Thứ sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2024
12:39 (GMT +7)

“Tổng rà soát” những vấn đề nóng của nền kinh tế

Quốc hội vừa qua hai ngày rưỡi chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ ba, "tổng rà soát " nhiều vấn đề nóng của nền kinh tế trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, giao thông vận tải , nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Quang cảnh một phiên họp tại Hội trường Diên Hồng

Các vị Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại phiên họp của Quốc hội sáng 26/5


Hết sức sốt ruột với chương trình phục hồi

Cả bốn vị đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp này đều là "tư lệnh" các lĩnh vực kinh tế trọng yếu. Đây là điều khá đặc biệt so với thông lệ chọn người trả lời chất vấn theo hướng cân bằng cả kinh tế, xã hội, tư pháp ở các kỳ họp trước.

Chẳng hạn, ở kỳ họp thứ hai bốn vị được chọn là Bộ trưởng các Bộ Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo.

Lần này, những vấn đề của ngành y tế vẫn nóng rực nghị trường trong các phiên thảo luận về kinh tế, xã hội, song Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn các nhóm vấn đề nóng của bốn lĩnh vực kinh tế: tài chính, ngân hàng, giao thông vận tải, nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Và đứng đầu tiên trong cả hai nhóm vấn đề chất vấn Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng là tình hình triển khai và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của hai cơ quan này.

Bởi Quốc hội phải tổ chức kỳ họp bất thường để quyết định chính sách đặc biệt này song tiến độ thực hiện lại quá chậm trễ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cả vào thứ Bảy (4/6) khi Quốc hội nghỉ, để cho ý kiến về danh mục, mức vốn bố trí cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tại đây, Chủ tịch Quốc hội nói rằng, lúc này mới trình danh mục, mức vốn bố trí cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến là rất chậm, phần nào đó làm giảm hiệu quả của Chương trình.

Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội lưu ý Chính phủ cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, đánh giá nguyên nhân của sự chậm trễ này, chỉ rõ cụ thể những nguyên nhân chủ quan, khách quan, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm và triển khai quyết liệt để sớm có kết quả cụ thể của gói chính sách này theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội.

“Chúng ta vẫn nói đầu tư công dễ bị chậm. Chậm trong thực hiện các dự án khác đã dở rồi, chậm thực hiện gói phục hồi và kích thích kinh tế thì hiệu quả của gói này càng chậm đi. Vẫn biết thực hiện nhiệm vụ này khó, nhưng cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương và cố gắng làm sớm, không để lâu”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Lãnh đạo Quốc hội cũng yêu cầu có danh mục dự án đến đâu sẽ trình đến đấy, không nhất thiết phải chờ một đợt. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sẽ họp nhiều lần, để xem xét kịp thời vì nếu để chờ một lần đủ hết thì sẽ lại chậm triển khai gói chính sách cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng (phải) và Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (trái) tại diễn đàn Quốc hội

"Soi" trái phiếu, chứng khoán, nợ xấu

Bên cạnh thực hiện Nghị quyết 43, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc còn phải trả lời về những vấn đề liên quan đến sốt bất động sản, rủi ro trên thị trường chứng khoán, trái phiếu, nợ xấu... thuộc trách nhiệm của mình. Đây cũng là những vấn đề được các ủy ban chức năng của Quốc hội "soi" từ trước khi diễn ra kỳ họp. Nhưng tại nghị trường các đại biểu vẫn tiếp tục lên tiếng.

Theo đại biểu Nguyễn Hải Nam (Thừa Thiên - Huế) thị trường trái phiếu nói riêng cũng như thị trường chứng khoán nói chung thời gian qua đã đạt được vốn hóa thị trường là 120% GDP, đạt chỉ tiêu của Chính phủ đề ra. Còn thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong 10 năm qua đã có những phát triển, thể hiện công sức gây dựng rất vất vả của các doanh nghiệp cũng như của các bộ, ngành. Tuy nhiên, trên thị trường thời gian vừa qua đã có nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu không đúng theo quy định của pháp luật. Điều này đã gây ra nhiều lo ngại rủi ro cho nhà đầu tư, đặc biệt, những nhà đầu tư nhỏ lẻ dễ bị tổn thương. Việc làm trên còn có thể gây ra mất cân đối với nền kinh tế khi dòng vốn đi lệch vào những thị trường rủi ro có tính đầu cơ cao thay vì đáng lẽ cần đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh thực để phát triển kinh tế - xã hội.

