Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
07:36 (GMT +7)

Tìm hiểu về huyện Đại Từ qua một số di vật, cổ vật

Huyện Đại Từ nằm ở phía Tây Nam tỉnh Thái Nguyên. Tên gọi Đại Từ đã có từ lâu đời, thời Hùng Vương, Đại Từ thuộc bộ Vũ Định, thời nhà Lý, Đại Từ thuộc phủ Phú Lương. Thời nhà Lê, Đại Từ là một huyện thuộc phủ Phú Bình của thừa tuyên Ninh Sóc. Năm 1466, Đại Từ thuộc phủ Phú Bình, đạo Thái Nguyên. Năm 1835, dưới thời nhà Nguyễn, Đại Từ thuộc phủ Tòng Hóa của tỉnh Thái Nguyên. Ngày 1/8/1922, Đại Từ sáp nhập với Châu Văn Lãng (phía bắc của huyện hiện nay) và chính thức lấy tên là huyện Đại Từ.

Nhân dân các dân tộc Đại Từ có truyền thống yêu nước và cách mạng. Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhân dân các dân tộc Đại Từ đã có những đóng góp đáng kể.

Thế kỉ XV, dưới sự chỉ huy của Lê Lợi, con em nhân dân các dân tộc huyện Đại Từ, tiêu biểu là cha con Lưu Nhân Chú, đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống giặc Minh. Cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, nhân dân Đại Từ liên tiếp đứng lên theo Cai Bát, nghĩa quân Hoàng Hoa Thám, rồi nghĩa quân của Đội Cấn đánh đuổi giặc Pháp. Cuối năm 1936, cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên của Thái Nguyên được hình thành ở xã La Bằng. Từ “đốm lửa” đầu tiên này, phong trào cách mạng lan ra nhiều huyện trong tỉnh, từng bước động viên các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Đại Từ nằm trong ATK Trung ương - nơi đứng chân của nhiều cơ quan, đoàn thể Trung ương, nhiều đơn vị quân đội. Từ đầu tháng 8 đến giữa tháng 10/1954, vùng Bản Ngoại, Tiên Hội, La Bằng (Đại Từ) là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan Trung ương ở làm công tác chuẩn bị về tiếp quản thủ đô Hà Nội.

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, bảo vệ biên giới phía Bắc, nhân dân Đại Từ đóng góp nhiều nhân, tài, vật lực cùng nhân dân cả nước giữ vững nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Thành tích của nhân dân Đại Từ được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Nhân dân và lực lượng vũ trang huyện và 7 xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Lực lượng vũ trang nhân dân huyện được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kì đổi mới…

Nhân kỷ niệm 100 năm thành lập huyện Đại Từ (1922 - 2022), chúng ta cùng tìm hiểu sự hình thành và phát triển huyện Đại Từ qua một số di vật, cổ vật còn lưu giữ lại được.

Gia phả dòng họ Lưu Nhân Chú, xã Văn Yên có bản gốc được biên soạn từ thời nhà Lê Sơ niên hiệu Thái Hòa thứ 10 (1442), không còn nguyên vẹn, hiện đang lưu tại Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên. Bản sao, sao vào thời nhà Nguyễn (thế kỷ XIX) đang lưu tại dòng họ ở xã Văn Yên. Nội dung gia phả ghi lại nguồn gốc họ Lưu quê ở Thanh Hoa. Khi Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa ở Lam Sơn (1418), hai bố con Lưu Trung, Lưu Nhân Chú đã giả làm người buôn tìm vào Lam Sơn theo Lê Lợi tìm kế đánh giặc Minh. Lưu Nhân Chú đã cùng 18 vị tướng dự Hội thề Lũng Nhai. Trong 10 năm (1418 - 1428) kháng chiến chống quân Minh ba cha con Lưu Trung, Lưu Nhân Chú và Phạm Cuống (con rể Lưu Trung) đã có công phò vua, góp phần to lớn vào cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi. Ba cha con họ Lưu đều được ban họ vua, được phong chức to, Lưu Nhân Chú được phong Tể tướng. Vợ của Lưu Trung, Lưu Nhân Chú và Phạm Cuống đều được phong là Phu nhân, được ban thưởng hàng trăm mẫu ruộng. Lưu Nhân Chú được dựng đền thờ ở quê hương ông, nơi có di tích núi Văn, núi Võ (đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích Quốc gia tại Quyết định số 10/VHTT/QĐ, ngày 9/2/1981), ngàn năm lưu lại tiếng thơm cho quê hương, đất nước.

Một trang trong cuốn bản sao Gia phả dòng họ Lưu Nhân Chú lưu tại dòng họ Lưu xã Văn Yên

Bộ bàn ghế của Bác Hồ và các đồng chí Trung ương Đảng, Chính phủ đã dùng làm việc từ đầu tháng 8 đến ngày 12-10-1954 ở xóm Đầm Mua, xã Bản Ngoại huyện Đại Từ. Từ nơi đây, Bác đã đi dự Hội nghị tổng kết thi đua điểm cải cách ruộng đất ở thị xã Thái Nguyên; thăm xã Hùng Sơn (15/9), xã Phục Linh (Đại Từ); dự lễ trình Quốc thư của Đại sứ Trung Quốc La Quý Ba (1/9); nói chuyện với cán bộ, bộ đội, lực lượng thanh niên xung phong trước khi về tiếp quản Thủ đô. Năm 2006, Bộ Văn hóa và Thông tin đã ra Quyết định số 72/2006/QĐ-BVHTT, ngày 28/9/2006 xếp hạng Địa điểm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1954) tại đồi Thành Trúc, Vai Cày, xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ là di tích lịch sử Quốc gia.

Bia đá đình, chùa Trung Đài, xã Cù Vân (di tích đã được UBND tỉnh xếp hạng cấp tỉnh tại Quyết định số 2461/QĐ-UBND, ngày 13/10/2008). Tấm bia đá có kích thước cao 70 cm, rộng 65 cm, bằng một thanh đá nguyên khối, đỉnh bia tạc dáng hình mũ quan võ, trán bia hình bán cung, dưới khắc 4 chữ Hán Hậu thần bi ký, bia khắc cả hai mặt. Mặt trước có 13 hàng chữ Hán, chữ khắc nông, trải qua trên 300 năm nên bia bị mờ. Mặt sau bia khắc 11 hàng chữ, ghi niên đại lập bia. Qua nghiên cứu sơ bộ nội dung văn bia ghi lại công đức của một số người địa phương đã bỏ tiền cho làng sử dụng vào việc công được bầu làm hậu thần lập bia đá biểu dương. Bia lập vào năm “Gia Long thập niên thập nhất nguyệt, sơ lục nhật” (lập bia đá vào ngày mùng 6 tháng 11 năm Gia Long năm thứ 10 (1811).

Bia đá đình Yên Bình, xóm Đại Quyết, xã Tiên Hội có tên Hậu thần bi ký, hiện đang đặt tại Nhà bia đình Yên Bình (nhà bia do gia đình ông Phạm Văn Các ở Hà Nội công đức xây dựng năm 2021). Bia đá xanh có kích thước 85x45cm cm, khắc chữ 2 mặt, bên phải bia bị sứt, chữ khắc trên bia bị mờ, nhiều chữ không còn luận được. Mặt trước, trán bia được khuôn thành 6 ô, 2 ô ngoài tạo hình hoa cúc, 4 ô trong khắc nổi 4 chữ Hán nhan đề là Hậu thần bi ký. Dưới lòng bia khắc kín bài ký cả 2 mặt bia. Toàn bộ văn bia có khoảng từ 400 chữ Hán Nôm. Văn bia bị mờ tên người soạn, không ghi tên người khắc bia. Nội dung văn bia ghi lại rằng: Xưa làng Yên Bình, xã Phú Nông, huyện Đại Từ, phủ Phú Bình, xứ Thái Nguyên, có bà tên là Trần Thị Ngân, hiệu Từ Ái, người làng, đã đòi lại được mảnh đất của tổ tiên để công đức vào đình cho làng. Quan viên, hương lão đồng dân trên dưới lại nhất trí lập bia đá khắc ghi công đức để biểu dương bà Trần Thị Ngân, lưu truyền vạn đại. Niên đại: Gia Long năm thứ 5 (1806).

Bia đình Trung Na, xóm Trung Na, xã Tiên Hội có kích thước cao 68cm, rộng 47cm, bia khắc cả 2 mặt, bia không kê chân đế, trán bia khắc Lưỡng long chầu mặt trời. Rồng có nhiều đao mác phong cách nghệ thuật thời nhà Nguyễn, bia Vô đề, đáng tiếc niên đại của bia cũng bị mờ không luận được. Tuy nhiên, theo cụ Nguyễn Văn Thụ sinh năm 1933, gần 90 tuổi người địa phương cho biết đây là tấm bia ghi lại công đức của cụ Lý Bá Kèng người huyện Phổ Yên, gia đình khá giả đã công đức vào đình 3 sào ruộng nên được lập bia đá cho gửi giỗ tại đình. Dựa vào phong cách nghệ thuật tạo tác, chữ khắc còn lại trên tấm bia cho phép ước đoán bia được lập vào đầu thời nhà Nguyễn cách ngày nay khoảng 100 năm.

Bia đá và chuông đồng chùa Sơn Dược (Sơn Dược tự) ở xã Bình Thuận, huyện Đại Từ. Chùa nằm ở xóm Sơn Dược, là ngôi chùa cổ có nhiều cây cổ thụ như thị, đa. Chùa được nhân dân công đức tu bổ, tôn tạo lớn đầu thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Chùa có 2 tấm bia đá lớn cao 80cm, rộng 75cm, dày 20cm, bia có tên Đồng chung bi ký (Bài ký ghi công đức đúc chuông đồng chùa) mỗi bia đều khắc cả 2 mặt với khoảng 2.000 chữ Hán Nôm, niên đại Minh Mạng năm thứ 10 (1829). Nội dung bia ghi tên người công đức tôn tạo chùa, đặc biệt số đông là người phụ nữ tham gia công đức. Cùng với năm lập bia là quả chuông đồng nặng gần 200 cân cao 1,2m, thân chuông khum, qua chuông đúc 2 con rồng đấu lưng nhau, thân chuông chia làm 4 ô trên và dưới không khắc chữ. Đây là những hiện vật quý hiếm có giá trị của chùa Sơn Dược. Ngoài ra chùa còn có 1 cây hương đá ghi công đức các thiện nam, tín nữ công đức vào chùa, niên đại Minh Mạng năm thứ 19 (1840) và 1 bia đá kích thước cao 70cm, rộng 45cm mang tên Hậu Phật bi ký. Chùa Sơn Dược là một ngôi chùa cổ có từ lâu đời ở huyện miền núi của tỉnh cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy trong đời sống văn hóa tinh thần phục vụ nhân dân. Chùa đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 2009.

Chuông đồng chùa Sơn Dược, xã Bình Thuận, huyện Đại Từ niên đại 1829

Sắc phong của đình Na Ca, xã Đức Lương (trước năm 1945 thuộc xã Hạ Lương, tổng Thượng Lương, huyện Văn Lãng, tỉnh Thái Nguyên). Đình còn lưu giữ được 4 bản gốc sắc phong. Sắc phong chất lượng còn tốt. Sắc được làm bằng loại giấy dó cổ đặc biệt, có độ dày và dai. Trên sắc phong được thể hiện đề tài Tứ linh, cách thức rất tinh vi, cầu kỳ, trang nhã. Bốn con vật Long (rồng), Ly (kỳ lân), Quy (rùa) và Phượng (phượng) rất sống động. Con rồng tượng trưng cho uy quyền của nhà vua được vẽ ở mặt trước sắc phong. Con rồng này được vẽ kích thước lớn, mình rồng được nhũ bạc vàng lấp lánh. Phần đầu rồng được ghi dòng niên đại triều vua, ngày tháng năm cấp sắc và có con dấu của nhà vua đóng ở vị trí này, con dấu có 4 chữ triện: “Sắc mệnh chi bảo”. Nội dung sắc phong trình bày từ 6 đến 8 dòng chữ Hán, chữ viết theo thể chữ chân, đọc từ phải sang trái, có khoảng trên 100 chữ. Đầu tiên ghi hàng địa danh, nơi được phong sắc, sắc cho các vị thần thành hoàng: Chúa Sơn chi thần (phong năm Tự Đức thứ 6 (1852), ngày 24 tháng 9, Hùng Trấn Chúa Sơn chi thần (phong năm Tự Đức thứ 33 (1880), ngày 24 tháng 11, Hùng Trấn Dự bảo trung hưng Chúa Sơn chi thần (phong năm Duy Tân thứ 3 (1909), ngày 11 tháng 8, Chúa Sơn tôn thần (phong năm Khải Định thứ 9 (1924), ngày 25 tháng 7.

Sắc phong đình Na Ca, xã Đức Lương, (huyện Đại Từ) niên đại Tự Đức thứ 6 (1852)

Các hiện vật trên đều có giá trị nhất định gắn với các sự kiện lịch sử trọng đại, các phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân huyện Đại Từ. Qua đó, giúp thế hệ sau phần nào hiểu thêm về mảnh đất Đại Từ giàu truyền thống cách mạng, giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

Nguyễn Đình Hưng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy