Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
14:24 (GMT +7)

“Tình” trong thơ Nguyễn Hữu Bài

Tình trong thơ Nguyễn Hữu Bài là thứ tình mộc mạc, giản dị, chân thật - đó là yếu tố quan trọng, góp phần quyết định làm nên những áng thơ hay của Nguyễn Hữu Bài; Tình trong thơ Nguyễn Hữu Bài là một trong những yếu tố có thể coi như một hằng số văn hóa để cấu thành những thi phẩm có sức lan tỏa, nhận được sự cộng cảm của bạn đọc.

1. Không phải vô cớ mà Lê Quý Đôn (nhà thơ, nhà bác học lớn của Việt Nam thế kỷ 18) đã viết: “Thơ khởi phát tự lòng người”. Quả đúng là như vậy, làm thơ suy cho cùng cốt ở cái “tình”, mọi kỹ thuật, kỹ xảo ngôn từ sẽ trở nên vô nghĩa, vô duyên nếu thiếu vắng “tình”. Tình ở đây là tình cảm, cảm xúc, là sự rung cảm, xúc động của tác giả dành cho đối tượng được tái hiện, miêu tả trong tác phẩm của mình. Trong các thể loại văn học, thơ là thể loại có thể làm phấn chấn, xúc động, cảm hóa lòng người nhanh, hiệu quả nhất! Thơ hay là thơ trước tiên phải có tình. Nguyễn Hữu Bài là một trong những nhà thơ Thái Nguyên có thâm niên cầm bút và nhiều bài thơ của ông đã neo lại trong lòng người những ấn tượng, cảm xúc khó phai mờ. Có được điều đó là bởi thơ ông mang chứa một khối tình sâu sắc.

2. Nhìn tổng thể, thơ Nguyễn Hữu Bài không quy hẹp trong một chủ đề nhất định, ông viết theo nhiều chủ đề khác nhau, bộc bạch cảm xúc một cách rất mộc mạc chân tình xung quanh thế giới hiện thực do ông cảm niệm được: Nghĩ về xuân, Tâm tư cùng chiều muộn, Nói với em, Kỷ niệm, Thơ buộc phải viết, Viết cho ngày 8/3, Thơ buồn trong một chiều buồn,… Nói chung, chủ đề thơ Nguyễn Hữu Bài phong phú, đa dạng, chính vì vậy người đọc dễ dàng cảm nhận thấy thế giới nội tâm, thái độ xúc cảm và tâm trạng của nhân vật trữ tình - tác giả cũng rất phong phú, nhiều cung bậc. Nguyễn Hữu Bài thường thể hiện tình của ông với những đối tượng gần gũi, gắn bó: thiên nhiên, con người, sự vật, sự việc và những đổi thay của chúng trong vòng quay nghiệt ngã của thời gian.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Bài đọc thơ trong Lễ hội thơ Nguyên tiêu Thái Nguyên 2018

Trước hết, ở những bài thơ mang sắc màu thế sự (như Nghĩ về xuân, Bài thơ buộc phải viết) chúng ta bắt gặp sự trăn trở về thế thái nhân tình của một tấm lòng luôn “ưu thời mẫn thế”. Trước bao vụ việc ngang tai trái mắt đã và đang diễn ra trong xã hội, những vụ việc chỉ cần nhắc tên đã khiến lòng người bất bình, nổi giận vì tính chất tàn bạo, phi lý và phi nhân văn của nó, tác giả Nguyễn Hữu Bài bày tỏ:

Ngày xuân bao điều nghĩ

Những biệt phủ sao còn?

Thanh tra như dấu hỏi(?)

Bao vụ chìm lặng im?

Nào Yên Bái, Thanh Hóa

Sao chẳng có một lời

Nào Đà Nẵng đáng sống

Sao buồn như mù khơi?

Mùa xuân ngắm hoa đào mà lòng người không yên ổn:

Nhìn cánh đào rơi rụng

Biết là xuân qua rồi,

Còn bao điều ám ảnh

Có trôi cùng xuân trôi...

Âm hưởng những câu thơ chùng xuống, hình ảnh thơ gợi buồn, có cái gì tan rã, mất mát: những cánh đào rơi rụng và mùa xuân đã qua, cuộc đời với bao ngổn ngang, bề bộn bao câu hỏi mà không biết tìm đâu câu trả lời thỏa đáng… Những câu hỏi đặt ra trong bài thơ thực tế cũng là trăn trở của nhiều người, chỉ khác với mọi người ở chỗ: Nguyễn Hữu Bài đã biết khéo léo nén nỗi đau buồn, lo âu, thậm chí cả phẫn nộ của nhiều người trong câu chữ và chia sẻ hộ nhiều người nỗi niềm mà không phải ai nghĩ đến cũng viết được thành thơ. Những sự kiện trái ngang của xã hội mang tính thời sự nóng hổi nếu thiếu một sự tế nhị và tinh tế dễ khiến thơ trở thành thứ văn vần nhạt nhẽo, thô thiển, phản cảm. Rất may, những vần thơ của Nguyễn Hữu Bài đã vượt qua được thử thách trên bởi chữ tình ông dành cho con người và quê hương xứ sở đủ nặng để neo giữ chất thơ cho mỗi câu thơ, bài thơ. Nỗi lo âu, nhức nhối về những vấn đề chung của cộng đồng khi nhiều giá trị bị đánh tráo, nhân cách con người trở thành thứ bị coi nhẹ, đồng tiền và những thứ phù phiếm khác lên ngôi, quyền lực và tội ác hoành hành làm tổn thương bao người lương thiện…, tất cả khiến trái tim nhạy cảm của nhà thơ đớn đau, cảm xúc ngập tràn và cất thành lời tê tái - tự thân những tình cảm chân thành đó mang một giá trị thẩm mỹ mà không cần đến bất cứ một diễn ngôn cầu kỳ nào, nó có sức hấp dẫn riêng và luôn chạm đến trái tim bạn đọc…

Họ lại thi, lại tuyển như xưa nay

Lại chạy chọt, lại ồn ào giá cao, giá thấp

Họ sẽ quên những nỗi đau có thật

Thất nghiệp rồi... biết đi đâu… về đâu…

(Bài thơ buộc phải viết)

Có một điểm đặc biệt, đọc thơ Nguyễn Hữu Bài, chúng ta thường bắt gặp cái tôi trữ tình cô đơn, tràn đầy nỗi niềm u uẩn. Trong những bài thơ như: Tâm tư cùng chiều muộn, Nói với em, Mơ, Một, Kỷ niệm, Tâm tư, Đêm mưa xuân, Xóm núi…, Có nhiều câu thơ mà ở đó “con người bên trong con người” nhà thơ luôn một mình khắc khoải cùng những hoài niệm và những giấc mơ:

Mưa, mưa trắng cả giấc mơ…

Gửi cho ai...

mấy câu thơ ướt mèm!

(Thơ viết ngày 8/3);

Em của xưa hay của nay… không định…

Đôi mắt nào lặn mặt nước sậm đen

Bóng mờ ảo hay mờ làn tóc rối

Hay những phận người… chầm chậm vào đêm…

(Tâm tư cùng chiều muộn);

Mơ con đường bùn tìm em dưới mưa

Cứ lạc mãi... hỏi hoài không người đáp…

Em ở đâu?

sáng qua?

hay ký ức?

Hay trong cái nhìn... gặp nhau bâng quơ?

(Mơ);

Bên kia dốc cuộc đời vẫn thiếu vắng ai

Làn sương mỏng buồn lan giấc ngủ

Lũy tre làng ngập chìm làn gió hú

Thu chẳng ấm dần - chờ rét lạnh đơn côi

(Nói với em).

Chiêm nghiệm, suy ngẫm về con người và đời sống, chúng ta thấy rất rõ nhiều khi cô đơn không phải là điều đáng sợ, mà còn là điều rất đáng trọng. Cô đơn chỉ đáng sợ khi ta tuyệt tình với vạn vật và mọi người xung quanh, khi chỉ biết sống quay quắt với bản thân mình. Nhưng nếu coi cô đơn là môi trường cần thiết để ta sống thật lòng mình, tìm lại chính mình trong sự thật và sự thiện, để từ đó hứng khởi sáng tạo, trở thành một con người vững chãi thì ta hãy dũng cảm đối diện với sự sô đơn. Sự trốn chạy khỏi nỗi cô đơn là trạng thái tâm lý chỉ làm ta suy yếu, tránh né chính mình, không dám sống trọn vẹn là mình. Đề tài về sự cô đơn trống vắng là một đề tài thường gặp trong văn chương nói chung và trong thơ ca đương đại nói riêng. Thơ Nguyễn Hữu Bài không nằm ngoài quỹ đạo của tư duy thơ hiện đại. Cô đơn như người bạn đồng hành mang đến một sức mạnh nội tâm để thanh luyện tâm tình. Do đó, thực chất của cô đơn là tập trung năng lực để sáng tạo. Những giây phút tĩnh lặng như một điều kiện để an dưỡng tinh thần; để định tâm và tu tập; để khám phá bản thân sâu rộng hơn qua những gì mình đã, đang sống và cảm nhận.

Một hồ, một ghế, một đêm

Một tôi cùng một nỗi niềm nay, xưa…

Gió một mình đủ đón, đưa...

Sương một mình... rơi đủ vừa lạnh vai...

Thơ một mình... viết cho ai...

Chưa xong, đã trượt ra ngoài tầm tay…

Muộn chiều... sậm cả đắm say...

Một hồ... một ghế... vơi đầy... một đêm!

Bài thơ ngắn nhưng nó đủ cho bạn đọc nhận thấy nhà thơ đã chấp nhận cảm giác cô đơn như một thứ gia vị cho cuộc sống. Ông đã biết cách chuyển hóa và thăng hoa cuộc sống của mình, trải nghiệm cảm xúc cô lẻ một mình thú vị, coi đó như một khoảng lặng quý giá cho đời sống nội tâm. Trong thực tế, nhiều khi, cùng với nỗi buồn, cô đơn là một chất xúc tác tạo nên những điều tốt đẹp và vĩ đại cho cuộc sống. Trong sáng tạo nghệ thuật, và đặc biệt trong sáng tạo thơ ca tạo ra cho bản thân mình một thế giới riêng, có được một sự cô đơn bản thể để thấu hiểu hơn câu hỏi muôn năm chưa bao giờ cũ của nhân loại: Tôi là ai? - đó không phải là chuyện đơn giản đối với người cầm bút. Luôn tự nhủ mình phải là mình và không bị lẫn vào số đông vô tình, vô cảm với những “bộ đồng phục tinh thần” đơn điệu - đó cũng là sự thể hiện bản lĩnh của người cầm bút. Với Nguyễn Hữu Bài, bạn đọc được chia sẻ những bài thơ mang cái tình gần gũi, giản dị, ấm áp và rất đỗi chân thành của ông.

Nguyễn Hữu Bài thường nặng tình với kỷ niệm. Đọc thơ ông có lúc người đọc như được cùng ông ngược dòng thời gian chìm đắm về miền ký ức, nơi đó có nỗi nhớ quê hương da diết:

Đã xa rồi, xóm núi nhỏ của tôi/

Nơi để lại một phần đời tuổi trẻ/

Hai mươi mốt năm vui buồn chia sẻ/

Mẹ tôi về... một đêm lạnh nơi này!

(Xóm núi)

Những giấc mơ trở về bên những người mình thương yêu, gắn bó, trở về tuổi thơ, và một thời tuổi trẻ, tình yêu…, tất cả như những thước phim sống dậy từ thẳm sâu tiềm thức, chợt đến, chợt đi khiến lòng người không yên ổn. Sống cùng kỷ niệm để rồi lòng thêm vị tha và bao dung:

Thời gian đã trôi qua

Chuyện cũ không còn nữa

Kỷ niệm của năm xưa

Em quên hay còn nhớ?

Nếu quên... không trách em

Tình xưa thành giây phút

Nếu nhớ... đừng sầu đau

Đông về rừng... lá trút…

(Kỷ niệm)

Tôi đã từng nghe tiếng lòng ông tâm sự: “Mưa bụi, lạnh se se... bước những bước vô định quanh bờ hồ... Buồn gọi kỉ niệm của những phút xao lòng trở về… Một bài thơ tưởng đã cố lãng quên mà không hiểu sao trong nỗi buồn chiều nay - khi ánh chiều yếu ớt cứ lụi dần vào bóng tối - những vần thơ ấy cứ lầm lũi trôi về tràn đầy tâm tư, dựng dậy một phận người của một thời chót có phút xao lòng...”. Thì ra kỷ niệm cũng chính là nơi tin cậy để nhà thơ tìm lại chính mình mỗi lúc “xao lòng”, và thơ với Nguyễn Hữu Bài chính là điểm tựa để ông có thêm sức mạnh tinh thần mà dẻo dai bước trên con đường thiên lý nhiều tao đoạn đầy vơi... mà nói như Phùng Quán: “Có những lúc ngã lòng, tôi vịn vào câu thơ mà đứng dậy”!

Thơ đích thực phải là thơ mà mỗi cá nhân được cất lên tiếng nói tự sâu thẳm trái tim mình với những buồn/ vui/ yêu/ ghét/ hạnh phúc/ khổ đau… một cách thành thực nhất. Từ điểm nhìn này, có thể thấy thơ Nguyễn Hữu Bài đã có nhiều câu thơ, bài thơ thể hiện tinh tế chiều sâu của thế giới tâm hồn, tình cảm. Và có lẽ cũng chính vì vậy, thơ Nguyễn Hữu Bài mới có thể giúp bạn đọc “đồng sáng tạo”, tức là cảm xúc, tư duy thơ của ông giúp bạn đọc rộng mở những chân trời suy tư mộng tưởng, tự do tư duy và tự do lựa chọn một cách cảm, cách nghĩ về đời sống. Cuộc sống và những ký ức vừa buồn vừa đẹp trở đi trở lại trong những giấc mơ của nhà thơ, hiện thực có thể đã có thật, có thể sẽ có thật và có thể không bao giờ có thật nhưng tất cả đều ẩn chứa những thông điệp về cuộc sống và con người, “vẫy gọi” bạn đọc suy ngẫm về cuộc sống vốn phức tạp như bức tranh lập thể, đa diện, đa chiều đan chéo muôn gam màu sáng, tối...

3. Lấy tình làm tâm điểm lan tỏa trong thơ mình, Nguyễn Hữu Bài đã có những thành công ấn tượng, đáng kể. Từ thế kỷ 19, Hegel (nhà triết học người Đức) đã coi thơ trữ tình (thơ thiên về tình cảm, cảm xúc) là một thứ “tốc ký nội tâm”, là một kiểu “tư duy tự nhận thức bản thân”. Tình trong thơ Nguyễn Hữu Bài là thứ tình mộc mạc, giản dị, chân thật - đó là yếu tố quan trọng, góp phần quyết định làm nên những áng thơ hay của Nguyễn Hữu Bài; Tình trong thơ Nguyễn Hữu Bài là một trong những yếu tố có thể coi như một hằng số văn hóa để cấu thành những thi phẩm có sức lan tỏa, nhận được sự cộng cảm của bạn đọc. Xin mượn câu thơ của Hàn Mặc Tử “Người thơ phong vận như thơ ấy” để kết lại bài viết này như một lời tri ân, chia sẻ tôi muốn gửi đến Nhà thơ Nguyễn Hữu Bài với tất cả tấm lòng.

Cao Thị Hồng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy