Trao quyền tự chủ cho con
VNTN - Ngày 23/9/2017, trên VTV1 lên sóng chương trình “Những đứa trẻ thông thái”. Đây là show truyền hình thực tế do Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện, với mục đích giúp trẻ em Việt Nam tiếp cận dịch vụ tài chính và sớm có thói quen quản lý tiền thông minh. Ở đó, những đứa trẻ được “học hỏi về tiền, làm chủ tương lai”. Chương trình sẽ được phát sóng đều đặn vào chiều thứ 7 hàng tuần, khung giờ 16h50 - 16h55.
Trong khung thời lượng 5 phút/tập phát sóng, sẽ là câu chuyện của các em nhỏ (từ 6 đến 15 tuổi) khi tự mình cân đối chi tiêu, trực tiếp sử dụng những dịch vụ tài chính; được trải nghiệm những tình huống, có các hoạt động thực tế như đi tham quan bảo tàng tiền của ngân hàng Nhà nước, tham gia các hoạt động kiếm tiền đơn giản, làm từ thiện, các dịch vụ tài chính, các hoạt động rèn luyện kỹ năng tiết kiệm và sử dụng tiền…
Còn nhớ cách đây ít lâu, trên trang website Diễn đàn đầu tư (bizlive.vn) đăng tải câu chuyện của JP Livingston (New York, Mỹ) sau khi làm việc 7 năm trong ngành tài chính, cô đã có một vị trí cấp cao tại công ty của riêng mình. Cô tiết kiệm được khoản tiền hơn 2 triệu USD từ 40% tiền đầu tư và 60% khoản tiết kiệm thuần túy. Bí quyết của Livingston là: sống trong nhà nhỏ, mua đồ cũ, gặp bạn bè ở những quán hàng không đắt đỏ và định giá món đồ định mua theo giá trị giờ làm việc. Với số tiền tích lũy “kếch xù”, cô đã quyết định nghỉ hưu ở độ tuổi 28 mà vẫn đủ tiền tiêu đến già.
Kế hoạch tài chính của JP Livingston khiến người ta đi từ ngạc nhiên đến nể phục và là câu chuyện đáng để chúng ta cùng suy ngẫm. Người Việt chúng ta đang có thói quen tài chính như thế nào? Và chúng ta đang dạy dỗ con cái về việc làm chủ cuộc sống, trách nhiệm về tài chính với bản thân, gia đình và cộng đồng ra sao?
Ở Việt Nam, tình trạng chung là việc cho con tiền tiêu vặt chỉ diễn ra trong các gia đình ngụ ở đô thị, thành phố, nhưng không phải gia đình nào cũng thực hiện điều này. Còn ở nông thôn, hầu như phải bước qua độ tuổi 18 thì các “nam thanh nữ tú” mới bước đầu biết đến việc tự chủ tài chính. Ấy là khi phải xa nhà học đại học, hay đi làm thuê “tự cấp tự túc”. Tư duy của cha mẹ Việt vẫn là “xin - cho” theo kiểu “bao cấp”. Vì thế, khái niệm về tự chủ tài chính dường như còn khá mới mẻ. Đối với người trưởng thành mà nói, những hiểu biết về dịch vụ ngân hàng, thanh toán, thẻ tín dụng, tiết kiệm và đầu tư… còn mơ hồ, huống gì là phía những đứa trẻ.
Chúng ta có thể “ngộ” ra nhiều điều tâm đắc khi biết cách dạy con quản lý tiền bạc của các bậc cha mẹ người Do Thái. Họ dạy cho trẻ nhận biết tiền ngay khi chúng bắt đầu tập nói; giúp con phân biệt tiền, tiền có thể mua những gì, tiền từ đâu mà có… Khi đứa trẻ 10 tuổi, họ lập tài khoản riêng cho con với một số tiền nhất định, hướng dẫn cách chi tiêu và tiết kiệm. Hình thức sử dụng 5 chiếc lọ là một cách làm hữu dụng. Mỗi lọ đều được dán nhãn cẩn thận các khoản: chi tiêu hàng ngày, từ thiện, tiết kiệm, đầu tư và đóng thuế. Cách mà mỗi đứa trẻ sẽ bỏ tiền vào mỗi chiếc lọ khi chúng có 10 đồng Shekel (tiền Israel) là: mỗi lọ từ thiện, tiết kiệm và đóng thuế 1 đồng, 2 đồng vào lọ đầu tư và 5 đồng vào lọ chi tiêu hàng ngày. Lọ từ thiện sẽ được mở vào cuối tuần. Lọ đóng thuế được mở vào cuối tháng. Lọ tiết kiệm chỉ được mở vào những dịp đặc biệt (gia đình gặp khó khăn; ốm đau…). Lọ đầu tư chỉ được mở khi nó đã đầy.
Ở Nhật, các bé bắt đầu được cha mẹ cho tiền tiêu vặt hàng tháng khi lên lớp một (tùy điều kiện gia đình) để được tự mua thứ mình thích. Sử dụng hết thì thôi, không được cho thêm. Nếu trẻ khao khát một kế hoạch nào đó liên quan đến tài chính thì chúng buộc phải lao động để nhận được thù lao và tích lũy để đạt được món tiền cần có cho kế hoạch đó.
Theo thống kê, thì trên thế giới hiện có tới 3,5 tỷ người hoàn toàn không biết đến những khái niệm tài chính cơ bản. Và đó là lý do người ta nghĩ đến việc tạo dựng thói quen tài chính cho những đứa trẻ. Có rất nhiều phương cách hay đã được đưa ra như: trả tiền công cho trẻ, khuyến khích trẻ tiết kiệm, mở tài khoản đầu tư chứng khoán cho trẻ, khuyến khích trẻ tìm một công việc phù hợp, giúp con mở tài khoản ngân hàng…
Từ show truyền hình vừa phát sóng, nghĩ xa và nghĩ tích cực rằng, các bậc cha mẹ Việt hãy trao quyền tự quyết định chi tiêu cho con cái. Dù rằng chúng có thể mắc sai lầm, nhưng cũng sẽ tự có bài học sau những sai lầm đó. Một khi hiểu biết về tài chính, các con sẽ sáng tạo hơn trong quá trình ra quyết định và chịu trách nhiệm cho hành động của mình.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...