Chủ nhật, ngày 05 tháng 05 năm 2024
09:32 (GMT +7)

“Trái tim của rừng” – một đóng góp cho “làng truyện ngắn” Thái Nguyên

(Đọc “Trái tim của rừng” tập truyện ngắn của nhiều tác giả - Nhà xuất bản Hồng Đức năm 2022)

Bìa sách “Trái tim của rừng”. Thiết kế: Đào Tuấn

Một điều dễ nhận thấy trong tình hình xuất bản ngày hôm nay, rất hiếm gặp những tác phẩm văn học ngoài bìa ghi là “nhiều tác giả”. Cũng không có gì khó hiểu. Trong tình hình xuất bản chỉ cần có tiền là trong tay đã có một ấn phẩm về hình thức khá trang trọng, dày dặn. Vì vậy, tác giả nào cũng muốn có một tác phẩm thuộc sở hữu của riêng mình. Những cuốn sách của nhiều tác giả thường chỉ là những tuyển tập hoặc các tác phẩm thuộc về một đề tài. Nhưng cũng có trường hợp có một số tác giả thân thiết nhau, muốn cùng có một dấu ấn văn chương nào đó trên đường văn nghiệp, cũng thường rủ nhau in chung một cuốn sách. Tập truyện ngắn “Trái tim của rừng” thuộc loại này.

Tôi được biết các tác giả có mặt trong tập truyện là của một nhóm tác giả ở Thái Nguyên thân thiết với nhau, cùng chung một tình yêu văn chương. Tuy đã có rất nhiều truyện ngắn được đăng tải trên báo chí ở địa phương nhưng hầu hết họ đều là những cây bút mới, chuyện xuất bản sách gần như là lần đầu tiên. Các tác giả trong tập, có lẽ chỉ coi cuốn sách như một kỉ niệm nhiều hơn là một tác phẩm văn chương. Tuy nhiên, tập truyện ngắn này lại không phải là một ấn phẩm mang tính tự xuất bản để tặng nhau mà là một tác phẩm được một công ty phát hành lớn ở Hà Nội nhận liên kết xuất bản và phát hành trên toàn quốc tới hàng ngàn bản. Với tình hình xuất bản sách văn học như hiện nay thì đây là một thắng lợi. Vậy là cuốn sách có điều kiện đến với độc giả rộng rãi.

Với độ dày 264 trang, gồm 7 tác giả, 33 truyện ngắn, có thể nói đây là một cuốn sách khá “chững chạc”. Điều khác lạ so với một số tập truyện ngắn hiện đang lưu hành là hầu hết các truyện ngắn trong tập đều chỉ có dung lượng 1500 chữ trở lại. Về thể loại, có thể gọi đó là các truyện ngắn mini hay truyện cực ngắn, một thể loại đang khá thịnh hành và phát triển trên văn đàn hiện nay.

Đọc “Trái tim của rừng”, ta dễ nhận thấy tuy có sự khác nhau về đề tài, chủ đề nhưng tất cả các truyện ngắn trong tập dường như chỉ tập trung phản ánh cuộc sống bình dị, những gì xảy ra ngay trong đời sống thường nhật mà có thể ai cũng đã từng gặp, từng trải nghiệm trong đời. Đó là một bà mẹ, một cô gái trẻ người dân tộc ít người luôn hướng về ngọn nguồn văn hóa của dân tộc mình (trong các truyện “Nhớ lửa”, “Con gái rượu” của Lã Thị Thông). Đó là những tình cảm mẹ con thật đầm ấm, thân thương trong các truyện ngắn “Lời ru của mẹ”, “Bát thịt đông ngày tết” của Võ Thị Thu Hằng. Đó là tình cảm cha con từ cái nhìn thân thương, sâu thẳm trong các truyện ngắn “Bố tôi”, “Câu chuyện của ba” của Hồ Quỳnh Châu. Đó là những tình cảm gia đình, bè bạn, tình yêu tuy có nhiều trắc trở, sóng gió nhưng cuối cùng vẫn hết sức đẹp đẽ, sáng trong trong các truyện ngắn “Nụ cười”, “Vết nhơ”, “Hồn sông” của Tiết Minh Hà…

Truyện ngắn mini, về thể loại cũng chính là thể truyện ngắn, nhưng vì khác nhau về số lượng chữ nên ít nhiều có phần hơi khác so với các truyện ngắn thông thường (tạm gọi là truyện ngắn dài). Truyện mini thường chỉ có một tình huống, cốt truyện không dài dòng, mà chỉ được đưa ra như một cái cớ. Các tầng vỉa, lớp lang cũng hạn chế. Nếu lí thuyết cho rằng truyện ngắn là một “lát cắt” thì đây chính là một yếu tố đặc trưng đối với loại truyện này. Điều quan trọng, nếu không muốn nói quan trọng bậc nhất là mỗi truyện ngắn mini, tác giả luôn cần phải nêu ra một triết lí, một ý tưởng theo đề xuất của mình. Thường triết lí không cần to tát, lớn lao mà luôn gắn với cuộc sống đời thường hoặc gần gũi với những quan niệm nhân sinh. Đó cũng chính là những thông điệp tác giả muốn gửi gắm đến người đọc. Thiếu nó, truyện sẽ dễ trở thành tiểu phẩm hoặc một câu chuyện thuần túy. Về nghệ thuật viết, điều cần quan tâm bậc nhất trong các truyện ngắn mini là việc tạo ra những yếu tố bất ngờ. Yếu tố bất ngờ luôn là cái đinh có thể treo toàn bộ truyện ngắn, để truyện có thể đứng vững và trở thành những truyện ngắn thực thụ.

Rất nhiều truyện ngắn trong “Trái tim của rừng” đã chạm tới các tiêu chí nghệ thuật nói trên. Nếu như truyện ngắn “Bát canh của mẹ”... đã giải tỏa được nỗi lo âu của bà mẹ về mối tình quá chênh lệch của cô con gái nông dân của mình với chàng rể tương lai quá “cao xa, sang trọng”: một tiến sĩ đã học và sống ở nước ngoài lâu năm, bố là bộ trưởng, mẹ làm đại sứ quán… Vậy mà chỉ cần một lời giải thích rất tự nhiên nhưng cũng rất bất ngờ của cô con gái: “Mẹ yên tâm đi! Chỉ cần anh ấy thích canh của mẹ nấu là khoảng cách kia sẽ không còn nữa”. Lời nói đơn giản ấy đã trở thành một triết lí về sự cần thiết hướng về văn hóa cội nguồn, dù ta có ở chân trời góc bể nào. Cũng viết về mối quan hệ mẹ - con, nhưng truyện ngắn “Nụ cười” của Tiết Minh Hà lại có một cái nhìn khác. Một cô gái tuyệt vọng với cuộc sống riêng tư mà quên cả những giá trị của chính mình. Dù giá trị ấy chỉ là một nụ cười rất đẹp, nụ cười biết nói, một giá trị tinh thần đã được mẹ cô nâng tầm thành “một tài sản vô giá, đã từng giúp mẹ vượt qua mọi gian nan, bệnh tật”. Rồi trong một phút thức tỉnh cô đã quay về bên người mẹ đang hấp hối. Một lần nữa, từ chính nụ cười của mình, cô đã cứu được mẹ qua vực thẳm bệnh tật. Bằng một câu kết nhẹ nhàng, tác giả đã nói về nụ cười như một sự tổng kết, một bài học: “Nhìn gương mặt mẹ hồng hào tươi tỉnh trở lại, Ngọc chợt nhận ra rằng nụ cười không chỉ là niềm vui mà đôi khi còn là sự cứu rỗi của một đời người”. Còn cái thông điệp mà Hồ Quỳnh Châu muốn gửi tới bạn đọc chính là cái triết lí: Sự sâu sắc, mang những ý nghĩa lớn lao lại thường nằm trong những thứ rất đơn giản, đơn giản như câu chuyện “Điều bí mật trong từng chiếc cúc áo”.

Truyện ngắn “Máy cày” của tác giả Đào Phúc Hữu, cũng cùng chung ý tưởng như vậy: Sự thành công đôi khi không bởi những ý tưởng cao xa, hiện đại mà nằm ngay trong những gì mà ta tưởng là phế liệu, lạc hậu, đáng bỏ đi. Các truyện ngắn của Cồ Thị Thơm thường rất dung dị nhưng bao giờ cũng có một cái kết khá vững vàng mà các triết lí nhân sinh luôn được ém vào đó. Truyện ngắn “Thi Trâu” là một ví dụ: một bài học về tình thương, không chỉ giữa người với người mà cả đối với con vật thân yêu của mình. Có nó, mới có sự thành công thật sự. Vi Tiến tuy chỉ có 2 truyện góp mặt trong cuốn sách nhưng cả hai tác phẩm đều khá xuất sắc. Truyện “Người bốc mộ” có sự dẫn dắt khéo léo, đầy cuốn hút. Đã đưa câu chuyện từ chỗ bất thường tới sự bình thường, và ngược lại, khiến người đọc am hiểu thêm một nghề có thể coi là dị biệt: nghề bốc mộ.

Hầu hết 33 truyện ngắn trong tập đều là những “câu chuyện nhỏ”, chỉ khoảng 5, 6 trang in. Nhưng đó là những truyện ngắn có thể đọc liền mạch mà không gây nhàm chán, “quá tải” về sức đọc như một số truyện ngắn quá lê thê dài dòng đang xuất hiện trên sách, báo ngày hôm nay. Và nếu đọc một cách nghiêm túc, có trách nhiệm, ta cũng có thể nhận ra, tuy các tác giả hầu hết là những cây bút mới, có tác giả công bố tác phẩm đầu tay, nhưng nhiều cây bút đã tỏ ra nắm khá chắc chắn nghệ thuật viết truyện ngắn, đặc biệt là truyện ngắn mini. Có thể kể ra những tác giả và tác phẩm thành công như Lã Thị Thông với truyện ngắn “Trái tim của rừng”, “Nhớ lửa”; Tiết Minh Hà với “Hồn sông”, “Người coi thư viện”; Võ Thị Thu Hằng với “Những cái cốc đầu của bố”, “Đôi giày”; Hồ Quỳnh Châu với “Đêm trắng”, “Những bó hoa bí ẩn”; Vi Tiến với “Người bốc mộ”, “Huyền ảo rum ba”, Cồ Thị Thơm với “Linh cảm một người cha”, “Hoa cúc trắng”… Các truyện ngắn này đã biết thông qua các hình tượng nhân vật, tạo ra những tình huống tự nhiên, bất ngờ cùng lối kể chuyện khá hấp dẫn, đã khơi dậy trong lòng độc giả những khoái cảm thẩm mỹ.

Hơi khác với nước láng giềng Trung Quốc, truyện ngắn mi ni của họ trong nhiều năm nay đã trở thành một trong những thể loại chủ lực trên nền văn chương, báo chí toàn quốc. Họ có hẳn một tạp chí dành riêng cho thể loại truyện ngắn mini, đã chiếm lĩnh được cảm tình của đông đảo độc giả, có khi số lượng bạn đọc truyện ngắn mini còn đông gấp bội so với những thể loại văn chương khác. Vì thế mà tạp chí đã tồn tại mấy chục năm mà vẫn trên đà phát triển. Với Việt Nam, thể loại truyện ngắn mini chưa có tiếng nói và chưa được sự đánh giá đầy đủ và đúng mức. Rất hiếm thấy sự xuất hiện truyện mini trên các trang báo có tính chuyên văn chương như tuần báo Văn nghệ, Văn nghệ quân đội… Đất dành cho truyện ngắn này phần lớn chỉ ở một, vài tạp chí xa xưa như Thế giới mới, Tài hoa trẻ hoặc ở các trang văn hóa, văn nghệ của các tờ báo Đảng ở địa phương. Nhưng không phải vì thế mà thể loại này chịu lép vế. Đã từng có những tạp chí như Tài hoa trẻ, các truyện ngắn mini đã có hàng vạn người đọc, hàng nghìn người bình luận. Xem ra nó là một thể loại hấp dẫn, luôn có xu hướng lớn mạnh. Có được điều ấy bởi trước hết là sự gần gũi với cuộc sống của con người và tính bình dân, dễ đọc của thể loại truyện ngắn này.

Quay lại tập “Trái tim của rừng”. Qua phân tích ở trên, ta nhận thấy sự ra đời của tập truyện ngắn này là sự hợp lí và cần thiết. Nó góp phần vào sự đọc của công chúng. Tuy chưa hẳn tất cả 33 truyện ngắn trong tập đều là những truyện ngắn hay, vẫn còn một số truyện tuy tác giả đã biết cách thiết kế một truyện ngắn nhưng vẫn hơi sơ lược và đặc biệt là chưa có nhiều chi tiết biểu tượng, chưa gây được không khí truyện, chưa phong phú về giọng điệu, câu văn, lời văn nghệ thuật cũng chưa thật sự được sự lưu tâm đúng mức… Mà những điều ấy lại là những điểm mạnh của thể truyện ngắn, nhất là truyện ngắn mini.

Thiết nghĩ, không hề băn khăn khi nhận định, “Trái tim của rừng” là một đóng góp cho “làng truyện ngắn” Thái Nguyên nói riêng và của cả nước nói chung.

Hồ Thủy Giang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy