan
Bướm xanh trở lại với hoa vàng
Đàn con ríu rít thưa cùng mẹ
Đây lũ chim về giữa tổ hoang.
***
Khi toàn cõi Việt Nam
Không còn là ngục tối
Khi các nước thế giới
Là ánh sáng huy hoàng
Thì lửa Hồ yên lặng
Trở về lũy tre làng
Trên bờ biển xa vắng
Thủy triều reo vang vang
Lửa Hồ dần tan loãng
Trong nắng đẹp chiều vàng.
Tiếng cười lũ trẻ ròn tan
Có người chài lưới thênh thang trở về
Có nàng yếm thắm khăn the,
Có anh thợ sắt nằm nghe gió chiều
…
Trên trời xanh xanh ngắt
Vẫn mơ hồ tiếng tiêu…
Tháng 5 năm 1948
Năm mươi chín năm sau khi ngọn lửa Hồ xuất hiện
Hoàng Cầm
(1)Các nhà nghiên cứu lịch sử đã xác định, đó là đồng chí Đặng Đức Thắng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính - Kháng chiến thị xã Thái Nguyên, chính là người lập ra cuốn sổ lưu bút (Ban Biên tập chú thích).
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...