Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
10:19 (GMT +7)

“Trốn tránh” trong chống dịch – nguy cơ và hậu quả khôn lường

Thời gian vừa qua, trong khi tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến căng thẳng, cộng đồng lại phải đối diện với một mối lo nữa - đó là những hành vi cố tình trốn tránh, làm trái quy định, gây ra nguy cơ mất an toàn trước dịch bệnh. Điều đáng nói ở đây không chỉ là vấn đề về ý thức chấp hành, ý thức vì cộng đồng, mà còn là những nguy cơ và hậu họa khôn lường.

Không ít những vụ việc đáng tiếc vừa diễn ra những ngày gần đây đã được thông tin, khiến cộng đồng không khỏi lo lắng, bức xúc. Tại Bệnh viện dã chiến tỉnh Vĩnh Phúc, một trường hợp mắc COVID-19 đã bỏ trốn ra ngoài, ngay sau đó lực lượng chức năng đã đưa được người này quay trở lại điều trị. Tại Thừa Thiên Huế, hai người trở về từ vùng dịch đã khai báo gian dối nhằm trốn cách ly y tế, sau đó các lực lượng chức năng đã phát hiện và yêu cầu thực hiện biện pháp phòng dịch theo quy định. Tại Kiên Giang, dù đã được giải thích và yêu cầu quay lại nhưng hai vợ chồng trên xe máy vẫn cố tình lao xe vượt qua chốt kiểm soát. Tại Bình Dương, một thanh niên đã bất chấp các quy định, liều lĩnh tìm cách vào khu phong tỏa, rồi trốn tránh cách ly v.v..

Công an phường Tân Thịnh, TP. Thái Nguyên phát hiện trường hợp chui qua rào từ đường cao tốc xuống đường khu vực bến xe Samsung, trốn khai báo y tế (Nguồn: baothainguyen.vn)

Thậm chí, có cả một số trường hợp là cán bộ nhưng không những không gương mẫu chấp hành mà còn gây ra những vi phạm rất đáng phê phán. Tại Bình Định, vị giám đốc của một sở (đồng thời là thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh) đi đánh golf trong thời gian giãn cách xã hội. Tại Phú Yên, hai cán bộ (một thuộc Hội đồng nhân dân tỉnh, một thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) không thực hiện các yêu cầu phòng chống dịch khi “đi xem đất” v.v..

Ngay tại Thái Nguyên, giữa bối cảnh các biện pháp phòng chống COVID-19 đang được thắt chặt, vẫn có những trường hợp cố tình trốn tránh, làm trái các quy định. Ngày 6/8, một người dân đi khám bệnh ở Hà Nội trở về nhà tại xã Quyết Thắng thành phố Thái Nguyên mà không khai báo y tế, sau đó các lực lượng chức năng đã đến tận nhà đưa đi cách ly y tế tập trung. Trong khi đó, ngày 8/8, hai người dân từ Bắc Ninh trở về đến khu vực cầu vượt cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đã di chuyển xuống quốc lộ 3 cũ, nhằm trốn khai báo y tế. Ngày 12/8, tại Chốt kiểm soát phòng chống dịch khu vực nút giao Sông Công, một trường hợp nằm trốn trong cốp xe ô tô để tránh khai báo y tế v.v..

Thực hiện khai báo y tế đầy đủ, trung thực là góp phần tích cực phòng chống dịch COVID-19 (Ảnh minh họa, nguồn internet).

Tất cả những trường hợp vi phạm nêu trên, rất may, đã được phát hiện và xử lí theo quy định. Tuy nhiên, nguy cơ vẫn tiềm ẩn và hậu họa của nó thì thật khôn lường. Nếu có vấn đề gì, ngay lập tức những sự cố tình trốn tránh và vi phạm của một vài cá nhân sẽ khiến cả xã/phường, cả huyện/thành phải “khốn đốn” với hàng loạt các biện pháp cấp bách như phong tỏa, cách ly. Thậm chí, nếu chẳng may là trường hợp mắc rồi lây nhiễm COVID-19 cho người khác thì câu chuyện còn phức tạp và nguy hiểm hơn, không chỉ với một vài cá nhân mà là với cả khu vực, cả địa phương. Một loạt các vấn đề sẽ kéo theo: Nhân dân hoang mang lo lắng, các hộ gia đình bị ảnh hưởng khi người lớn không thể đi làm và trẻ em không thể đến trường, các đơn vị kinh doanh và sản xuất bị đình trệ, lực lượng y tế và chức năng phải dốc sức căng mình v.v..

Khi trốn tránh và vi phạm, liệu những người này có mảy may nghĩ đến cộng đồng, hay gần hơn là nghĩ đến người nhà, người bên cạnh? Họ có thấy TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương… đang chịu tổn thất rất nhiều về người khi dịch bùng phát mạnh? Vẫn biết, có những người đang chịu áp lực mưu sinh khiến họ phải gồng mình trong thời dịch, phải cố gắng tìm mọi cách lo lắng cho cuộc sống từng ngày. Nhưng không thể vin cớ “đánh đồng”, chỉ đặt mong muốn cá nhân mình lên trên nhất mà phớt lờ trách nhiệm trước sự an toàn của mọi người.

Lại nhớ, có câu chuyện người cha dạy con. Khi cậu bé làm rơi chiếc cốc, người cha động viên con cứ dọn dẹp sạch sẽ, rồi sẽ tìm cách mua chiếc cốc mới thay thế. Nhưng một ngày nọ, cậu cố tình bẻ gẫy một mầm cây non, người cha đã nghiêm khắc bảo rằng cây non này sẽ không bao giờ mọc lại được bình thường như trước nữa, và đó là lỗi không bao giờ được phép lặp lại...

Người điều khiển phương tiện chấp hành việc kiểm tra thân nhiệt tại chốt kiểm soát dịch bệnh phường Tân Lập, TP. Thái Nguyên

Vậy mới thấm hơn, đời sống này, có những lỗi phạm vẫn sửa chữa được, nhưng có những sai lầm mà nếu gây ra thì ta không có cơ hội làm lại nữa, không thể nào. Cũng có nghĩa là, có những việc, chúng ta buộc phải hiểu rằng không được phép làm trái, nhất là cố tình làm trái. Chống COVID-19 lại càng cần hiểu điều đó, bởi nếu không thì hậu họa sẽ rất khôn lường.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Băn khoăn… chờ lương mới

Xem tin nổi bật 5 ngày trước

Chuyện tặng sách

Xem tin nổi bật 4 tuần trước

Việc kiêm nhiệm và vị trí việc làm

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Hãy là hình ảnh đẹp trong mắt du khách

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Về chuyện lương giáo viên

Xem tin nổi bật 5 tháng trước