Trò chuyện với Phạm Văn Vũ: “Đời thường và giản dị đến tận cùng”
VNTN - Người viết trẻ ở Việt Nam tương đối nhiều nhưng người viết trẻ có được sự tỉ mỉ kỹ lưỡng như Phạm Văn Vũ có lẽ không nhiều. Ở tuổi ba lăm những sáng tác của anh càng đằm lại và dường như đang muốn quay lại cái ban đầu sự viết của mình. Đó cũng là hành trình viết của nhiều người. Đi tìm khởi thủy của sáng tạo, hay như anh viết, đi tìm cái “Trong trẻo đắp cho Lầm lạc”.
Được biết anh ít khi trả lời phỏng vấn trên báo hay trên đài mà thường đứng ở vị trí người phỏng vấn. Cụ thể là trong cuốn sách “Ngẫu luận” và một phần cuốn sách “Chân dung chữ”, anh đã thực hiện các cuộc trò chuyện với nhiều nhà văn, nghệ sĩ tên tuổi của Thái Nguyên và của Việt Nam. Vậy anh cảm thấy thế nào khi phải vào một vai khác?
Phạm Văn Vũ: Quả đúng là tôi ít khi trả lời phỏng vấn trên báo đài. Không phải vì né tránh gì chuyện phát ngôn đâu, mà chủ yếu là do tôi thấy thú vị với việc đặt vấn đề hơn. Nếu vấn đề của mình đặt ra được người trò chuyện quan tâm, trao đổi, nhất là tranh luận, thì chứng tỏ nó đáng được coi là… vấn đề. Khi đó, chúng ta sẽ tránh được những cuộc “phỏng vấn”, mà thay vào đó là những cuộc đối thoại. Thế nên, suy cho cùng mà, dù có ở trong “vai” nào thì tôi cũng vẫn cần được trò chuyện. Nó là thứ niềm vui không bị phụ thuộc vào vị trí xuất hiện.
Nói như vậy thì có vẻ đối thoại là câu chuyện không hề dễ dàng. Đặc biệt trong quan điểm thường là cực đoan của nghệ sĩ, làm thế nào để anh có thể lắng nghe các tiếng nói bất đồng với mình?
Phạm Văn Vũ: Khó chứ, đối thoại thực sự là rất khó. Cả tôi, cả anh, có lẽ chúng ta ai cũng vậy thôi, sẽ đều dễ thấy hài lòng khi người đối diện đồng tình với mình. Nó là một cảm giác rất quyến rũ. Không dễ chịu chút nào khi cuộc gặp mặt diễn ra giữa những quan điểm không gặp gỡ nhau.
Nhiều văn nghệ sĩ thường rất sẵn sàng thể hiện quan điểm của mình, nhiều khi còn nghiêng về cảm tính đến mức cực đoan. Nếu không vô tư và không tôn trọng nhau, sẽ chẳng dễ gì để có thể trao đổi. Trong những cuộc trò chuyện với họ, tôi luôn nhắc mình phải cố gắng bày tỏ được thiện chí đối thoại để nhân vật của mình thoải mái nhất, tập trung nhất cho vấn đề của câu chuyện, mọi cái khác mang tính cá nhân thì tạm để sang một bên. Chính vì vậy, nhiều khi hai bên không giống nhau trong quan điểm nhưng bù lại thì càng đối thoại lại càng đặt ra nhiều vấn đề. Mà anh biết đấy, chẳng có câu trả lời nào là cuối cùng hay xác quyết đến độ đủ để lấp đầy vấn đề cả đâu. Nhiều khi những câu hỏi đặt ra lại mới là quan trọng.
Sau những cuộc đối thoại, điều tôi tìm kiếm không chỉ là những câu trả lời, mà còn là những câu hỏi nữa. Cảm giác đó rất thú vị đấy.
Tiếp tục câu chuyện về việc ít khi anh xuất hiện trên báo đài để trả lời phỏng vấn, tôi cho rằng những người viết chuyên nghiệp không thích sự ồn ào hay các mối quan hệ xã hội vì họ thích thú với các sự suy ngẫm hơn. Liệu anh có thuộc tuýp người viết như vậy?
Phạm Văn Vũ: Những người viết chuyên nghiệp không thích sự ồn ào thì có lẽ đúng rồi, bởi tôi hình dung rằng cái mà họ lắng nghe và kiếm tìm không phải sự huyên náo mà là những vang vọng, nhiệm vụ của họ là tập trung chứ không phải sự phân tán không đáng có. Nhưng còn các mối quan hệ xã hội như anh nói thì tại sao lại không nhỉ? Hình như mỗi cá nhân chúng ta không nằm trong bất cứ điều gì, và hình như, mỗi chúng ta cũng không nằm ngoài bất cứ điều gì.
Tôi tự biết mình không phải người viết chuyên nghiệp, mà chỉ là một người vì muốn tìm kiếm nghĩa lí tốt đẹp của việc viết mà lựa chọn nó, một lựa chọn bình thường nhưng cần thiết trong đời sống vốn quá nhiều lựa chọn này. Tôi nghĩ mình vẫn còn tham lam và chiều chuộng bản thân lắm, vừa muốn có mặt lại vừa muốn vắng mặt, trước mọi thứ.
Gần đây anh cũng ít xuất hiện trong mảng thơ mà có vẻ “lấn sân” nhiều hơn sang phê bình văn học và thực hiện công việc của biên tập viên. Phải chăng thơ ngày nay đã “nhạt” đối với anh hay vì lí do gì khác?
Phạm Văn Vũ: Tôi không thay đổi lựa chọn của mình, mà chỉ đặt mình vào một đôi công việc mới để có thêm góc nhìn và trải nghiệm nó.
Không biết anh nghĩ như thế nào về những công việc trên, còn tôi thấy viết phê bình và làm biên tập giúp mình hiểu hơn thế nào là “hay” để biết cố gắng, nhắc mình thế nào là “dở” để biết tránh. Cả hai công việc này khiến tôi có thêm nhiều dữ liệu và cảm hứng để nghĩ về thơ. Nó giúp tôi thêm tin rằng trong đời sống này có những điều tốt lành mà thơ có thể làm được. Ngược lại, nó buộc tôi sau khi tự mình đọc lại những bài thơ dở do chính mình viết ra phải chấp nhận rằng thơ chẳng để làm gì.
Vậy theo anh thơ để làm gì?
Phạm Văn Vũ: Khi chúng ta nói với nhau về câu chuyện thơ để làm gì, thì thơ vẫn đang đi làm việc của nó. Trên những cánh đồng. Sau mỗi ô cửa. Bên kia bức tường. Trong phòng ăn và trong bệnh viện. Trong những tháng năm. Trong những cuộc đời.
Sẽ rất khó để chúng ta nói về thơ nếu thông qua những con chữ nhảy múa uốn lượn trên các trang giấy hay bàn phím.
Theo anh nói có vẻ như ở đây có ranh giới rất dễ nhầm lẫn giữa cái gọi là thơ và những cái gọi là giả thơ. Tôi cho rằng từ khi công nghệ in ấn bùng nổ thì thị trường sách toàn thế giới có vẻ như quá hỗn loạn để nhận diện diện mạo của thơ. Theo anh đó có phải sự tai hại của xuất bản?
Phạm Văn Vũ: Tôi chưa có điều kiện và nhiều thông tin để hiểu về tình hình thị trường sách của các nước trên thế giới. Ở Việt Nam, với những gì tôi quan sát thấy cho đến nay, phải nói rằng thật ra sách chưa phải là nhiều đâu. Đúng hơn thì, nhiều là nhiều ở tỉ lệ của những kiểu sách làng nhàng, vô thưởng vô phạt. Cái này chúng ta có thể thấy rõ khi nhìn vào gian hàng các nhà sách hoặc danh mục sản phẩm trên các trang mạng bán sách trực tuyến. Anh có đồng ý với tôi rằng, sách hoặc là phải đem lại cho người đọc những tri thức nhất định, hoặc phải tạo ra sự thú vị thư giãn, tức là ứng dụng ra ứng dụng, giải trí ra giải trí. Chúng ta đang quá thừa những cuốn sách chung chiêng ở giữa, không vào dòng nào cả, lãng phí vô cùng, bởi không biết xuất bản ra để làm gì, mua về để làm gì, đọc để làm gì, hay kể cả trưng bày để làm gì.
Trong vấn đề này, rõ ràng là các nhà xuất bản phải chịu trách nhiệm trong công việc của mình. Nhưng cũng đừng đổ hết lỗi cho các nhà xuất bản. Khi anh rút ví ra mua sách thì trước hết anh phải tự chịu trách nhiệm với mình chứ. Nếu thị trường không có nhu cầu thì xuất bản ra để cho ai? Người đọc còn thích mua thích đọc những cuốn sách như thế, thì họ sẽ còn tiếp tục xuất bản những cuốn sách như thế. Chuyện đó là có thể hiểu được.
Câu chuyện của những người có tập thơ xuất bản (tôi không nói về các Nhà Thơ đúng nghĩa) thì cũng rất nhiều thứ cần nói. Họ in thơ không phải vì được các nhà xuất bản chủ động tổ chức bản thảo và mua bản quyền (một trong những yếu tố thể hiện “giá trị”), mà chủ yếu là tự bỏ tiền của mình ra làm. Nếu sau đó bán được thì cũng là một “giá trị”, nhưng đáng tiếc là chủ yếu họ phải cho/biếu/tặng bằng mọi cách. Tôi biết chuyện của một người bạn, anh này làm thơ, xuất bản tập thơ xong đi tặng. Anh ấy phải can đảm lắm mới dám nói với cô bạn, rằng em ơi anh biết em bận rộn vất vả lắm, nhưng thôi cố gắng nhé, anh… tặng em tập thơ.
Thế đấy. Thơ hay có thể ít bạn đọc, còn thơ dở thì chắc chắn ít bạn đọc. Cho nên, cuối cùng thì con đường của những tập thơ cho/biếu/tặng ấy có rất nhiều ngã rẽ, nói chung là không như suy nghĩ hay mong muốn của tác giả, và tất nhiên chẳng vui vẻ gì cho lắm.
Rất khó. Ít nhất là không thể bảo nhau rằng đừng xuất bản thơ nữa, lại càng không thể bảo nhau rằng đừng làm thơ nữa. Chúng ta ai cũng được làm những gì mà luật pháp không cấm. Chỉ có điều, để bàn về việc nên hay không thì câu chuyện thực sự là rất dài.
Vậy từ góc nhìn của một biên tập viên nhà xuất bản, theo anh có quá quan trọng khi cần công bố tác phẩm của mình?
Phạm Văn Vũ: Tôi thấy một điều khá thú vị, anh ạ, có khi người có tác phẩm thực sự nên công bố thì họ lại không có nhu cầu, còn những bản thảo chẳng mấy giá trị thì chủ nhân của nó vì một số lí do nào đó lại kiên quyết xuất bản. Là biên tập viên của Nhà xuất bản, có trường hợp tôi đã tư vấn tác giả không nên xuất bản hoặc nếu có thì cũng in lượng bản thật ít thôi, nhưng bất thành, có trường hợp tôi lại tư vấn tác giả đem những gì đã viết để xuất bản thành sách, nhưng cũng bất thành. Vậy thì anh bảo tôi biết phải làm sao?
Câu chuyện của chúng ta ở đây không phải là công bố hay không, mà vấn đề là công bố cái gì?
Giả sử Tagore không xuất bản tập thơ của mình thì giờ chúng ta cũng không biết ông vĩ đại thế nào. Tôi cho rằng người viết nào cũng khát khao sự bất tử cho tác phẩm của mình. Anh nghĩ sao về điều này?
Phạm Văn Vũ: Tôi cũng là một người viết, đã xuất bản 2 tập thơ, 2 cuốn tiểu luận phê bình, thành thật mà nói là tôi cũng đã từng khát khao về tên tuổi và sức sống cho những tác phẩm của mình. Và tôi đoán là anh cũng thế? Người viết chắc hẳn đa phần cũng thế! Nhưng theo tôi nhớ, trong hàng ngàn người xuất bản thơ thì chỉ có một người trở thành Tagore, đúng không?
Cho nên tôi vẫn nghĩ, để trở thành một tác giả thực sự thì phải có tác phẩm được công bố, nhưng không phải cứ công bố tác phẩm là thành tác giả, đó là hai chuyện rất khác nhau.
Câu chuyện “vĩ đại” có lẽ còn phải bàn dài. Trở lại đời thường, xin chúc mừng anh lên chức và chùm thơ gần đây nhất của anh dành cho con gái. Anh có thể chia sẻ với bạn đọc đôi điều về sự thay đổi trong cảm xúc của mình?
Phạm Văn Vũ: Rất cảm ơn anh đã chia sẻ với tôi niềm hạnh phúc này. Niềm hạnh phúc ấy, phải nói thế nào nhỉ, nó rất bình thường nhưng thật đặc biệt. Khi con gái chào đời, tôi cảm giác mọi thứ trong cuộc sống của mình đều trở nên trẻ con và đều trở nên thiêng liêng. Chúng tôi đón con như một nghi lễ, chúng tôi thức để được ngủ trong giấc ngủ của con, như những đứa trẻ chung nhau một giấc mơ. Tôi viết những bài thơ cho con một cách hoàn toàn tự nhiên, viết rất nhanh, liền một mạch và không sửa chữa lại gì nữa. Dễ dàng vô cùng. Chưa bao giờ tôi thấy viết thơ dễ dàng như thế. Nó không phải thơ, nó là tôi. Tôi chỉ việc nói ra những gì đang ở trong con người mình.
Anh ạ, tôi tin rằng thơ ở trong sâu thẳm, nhưng nó không hề xa. Nó ở trong tình yêu. Nó là tình yêu. Đời thường và giản dị đến tận cùng.
Tôi cho rằng trở lại với đời thường và giản đơn là hành trình của thơ. Chúc anh tiếp tục với con đường sáng tạo và gia đình hạnh phúc của mình. Xin cảm ơn về cuộc trò chuyện.
Nguyễn Nhật Huy (thực hiện)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...