Thứ năm, ngày 02 tháng 05 năm 2024
00:54 (GMT +7)

Tìm hiểu thành phố Thái Nguyên qua tư liệu bia ký mới phát hiện

Thành phố Thái Nguyên từ ngày thành lập đến nay đã tròn 60 năm (19/10/1962 - 19/10/2022). Quá trình đấu tranh, xây dựng và trưởng thành, phát triển đó luôn gắn với những thăng trầm của lịch sử. Bài viết này sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu thêm về lịch sử - văn hóa thành phố qua tư liệu bia ký mới được phát hiện gần đây.


Di tích Đình Hàng Phố

Trung tâm Đình ở vào vị trí cơ quan Tỉnh Đoàn lúc trước khi chuyển xuống Khu Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm lưu niệm các TNXP Đại đội 915 - Đội 91 Bắc Thái. Đây là khu phố có tên tuổi của thị xã Thái Nguyên trước năm 1945. Đường phố này xưa có tên bằng tiếng Pháp, đối diện với Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Khu phố cổ, xưa lại được chia ra: Đệ nhất hộ, Đệ nhị hộ, Đệ tam hộ. Trong khu vực này có đình Hàng Phố được nhân dân xây dựng vào thời vua Khải Định thứ 4 (1919). Đình có 3 gian, 4 cột đá, diện tích rộng khoảng gần 50m2. Đình thờ Bát vị đại vương (tám vị võ tướng), trong đó đứng đầu là võ tướng Dương Tự Minh ở thời nhà Lý, có công lớn bảo vệ một vùng đất biên cương phía Bắc nước Đại Việt vào thế kỷ XII. Ông được Nhà Lý hai lần gả công chúa, phong làm Phò Mã lang, Thủ lĩnh phủ Phú Lương, cai quản một vùng rộng lớn “Thượng tự Đu, Đuổm, hạ chí Lục Đầu giang”. Đình xưa có lễ hội Xuân vào ngày Rằm tháng Giêng hàng năm, để các quan đầu tỉnh ra tế lễ đầu năm.

Đình có 3 tấm bia đá được phát hiện vào tháng 5/1996. Bia có kích thước 1,2m x 0,8 m, dày 20cm, được xây ốp vào tường mang tên Kỷ niệm bi ký bằng chữ Hán Nôm, đã được Viện Nghiên cứu Hán Nôm in dập năm 2003 mang ký hiệu: 48005/48006, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sưu tầm năm 2017, ký hiệu 197/ĐTKH.18/2017. Trong hai bia, có một bia do tiến sỹ Nguyễn Đình Tuân (Nghè Sổ) từng làm quan Án sát kiêm Tuần phủ tỉnh Thái Nguyên soạn năm Bảo Đại thứ 12 (1937). Còn lại một bia bằng chữ Pháp cũng được lập năm 1937 (hiện 3 bia đều đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên). Trong thời kỳ giành chính quyền cách mạng (ngày 19 - 20/8/1945) đình Hàng Phố là nơi Bộ chỉ huy Việt Nam Giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy đặt trụ sở. Từ vị trí này, với sự tham gia của quân Đồng minh, quân ta đã bao vây, tấn công quân Nhật, giải phóng thị xã Thái Nguyên. Địa điểm đình Hàng Phố cùng với các điểm Khu chủ sự Nhà đèn cũ, Chùa Đán đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử Quốc gia tại QĐ số 4505/QĐ-BVHTTDL ngày 22/12/2010.

Bia di tích lịch sử Quốc gia (trái) và bia cổ đình Hàng Phố do Tiến sỹ Nguyễn Đình Tuân soạn (1937)

Chùa Phù Liễn

Chùa Phù Liễn là một trong những ngôi chùa cổ có từ lâu đời ở phường Hoàng Văn Thụ, trung tâm thành phố Thái Nguyên. Ngôi chùa Phù Liễn đã gắn bó với đời sống tinh thần, tâm linh của nhân dân địa phương. Ngày nay, Chùa Phù Liễn còn là nơi đặt trụ sở Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Thái Nguyên.

Sách Xã chí huyện Đồng Hỷ chép rằng chùa xưa có 3 tấm bia đá đều mang tên Hậu Phật bi ký lập thời nhà Nguyễn với các niên đại: Thành Thái Mậu Tuất (1898), Bảo Đại thứ 5 (1931) và Bảo Đại thứ 16 (1942). Hiện nay tại chùa Phù Liễn chỉ còn 2 tấm dựng năm 1898 (bia tháp) và 1 tấm dựng năm 1942 để ở ngoài sân chùa. Gần đây, chúng tôi đã sưu tầm tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm được thác bản của cả 3 tấm bia kể trên có ký hiệu: 20328 - 20329 - 20330. Ở khu vực thờ Mẫu của chùa còn 2 Bảo Tháp đẹp dựng thời Bảo Đại (1926 - 1945) là mộ của 2 vị sư từng đi tu và viên tịch tại đây. Nội dung các tấm bia ghi lại công đức của những người bản tự đã công đức tiền, ruộng vào chùa, là những tư liệu quý hiếm, giúp chúng ta tìm hiểu về lịch sử nguồn gốc ngôi chùa. Tư liệu bia ký Hán Nôm là di sản của ngôi chùa Phù Liễn xưa.

Cổng chính và thác bản văn bia cổ chùa Phù Liễn thành phố Thái Nguyên

Đền Xương Rồng

Ngôi đền cổ xưa nằm bên cạnh dòng suối Xương Rồng thờ Đức thánh Mẫu, Đức thánh Trần và Dương Tự Minh, vốn là nơi đến lễ quen thuộc của nhân dân tỉnh Thái Nguyên và khách thập phương. Khoảng năm 2013, khi tu bổ nâng cấp ngôi đền Xương Rồng nhân dân đã phát hiện ra tấm bia gắn trên tường. Sau đó bia được chuyển ra nhà bia bây giờ. Tấm bia cổ mang tên Xương Long điện bi ký, lập năm Bảo Đại thứ 18 (1943) ghi công đức của ông Trần Công là người ở địa phương hưng công xây dựng đền, đồng thời cho biết ban đầu đền là ngôi điện, sau được nâng cấp lên thành ngôi đền. Văn bia này được lưu thác bản tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm có ký hiệu: 20337. Xưa đền thâm nghiêm cổ kính được bao bọc nhiều cây cổ thụ như đề, muỗm, thông, đa… Hiện nay đền được nhân dân bản tự xây dựng lại khang trang, nâng cấp thờ nhiều tòa, đầy đủ như: Tam phủ thánh Mẫu, Tứ phủ công đồng, Đức thánh Trần triều...

Một góc Đền và văn bia cổ ở đền Xương Rồng.

Đền Túc Duyên và Đình Xuân Kiều

Đền nằm ở phường Gia Sàng gần Khu Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm lưu niệm các TNXP Đại đội 915 - Đội 91 Bắc Thái. Đền thờ Công chúa Thiều Dung, người vợ thứ 2 của Thủ lĩnh phủ Phú Lương Dương Tự Minh. Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, năm 1144, Nhà Lý đem Công chúa Thiều Dung gả cho Dương Tự Minh, phong làm Phò Mã lang, cai quản một vùng rộng lớn từ Cao Bằng xuống tới hạ Lục đầu. Nàng Công chúa Thiều Dung lên rừng, theo chồng đi làm dâu. Nàng công chúa tài sắc vẹn toàn, phẩm chất đức hạnh đã được dân chúng trong vùng hết sức ca ngợi. Bà đã không ngại gian khổ, phụng sự chồng, lại còn dạy dân làm ruộng, trồng dâu, chăn tằm, xe tơ dệt lụa. Tương truyền cả khu vực miền đất Túc Duyên xưa là những cánh đồng xanh ngắt lúa và dâu. Dân chúng được bà trợ giúp đã có cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Sau khi Công chúa Thiều Dung qua đời vào tháng 5 năm 1155, nhân dân địa phương đã lập ngôi đền Túc Duyên thờ bà. Năm 1670, đời vua Lê Huyền Tông niên hiệu Cảnh Trị thứ 8 đã có sắc phong cho nhân dân địa phương thờ Thiều Dung Công Chúa cùng Dương Tự Minh ở đền và đình Túc Duyên. Thời nhà Nguyễn cũng đều có sắc phong cho nhân dân địa phương thờ phụng. Năm 1943, ông Trần Công người bản địa ở đồn điền Gia Sàng đã công đức tu bổ tôn tạo đền và được lập bia đá thờ ở đền. Bia được mang tên Túc Duyên điện bi ký lập năm Bảo Đại thứ 18, thác bản văn bia đang được lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm có ký hiệu 20331.

Lễ hội của đền vào tháng 8 âm lịch hằng năm để tưởng nhớ công lao của cặp đôi trai tài gái sắc - vợ chồng vị Thủ lĩnh phủ Phú Lương Dương Tự Minh – người đã có công lao và đóng góp to lớn đối với nhân dân ở địa phương.

Đình Xuân Kiều xưa nằm cạnh đền Túc Duyên, nay chỉ còn địa điểm. Đình xưa thờ danh tướng Dương Tự Minh có sắc phong thời vua Duy Tân thứ 3 (1909) còn lưu giữ được cho đến ngày nay. Và đặc biệt còn cả thác bản Văn bia mang tên Xuân Kiều đình hậu bi, lập năm Bảo Đại thứ 18 (1943), hiện đang được lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu 20388. Cùng với đền Túc Duyên thờ công chúa Thiều Dung, người vợ thứ của Dương Tự Minh trở thành một cặp công trình văn hóa tín ngưỡng có ý nghĩa ảnh hưởng sâu sắc đối với nhân dân ở địa phương.

Di tích và thác bản văn bia cổ Đền Túc Duyên (TP. Thái Nguyên)

Chùa Từ Quang

Chùa Từ Quang ở phường Phú Xá, thành phố Thái Nguyên. Chùa Từ Quang xưa có tên là chùa Kiến Phúc, xã Lưu Xá, tổng Túc Duyên, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Chùa vốn có từ cuối thời nhà Hậu Lê (thế kỷ XVIII). Đến các năm 1778, 1797, 1870, 1872, 1898, cùng với ngôi đình ở địa phương được nhân dân công đức tu bổ, tôn tạo được lập bia đá để lại. Vào những năm từ 1959 do nhà nước kiến thiết xây dựng Khu Công nghiệp Gang thép Thái Nguyên, chùa đã được di dời sang khu đất mới. Năm 1965, giặc Mỹ ném bom bắn phá thành phố Thái Nguyên, trong đó có Khu Công nghiệp Gang thép Thái Nguyên, chùa lại một lần nữa sơ tán và lần đó chùa cũng đã bị phá hủy hoàn toàn.

Vào giai đoạn 2009 - 2011, theo tâm tư, nguyện vọng của nhân dân địa phương đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh cho phép tái thiết, phục hồi lại ngôi chùa. Chùa khởi công xây dựng từ tháng 9/2009, hoàn thành vào năm 2011, với diện tích hơn 4.000m2, tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng. Chùa gồm nhiều công trình như: Đại hùng Bảo điện, nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu, nhà khách, nhà Tăng cùng trung tâm dưỡng lão, trung tâm nuôi trẻ mồ côi. Chùa trở thành trung tâm văn hóa Phật giáo khu phía Nam thành phố Thái Nguyên. Chùa Từ Quang có quả chuông đồng lớn trọng lượng trên 500 kg.

Chùa xưa là nơi lưu giữ 8 tấm bia đá cổ. Hiện nay, tại chùa chỉ còn 2 tấm bia. Tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu trữ được 8 thác bản của các tấm bia của đình - chùa Kiến Phúc cũ mang tên, niên đại và ký hiệu như: Tạo hậu thần bi, Cảnh Thịnh thứ 4 (1797): 10672, Hậu thần bi ký, Tự Đức thứ 23 (1870): 20293, Hậu thần bi ký, Tự Đức thứ 23 (1870): 20294, Tạo hậu thần bi ký, Cảnh Hưng thứ 38 (1778): 20295, Hậu thần lưu ký, Tự Đức thứ 25 (1872): 20296, Đồng giáp bảo hậu thần bi: 20301, Bản xã hậu thần bi ký, Thành Thái thứ 9 (1898): 20302.

Thông qua 17 đơn vị bia ký cổ của các đình, đền, chùa tiêu biểu ở thị xã Thái Nguyên xưa, nay là thành phố Thái Nguyên, là một phần của tư liệu về lịch sử của vùng đất này, các văn bia đã cho chúng ta thấy nó chứa đựng rất nhiều thông tin về mặt địa danh, sự kiện, nhân vật, thời gian, phong tục, tập quán, sinh hoạt của các làng xã trên địa bàn. Chúng tôi đã sưu tầm được khoảng 35 đơn vị văn bia của 10 đơn vị làng, xã, tương ứng với các phường như: Trưng Vương, Túc Duyên, Gia Sàng, Phú Xá, Cam Giá, Trung Thành, Hoàng Văn Thụ, Phan Đình Phùng, Quyết Thắng và Quang Vinh thuộc huyện Đồng Hỷ xưa, nay thuộc thành phố Thái Nguyên. Các văn bia này là di sản văn hóa quý hiếm còn được các cơ quan lưu giữ bảo tồn có giá trị phục vụ tìm hiểu, nghiên cứu khoa học về lịch sử, văn hóa, về đất và người của thành phố Thái Nguyên.

Nguyễn Đình Hưng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy