Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
17:26 (GMT +7)

Tìm hiểu “sinh nhật” và “sinh thần”

Hiện nay, thay vì viết “Chúc mừng sinh nhật” một số người trẻ lại sử dụng từ “Chúc mừng sinh thần”, nghĩa là thay từ sinh nhật bằng sinh thần. Điều này đúng không?

Có người giải thích rằng sinh thần là ngày sinh của thần thánh hay người được phong thần, còn ngày sinh của người bình thường gọi là sinh nhật. Thoạt nhìn thì điều này có lý, bởi vì trong sách đã từng ghi: “Sinh thần Tống Thiên quốc sư ngày nào không rõ… Sinh thần Tô Đại Liêu ngày 10 tháng 8…” (Địa chí huyện Hà Trung, 2005).

Tuy nhiên, sinh thần chẳng phải là ngày sinh của thần thánh hay người được phong thần gì cả. Đơn giản đây là một cách viết khác, dùng để chỉ ngày sinh, tương ứng với từ sinh nhật mà thôi.

Sinh 生 ở đây là “sinh đẻ”, còn thần 辰 có nghĩa là “ngày”. Như vậy sinh thần chính là ngày sinh. Theo từ điển Thiều Chửu: Thần 辰 là tiếng gọi chung cho cả mười hai chi, còn dùng để chỉ ngày hoặc giờ. Ngày xưa lấy mười hai chi ghi ngày, hết một hồi từ ngày tí cho đến ngày hợi gọi là tiếp thần 浹辰 (mười hai ngày). Vì thế, ngày và giờ đều gọi là “thần”.

Ở Trung Hoa người ta sử dụng cụm từ Sinh thần bát tự 生辰八字 (shēng chén bā zì) là nói về dữ liệu ngày sinh của một người cho mục đích chiêm tinh, bao gồm: ngày giờ, tháng, năm sinh theo Thiên can địa chi; còn thành ngữ Sinh thần kị nhật 生辰忌日 (shēngchén jìrì) dùng để chỉ ngày sinh ngày chết của một người.

Ngoài từ sinh thần, người Trung Quốc còn sử dụng từ đản thần 誕辰, đọc theo giọng Bắc Kinh là “dàn chén”, có nghĩa là ngày sinh, tương ứng với từ sinh nhật 生日 (birthday). Đối với kỷ niệm ngày sinh của người già thì họ thường dùng từ thọ thần (壽辰, shòu chén).

Có thể sử dụng cả hai câu chúc là “Chúc mừng sinh nhật” và “Chúc mừng sinh thần” nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của ai đó. Song đừng cho rằng “sinh thần” là ngày sinh của thần thánh để rồi tự đề cao bản thân, “phong thần” cho mình. Ảnh minh họa, nguồn: internet

Sinh nhật 生日 là từ thường dùng để kỷ niệm ngày chào đời của một người còn sống, thường dựa trên ngày và tháng, nếu liệt kê chính xác ngày sinh (ngày, tháng, năm) thì người ta dùng từ xuất sinh nhật kỳ 出生日期 thay cho sinh nhật; còn kỷ niệm ngày sinh của người đã quá cố thì dùng từ minh đản 冥诞; riêng từ đản thần 誕辰 thì có thể được sử dụng cho cả người sống và người cao tuổi.

Đối với sinh nhật của thần thánh thì dùng từ giáng sinh 降生 hoặc thánh đản 聖誕 (kể cả Khổng Tử, đức Phật, Bồ Tát, đức chúa Gia Tô...). Người Trung Quốc còn gọi ngày sinh của các vị Phật và Bồ Tát là Phật đản 佛辰/佛誕; ngày sinh của Chúa Giê-su (hoặc Lễ Giáng sinh) là Thánh đản tiết 聖誕節 hoặc Gia đản tiết 耶誕節.

Tóm lại, sinh nhật là từ dùng phổ biến hiện nay ở nước ta, hà cớ gì phải dùng từ sinh thần? Nếu cho rằng đây là cách dùng từ vui, tạo ấn tượng lạ của những người trẻ thì được, song thiết nghĩ đừng cho rằng sinh thần là ngày sinh của thần thánh rồi tự đề cao bản thân, “phong thần” cho mình.

Vương Trung Hiếu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy