Thứ năm, ngày 02 tháng 01 năm 2025
03:04 (GMT +7)

Tiểu xảo

VNTN - Hiệu trưởng Thiện đến trường sớm hơn mọi ngày. Ông mở cửa, ngồi phịch xuống ghế. Không cả thiết pha trà, hôm nay ông cảm thấy buồn và bực. Mấy chục năm làm quản lý, chưa bao giờ ông bị vượt mặt như lần này. Nhìn lên thời khóa biểu, chắc chắn cô Lâm không có tiết dạy, ông mới bấm máy:

- A lô. Cô Lâm à. Lát nữa cô đến văn phòng tôi gặp trao đổi chút việc nhé. Tôi biết cô không có tiết dạy nhưng việc cần. Vậy cô thu xếp việc nhà rồi đến nhé.

- Vâng, vâng - tiếng cô Lâm đáp lại rất lễ phép.

Tối qua, ông bạn làm thư ký Hội đồng chấm thi học sinh giỏi tỉnh đến báo tin buồn cho ông, kết quả chấm thi là đội học sinh giỏi của trường ông lần đầu tiên bị loại khỏi tốp 10 các trường dẫn đầu. Đau quá. Hỏi kỹ mới biết có hai học sinh bị điểm quá kém nên kéo bình quân cả đội xuống. Hỏi thêm nữa thì biết hai học sinh đó lại là của cô Lâm dạy Toán, chủ nhiệm.

Cô Lâm dạy đã gần ba mươi năm, trường thường xuyên giao cho bồi dưỡng học sinh giỏi. Điểm trung bình môn Toán của hai học sinh cô chọn ở lớp cô đi thi là 9,5, các điểm thường xuyên cũng đều 9 và 10. Vậy ở đây tại sao lại có chuyện “học tài, thi phận”?

Khi cô Lâm đến gặp ông Thiện, cô vẫn khẳng định đây là những học sinh giỏi thật sự, giỏi có truyền thống mà cô theo dõi ba năm qua. Cô đem mấy quyển sổ điểm cho hiệu trưởng xem. Ông Thiện chỉ còn biết ngồi nghe cô trình bày. Cuối cùng ông hỏi:

- Vậy theo cô, các em bị điểm kém vì sao?

Cô Lâm nói không cần suy nghĩ:

- Đó có thể là do các em chủ quan, thiếu bình tĩnh mà đi đến nhầm lẫn.

Ông Thiện phân tích:

- Chủ quan, thiếu bình tĩnh, nhầm lẫn... chỉ dành cho loại học sinh học xổi, kiến thức không chắc, không vững, chứ đâu ở loại giỏi có truyền thống hả cô.

- Đó là quan điểm của lãnh đạo. Chuyện học sinh giỏi thi đại học bị điểm 1 đầy ra đấy. Sao giải thích được.

Hiệu trưởng thấy cần có quyết đáp:

- Vậy, cô có bằng lòng cho tôi khảo sát lại không? Ta cùng nhau làm xem sao.

Mấy hôm sau, ông cùng tổ trưởng tổ Toán, tập hợp lại đội học sinh giỏi và cho làm bài khảo sát. Với một đề dạng cho học sinh học khá để phần nào giữ danh dự cho giáo viên. Không ngờ có mấy em vẫn bị điểm kém, trong đó có hai em do cô Lâm chọn vào đội tuyển.

Hiệu trưởng mời lên, cho cô Lâm chấm lại. Cô không thể thắc mắc và giải thích gì thêm, lúc đó cô mới thú nhận: Hai học sinh này là con hai người bạn cùng học, nên cô xin cho vào lớp cô dạy. Thực ra cũng chỉ vào dạng lực học trung bình nhưng cô và bạn cô muốn cho các em có chút danh hiệu để có đà học tiếp sau này. Hóa ra, muốn có tiếng do thân cận mà cô phù phép, hợp pháp hóa, hợp lý hóa cho học sinh để học lực được từ trung bình lên giỏi. Đây thực sự là quan điểm giáo dục và cách chọn nhân tài sao? Vậy mà bài học dùng tiểu xảo này vẫn đang như bệnh mãn tính, không chỉ ở trường của ông.

Hiệu trưởng Thiện thấy mình cũng có lỗi, vì đã thiếu sâu sát trong công tác quản lý, bỏ ngỏ việc đánh giá chất lượng, làm giảm uy tín nhà trường. Từ hôm nay không thể bỏ qua - ông nghĩ và tự thấy xấu hổ với lương tâm của nghề giáo.

Nguyễn Đình Tân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tinh giản… nghệ thuật

Xem tin nổi bật 4 ngày trước

Luật pháp có vô tình?

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Một cuộc cách mạng chưa từng có

Xem tin nổi bật 4 tuần trước

Sống chung với lũ

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Người dẫn đường và con đường đã mở

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Chủ nhật yên tĩnh – nghĩ và mong…

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Nhà văn và xuất bản sách

Xem tin nổi bật 5 tháng trước