Trang thơ
Thy Nguyên
Nhật ký Covid
Thành phố sáng nay
như người đàn bà góa bụa
Môi phố cuồng thâm
Mắt nhà xám lạnh
Mảng màu mái hiên nhòe dấu
Tôi khóc hay mưa khóc?
Gió tạt tôi hay ý nghĩ sinh tồn tôi?
Bên kia bờ Tây
Cái chết trải dài bất động
Đất người
Không nến, không hoa...
Triệu triệu linh hồn
không biết vì sao họ chết
Triệu triệu linh hồn
không có lý do để chết.
Sáng nay
Khu phố tôi
Chỗ người đàn ông vá săm lốp
vương vãi ước mơ.
Chiếc tay áo bác thợ cắt tóc
thõng xuống ghế đu
ngạt mùi cơm áo.
Chợ eo óc
Lác đác bán mua
Không ai muốn nhìn rõ ai cả
Mớ rau non
Bụi cải nõn
Con tôm, cái tép
Nhường chỗ mà ươn.
Không còn những cánh cửa
Mở rộng đón gió
Gội mưa bội sinh
Nhà nhà im lặng
Người người im lặng.
Trời mỗi ngày mỗi hẹp
Tôi thừa ra sau bản tin thời sự
Tích tắc giây, tắt lịm tiếng chuông
Đâu đó thế giới
vừa thêm người lẫn vào cát bụi.
Có gì như nút thắt ngàn năm quên cởi.
Tôi lạc phố mình
Mắt tôi nghiến chặt
Tôi khóc hay mưa khóc
Gió tạt tôi
hay ý nghĩ sinh tồn tôi?
Không biết nữa
Giá có thể xé được
Nhật ký này.
Văn Công Hùng
Tháng Giêng Covid
lại tháng Giêng
gió nghiêng như chợ tết
em mắt biếc thị thành chân giẫm ngõ quê
con cá quẫy trong thau bông hoa bừng trong lọ
những con đường thâm thẫm bụi xuân
tháng Giêng những mảnh tường nứt lộc
tiếng mái tơ óng ả góc vườn
lưng căng nứt mắt như vừa bị chói
vệt bùn non ngơ ngác chân người
tháng Giêng nước Việt rau củ tràn trề ngập ngụa
người nông dân khóc tiễn giấc mơ mình
giấc mơ đóng học cho con, sửa căn nhà dột
giấc mơ tự mình đong giọt mồ hôi
tháng Giêng khẩu trang tháng Giêng Covid
tháng Giêng những câu thơ tự đến tự đi
tháng Giêng mong một ngày được nắng
vệt rêu ở kẽ nhà tươi như một bông hoa...
Chiều 27/2/2021
Quyên Gavoye
Bài thơ viết cho ngày mai
Bất chợt một con phố
Nơi đây đêm qua
Từng đoàn xe nêm dòng vội vã
Sáng nay hửng mặt trời
Phố chìm vào yên lặng
Trên cành cây
Dưới vòm trời
Tôi nghe tiếng con chim hót
Tiếng hót líu lo
Tiếng hót tự do
Như lần đầu tôi được nghe
Đừng sợ!
Cứ tận hưởng bầu trời
Cứ thong dong trong một cuộc dạo chơi
của một ngày yên bình bất chợt
Đừng sợ!
Không phải là giam cầm
Không phải là chia cách
Tôi tự do
Chúng ta sẽ gặp lại
Đừng sợ!
Hãy tưởng tượng
Ta đang sống giữa mùa đông giá buốt
Ngả đầu vào đất mẹ nghỉ ngơi.
Đừng sợ!
Mùa xuân sẽ quay về
Hạt sẽ nảy mầm xanh
Phố lên đèn và xe nêm dòng tấp nập
Chúng ta sẽ gặp lại nhau
Trên cành cây
Dưới vòm trời
Tôi nghe tiếng con chim hót
Tiếng hót líu lo
Tiếng của tự do
Tiếng của hi vọng
Tiếng hót vọng ra từ trái tim tôi
Hoa Diên Vỹ
Ước
Nhắm mắt vào lại ước những ngày xưa
Trẻ tung tăng chạy đùa vang ngõ nhỏ
Đẫm mồ hôi mặt vẫn tươi hớn hở
Trốn đi chơi ầm ĩ cả xóm làng.
Ước sáng ngày thức dậy chẳng hoang mang
Ca nhiễm mới bắt đầu quay đếm ngược
Bệnh nhân cũ khỏi thêm nhiều hơn trước
Cô rô na nhất định chịu thua mình.
Uớc đi làm sẽ lại thật tươi xinh
Không khẩu trang giống ninja bên Nhật
Được tán chuyện bạn bè là vui nhất
Tối hẹn hò đánh võng quán cà phê.
Trả yên bình cho khắp nẻo thôn quê
Trả thành phố ngọt ngào đêm hoà nhạc
Trả trận bóng tiếng hò reo như thác
Trả em thơ vui cắp sách đến trường.
Và nụ cười sẽ vượt mọi trùng dương
Đem hy vọng sưởi ấm toàn nhân loại
Để hạnh phúc như cây đời xanh mãi
Khắp thế gian sức sống lại chan hoà.
Nguyễn Thanh Hải
Hoa loa kèn ngừng thổi điệp khúc cách ly
Đã liểm điểm vài cơn mưa rồi em
như dự báo sẽ qua thôi những ngày đỉnh điểm
hoa loa kèn thổi vào tháng Tư giai điệu trắng (*)
điệp khúc “ở đâu yên đó”, đơn sơ lại hùng hồn
trong khuôn khổ tháng Tư
Điều gì đã làm chúng mình cách ly
thôn xóm cách ly
nhà nhà cách ly
những điệp khúc cách ly
cung đường cách ly, tòa thánh cách ly,
tượng thần cách ly…
cả thế giới ngoài kia
Anh lại va vào đêm mất ngủ
trăn trở nằm nghe tiếng loa kèn
thổi trong đám trắng màu hoa lễ
sớm mai lại sợ mọc thêm trên đài
những con số ly thương
Cầu nguyện và sống chậm như phù sa, em ạ
bầu bí yêu thương như cách mà quê hương mình
mỗi người trong cuộc chiến thầm lặng
hôm nay là một người lính
hãy ở đâu yên đó như ông bà, cha mẹ từ ngàn đời
có bao giờ rời khỏi xóm làng đâu
Đã liểm điểm vài cơn mưa rồi em
ngửa mặt đi, hứng vài giọt khát cho đã thèm
rồi hãy thấy thương thì nhớ, nghĩ thì làm như tất cả
những dòng sông đều chảy, vì đó là cuộc sống
và hẳn rồi, hoa loa kèn sẽ ngừng thổi lên trời
điệp khúc cách ly.
------
(*) Ý thơ Trần Quang Quý
Nguyễn Thúy Quỳnh
Những đống lửa ở India
Trong mỗi đống lửa có một con người
Trong mỗi vạt tro có nhiều con người
Họ đến đây từ nhiều nơi, bằng nhiều chuyến xe,
trên nhiều con đường
Về cùng một chốn.
Bãi đất trống nào cũng có thể thành nhà ga Âm Dương
Những băng ca xếp hàng trên mặt đất chờ lượt.
Người khiêng hôm nay có thể là người nằm đó sớm mai
Những cuộc tiễn đưa không báo trước
Củi đưa tiễn người đi sắp nhiều hơn những cánh rừng
Nước mắt tiễn người đi đã nhiều hơn nước sông Hằng.
Rồi khét cháy bập bềnh trong nước
Rồi vùi dập dở dang trong cát
Trùng trùng lớp lớp.
Ôi, India
Cuộc chết chóc này không có trong Mahabharata (*)
Những đống lửa từng giờ, từng giờ nhân lên, lan ra
Thiêu đốt tâm can tất cả chúng ta.
-------
(*) Một trong hai sử thi cổ vĩ đại nhất của Ấn Độ,
được coi là "Đại bách khoa toàn thư" về Ấn Độ cổ xưa.
Người Ấn Độ có câu ngạn ngữ: "Cái gì không thấy
được ở trong Mahabharata thì cũng không
thể nào thấy được ở Ấn Độ".
Bùi Việt Phương
Gửi một dịu hiền
Sớm mai khi anh cần đến điều hòa và điện thoại
Em đã khoác lên mình bộ đồ bảo hộ
Có sức nóng nào như tâm dịch Bắc Giang.
Giọt mồ hôi của em thành điểm tựa
Sự sống vượt lên giành từng phút từng giờ
Phía bên kia kẻ thù giấu mặt
Em ở đây bình thản trong ánh mắt
Ánh mắt làm nên phần sáng của cuộc đời
Đẩy dịch bệnh vào đường cùng bóng tối.
Người như em ngày thường ít nói
Trước khi làm bác sĩ,
từng là người học văn
Sách cũ chiều qua xếp vội
Áo đẹp mua lâu rồi vẫn mới
Bận rộn quanh năm với sinh mệnh con người.
Ngày mai tên em vẫn rất dịu hiền
Cuộc chiến sẽ càng quyết liệt
Có thể bước chân trở về mệt mỏi
Có thể gặp lại nhau nghẹn ngào không thể nói
Nhưng phía sau lưng em khi ấy đã là bình yên
Em thấy không
Mải miết bên em như một niềm tin
Sông Thương ngoài xa kia vẫn chảy…
Vân Khánh
Cách ly
em biết nói gì với anh lúc này
nỗi âu lo là có thực
mỗi phút mỗi giây đi qua
đem theo tiếng thở dài
thêm một F
thêm một nỗi buồn rũ xuống.
Cách ly cách ly
là điều em không muốn
anh dỗ em đừng khóc
đôi mắt đong nỗi hoang mang mỏi mệt
thương nhau hơn bao giờ.
những người đàn bà
thôi không than van
nói với nhau về F
bằng ánh mắt cảm thông
và em cũng thế.
trách cứ để làm gì?
anh à
em vừa cắm một bình hoa đẫm sương đêm
để bên ô cửa sổ
tin rằng bão tố sẽ qua nhanh
F không còn được nhắc trong bữa cơm chiều.
Đừng cách ly
thế giới đầy tiếng cười trẻ con khúc khích…
Nguyễn Văn Song
Giờ học văn mùa Covid
Ô cửa webcam hiện ra
Tôi gặp lại những khuôn mặt đã mấy tuần không gặp
Có phải vì thế mà những nụ cười tăng hết cỡ khuôn hình
Tiếng nói vọng hết chiều âm lượng
Và mắt nào cũng loang loáng sương đêm
Tôi lúng túng chia sẻ màn hình
Bài học hiện ra những câu thơ của Hàn Mặc Tử
Vĩ Dạ tươi non bên bờ sông Hương
Tràn ngập những khuôn hình trong lớp học mùa Covid
Tôi nghe vọng từ bên kia những ngập ngừng câu hỏi
Những cồn cào thanh xuân trong bốn bức tường
Những thổn thức từ câu thơ Hàn hoà cùng bản tin buổi sáng
Đều lấp loáng con thuyền có kịp bến sông trăng.
Giờ học kết thúc
Những bàn tay vẫy
Hẹn hò thêm …
Và hỏi: Đến bao giờ….
Có thể hết tháng này và nhiều hơn thế
Dẫu thế nào Vĩ Dạ vẫn non tươi.
Trần Giáp
Tin nhắn từ tâm dịch
“Đố bố nhận ra con”
Trong bộ đồ bảo hộ
Trông con như phi hành gia đang lái phi thuyền
Bố nhận ra con qua đôi mắt rất hiền
Nhận ra bàn tay con,
Lúc ấu thơ
Lướt phím đàn khe khẽ
Giờ đây, đôi bàn tay be bé
Hết giờ làm tháo găng, nhợt nhạt nhăn nheo.
Con đã được nghỉ chưa?
“Giờ cả đoàn mới đang ăn tối ạ”.
21h rồi!
“Mẫu xét nghiệm còn nhiều, 2 giờ sáng sẽ tạm xong”.
“Bố lo cho con phải không?
Ahi hi!
Ngoài giờ làm chúng con cười khanh khách.
Chuyền tay nhau chai nước chanh leo vắt
Gắn vài dòng nguệch ngoạc yêu thương:
Tặng các bạn Thái Nguyên
Bắc Giang yêu các bạn thật nhiều".
“Hộp cơm chiều bọn con đánh hết veo
Con rất khỏe, các bạn con rất khỏe
Bố đừng lo gì
Bọn con
Là những chiến binh”.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...