Đáng chú ý, đại biểu Nam cho rằng doanh nghiệp phát hành trái phiếu không đúng theo quy định của pháp luật có thể gây ra mất thanh khoản lớn hệ thống cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Điều này đã xảy ra tại một số quốc gia trong khu vực và có thể gây ra bất ổn cho kinh tế.

Liên quan đến nợ xấu, tại kỳ họp này Quốc hội xem xét kéo dài Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Nợ xấu cũng là nội dung được chọn để chất vấn Thống đốc Nguyễn Thị Hồng.

Đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh hiện tại thì tiếp tục cơ chế thí điểm tại Nghị quyết 42 là điều cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ và đặc biệt là Ngân hàng nhà nước cần đánh giá thật kỹ tất cả những tác động, cả thuận lẫn nghịch của cơ chế này.

Bởi vì, bất kỳ một phương thuốc nào dù có công dụng đến mấy cũng luôn luôn để lại tác dụng phụ. Cơ chế xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 là một phương thuốc rất hiệu quả, nhưng một phương thuốc có tính chất đặc hiệu như vậy mà kéo dài, thì cần đánh giá các hệ lụy của nó.

Cho rằng trong bất kỳ một nền kinh tế nào, khi có nợ tăng cao đe dọa đến nền kinh tế và gây bất ổn thì nhà nước đều phải can thiệp. Tuy nhiên, ông Long nhấn mạnh quá trình này luôn luôn gắn liền với việc cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng và đây là một cuộc thanh lọc rất gắt gao, các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại phục hồi được, có hiệu quả thì tồn tại, còn không có sẽ bị thải loại.

"Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đang áp dụng những cơ chế rất đặc biệt, đặc biệt ở chỗ là quá trình xử lý nợ xấu thì huy động rất lớn bộ máy công quyền, từ công an, tòa án, thi hành án, hệ thống chính quyền các cấp đều phải tham gia và sự phục vụ của hệ thống công quyền này có tính chất vô điều kiện. Khi xử lý thu hồi nợ thì các tổ chức tín dụng đều yêu cầu rằng không nợ thuế, phải nộp lệ phí tòa án, các phí khác. Phải chăng cơ chế này chúng ta đang tạo ra một thứ bao cấp cho một hoạt động đối với thị trường tín dụng và đối với hệ thống tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại", ông Long đặt vấn đề.

Nếu các cơ chế này kéo dài, theo đại biểu, sẽ tạo ra sự ỷ lại cũng như tạo ra một tâm lý cho các ngân hàng thương mại là kinh doanh có lãi, có hiệu quả thì hưởng, còn lỗ, nợ thì đã có Nhà nước lo. Đây là một điều theo đại biểu là rất đáng lo ngại.

Vị đại biểu này nhấn mạnh rằng, phương thức để xử lý nợ xấu không thể nào cứ trông chờ mãi vào các biện pháp bao cấp của Nhà nước như trong thời gian qua.

Cần cơ chế đặc thù khôi phục Gang thép Thái Nguyên

Trước phiên chất vấn, sức nóng của nghị trường đã được nhen từ các phiên thảo luận kinh tế, xã hội. Không chỉ là những vấn đề chung của nền kinh tế mà cả số phận những dự án nhiều tai tiếng nhưng chứa đựng nhiều tâm tư của cử tri cũng được đại biểu lên tiếng.

Đại biểu Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) phát biểu

Được đại biểu Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) đề cập là Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II Gang thép Thái Nguyên. Đây là dự án được khởi công năm 2007, đến 2013 phải tạm dừng thi công do gặp khó khăn trong thu xếp nguồn vốn. Tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng cao. Mặt khác, hợp đồng ký kết với nhà thầu nước ngoài đã phát sinh tranh chấp phức tạp, vượt quá thẩm quyền xử lý của Gang thép Thái Nguyên và Tổng Công ty Thép Việt Nam.

Bà Hảo cho biết hiện nay một phần lợi nhuận từ hoạt động sản xuất của Gang thép Thái Nguyên giai đoạn I vẫn đang phải sử dụng để thực hiện việc cân đối các khoản vay của dự án mở rộng giai đoạn II, trong đó có các khoản nợ quá hạn, có khoản vay đã chuyển nhóm 5, tính lãi phạt và lãi trên lãi.

Theo đại biểu, Khu công nghiệp Gang thép Thái Nguyên là công trình trọng điểm để thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II. Ngày 4/6/1959 Hội đồng Chính phủ ra quyết định thành lập Công trường xây dựng Khu Gang thép Thái Nguyên và chỉ sau đó 4 ngày Bác Hồ đã trực tiếp về Thái Nguyên chỉ đạo xây dựng công trường. Bác nhắc nhở mọi người "phải ra sức đoàn kết, thi đua nhanh chóng hoàn thành kế hoạch". Khắc ghi lời Bác, hơn 2,2 vạn cán bộ, chiến sĩ và nam, nữ thanh niên từ nhiều tỉnh thành trong cả nước đã nỗ lực lao động ngày đêm san đồi, bạt núi, biến một vùng đồi núi hoang sơ thành khu công nghiệp đồ sộ, rộng gần 160ha. Đây chính là nôi của ngành công nghiệp luyện kim Việt Nam. Từ sau khi chia tay đồng bào Việt Bắc về Thủ đô (1954), Bác Hồ đã 7 lần trở lại thăm Thái Nguyên, trong đó có 2 lần (1959 và 1964) Người trực tiếp đến kiểm tra, chỉ đạo việc xây dựng, hoạt động của Gang thép Thái Nguyên. Bác nói: "Chính sách của Đảng ta là làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi, ngày nay chính sách đó đã bước đầu được thực hiện. Với Khu Gang thép đồng bào ta có thể tự hào rằng về công nghiệp nặng thì miền xuôi cần thi đua với miền núi".

"Với ý nghĩa lịch sử, với nền móng vững chắc của Gang thép Thái Nguyên, thay mặt cử tri tỉnh Thái Nguyên, tôi trân trọng đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm, có các giải pháp khôi phục lại Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II", bà Hảo phát biểu.

Cụ thể hơn, đối với Quốc hội, đại biểu đề nghị tổ chức khảo sát quá trình đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp tại Công ty Gang thép Thái Nguyên. Bởi vì, một số khó khăn chủ yếu của Gang thép Thái Nguyên có thể không phải là phổ biến nên rất cần có cơ chế, chính sách đặc thù. Đối với Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, đề nghị từ đại biểu là xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư với phương châm "sớm nhất, hiệu quả nhất" như quan điểm Nghị quyết 68 của Chính phủ ngày 12/5 vừa qua.

"Việc khôi phục, xây dựng Gang thép Thái Nguyên phát triển vững mạnh, xứng tầm là cánh chim đầu đàn của nền công nghiệp nặng Việt Nam, đó là mong muốn, là niềm tin của cử tri, nhân dân Thái Nguyên và đồng bào các dân tộc Việt Bắc đối với công cuộc đổi mới, đồng thời cũng là trách nhiệm với một công trình mang ý nghĩa lịch sử đã có nhiều đóng góp quan trọng trong tiến trình xây dựng, phát triển đất nước", đại biểu Đoàn Thị Hảo phát biểu tại Quốc hội.

QUYẾT ĐỊNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ 5 DỰ ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA

Theo chương trình kỳ họp thứ ba (đã được điều chỉnh) hôm nay, ngày 10/6, buổi sáng Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. Buổi chiều Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư giai đoạn 1 các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ - Sóc Trăng ; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột ; Biên Hòa – Vũng Tàu .

Đây đều là các dự án quan trọng quốc gia cần Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Kỳ họp này cũng là kỳ họp số lượng dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định nhiều kỷ lục từ trước đến nay.

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy