
Góc biếm họa số 6 (2025)

VNTN - Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn nhất thế giới, với tầm ảnh hưởng rộng khắp, không chỉ ở các quốc gia phương Đông nơi nó phát tích. Hệ tư tưởng của đạo Phật mang tính duy lý và vô thần, không đề cao sự sùng bái thần linh mà hướng đến sự giác ngộ về bản ngã, từ đó giúp con người được giải thoát khỏi bể khổ nhân loại. Mặc dù cùng chung giáo lý nền tảng Tứ diệu đế và Bát chính đạo, song ở mỗi quốc gia, Phật giáo ít nhiều có sự biến đổi để phù hợp với văn hóa bản địa. Theo nhiều nguồn tư liệu thì Phật giáo du nhập vào Việt Nam rất sớm: từ đầu Công nguyên, gắn với truyền thuyết về Chử Đồng Tử học Đạo hay huyền thoại Thạch Quang Phật và Man Nương Phật mẫu. Trong suốt nhiều thế kỷ, đạo Phật trải qua những giai đoạn hưng suy: trở thành Quốc giáo trong thời Lý Trần, suy thoái giữa thời Lê rồi lại được chấn hưng những thế kỷ sau đó. Bất chấp những thăng trầm về vị thế chính trị, Phật giáo đã xác lập một địa vị bền chặt trong lòng văn hóa dân gian. Ở đó, đa phần người dân đều tự coi mình là Phật tử, nói lời A di đà Phật, bé được bán khoán vào chùa, mất đi được mặc áo lục phù và đặt pháp danh - điều không một tôn giáo nào, trong số 5 tôn giáo chính thức còn lại có được. Cơ sở tồn tại vững bền của nó là sự giao hòa với các tín ngưỡng dân gian một cách khăng khít, tạo ra hình thái đặc biệt: Phật giáo dân gian. Phật giáo dân gian Việt Nam mang nhiều đặc trưng phù hợp với truyền thống người Việt. Bước chân vào các làng xã - thành ốc văn hóa của người nông dân, nó dung hợp hài hòa với tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ Thành hoàng, thờ cúng tổ tiên để tạo ra một mô hình kiến trúc tín ngưỡng độc đáo: đền-đình-chùa. Giáo lý nhà Phật khi được “dân gian hóa” trở nên đơn giản, giống với đạo lý của hầu hết các tôn giáo tín ngưỡng khác ở xứ sở nông nghiệp. Trong thi hành tín ngưỡng, các nghi thức không có sự phân biệt rạch ròi, lời cúng khấn mang màu sắc tổng hợp, cùng hướng về bộ ba linh thiêng “Phật -Thần- Thánh”. Có thể nói, trong môi trường văn hóa làng xã, Phật giáo trở nên bình dân, đại chúng, gắn với lối tư duy thuần hậu và hành xử giản đơn, kiểu “nghĩ sao làm vậy”, “cốt ở tâm thành”… Điều này kéo Phật giáo đến gần người dân, trở thành nơi người ta gửi gắm, cậy nhờ trong những hoàn cảnh gian nan, nơi “trẻ vui nhà, già vui chùa”, thậm chí cả gan đùa cợt: “Ba cô đội gạo lên chùa, một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư”, “gần chùa gọi bụt là anh”… Tuy nhiên, cũng bởi dân gian hóa mà Phật giáo Việt Nam dễ bị biến tướng theo hướng đời thường, thực dụng hóa. Phải thừa nhận rằng, không nhiều người Việt hiểu biết về giáo lý nhà Phật với Tứ diệu đế, Bát chính đạo - hệ tư tưởng đậm màu sắc duy lý về căn nguyên nỗi khổ và cách thức giải thoát chúng sinh khỏi bể khổ. Rất nhiều người vẫn nhìn Phật như một vị thánh quyền phép toàn năng, có thể ban phát tài lộc thông qua một hình thức cầu xin hay thương lượng, trao đổi nào đó. Vậy nên, dân gian mới dâng cúng tiền vàng, tiền lẻ, dâng sao giải hạn, thỉnh sư tăng về nhà riêng cúng vong, trừ tà, trấn yểm, lập đàn, làm bùa chú - những phương thuật thuộc về Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian. Khi người Việt vẫn u minh, đánh đồng giữa Phật giáo và các hình thái tín ngưỡng khác, thì Giáo hội Phật giáo sẽ mãi phải lên tiếng phân trần với điệp khúc: “Điều này không có trong giáo lý”. Trong tín ngưỡng dân gian của người Việt, số phận mỗi người luôn phải đi qua một chu kỳ gian nan, gọi là hạn. Từ góc nhìn ấy, có thể thấy, Phật giáo Việt Nam đang trải qua cái gọi là “họa vô đơn chí” với hai vụ việc gây bức bối dư luận trong thời gian ngắn: dâng sao giải hạn đầu năm ở rất nhiều nơi; và cúng vong oan gia trái chủ chùa Ba Vàng (Quảng Ninh). Nó là tiếng chuông cảnh báo về sự biến tướng của Phật giáo dân gian, làm tổn thương giáo hội tăng đoàn, khi mà “hiện tượng Ba Vàng” trở thành thứ để giễu cợt, và đâu đây, nhiều người thẳng thắn gọi nhà chùa là một loại hình “startup” (khởi nghiệp) nhiều lợi nhuận. Chỉ còn thời gian ngắn nữa là đến Đại lễ Phật đản Vesak 2019 (ngày kỷ niệm Phật Tất-đạt-đa Cồ-đàm sinh ra tại vườn Lâm-tì-ni, năm 624 TCN) tổ chức tại Việt Nam. Thời gian ấy không đủ để thay đổi một thứ văn hóa Phật giáo rất gần dân nhưng cũng rất dễ sai lệch, nhưng đủ để Trung ương Giáo hội Phật giáo và các cơ quan chức năng có những quyết sách cứng rắn và kịp thời, chấn chỉnh nạn trục lợi sau tà áo tăng ni, khai sáng trí tuệ, nhân tâm của Phật tử, tìm lại ý nghĩa nguyên căn tốt đẹp của một tôn giáo sơ khai mà 2500 năm trước, Tất Đạt Đa đã ngộ ra, dưới tán bồ đề.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...