Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
16:35 (GMT +7)

Trần Mạnh Hảo – mắt gió cung tên

"Một mình ông ngang dọc

Quyết dựng kiếm chống trời

Thời thế không chuyển được

Câu thơ còn đầu rơi..."

(Giữa ba đỉnh thi ca - 1982)

Những câu thơ đó, Trần Mạnh Hảo viết cho "đệ tam đỉnh" Chu Thần Cao Bá Quát, nhưng câu thơ cũng vận vào đời ông.

"Trần Mạnh Hảo - tuyển tập thơ", một cuốn sách gợi nhiều cảm hứng và suy nghĩ

Nửa thế kỷ nay, trên văn đàn, Trần Mạnh Hảo nổi tiếng như một phức hợp thiên tài, rối rắm và chất đầy bao điều đối ngược. Khoảng thời gian có thể quy tròn, nhưng cuộc đời, tài năng, sự uyên bác của Trần Mạnh Hảo thì không thể. Nó chẳng giống ai, không đầu không cuối, không phiên bản. Và thêm nữa, cũng đầy lỗi, so với bất kỳ hệ quy chiếu nào mà ông hay bạn đọc của ông muốn đế cập. Đối với văn chương đương đại ông là một bản thể không thể so sánh. Bản thể thì thiết tha, chu đáo, thâm trầm triết học, nhưng muôn vàn vị thể vỡ ra thì rối loạn, vô ngã, vô minh, giọt vỡ nào cũng có thể thành một sông hồ cuộn sóng tranh cãi.

Cậu tiểu sinh Tiểu chủng viện Công giáo ấy triết luận rất nhiều, rất hay về Phật Giáo. Về già, ông không từ bỏ tinh thần Kito hữu, nhưng Phật Giáo với ông mới là tôn giáo nhân bản nhất, giải thoát nhất, khi xác lập Niết Bàn - Thiên Đường cho chính cõi thực, cho hiện tại. Ông cũng có thể luận giải rất lâu, rất sâu về Kinh Veda, Kinh Upanishad, Bà La Môn giáo, về Kinh Qur'an, về ngôn ngữ học, về xã hội học. Tất cả đều do tự đọc, tự học, với ảnh hưởng của những người thầy khả kính từ thuở ấu thơ "dắt trâu đi gặm vạt sương mù" mà có. Tiểu chủng viện - trường đào tạo tri thức bài bản duy nhất mà ông được tiếp nhận và thụ hưởng – thành hoang phế đã lâu rồi.

Thời trai trẻ, ông vào bộ đội, nhuộm sức trai trong máu chiến trường. Trung niên - và có lẽ cho đến chết, ông sống theo tâm niệm "bút đào huyệt giấy mà chôn mình dần", canh cánh một khát khao sự thật, dân chủ và khai phóng. Kiêu bạc với tâm sáng, ông chẳng ngán ngại gì nói trắng những điều bị kẻ khác chê sai. Mà như tôi thấy, ông sai cũng không phải ít. Cả vô tình sai, cả cố ý sai, cố nói sai để bỡn cợt những đúng đắn nệ quy giáo điều, hãm chân sự tiến bộ. Đôi khi ông sai vì tự mâu thuẫn hoặc đối lập với chính ông. Ngòi bút của ông đâm toạc bất kỳ mảnh giấy, quyết định, ý thức nào che mờ tinh thần sự thật. Người ngưỡng mộ ông, kính trọng và khâm phục ông vô số nhưng chẳng mấy ai thật sự là bạn ông. Người khả kính và tử tế e dè khi khen chê ông, vì nếu không bị chính ông chửi vỗ mặt vì chê sai, khen láo thì cũng e cơ quan tổ chức nào đó "phê bình góp ý" hoặc nặng nề hơn là "có vấn đề" vì đã trót tán đồng với Trần Mạnh Hảo. Kẻ tiểu nhân, bị ông vạch mặt, mắng mỏ cũng đành im, bởi những kiến thức thô thiển được hợp thức hóa bằng bằng cấp không thể là đối thủ của ông trên trường văn trận bút.

Không biết nên gọi là bất hạnh hay may mắn, sự thật là thời chiến hay thời bình, Trần Mạnh Hảo đều không có bạn, không luôn cả kẻ thù. Tự ông tạo ra kẻ thù cho chính mình, rồi tự những kẻ từng coi ông như kẻ thù lại chủ động đình chiến, làm lành và thân thiện với ông. Ông như một chiến binh không chọn phe, một lãng nhân (cronin, tức samurai vô chủ) hiện đại. Đời ông là một chiến trường nối tiếp chiến trường, một "cuộc chiến tranh khôn nguôi". Trần Mạnh Hảo rất giỏi biến bè bạn thật ngoài đời thành kẻ thù trong những cuộc bút chiến. Không có cuộc chiến nào, tài năng, bút lực, trí tuệ của ông trở nên thừa thãi.

Ông một mình tạo ra, không chỉ một mà nhiều cuộc chiến. Ở đó, Trần Mạnh Hảo, với "Đất nước mang hình tia chớp" chỉ đau đáu khản giọng gọi thầm: "Tổ quốc, con âm thầm yêu mẹ". Và ông nhìn thấy, từ trên một tầm cao:

"Những con đường như những lằn roi

Lịch sử quất lên mình đất nước"

Ông chỉ là một chiến binh không mong lập công nghiệp, chỉ đi đến tận cùng sứ mệnh bảo vệ sự thật và quyền được sống, được yêu, được sai lầm, hết mình cho bản thân và tất cả. Trong văn chương - văn nghệ - học thuật, Trần Mạnh Hảo như một gã lực điền vạm vỡ, cực thông minh sâu sắc nhưng vô sư vô sách. Đòn gánh, lưỡi liềm, bồ cào, thanh rựa của gã lực điền thừa năng lượng ấy luôn sẵn sàng bổ xuống đầu bất cứ ai, bất cứ thế lực nào rắp ranh cản trở, bó buộc hay tàn phá sự thật và những khát khao nhân bản. Đôi khi ông ghè cả chân mình. Trần Mạnh Hảo "tồn tại ngoài bản thể" - như tên một tập tiểu luận triết học mà ông sắp dội bom xuống cuộc đời.

