Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
05:02 (GMT +7)

Triển lãm Mỹ thuật Khu vực III (Tây Bắc – Việt Bắc) lần thứ 24: Tìm kiếm, khai thác chất liệu mới

VNTN - Nỗ lực khám phá chất liệu mới, cùng với đó là làm mới từ chất liệu cũ, có nhiều điều mới mẻ được khai mở và ghi nhận.

Đúng vào ngày kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2019), Triển lãm Mỹ thuật khu vực III (Tây Bắc - Việt Bắc) lần thứ 24 đã được khai mạc tại tỉnh Hà Giang. Triển lãm trưng bày 173 tác phẩm của 168 tác giả, được Hội đồng nghệ thuật - Hội Mỹ thuật Việt Nam xét chọn trong tổng số 395 tác phẩm của 258 tác giả gửi tham dự. Trong đó có 111 tác phẩm của 83 tác giả là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, còn lại là tác phẩm của hội viên Hội địa phương và chưa là hội viên thuộc 15 tỉnh trong khu vực gồm: Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Bắc Giang, Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Phú Thọ.

 

Tác phẩm “Một buổi lễ của người Dao” của tác giả Lương Ánh Hiện, giải B

Cách đây 16 năm (2003) Hà Giang đã từng đăng cai Triển lãm Mỹ thuật. Mặc dù là tỉnh vùng cao biên giới, đời sống cộng đồng các dân tộc còn khó khăn nhưng trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền của tỉnh luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện cho sự phát triển của mỹ thuật tỉnh nhà. Năm nay, mặc dù địa điểm triển lãm là Bảo tàng tỉnh Hà Giang có phần chật hẹp, số lượng tác phẩm chọn trưng bày vì thế cũng phải “co” hơn một chút so với năm trước, song các cán bộ Bảo tàng Hà Giang đã nỗ lực tạo dựng một không gian trưng bày khá phù hợp, tạo thiện cảm cho người xem. Với thế mạnh của một tỉnh có gần hai mươi dân tộc, mỗi dân tộc có những đặc trưng riêng về văn hóa; đồng bào các dân tộc còn giữ gìn, duy trì nhiều lễ hội truyền thống, nhiều nét văn hóa mang tính cộng đồng như: lễ cấp sắc của người Dao, lễ hội Gầu Tào của người Mông, lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn, hội Lồng tồng của người Tày, Chợ tình Khau Vai… Hà Giang là một vùng văn hóa đa dạng, phong phú, từ lâu là điểm dừng chân của nhiều du khách tham quan và các văn nghệ sĩ thường xuyên đến thâm nhập, tìm kiếm cảm hứng sáng tác.

Theo đánh giá của Hội đồng Nghệ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam, thì “chất lượng tác phẩm trưng bày tại triển lãm lần này đồng đều, nhiều tác phẩm tốt, mang hơi thở riêng của vùng Tây Bắc - Việt Bắc, đã cho thấy sự tìm tòi, sáng tạo của các họa sĩ…”. Cảm nhận được rằng, trong lời nhận xét ấy có hàm chứa sự động viên mà Hội đồng nghệ thuật muốn dành cho các họa sĩ trong khu khu vực, đặc biệt là những họa sĩ thuộc các tỉnh miền núi cao. Tại lễ khai mạc, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã trao 2 giải B (không có giải A) cho các tác phẩm: “Một buổi lễ của người Dao” của tác giả Lương Ánh Hiện (Tuyên Quang); tác phẩm “Tự vệ 4” của tác giả Thái Nhật Minh (Vĩnh Phúc); trao 1 giải C và 7 giải Khuyến khích cho các tác phẩm, tác giả xuất sắc khác.

Triển lãm Mỹ thuật nhiều năm nay thường chỉ xuất hiện 3 loại hình cơ bản là hội họa, đồ họa, riêng điêu khắc thì không nhiều, thế mạnh vẫn tập trung ở tỉnh Vĩnh Phúc với những họa sĩ quen thuộc như: Nguyễn Lưu, Đào Thanh... Năm nay, 1 trong 2 giải thưởng cao nhất được trao cho loại hình điêu khắc, là tác phẩm “Tự vệ 4”, (chất liệu hàn sắt) của họa sĩ Thái Nhật Minh (Vĩnh Phúc). Với kỹ thuật tạo hình tinh tế, mang yếu tố biểu tượng, tính cách điệu khái quát cao khiến người xem phải suy ngẫm để hiểu phần nào ý tưởng của tác giả. Thân Tượng đứng thẳng, hai chân trước co lên với cái vòi dài và lớp da thô ráp, đây là hình ảnh loài Voi, đứng trước sự săn bắt và mối nguy bị diệt chủng, chúng phải đứng lên tự vệ. Tác giả cố tình tạo dáng cái vòi duỗi phía trước như khẩu tiểu liên, dường như nó đang sẵn sàng “nhả đạn” vào những kẻ chuyên săn trộm thú rừng.

Đối với các chất liệu hội họa, thường gặp nhất như sơn dầu, sơn mài, acrylic, lụa, mấy năm gần đây thấy xuất hiện chất liệu mới như chàm nhuộm. Từ nguyên liệu tự nhiên (cây chàm), làm theo kỹ thuật nhuộm lanh và vẽ sáp ong của đồng bào Mông Hoa ở cao nguyên đá Hà Giang, rất độc đáo và khác lạ. Tác phẩm tiêu biểu có thể nhắc đến là “Phơi lanh 1” của họa sĩ Đồng Thanh Phong (Hà Giang). Chất liệu được sử dụng nguyên sắc chàm tự nhiên (loại cây chàm thân mộc, chỉ có ở Hoàng Su Phì, Hà Giang), bố cục bức tranh đơn giản nhưng khá lạ mắt. Hình tượng là những dải lanh trải dài dàn ngang được giữ nguyên màu sợi trắng ngà; sự phá thế bởi chiếc quẩy tấu cùng hai nhân vật đứng và khom lưng khiến người xem cảm nhận được sự lay động của dải lanh, sự uyển chuyển tháo vát của nhân vật. Bức tranh không giàu sắc độ, nhưng sự thay đổi của mảng hình, độ dày thưa của dải lanh, độ sâu thẳm của sắc chàm ngấm trong từng sợi lanh đã không làm người xem chán mắt. Được biết, để có thể giữ được màu trắng nguyên của sợi lanh, họa sĩ phải dùng sáp ong vẽ hình (toàn bộ phần trắng); do đặc tính của sáp ong không thấm nước nên khi nhuộn phần trắng không bị màu chàm loang sang. Để được sắc chàm nguyên gốc như vậy, tác giả phải đến tận nơi học cách ủ chàm, cách pha chế và kỹ thuật nhuộm sao cho thấm đều.

Để nhuộm chàm thành tranh, công việc cũng cầu kỳ như làm chiếc váy của đồng bào Mông. Từ khâu chuẩn bị phác thảo, bố cục, can hình, riêng việc ủ chàm mất 10 đến 15 ngày cho lên men rồi nhuộm khoảng 1 tuần (nhuộm đi nhuộm lại cho ăn màu). Đồng Thanh Phong tiết lộ, anh vẫn đang nghiên cứu đưa thêm màu tự nhiên lên mặt tranh như: củ nâu, lá cây cơm đỏ, cơm tím… Hy vọng đây sẽ là sự tìm tòi, sáng tạo chất liệu màu tự nhiên độc đáo, mang đậm bản sắc khu vực miền núi phía Bắc.

 

Tác phẩm “Phơi lanh 1” của họa sĩ Đồng Thanh Phong (Hà Giang)

Điểm nhấn không chỉ ở sự sáng tạo từ chất liệu mới, mà dù sử dụng chất liệu hội họa truyền thống, nhiều tác giả đã tìm cho mình hướng đi riêng và độc đáo. Mô típ chân dung người mẹ dường như là phong cách của họa sĩ Hoàng Minh Đức (Thái Nguyên). Bức sơn dầu “Mẫu sơn” (70 cm x 130 cm) gây ấn tượng với công chúng bởi cách giải quyết từng lớp màu, thể hiện sự công phu tìm tòi của tác giả. Trọng tâm bức tranh là chân dung bà mẹ sống ở mền núi, nền là tấm rèm cửa; chìm trong sắc chàm xen lẫn hoa văn tươi sáng có chữ Song hỷ (niềm vui nhân đôi). Tất cả chi tiết đó gợi cho người xem cảm nhận được về một nét văn hóa của đồng bào miền núi, những quy chuẩn trong lễ cưới mà người mẹ luôn là người giữ lửa.

Đến với triển lãm, các họa sĩ đã thu lại nhiều nguồn năng lượng tích cực từ những tác phẩm chất lượng, song cũng không tránh khỏi cảm giác “gợn” bởi một số bức họa vẽ như tranh minh họa, ngây ngô, dễ dãi trong tạo hình, bố cục; có tác phẩm lại như đang vẽ dở… Phòng trưng bày vốn đã chật chội, vậy mà chẳng hiểu sao Ban tổ chức lại “chèn” thêm vào đó hai tác phẩm của một tác giả “chủ nhà” ngoài danh sách - không được thẩm định của Hội đồng nghệ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam. Điều này khiến nhiều họa sĩ khá bức xúc. Thêm một điều đáng tiếc nữa là, có vẻ như công tác tuyên truyền về sự kiện của đơn vị đăng cai khá khiêm tốn, nên công chúng đến với triển lãm cũng… khiêm tốn. Thiển nghĩ, tổ chức triển lãm khán giả càng đông, càng nhiều đối tượng tham dự thì triển lãm đó càng thành công. Có lẽ các ngành chức năng đơn vị đăng cai sự kiện cũng nên coi đây là cơ hội tuyên truyền mạnh nhất về nét văn hóa và đời sống của cộng đồng, qua đó tạo điều kiện để công chúng địa phương hiểu biết thêm về nghệ thuật tạo hình.

Triển lãm năm nay, tỉnh Thái Nguyên gửi tham dự 39 tác phẩm của 27 tác giả, được chọn trưng bày 11 tác phẩm của 11 tác giả. Trong đó, 2 tác phẩm “Hồn quê” của Hoàng Minh Tiến và “Bóng chiều” của Trịnh Ngọc Hà được giới thiệu tham dự giải thưởng Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Tác phẩm “Đầu đông” của Dương Văn Chung và “Trên bản Mường” của Nguyễn Thế Hòa được Hội Mỹ thuật Việt Nam nghiệm thu hỗ trợ sáng tác. Tác phẩm mỹ thuật của Thái Nguyên được đánh giá có chất lượng khá đồng đều, tuy nhiên vẫn thiếu hụt tác phẩm của các tác giả trẻ. Hi vọng thời gian tới, lực lượng này sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa, để có cơ hội phục vụ công chúng thưởng lãm những tác phẩm chất lượng.

Triển lãm Mỹ thuật khu vực III (Tây Bắc - Việt Bắc), đã qua chặng đường 24 năm nhiều thành quả; đội ngũ họa sĩ từng bước trưởng thành, nền mỹ thuật trong khu vực ngày càng phát triển rõ nét. Trước sự động viên, tạo điều kiện, khích lệ của cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, đặc biệt là Hội Mỹ thuật Việt Nam, các họa sĩ khu vực III sẽ có thêm động lực phát triển, đội ngũ họa sĩ trẻ tiếp tục tìm tòi, sáng tạo. Kỳ triển lãm năm tới sẽ diễn ra tại Điện Biên, chúng ta lại chờ đợi, tin tưởng một “vụ mùa” mới với những niềm vui mới, những thành quả mới.

Gia Khánh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy