Tìm thấy bản gốc câu thơ “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”
VNTN - Đây là một trong 2 câu thơ (thực ra là một đôi câu đối): “Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”mà trong nhiều chục năm nay, ta vẫn cho là của Cao Bá Quát (1809 - 1855) nhà thơ lớn thời Nguyễn, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Sơn Tây, chống triều đình nhà Nguyễn. Vì nó rất hợp với cốt cách trong sạch, cao thượng và khí phách anh hùng của nhà thơ. Nhiều nhà khoa học, nhà văn đã tin vào điều đó, đã viết vào sách giáo khoa cho học sinh các cấp học, đã viết trong sách danh nhân Cao Bá Quát, nên hai câu thơ đó càng được truyền tụng.
Thầy trò Trường THCS Cao Bá Quát (huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội) dâng hương, báo công và chụp ảnh lưu niệm tại nơi thờ danh nhân Cao Bá Quát (chùa Sủ, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm), ngày 30/8/2019. Nguồn: thcscaobaquat.pgdgialam.edu.vn.
Trong Bảo tàng Văn học Việt Nam, ở Quảng Bá, Hà Nội, đôi câu thơ này đã được viết thành thi pháp, chiếm một diện tích khá lớn trên tường của Bảo tàng, phần dành riêng cho Cao Bá Quát và để thờ Cao Bá Quát.
Cũng từ khoảng hai chục năm nay, tôi biết đôi câu thơ này là của Ngải Tuấn Mỹ, tri phủ Hán Dương - nay là Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, và đã viết trong hai bài báo để thưa với các nhà nghiên cứu và bạn đọc rằng, đây là điều cần phải khảo sát lại. Nhưng khi đưa ra dẫn chứng, tôi chỉ thuật lại ý kiến của người khác đã đọc qua tập ghi chép “Yên Thiều bút lục” của sứ thần nhà Nguyễn là Hoàng Giáp Nguyễn Tư Giản (1823 - 1890), hiện còn lưu tại Viện Hán Nôm, vì thế, tôi biết sức thuyết phục có thể chưa đủ để bạn đọc tin được. Thật may, gần đây, bà Nguyễn Hạc Đạm Thư, hậu duệ của cụ Tư Giản, đã nhờ nhà Hán Nôm Nguyễn Quang Hà dịch thật sát bản gốc để xuất bản trong vài tháng tới. Bà Đạm Thư có nhờ tôi đọc soát lại, vì thế mà tôi có bản gốc chữ Hán và bản dịch chữ Việt rất công phu của ông Nguyễn Quang Hà.
Trong các tập sách đi sứ mà tôi đã đọc, tôi chưa thấy tập nào viết kĩ lưỡng và chi tiết như tập này, ghi từng giờ trong từng ngày, cách đi lại, quần áo, giầy dép, khăn mũ, quà tặng, cách giao tiếp và lễ bái (từ 1 lạy đến 9 lạy là như thế nào) của đại diện hai nước, tường tận như biên bản của công an trước mỗi sự việc, tôi nghĩ là chuẩn xác đến nghiệt ngã. Theo đó, đôi câu đối này là thơ của Ngải Tuấn Mỹ, tặng Nguyễn Tư Giản ngày 9 tháng 12 năm Nhâm Thìn (1868).
Phật tử dâng hương danh nhân Cao Bá Quát tại chùa Sủ. Nguồn: phattuvietnam.net.
Vậy thì tốt nhất là cũng như tôi, các nhà nghiên cứu và các bạn đọc, nên tiếp cận luôn với bản dịch của nhà Hán Nôm Nguyễn Quang Hà.
Đoạn văn như sau:
“Ngày mồng 9, viên Đốc lương Đinh Thủ Tồn丁守存 (tỉnh Hồ Bắc) có đầy đủ thư tiễn biệt. Thư viết: Bắt đầu (từ đây), phía Nam ngàn dặm, đi về cực Bắc (ý chỉ khi đến Trung Hoa - người dịch (Nd) chú giải) thì bằng phẳng, thuận lợi, sáo trúc báo dừng, chèo dừng ở bãi sông Hán, quét sạch công quán ở thành Ngạc (thành của tỉnh Hồ Bắc), ý tuy giản lược nhưng có sự khác nhau nhiều, trong lòng quyến luyến, buồn rầu, nói là đi khắp nơi thấy hết như trong lòng bàn tay. Dựa vào những chỗ nghỉ chân tạm bợ, tin tưởng vào sự báo đáp văn nhã mà trong lòng kiên định, màu xanh nơi sông nước. Hôm nay, có những rặng liễu mọc hoang, xin được viết mấy lời phú về vó câu (ý chỉ sự chia ly - Nd chú), đem đến một khúc tấu ở bến sông mùa xuân, hoa Mai cùng được đến ở chốn Hoàng Hạc (ý chỉ khách văn chương - Nd chú). Đến nay lại được gặp nhau, không thể nhận ra, thời gian thật nhanh. Viên quan Tri phủ Hán Dương tên là Ngải Tuấn Mỹ艾浚美 tặng cho mỗi người một câu đối liễn:
- Tặng Liên Hồ (Chánh sứ):
Nguyên văn chữ Hán:
有口須言天下事
抗懷不讓古之人
Phiên âm:
Hữu khẩu tu ngôn thiên hạ sự
Kháng hoài bất nhượng cổ chi nhân
Dịch nghĩa:
Hãy năng bàn những chuyện thế sự trong thiên hạ
Sao lại phải chống đối với những lời của cổ nhân để lại
- Tặng cho Phó sứ Vân Đình:
Nguyên văn chữ Hán: 傳神古有李Truyền thần cổ hữu lý;
- Tặng Nguyễn Tư Giản:
Nguyên văn chữ Hán:
十載侖交求古劍
一生低首拜梅花
Phiên âm:
Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa
Dịch nghĩa:
Mười năm xuôi ngược giao du cốt tìm thanh kiếm cổ
Một đời chỉ cúi đầu bái lạy trước hoa mai.
Ngày mồng 10, đi qua trấn Hải Khẩu, yết kiến ngài Chung Đạo Đài 鍾道臺. Lần đầu nhìn thấy một tập kinh Lễ. Đến đây, được thưởng thức, khoản đãi trà, uống rượu, ăn hoa quả. Hai bên bút đàm, hỏi về các lễ tiết trong năm, khí hậu, thóc lúa, sản vật cùng với kinh học với sự giống và khác Trung Quốc. Những người đi cùng trả lời xong rồi từ biệt trở về công quán, sửa soạn hành trang, sông Hán漢水hẹp chỉ như sông Ly漓水, chỉ đi thuyền nhỏ, nơi biên ải, đường sông, hai bên bờ là một dãy phố, việc buôn bán đều đến muôn ức vạn. Duy chỉ có hai bên đường có nhiều nhà cửa, phần nhiều đang được sửa sang nhưng chưa xong. Đại để rằng, sau cuộc binh hỏa, những thứ như ngọc lụa và con gái cũng không biết là đã bị bao nhiêu phen dày xéo. Phố Dương 洋圃 ở cuối phố, vẫn chưa qua.”.
Xin cung cấp đoạn văn trên để quý bạn đọc cùng được rõ.
Trần Nhuận Minh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...