Nhà thơ Trần Mạnh Hảo ký tặng sách

Con người rối rắm, điên rồ đập phá, thậm chí hiếu chiến ấy hóa ra lại rất ngờ nghệch, ngơ ngác trong tình yêu khi hóa thi ca. Sinh năm 1947, đã qua lâu cái tuổi "cổ lai hy", lửa cuồng trong gã vẫn chưa hề giảm nhiệt. Chí Phèo Trần Mạnh Hảo gom hết say mê với một trăm nhân tình rạc rài dọc đường đời cho một tình yêu duy nhất - Thị Nở của đời ông - trong một nỗi hàm ơn của cho và nhận:

“Bảo cho tàu chuối biết rằng

Giãy lên đành đạch mà căng rách mình

Núp vào đêm khỏa niềm xinh

Mà ngồi ru hát mối tình Nam Cao

Hỏi ông Bắc Đẩu, Nam Tào

Khi yêu váy đụp khác nào xiêm y

Bẻ cho không cái xuân thì

Phục gan anh Chí đập ly rạch trời

Trao thân anh để làm người

Có âm dương mới khóc cười thịt da..."

Đọc bài viết - bút chiến, của Trần Mạnh Hảo, độc giả, nhất là đàn ông - những kẻ ưa tranh chấp - có thể nổi đóa, muốn xả đôi ông vì bất đồng. Nhưng với thơ ông thì không. Nhất là với phụ nữ. Vợ hay tình nhân, có ai mà ông chẳng khiến họ say mê khi được cùng "Thức đêm":

"Thức đêm mới biết đêm là ngắn

Chỉ có em thôi mới biết dài

Hôn em từ gót chân lên trán

Hôn mới nửa chừng đã sớm mai"

Dĩ nhiên, cũng có khối đàn ông cảm ơn ông vì những câu thơ. Ông giúp họ làm mềm những lời tỏ tình, tán tỉnh thô thiển. Và hơn thế, khi muốn đưa ra "lời đề nghị khiếm nhã" phút khao khát dâng trào.

Từ hơn ba thập niên, sau tiểu thuyết "Ly thân", không kể tập “Thơ – phản thơ” thuộc thể loại phê bình, ông mới có giấy phép đàng hoàng để xuất hiện công khai trở lại với sáng tạo văn nghệ "Trần Mạnh Hảo - tuyển tập thơ" nặng trĩu 450 trang. Đi cùng Trần Mạnh Hảo, thơ chưa từng bị quay lưng, rẻ rúng hay nhìn lơ đễnh. Sau 1 tuần phát hành, sách đã không còn cuốn nào. Độc giả đăng ký chậm chắc chắn sẽ phải chờ tái bản, ngay thôi. Và nên thế, vì chắc chắn, "Trần Mạnh Hảo - tuyển tập thơ", cho dù trong đó cũng không phải không có những bài thơ dở, sẽ là một tập thơ hay, đồ sộ, một hiện tượng xuất bản. Càng có ý nghĩa hơn, với thi ca. Thơ hay không thể chết.

Nếu muốn tìm một tên tuổi nhà văn, nhà thơ đương đại đáng tầm để xếp chung với tên tuổi các tiền bối văn nghệ từ di sản, giúp cho dòng chảy văn nghệ của đất nước này không bị đứt gãy trong hiện tại, tôi e là rất khó. Tuy nhiên, nếu đề cử Trần Mạnh Hảo, tôi chắc là cái tên đủ sức loại trừ mọi hoài nghi. Thậm chí đã có người còn đòi để cử ông và cuốn "Trần Mạnh Hảo - tuyển tập thơ" mới ra mắt của ông dự tranh giải Nobel. Không nhiều, song ý kiến đó được đưa ra nghiêm túc.

Trần Mạnh Hảo cùng bạn văn chương (Nguyễn Hồng Lam, Trương Nam Hương, Lê Công Sơn)

Chính chất trí tuệ uyên bác, hòa với tài năng sáng tạo và tinh thần đấu tranh khai phóng đã làm nên giá trị Trần Mạnh Hảo. Yêu, ghét, khen, chê...còn tùy. Thậm chí không ít người còn gọi ông là kẻ hai mặt, nhiều mặt. Nhưng đả phá giá trị đương đại đó của ông, tôi e là không thể.

Phần mình, tôi dường như may mắn. Sách mới, tập thơ bản thể Trần Mạnh Hảo in 1000 cuốn, ông vẫn ưu ái dành tặng tôi 1 cuốn. Thua ông hơn 2 con giáp, dẫu sao trong tình thân, tôi cũng đã sở hữu được 1 mảnh vị thể thô tháp của ông. Một phần nghìn của một người tài năng, với tôi thế cũng đã đủ nhiều. Tôi chắc mình sẽ có thêm một phần nghìn của nghìn người khác nữa! Cuộc gặp sáng nay, trời mưa xối xả. Để những giọt mưa, mỗi giọt mang theo một vũ trụ, tứ tán bay đi....

Sài Gòn, 17-10-2022

Nguyễn Hồng Lam

4 đã tặng

3

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy