Thứ bảy, ngày 04 tháng 05 năm 2024
23:04 (GMT +7)

Trăn trở với làng quê

(Đọc tiểu thuyết Đất ống của Hoàng Luận, Nhà xuất bản Văn học, 2016)

VNTN - Nhà văn Hoàng Luận là một người viết, cả đời cặm cụi, tâm huyết, theo đuổi đề tài về vùng quê nông thôn miền núi Định Hóa của mình. Cho đến nay, về văn xuôi; ông đã xuất bản 7 tiểu thuyết, 4 tập truyện ngắn, chủ yếu xoay quanh những câu chuyện về mảnh đất thân thuộc quê hương mình. Tiểu thuyết Đất ống là tác phẩm mới nhất, nối tiếp mạch đề tài này của Hoàng Luận.

Bám sát vào hơi thở của làng quê đương thời, Đất ống là câu chuyện về những sự vận động, đổi thay đầy phức tạp và chứa đựng cả những mâu thuẫn phát sinh trong bối cảnh nông thôn miền núi đang phát triển hôm nay.

Hai nhân vật chính là Thầm và Nhình, từ trẻ đã có tình cảm và thầm yêu trộm nhớ đến nhau, nhưng rồi hai người không đến được với nhau, thậm chí đã phải trải qua những thử thách cam go, những biến động khôn lường ngay tại mảnh đất quê nhà. Cả hai đều xuất thân từ bản làng, nhưng mỗi người lại có một cách lựa chọn hướng đi cho cuộc đời mình. Trong khi Thầm quyết định dồn góp tài sản để ra thị trấn làm ăn kiếm sống, rồi lấy vợ và ở lại lập nghiệp giữa nơi náo nhiệt xô bồ, thì Nhình vẫn ở lại bám trụ với ruộng vườn đồi nương, trở thành cô gái đảm đang, tự lập, có cuộc sống đảm bảo, yên bình, “dường như công việc cuốn hút đã làm cho Nhình quên đi nỗi cô đơn”. Nhưng cuộc sống và số phận không đơn giản như họ nghĩ, không đơn giản như họ lựa chọn. Thầm bị vợ (Phương) phản bội, cô ta lao vào buôn bán làm ăn phi pháp, bỏ mặc anh đau khổ và cực nhọc. Người mà Phương cặp bồ là lão Khun, chính là bố dượng của Nhình. Mẹ mất sớm, Nhình đã phải sống một mình khi người thân duy nhất còn lại là bố dượng Khun thì đã bỏ đi lang bạt. Vì vậy, cô lớn lên trong tủi thân và rất giận bố, nay biết chuyện ông cặp bồ với vợ người yêu cũ của mình thì lại càng giận hơn. Một người bị vợ phản bội, một người vẫn một thân một mình mòn mỏi, Thầm và Nhình tìm về với nhau. Tuy tình cũ vẫn nồng thắm, nhưng sự đối đầu trong quan hệ “tay bốn” và những dị nghị của xóm làng đã không cho phép họ đến với nhau một cách chính thức. Sau khi lão Khun gặp nạn và chết, cả Phương và Nhình đều ở vào hoàn cảnh rất khó xử của những người phụ nữ đơn thân. Thầm vẫn yêu Nhình nhưng lại lo và thương cho Phương, không thể dứt hẳn sang một bên nào được. Cuối cùng, cả ba người đã đi đến một quyết định bất ngờ và đáng khâm phục, họ làm những người anh em bạn bè thân thiết của nhau, cùng giúp nhau gây dựng cuộc sống ngay chính trên bản làng của mình.

Dù cách viết khá truyền thống, đôi khi lối kể quá đơn giản, nhưng câu chuyện được bù lấp bởi sự hấp dẫn từ cách diễn đạt khá độc đáo, mang màu sắc riêng của đồng bào dân tộc miền núi. Với vốn sống của một người bản địa, tác giả khá nhuần nhuyễn trong những đoạn miêu tả đầy màu sắc: “Bỗng có tiếng người ồn ã trong làng, ánh đèn pin rọi chéo cánh xẻ ngược lên các chân đèo, bịt các ngả đường thông vào làng. Họ kháo nhau giọng chua loét như quả chanh vắt xuống dấm mẻ chen lẫn giọng trầm đục như dán miệng nói vào lọ sành đựng tương ớt đầy than phiền và trách móc”. Lối diễn đạt đậm màu sắc văn hóa dân tộc miền núi đó làm nên sự duyên dáng tuy mộc mạc nhưng rất riêng cho tác phẩm của Hoàng Luận, cái duyên mà chỉ người con của núi rừng, chỉ người trong cuộc thực sự mới có được.

Đất ống đã đề cập và đặt ra vấn đề vừa mang tính thời điểm, thời sự, vừa mang tính cốt yếu, lâu dài của đời sống đồng bào dân tộc miền núi. Trong khi nhiều người lựa chọn rời bỏ quê hương bản quán để làm ăn buôn bán, thì vẫn có những người quan niệm như Nhình, “bố mẹ sinh ta ở đâu thì nên sống ở đó, vì đó là định mệnh bắt buộc, hay nói đúng hơn là tự mình làm đẹp cho mình mới nên”. Đây là một mâu thuẫn căn nguyên, cốt yếu của những biến đổi nhanh chóng và đầy phức tạp ở các làng quê ngày nay.

Đổi thay để phát triển là một quy luật tất yếu, nhưng làm thế nào để không bị đánh mất tình người, tình quê? Giữ được nét đẹp trong tình người, tình quê, nhưng làm sao để nó không phải là sự bảo thủ trì trệ, không trở thành lực cản của sự phát triển? Đây là một câu hỏi lớn và khó mà nhà văn Hoàng Luận đã trăn trở và đặt ra qua tiểu thuyết của mình. Đúng như nhan đề mà tác giả đã gửi gắm những suy tư và quan niệm của mình,“Đất ống” là biểu tượng nghệ thuật về vùng đất miền quê còn nhiều khó khăn hạn chế và cả những nghèo khổ lạc hậu, nhưng mong ước của người viết chính là sự kiên trì, gắn bó tha thiết của mỗi người con với nơi mình sinh ra và lớn lên. Dù bút pháp và nghệ thuật còn có phần “non bút” vì quá truyền thống, nhưng cái đáng quý nhất qua tác phẩm chính là tâm huyết của nhà văn với con người và cuộc sống làng quê của mình. Đây là một tiếng nói rất chân thành, cần thiết và đáng quý, nhất là giữa bối cảnh hiện đại hóa nông thôn mới như hiện nay.

Trân trọng tâm huyết đó của nhà văn, chúng tôi xin chúc mừng tác giả và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc

Thanh Tâm

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy