Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
23:14 (GMT +7)

Trải lòng chuyện chấm thi THPT Quốc gia

VNTN - Những ngày giữa tháng Bảy oi nồng, ngột ngạt, trong khi hầu hết các cơ quan đơn vị tìm cách trốn nắng bằng những chuyến nghỉ dưỡng trên rừng, dưới biển thì nhiều giảng viên đại học và giáo viên THPT phải lên đường làm nhiệm vụ “nóng” nhất năm học: chấm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia. Lần đầu tiên áp dụng hình thức thi “2 trong 1” cũng là lần đầu Hội đồng thi Đại học Thái Nguyên đón hàng trăm cán bộ chấm thi là giáo viên phổ thông đến từ các tỉnh Đông Bắc.


 

Nghiêm túc, căng thẳng

 

Cách đây hơn chục năm, các trường đại học thường công bố điểm sau khi thi từ 1 đến 2 tháng. Trong hồi ức của nhiều giảng viên đã nghỉ hưu, đó là quãng thời gian họ phải “ăn dầm ở dề” tại giảng đường để “gặm nhấm” mỗi người hàng nghìn bài thi. Đời sống khó khăn, nhiều người phải mang theo cơm đùm cơm nắm, có thầy giáo đi dép tổ ong, khăn mặt vắt vai, xắn quần xắn áo… ngồi chấm bài để đối phó với cái nắng tháng Bảy như thiêu như đốt suốt một tháng ròng…

Trên 600 cán bộ, giảng viên, giáo viên được huy động để tham gia chấm thi

tại Hội đồng tuyển sinh ĐHTN             Ảnh: thainguyen.gov.vn

Theo xu thế mới, càng ngày, thời gian chấm thi càng rút ngắn lại. Thí sinh bớt dần những ngày tháng thấp thỏm, lo âu, bù lại, cán bộ làm thi thực sự phải gồng mình trong một cuộc chạy đua hết tốc lực. Với những môn thi trắc nghiệm, thủ tục đánh giá điểm khá nhẹ nhàng nhưng đối với các môn tự luận mà máy móc không thể giúp con người đong đếm kiến thức thì cán bộ chấm thi phải làm việc cật lực, có khi lên tới 12 tiếng một ngày để hoàn thành hàng vạn bài thi trong một khoảng thời gian siêu tốc. Không nghỉ thứ 7, chủ nhật, không chuyện trò, trao đổi, “cắm mặt cắm mũi” đọc đi đọc lại trung bình khoảng 120 bài thi mỗi ngày với những nội dung tương tự nhau từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối là công việc đòi hỏi không chỉ trí tuệ mà còn cả sức khỏe. Chính vì thế, nhiều thầy cô gầy đi sau mùa thi, có người bộc bạch, mất mấy hôm sau khi đi chấm về, họ cứ nhắm mắt lại là thấy những con số, dòng chữ quen thuộc nhảy nhót trong đầu….

Chạy đua với thời gian không có nghĩa là cán bộ chấm thi được quyền “nhanh ẩu đoảng”. Theo đúng trình tự, một bài thi sẽ được chấm độc lập 2 vòng, mức độ vênh điểm giữa hai lần chấm tùy thuộc vào đặc trưng môn thi mà được xử lý theo những cách khác nhau. Trong phạm vi cho phép, 2 cán bộ chấm đối thoại trực tiếp để quyết định điểm cuối cùng cho thí sinh. Ngoài phạm vi trên, Hội đồng chấm thi sẽ điều động người chấm thứ 3 hoặc đem ra chấm công khai. Sau khi hoàn tất điểm, bài thi tiếp tục được chấm thanh tra ở nhiều cấp cao hơn. Sự sai sót dù do vô tình hay cố ý đều được xem xét, nhắc nhở và điều tra nếu có dấu hiệu bất thường.

 

Trong quá trình chấm thi, một trong những thủ tục dễ khiến người trong cuộc “thót tim” nhất chính là khâu quản lý bài. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất “nguy hiểm” và không hiếm sự cố. Hàng vạn bài thi, hàng trăm nghìn tờ giấy thi không được để thất lạc một tờ. Mỗi dòng, mỗi chữ sẽ quyết định con điểm cuối cùng, quyết định tương lai, cuộc đời một con người. Nhiều năm tham gia chấm thi, tôi đã chứng kiến những khoảnh khắc cả hội đồng đứng tim khi có cô giáo bật quạt trần mạnh để một bài thi bay xuống cuối phòng, lẫn trong đống nháp, có thầy giáo không cẩn thận khi rút tập bài ra còn để sót một tờ giấy trong túi rồi vội vàng báo cáo thiếu, hai cô giáo khác ngồi gần nhau để rồi người này cầm nhầm bài người khác... Cũng không ngoại trừ trường hợp, sự cố bắt nguồn từ hành vi thiếu trung thực của chính cán bộ chấm thi. Cách đây gần 20 năm, tại hội đồng thi X, một thầy giáo đã cố tình giấu bài thi đem về nhà cho người thân sửa chữa (bởi theo quy định, nếu hết giờ mà chưa chấm xong, cán bộ chấm thi sẽ tự niêm phong tập bài của mình, gửi lại Hội đồng để chờ hôm sau chấm tiếp). Khi ghép phách, phát hiện ra những dấu hiệu lạ (màu mực, nét bút bất thường), Hội đồng chấm thi đã tiến hành đối chiếu bài làm với cuống phách và khẳng định chúng không khớp nhau, từ đó tố giác hành vi gian lận. Một trường hợp khác, do vô tình để lạc bài của thi sinh, cán bộ Y trốn tránh trách nhiệm bằng cách chữa lại tổng số tờ giấy thi ghi trên túi bài. Hành vi này ngay lập tức cũng bị phát hiện và bị xử lý nghiêm minh. Trong những tình huống ấy, không chỉ “khổ chủ” khốn đốn mà trưởng môn, trưởng nhóm, chủ tịch hội đồng chấm thi cũng lao đao, thậm chí, công an sẽ phải vào cuộc.

Niềm vui 

Bên cạnh những căng thẳng, lo âu, một tuần chấm thi cũng đem đến cho người trong cuộc nhiều cung bậc cảm xúc thú vị. Đó là sự “thỏa mãn” khi chấm điểm 9, 10 cho những bài làm hoàn hảo, mặc dù người chấm không thể biết đó là bài của em nào, học sinh đến từ đâu. Đó cũng là phút xả stress khi đọc một câu văn “ấn tượng” kiểu như: Quản ngục biệt đãi Huấn Cao vì thiết tha xin chữ… ký; Kim Lân là nhà thơ nổi tiếng chuyên viết truyện ngắn; Nguyễn Minh Châu say mê cái đẹp, trong một lần đi tìm cái đẹp bên bờ biển, ông đã trông thấy một người đàn bà quần áo ướt sũng và viết nên truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa; kỹ năng sống là việc bạn biết tắm rửa sạch sẽ mỗi ngày… Những chi tiết ấy có thể bị “điểm trừ” nhưng khiến người chấm nhớ mãi. Có thầy cô còn tranh thủ tốc ký làm tư liệu giảng dạy hay đơn giản là giữ nó như một kỉ niệm vui để chia sẻ với người thân, đồng nghiệp.

 

Chấm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm nay “vui” hơn mọi năm vì có sự góp mặt của các thầy cô giáo đến từ nhiều tỉnh. Cô Lưu Phương Thúy, giáo viên trường THPT Chi Lăng, Lạng Sơn chia sẻ: “Đứng lớp 10 năm, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được tham gia chấm thi Đại học. Công việc tuy vất vả nhưng đem đến cho tôi nhiều niềm vui, được làm quen, chia sẻ với các anh chị giảng viên đại học và đồng nghiệp. Sau khi chấm thi, tôi cũng đã rút ra nhiều kinh nghiệm để giảng dạy, ôn thi cho các em hiệu quả hơn”. Nhiều thầy cô trưởng thành từ Đại học Thái Nguyên bồi hồi khi được gặp lại thầy xưa, trường cũ sau bao nhiêu năm ra trường. PGS.TS Đào Thủy Nguyên - trưởng môn Ngữ Văn, Hội đồng chấm thi Đại học Thái Nguyên rất có lý khi nhận định: “Kì thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia chính là cây cầu kết nối phổ thông với đại học, vì lợi ích cuối cùng là học trò”.

Và những trăn trở với nghề

Coi thi, chấm thi môn Ngữ Văn bấy lâu, người viết không khỏi chạnh lòng khi thấy sau mỗi năm, số thí sinh theo đuổi các môn khoa học xã hội dường như lại mỏng dần. Báo chí nói nhiều đến những điểm 0 môn Lịch sử, và tình trạng ấy cũng đang xảy ra với Ngữ văn, Địa lý. Đề Văn năm nay không khó, cho dù không học kỹ bài, học sinh vẫn có thể làm được 5 điểm với phần đọc hiểu, nghị luận xã hội theo đề mở và phần nghị luận văn học cung cấp sẵn văn bản tác phẩm. Thế nhưng, không ít bài thi chỉ nghuệch ngoạc nửa trang, trên tờ giấy trắng chi chít những ngôn ngữ “a còng” như vk, ck, chj, bit, tui... Tôi có cảm giác, không phải học sinh không thể làm bài mà nhiều em không cần làm, không muốn làm và cũng không sợ bị điểm thấp. Đọc bài viết của các em mới thấy, điều giới trẻ quan tâm và có vốn hiểu biết nhiều nhất chính là đời sống diễn viên, ca sĩ, cầu thủ… Vinh quang của vận động viên bơi lội Ánh Viên được nhắc đến trong khoảng 30% số bài thi tôi chấm, trong khi đó, hầu như không em nào đề cập đến thành tích học tập, nghiên cứu khoa học của các trí tuệ nước nhà…

Gần đây, câu chuyện về 14 cán bộ chấm thi đến từ Quảng Trị phải trở về giữa chừng vì Sở Giáo dục Đào tạo Quảng Trị và Đại học Huế không thống nhất việc chi trả công tác phí cho họ đã làm tổn thương không chỉ người trong cuộc. Lẽ nào, nhiệm vụ chấm thi không quan trọng bằng vài trăm nghìn hỗ trợ cho cán bộ ăn ở trong mấy ngày. Ở những hội đồng khác, không xảy ra chuyện đáng tiếc tương tự song chế độ cán bộ coi thi nhận được chưa thực sự tương xứng với những vất vả của họ. Trên dưới 2 triệu bồi dưỡng cho gần 10 ngày làm việc căng thẳng, lặn lội mấy trăm km, gửi lại nhà cửa, con cái cho người thân có lẽ vẫn là một con số nên cân nhắc. Đó là chưa kể đến việc, nếu vô ý ký thiếu một chữ, cộng sai một con điểm, cán bộ chấm thi dù đang ở bất cứ nơi đâu cũng có thể bị triệu tập về Hà Nội, Thái Nguyên, Vinh, Huế, TP Hồ Chí Minh… để chờ xử lý.

 

Coi thi, chấm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia lựa chọn nhân tài cho đất nước vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền lợi của những người làm công tác giáo dục. Những căng thẳng, áp lực làm nên sự công minh, niềm vui tạo ra động lực. Năm nay chúng tôi đi chấm thi, sang năm chúng tôi vẫn sẽ lên đường, chỉ mong, sau mỗi năm sẽ nhận được những kết quả cao hơn từ phía học trò và những quan tâm thiết thực hơn từ xã hội để nhiệm vụ này sẽ không còn bị mặc định là thứ “quyền rơm vạ đá”…

Suối Linh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy