Tình cảm gia đình trong dòng chảy thi ca Việt
Đã tròn 80 năm kể từ khi Đề cương Văn hóa Việt Nam ra đời (1943 - 2023), cho đến nay, giá trị và tính hiện thực của bản Đề cương này vẫn còn nguyên giá trị. Trong đó, ba thành tố quan trọng của văn hóa là tư tưởng - học thuật - nghệ thuật cùng ba nguyên tắc xây dựng luôn được chú trọng: dân tộc hóa - đại chúng hóa - khoa học hóa.
Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 cũng đã khẳng định tính kế thừa từ Bản Đề cương văn hóa năm 1943 cùng những nhấn mạnh về các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu ấy chính là phát huy những giá trị gia đình Việt Nam, nằm trong hệ giá trị văn hóa của dân tộc.
Ảnh minh họa, nguồn: internet.
Nhìn vào dòng chảy thi ca Việt từ văn học dân gian đến văn học hiện đại, có thể thấy tình cảm gia đình luôn là một trong những giá trị cốt lõi được khẳng định, ngợi ca, đồng thời gửi gắm nhiều ý nghĩa và thông điệp sâu sắc.
Tình cảm cha mẹ - con cái
Từ thuở còn nằm trong nôi hay bước đi những bước đầu tiên đến trường, người Việt nào cũng thấm đẫm trong lòng những câu ca dao ca ngợi và bày tỏ lòng biết ơn về công cha nghĩa mẹ: Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra; Công cha nặng lắm ai ơi/ Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang; Ơn cha như núi ngất trời/ Nghĩa mẹ như nước ngời ngời biển Đông.
Nói đến công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, chỉ có thể đem biển trời ra để so sánh mà vẫn thấy như còn chưa đủ, bởi mẹ cha đâu chỉ cho mỗi chúng ta hình hài mà còn cho ta cả tâm hồn, cả một thế giới tinh thần.
Tình cảm giữa cha mẹ với con cái tiếp tục trở thành đề tài cho nhiều tác phẩm nổi tiếng trong thi ca Việt Nam hiện đại sau này. Và một điều thú vị là hầu hết những bài thơ nổi tiếng về tình mẹ đều được viết với thể lục bát, như thể một sự nối dài của những câu ca dao ngọt ngào đã thấm đẫm trong tâm hồn mỗi người từ thuở ấu thơ: Những ngôi sao thức ngoài kia/ Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con/ Đêm nay con ngủ giấc tròn/ Mẹ là ngọn gió của con suốt đời (Mẹ - Trần Quốc Minh), Ta đi trọn kiếp con người/ Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru (Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa - Nguyễn Duy), Con mong mẹ khỏe dần dần/ Ngày ăn ngon miệng, đêm nằm ngủ say/ Rồi ra đọc sách, cấy cày/ Mẹ là đất nước, tháng ngày của con (Mẹ ốm - Trần Đăng Khoa), Bầm ơi có rét không bầm/ Heo heo gió núi lâm thâm mưa phùn (Bầm ơi - Tố Hữu), Bây giờ con chẳng có gì/ Cúi đầu lạy mẹ con đi về trời (Mẹ ơi - Đồng Đức Bốn).
Qua một số câu thơ, bài thơ tiêu biểu, có thể thấy tình mẹ con luôn là một tượng đài bất tử trong văn học Việt. Người mẹ Việt Nam dù thời chiến hay thời bình đều hiện lên với những vẻ đẹp muôn đời không đổi: vất vả, hy sinh, bao dung, nhẫn nại. Thế nên mỗi đứa con, từ bé cho tới lớn, dù ở bất kỳ nơi đâu, đang làm bất cứ việc gì, khi khỏe mạnh thành công cũng như những khi yếu lòng, thất bại; hay cả lúc sắp từ giã cõi đời như thi sĩ Đồng Đức Bốn, trong lòng vẫn gọi thầm hai tiếng “mẹ ơi”. Cho đến một ngày mẹ không còn nữa thì khoảng trống ấy mãi mãi không thể lấp đầy: Mẹ ơi thế giới mênh mông/ Mênh mông không bằng nhà mình/ Dù cho phú quý vinh quang/ Vinh quang không bằng có mẹ (Mẹ tôi - Nhạc và lời: Trần Tiến).
Bên cạnh những bài thơ viết về tình cảm của con dành cho mẹ, còn phải kể đến không ít các tác phẩm viết về tình cảm mẹ dành cho con mà tác giả của những bài thơ ấy đều là những cây bút nữ. Có thể kể đến nhiều bài thơ nổi tiếng của các cây bút nữ từng trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ như: “Trắng trong” của Lâm Thị Mỹ Dạ (sau này được nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc thành bài hát “Khúc hát ru những người mẹ trẻ”), “Con yêu mẹ” hay “Tuổi ngựa” của Xuân Quỳnh, “Phép chia không có lỗi” của Phi Tuyết Ba…
Trong những bài thơ ấy, ta không chỉ cảm nhận được tình yêu thương vô bờ của người mẹ mà còn thấy được sự quan tâm chăm sóc của mẹ dành cho con cả về thể chất lẫn tinh thần, lo lắng cho cả hiện tại và tương lai của con mình: Ngọn đèn khuya một mình em thức/ Nghe tin đài báo nóng lại thương con (Chỉ có sóng và em - Xuân Quỳnh), Lớn lên rồi con sẽ hiểu tình yêu/ Không tìm được dễ dàng như phép tìm thương số/ Dẫu vậy/ Mẹ vẫn muốn con tin vào sách vở/ Bởi phép chia không có lỗi đâu con (Phi Tuyết Ba).
Các cây bút nữ đương đại thuộc thế hệ 7X, 8X tiếp tục kế thừa cảm hứng này, thể hiện thiên chức làm mẹ của mình trong nhiều bài thơ: Con thân yêu rồi con sẽ chào đời/ Một buổi sớm mùa hè rực rỡ/ Hoa sẽ vì đôi môi thiên thần con mà nở/ Trời sẽ vì đôi mắt con mà biếc xanh (Bình Nguyên Trang), Bầy con má phính cắn giấc mơ em/ Tấm lưng khóc rung mọi đường kinh tuyến (Vi Thùy Linh).
Tình cha con cũng là chủ để xuất hiện nhiều trong thơ Việt với các biểu hiện khác nhau. Trong những bài thơ viết về tình cảm của cha dành cho con, có nhiều bài thơ thể hiện tình thương yêu, niềm quan tâm đặc biệt mà người cha dành cho con gái. Sự quan tâm ấy bắt đầu từ khi con chào đời cho tới mỗi ngày con lớn lên rồi tới lúc xa rời vòng tay bố mẹ: À ơi con ngủ cho ngoan/ Đắp chăn rồi bố mắc màn cho con/ Nửa đời nước nước non non/ Con vừa một tuổi bố tròn bốn mươi/ Nửa đời đi ngược về xuôi/ Đêm nay bố ngắm con cười trong mơ (Tôi ru con gái tôi - Đỗ Trung Lai), Hóa ra bố lại yếu lòng hơn mẹ/ Lúc người ta đến xin dâu/ Mẹ vẫn cười rất tươi/ Mà bố thì rưng lệ/ Lời thưa ngập ngừng nghẹn giữa câu…(Tiễn con gái lớn về nhà chồng - Nguyễn Hoàng Sơn). Lại có những mong ước, nhắn nhủ tâm huyết của bố tới con, như là lời nhắn nhủ và trao gửi của hai thế hệ: Lời của con hay tiếng sóng thầm thì/ Hay tiếng của lòng cha từ một thời xa thẳm/ Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận/ Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con (Những cánh buồm - Hoàng Trung Thông), Con ơi tuy thô sơ da thịt/ Lên đường/ Không bao giờ nhỏ bé được/ Nghe con (Nói với con - Y Phương).
Lại có những bài thơ là tình cảm của con viết về người cha kính yêu của mình, chất chứa trong đó bao tâm sự cuộc đời, cả những câu chuyện chung và câu chuyện riêng: Thưa cha con đã dâng trà/ Sao cha im lặng như là bóng mây/ Để hồn trà khuất đâu đây/ Xác trà lạnh ngắt đổ đầy lòng con (Dâng trà - Nguyễn Quang Thiều), Không răng, cha vẫn cười khì/ Đời là thế, kể làm chi cho rầu/ Cha con xa cách bấy lâu/ Mấy năm với uống với nhau một lần/ Bụng ta thắt, mặt ta nhăn/ Cha thì vẫn cứ không răng cười cười/ Ta đi mơ mộng trên đời/ Để cha cuốc đất một đời chưa xong (Về làng - Nguyễn Duy).
Những người cha trong hai bài thơ của Nguyễn Duy và Nguyễn Quang Thiều mà chúng tôi vừa trích dẫn ở trên đều là những người cha nông dân, cả cuộc đời gắn bó với làng quê nghèo, nhưng họ đã truyền được cho con mình bao bài học sâu sắc để bước vào cuộc đời.
Sự trưởng thành của mỗi đứa con sau này, khi nhớ về người cha nghèo của mình luôn khiến chúng ta xúc động: Ôi ngày tháng, đôi vai gầy run run tựa vào hàng cây/ Ôi thời gian, hãy quên đi, đôi chân cồng kềnh, cha đi giữa rừng hoang vu (Đôi chân trần - Nhạc và lời: Y Phôn Ksor). Thế cho nên, đối với những đứa trẻ lớn lên không có bố bên cạnh, đúng là một thiệt thòi không gì bù đắp nổi: Nhà không có bố buồn sao/ Cái đinh cũng thiếu, con dao thì cùn/ Bơm xe chẳng hiểu cái jun/ Rát tay bật lửa, đá cùn, xăng khô/… Nước đun sôi để nguội hoài/ Nhà không có bố lấy ai pha trà/ Cho dù bãi mật phù sa/ Mà không bên lở chẳng là dòng sông (Nhà không có bố - Nguyễn Thị Mai).
Tình cảm vợ chồng
Bước vào đời sống hôn nhân là hành trình tất yếu trong cuộc đời mỗi con người, để từ đó lại tạo ra những hạt nhân tế bào cho xã hội, đó là mỗi gia đình. Tình cảm vợ chồng vì thế là một giá trị vô cùng quan trọng để đảm bảo hạnh phúc và sự vững bền của mỗi tổ ấm.
Từ trong tục ngữ ca dao, ông cha ta đã có biết bao những khái quát tinh tế và sâu sắc, bắt đầu từ những nhận xét đúc rút về sự đặc thù của mỗi giới: Gái thương chồng đương đông buổi chợ/ Trai thương vợ nắng quái chiều hôm; cho đến những lời khuyên về ứng xử: Đốn cây ai nỡ dứt chồi/ Đạo chồng nghĩa vợ giận rồi lại thương; Chồng nóng thì vợ bớt lời/ Cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê.
Lối sống của người Việt luôn nhấn mạnh vào cái nghĩa cái tình chứ không đề cao vật chất hay tiền bạc: Chồng em áo rách em thương/ Chồng người áo gấm xông hương mặc người; Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon. Chỉ cần vợ chồng đoàn kết với nhau thì khó khăn trở ngại nào cũng có thể vượt qua: Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn.
Một loạt những câu ca dao được viết theo cùng một dạng cấu trúc so sánh, trong đó luôn nhấn mạnh vào tình yêu thương của vợ chồng dành cho nhau, không gì có thể đo đếm được: Qua đình ngả nón trông đình/ Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu; Qua đồng ngả nón trông đồng/ Đồng bao nhiêu lúa thương chồng bấy nhiêu.
Ông cha ta cũng dành nhiều câu để chia sẻ riêng với những vất vả nhọc nhằn của người vợ: Nửa đêm ân ái cùng chồng/ Nửa đêm về sáng gánh gồng ra đi; Tay mang khăn gói sang sông/ Mồ hôi ướt đẫm, thương chồng cứ theo.
Sang đến thời kỳ hiện đại, tình cảm vợ chồng tiếp tục trở thành đề tài trong nhiều thi phẩm nổi tiếng, thể hiện những đồng cảm, yêu thương sâu sắc giữa chồng với vợ, vợ với chồng.
Có những cách viết rất mộc mạc chân thật của nhà thơ Cầm Vĩnh Ui trong thời kháng chiến chồng Pháp: Tôi nhớ vợ tôi lắm/ Xin được về hai ngày/ Nhà tôi ở Mường Lay/ Có con sông Nậm Rốm/ Ngày kia tôi sẽ đến/ Lại cầm súng được ngay/ Tôi sẽ bắn trúng Tây/ Vì tay có hơi vợ (Nhớ vợ). Vậy là trong mọi thành công của người chồng không bao giờ thiếu bóng dáng người vợ hiền.
Nhà thơ Nguyễn Duy có nhiều bài thơ dành tặng vợ, như: Nghìn tay nghìn việc không tên/ Mình em làm cõi bình yên nhẹ nhàng/ Thình lình em ngã bệnh ngang/ Phang anh xất bất xang bang sao đành (Vợ ốm); Mỗi năm tết có một lần/ Mời em ly rượu tay nâng ngang mày (Mời vợ uống rượu).
Từ một sự việc rất đời thường là tiễn vợ đi làm, nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn đã gửi vào đó bao tâm sự, suy tư sâu sắc về hạnh phúc, nhân phẩm con người: Tiễn em buổi sáng đi làm/ Nón quên anh nhắc, chiếc làn anh đưa/ Tần ngần một thoáng dây dưa/ Trao em chiếc cặp lồng trưa quá nghèo/… Một ngày nào có ngắn chi/ Mỗi giây qua, những điều gì đợi em?/ Xuôi tay, chiều phút yếu mềm/ Là thôi… có thể mất em trong đời/… Cùng em buổi sáng chia tay/ Thầm mong lương thiện một ngày đón em (Tiễn em).
Các nhà thơ nữ khi viết về tình cảm vợ chồng lại có những cách diễn đạt riêng, họ quan tâm từ những điều tỉ mỉ trong cuộc sống đời thường: Sao không cài khuy áo lại anh/ Trời lạnh đấy hôm nay trời trở rét (Trời trở rét - Xuân Quỳnh), Anh không ngủ được ư anh/ Để em mở quạt quấn mành lên cho (Hát ru chồng những đêm khó ngủ - Xuân Quỳnh).
Hay như Nguyễn Lam Điền lại có một cách chia sẻ rất riêng với chồng qua câu chuyện uống rượu: Thì mình cứ rót em say/ Tựa vào hơi ấm mà bay một lần/ Đất xa, trời tạt xuống gần/ Chung chiêng cả mấy mười lần thế gian (Uống rượu với chồng).
Tình cảm với ông bà, anh chị em
So với hai tình cảm cha mẹ - con cái và tình cảm vợ chồng, các ngữ liệu về tình cảm với ông bà và tình cảm giữa anh chị em với nhau trong văn học dân gian tuy không phong phú bằng, song vẫn có những câu thật hay mà ở đó gửi gắm những thông điệp quan trọng căn bản: lòng thương yêu kính trọng ông bà và tình cảm đoàn kết giúp đỡ giữa anh chị em trong một gia đình: Ngó lên nuộc lạt mái nhà/ Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu; Anh em như thể chân tay/ Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần; Chị ngã em nâng; Khôn ngoan đá đáp người ngoài/ Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.
Theo nhìn nhận của tôi, văn học dân gian ít những câu ca dao tục ngữ về ông bà có nguyên nhân từ thực tế khách quan. Đó là trong một điều kiện sống còn nhiều khó khăn trước đây, tuổi thọ trung bình của người Việt còn thấp, nên rất hiếm có những gia đình có từ ba thế hệ trở lên chung sống, điều ấy dẫn đến việc thế hệ các cháu ít có những kỷ niệm trực tiếp, những ký ức về ông bà của mình. Vì thế, ít có các tác phẩm văn học, các câu ca dao tục ngữ viết về tình cảm trực tiếp với ông bà.
Nhưng sang đến thời kỳ hiện đại, khi điều kiện sống của người Việt tốt hơn, tuổi thọ trung bình cao hơn thì các tác phẩm văn học nghệ thuật viết về tình cảm của cháu với ông bà cũng nhiều hơn: Ông bị đau chân/ Nó sưng nó tấy/ Đi phải chống gậy/ Khập khiễng khập khà/ Bước lên thềm nhà/ Nhấc chân quá khó/ Thấy ông nhăn nhó/ Việt chơi ngoài sân/ Lon ton lại gần/ Âu yếm nhanh nhảu/ Ông vịn vai cháu/ Cháu đỡ ông lên (Thương ông - Tú Mỡ), Ông tôi vẫn chỉ lên trời/ Bảo rằng trên ấy:“Một thời vàng son” (Một cánh chuồn chuồn - Nguyễn Vĩnh Tiến), Bà tôi đưa tôi ra đầu làng, một mình bà đội cả trời nắng to (Bà tôi - Nhạc và lời: Nguyễn Vĩnh Tiến)…
***
Qua những mối quan hệ tình cảm gia đình điển hình mà chúng tôi đi vào khảo sát từ văn học dân gian đến thi ca hiện đại, có thể thấy tình cảm gia đình luôn là đề tài được quan tâm, chú trọng trong mọi thời kỳ của văn học Việt Nam. Điều ấy thể hiện một ý thức sâu sắc trong việc tôn vinh, ngợi ca và khẳng định những giá trị gia đình của người Việt, trong đó luôn đề cao lối sống kính trọng biết ơn, nghĩa tình chung thủy, đoàn kết yêu thương, quan tâm lẫn nhau và biết hy sinh cho nhau. Tất cả những điều ấy tạo nên sức mạnh để mỗi gia đình vượt qua mọi khó khăn thử thách trong mỗi hành trình của mình.
Đỗ Anh Vũ
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...