Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024
06:44 (GMT +7)

Tín dụng chính sách xã hội: Cần nhiều hơn sự đồng hành của cấp ủy, chính quyền

VNTN - Có thể nói, chưa một chương trình tín dụng nào lại huy động được cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc ở tỉnh ta như đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH), nhất là sau khi Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng được ban hành. Nhờ đó, hiệu quả mang lại đối với xã hội, nhất là với người dân sống ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn đã và đang ngày càng được phát huy. Tuy nhiên, sau gần 5 năm thực hiện, một số khó khăn, hạn chế đã bộc lộ, cần sự quan tâm và quyết tâm hơn của cấp ủy, chính quyền các cấp để có nhiều hơn người dân, cơ sở sản xuất được tiếp cận với nguồn vốn, nhất là đối với chương trình cho vay giải quyết việc làm.

Hiệu ứng bước đầu

Có 4 nội dung mà Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng CSXH đề cập. Bao gồm: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với hoạt động tín dụng CSXH; nâng cao trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng CSXH; tập trung nguồn lực và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả tín dụng CSXH và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Ngân hàng CSXH (NHCSXH).

Để hiện thực hóa trong cuộc sống, ngay khi Chỉ thị ra đời, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với hoạt động tín dụng CSXH, qua đó thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế địa phương…

Được vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của NHCSXH, gia đình bà Dương Thị Sâm, xóm Bình Định, xã Kha Sơn (Phú Bình) có điều kiện mở rộng cơ sở sản xuất đồ mộc và giải quyết việc làm cho thêm 1 lao động địa phương.

Theo ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh: Gần 5 năm qua, tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt hơn 4.300 tỷ đồng, với 140.528 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH. Trong đó, gần 63 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh; gần 2,5 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, 6 nghìn lao động được duy trì và tạo việc làm mới, trên 500 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, gần 22 nghìn lượt hộ vay vốn để sản xuất kinh doanh và hoạt động thương mại tại vùng khó khăn; xây dựng được trên 66,7 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn và gần 1,8 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo…. Tổng dư nợ tính đến cuối tháng 6-2019 đạt 3.390 tỷ đồng, tăng 1.273 tỷ đồng so với cuối năm 2014. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang thực hiện 16 chương trình tín dụng chính sách, tăng 4 chương trình so với cuối năm 2014, gồm: cho vay hộ mới thoát nghèo; hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi và cho vay nhà ở xã hội.

Hằng năm, bên cạnh nguồn vốn do Trung ương cấp, tỉnh ta cũng đã bố trí nguồn ngân sách và động viên các doanh nghiệp chuyển vốn sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với các đối tượng chính sách trên địa bàn, đặc biệt là chương trình cho vay giải quyết việc làm. Hiện nay, trong tổng nguồn vốn 3.398 tỷ đồng, có gần 89 tỷ đồng vốn ủy thác địa phương chuyển sang, chiếm 2,6%, tăng 57,7 tỷ đồng đồng so với cuối năm 2014 (trong đó, ngân sách địa phương là hơn 80 tỷ đồng; còn lại huy động từ doanh nghiệp).

Khó khăn chưa phải đã hết

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn một số hạn chế, khó khăn khiến kết quả thực hiện Chỉ thị 40 chưa đạt như mong muốn. Tính đến nay, trong tổng các nguồn vốn mà NHCSXH đang quản lý thì nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đang có dư nợ và số người được đáp ứng nhu cầu vay thấp nhất, với 148 tỷ đồng (trong đó có 60 tỷ do trung ương cấp, 88 tỷ do địa phương ủy thác) với trên 3.700 hộ còn dự nợ. So với nhu cầu thì nguồn vốn này hiện chỉ đáp ứng được khoảng 5%. Trên thực tế, đây là chương trình có tỷ lệ trung ương rót vốn thấp nhất do có khả năng huy động từ ngân sách địa phương và doanh nghiệp. Vì thế, nếu địa phương không ủy thác hoặc ủy thác hạn chế, sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc đáp ứng nhu cầu vốn vay của từng hộ dân.

Theo kế hoạch, từ năm 2015, mỗi năm, UBND tỉnh sẽ dành 10 tỷ đồng từ ngân sách để ủy thác cho NHCSXH thực hiện việc cho vay. Vậy nhưng, từ nhiều năm qua, số kinh phí này chỉ được 5 tỷ đồng. Ngoài ra, theo Đề án 2476/QĐ-UBND về việc ban hành chương trình việc làm tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017-2020 thì mỗi năm, ngân sách tỉnh cũng sẽ ủy thác qua NHCSXH tỉnh 10 tỷ đồng để thực hiện cho vay giải quyết việc làm, nhưng từ năm 2017 đến nay, NHCSXH tỉnh chưa được nhận được nguồn vốn ủy thác này. Ngoài ra, cũng mới có huyện Đại Từ, thị xã Phổ Yên và huyện Võ Nhai huy động được sự vào cuộc của gần 20 doanh nghiệp, trong khi tổng số doanh nghiêp trên địa bàn là trên 6.000 doanh nghiệp.

Chị Hà Thị Học, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm - Vay vốn xóm Búc 2, xã Đồng Thịnh (Định Hóa) cho biết: Lúc nào trong tổ cũng có hàng chục hộ có nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm nhưng từ trước đến nay, cả xóm có duy nhất 1 hộ được vay và cũng đã trả cách đây vài năm. Sở dĩ người dân mong muốn được tiếp cận với nguồn vốn này là vì họ không được tiếp cận với nguồn vốn hộ nghèo, cận nghèo hay mới thoát nghèo. Trong khi đó, lãi suất vay ưu đãi như hộ nghèo, chỉ 6,6%/năm. Khi không được vay, buộc họ phải vay ở các ngân hàng thương mại, lãi suất cao gấp 2 lần NHCSXH; cá biệt có hộ, không thể vay được ngân hàng khác do không có tài sản đảm bảo.

Kinh nghiệm từ huyện vùng cao

Mặc dù là huyện vùng cao, số lượng doanh nghiệp (DN) hoạt động hiệu quả không nhiều, nhưng với sự quan tâm vào cuộc của Ban Đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) NHCSXH huyện Võ Nhai trong việc tuyên truyền, động viên nên từ năm 2016, huyện đã vận động được sự ủng hộ của 9 DN dành nguồn vốn 500 triệu đồng để ủy thác qua NHCSXH huyện thực hiện cho vay theo chương trình giải quyết việc làm.

Cán bộ NHCSXH tỉnh và huyện Võ Nhai tìm hiểu thực tế việc sử dụng nguồn vốn cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn tại hộ ông Hà Văn Sỹ, xóm Lò Gạch, xã Tràng Xá. Đây là hộ được vay 50 triệu đồng từ năm 2017 để mở rộng diện tích trồng bưởi lên 300 cây và đầu tư nuôi vịt, máy xay sát. Dự kiến, năm 2019, thu nhập của gia đình được khoảng 80 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.

Ông Hoàng Minh Hiền, Chủ tịch UBND, Trưởng ban Đại diện HĐQT NHCSXH huyện Võ Nhai chia sẻ: Tuy đây không phải là số tiền lớn nhưng lại mang nhiều ý nghĩa, bởi qua đó đã góp phần nâng cao trách nhiệm của DN với cộng đồng xã hội. Thực tế cho thấy, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm sẽ giúp một phần rất đáng kể cho những người trong độ tuổi lao động mà không có điều kiện xin việc làm tại các công ty, có cơ hội tự tạo việc làm ngay tại gia đình. Nhu cầu này ngày càng cao khi mà ở nhiều xã, nhân dân đang đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ lúa, ngô sang cây ăn quả. Chúng tôi rất mừng là tại Hội nghị đánh giá kết quả 3 năm nguồn vốn ủy thác đầu tư của DN qua NHCSXH huyện, các DN đã thực hiện ủy thác đều cam kết sẽ tiếp tục đồng hành. Nhiều DN mới đồng ý sẽ ủy thác nguồn vốn, với mức 100 triệu đồng/DN. Ngoài ra, những năm qua, Võ Nhai còn trích từ ngân sách huyện 1 tỷ đồng/năm để ủy thác qua NHCSXH, qua đó đã có thêm nhiều hộ dân khác có cơ hội được tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm.

Ông Nguyễn Phong Thủy, Giám đốc HTX Đỗ gỗ mỹ nghệ Thủy Hòa, xóm Trúc Mai, xã La Hiên chia sẻ: Khi bắt đầu lập nghiệp cũng như khi thành lập HTX, tôi đều được vay vốn của NHCSXH. Tôi thực sự biết ơn nguồn vốn này. Chính vì thế, khi Ban Đại diện HĐQT NHCSXH huyện vận động các DN, mặc dù HTX của tôi lúc nào cũng thiếu vốn và phải đi vay ngân hàng nhưng vẫn ủy thác 50 triệu đồng qua NHCSXH. Đúng như cam kết, sau 3 năm, tôi đã được hoàn trả lại toàn bộ số vốn và được nhận thêm 2 triệu đồng tiền lãi. Tôi sẽ tiếp tục dành nguồn vốn này để ủng hộ NHCSXH huyện thực hiện cho vay đợt 2.

Từ thực tế huy động ở Võ Nhai, ông Lê Văn Hồng khẳng định, nơi nào cấp ủy, chính quyền thực sự coi trọng nguồn vốn tín dụng chính sách, thì nơi đó sẽ huy động được nguồn vốn của DN. Với khoảng 6.000 DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, chỉ cần khoảng 10% trong số này ủng hộ ủy thác từ 50-100 triệu đồng/DN, thì số tiền chúng ta có thể huy động được đã vào khoảng 50 tỷ đồng, thậm chí nhiều hơn. Và như vậy, sẽ có thêm hàng nghìn hộ dân có nhu cầu được tiếp cận nguồn vốn. Đây thực sự là một nguồn lực quan trọng, cần thiết.

Có thể nói, việc thực hiện Chỉ thị số 40 của Thủ tướng Chính phủ trong những năm qua trên địa bàn tỉnh đã và đang đạt được nhiều hiệu quả tích cực và thiết thực. Qua đó, đóng góp quan trọng giúp tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 13,4% (năm 2015) xuống còn 6,39% (năm 2018). Tuy nhiên, để hiệu quả đạt được như mong muốn, rất cần sự tiếp tục quan tâm, đồng hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, để những khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện Chỉ thị sẽ sớm được khắc phục, để chủ trương chính sách mang đậm chất nhân văn này ngày càng được phát huy trong đời sống xã hội.

Hoài Vy

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy