Tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên từ phương diện cảm hứng sáng tác
Thái Nguyên là một trung tâm văn hóa, kinh tế, xã hội của vùng núi và trung du Bắc Bộ, là một tỉnh có truyền thống lịch sử và văn hóa, giàu tiềm năng trong lĩnh vực sáng tác văn học nghệ thuật (là cái nôi của Hội Văn học nghệ thuật Việt Bắc xưa). Các thế hệ nhà văn của Thái Nguyên đã nối tiếp nhau cất lên tiếng nói văn chương mang màu sắc đặc thù của vùng quê “nửa đồi nửa núi”, đa sắc màu, đa dân tộc.
Riêng nói về thể loại tiểu thuyết, trước năm 2000, văn học Thái Nguyên đã xuất hiện một số cây bútđược bạn đọc biết đến với các tên tuổi “nổi danh” vùng Việt Bắc như: nhà văn Vi Hồng với 15 tiểu thuyết viết về đề tài dân tộc và miền núi; nhà văn Ma Trường Nguyên với 5 tiểu thuyết mang đậm sắc màu dân tộc; nhà văn Ngọc Thị Kẹo với 2 tiểu thuyết đậm chất nhân văn và nữ tính; nhà văn Hà Đức Toàn, Nguyễn Minh Sơn, Hoàng Luận đều có từ một đến hai cuốn tiểu thuyết viết về đất và người Thái Nguyên… Và chính những cuốn tiểu thuyết ấy đã góp phần đem lại những thành công, những giải thưởng danh giá, có ý nghĩa đối với các tác giả Thái Nguyên nói riêng, với văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên nói chung (như giải thưởng Nhà nước của nhà văn Vi Hồng, giải thưởng của Hội văn học các Dân tộc thiểu số Việt Nam, giải thưởng định kỳ 5 năm một lần của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên với các nhà văn khác).
Đến những năm đầu thế kỷ XXI, tiểu thuyết Thái Nguyên dường như chững lại, bởi nhiều lý do chủ quan và khách quan (nhà văn Vi Hồng mất, một số nhà văn khác sức khỏe giảm sút không sáng tác được và một số khác chưa bắt kịp xu hướng đổi mới về cả tư duy tiểu thuyết lẫn thi pháp tiểu thuyết do nhu cầu đổi mới văn học ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt hơn)… Có lẽ vì thế mà tiểu thuyết Thái Nguyên “trầm lắng” hẳn sau những sôi động thời kỳ cuối thế kỷ XX.
Tuy nhiên, sau hơn chục năm “trầm lắng” đó, tiểu thuyết Thái Nguyên đã lấy lại “phong độ” của mình bằng hàng loạt các tên tuổi “vừa lạ, vừa quen” như: Hồ Thủy Giang, Phạm Đức, Phan Thái, Phan Thức, Bùi Thị Như Lan, Nguyễn Văn, Hoàng Luận… Từ năm 2011 đến 2022, nhà văn Hồ Thủy Giang xuất bản 6 cuốn tiểu thuyết: Mắt rừng (2015), Con đường cát bụi (2016), Những người mở đường (2016), Tể tướng Lưu Nhân Chú (2016), Thái Nguyên - 1917 (2017), Phố Núi (2020); nhà văn Hoàng Luận đã xuất bản 4 cuốn tiểu thuyết: Làng một người, Nắng tím (2014), Cây không lá (2019), Đất ống (2019); nhà văn Ma Trường Nguyên với: Phượng hoàng núi (2012),Ông Ké thượng cấp (2016), Ông Ké trở lại chiến khu (2017);nhà văn Phan Thái có 7 cuốn: Cơm áo chợ đời (2014), Sóng bên ngày nắng (2015), Đèn giời (2016), Nắng phía sau mặt trời (2019); Linh sơn tử chiến (2020), Lửa khuất (2020), Bình minh máu (2021); nhà văn Phạm Đức có 2 cuốn: Bão rừng(2011), Giông gió làng chè (2014); nhà văn Ngọc Thị Kẹo với tiểu thuyết: Nhật kí cô văn thư (2003), Người đàn bà không chồng, Nàng Khau Âu đa tình, Gió đồng làng Am (2019); Nguyễn Văn với tiểu thuyết Danh gia đất mỏ (2015); Bùi Thị Như Lan ngoài nhiều tập truyện ngắn còn có tiểu thuyết Chuyện tình Phia Bjooc (2018)…
Ảnh minh họa
Đặc biệt, thể loại tiểu thuyết lịch sử được các nhà văn lựa chọn như là cách để thể hiện lòng tự hào về mảnh đất quê hương giàu truyền thống lịch sử, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc, sự tri ân với những người con ưu tú đã chiến đấu, hy sinh anh dũng để bảo vệ quê hương, đất nước của mình. Nhiều sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử, địa danh lịch sử của Thái Nguyên đã đi vào trang văn chân thực, sống động, đầy tự hào.
Một số tác giả tiêu biểu của Thái Nguyên với các tác phẩm về đề tài lịch sử như: tác giả Hồ Thủy Giang, tác giả Ma Trường Nguyên, tác giả Hà Đức Toàn, tác giả Phan Thái, tác giả Phan Thức,... với những tiểu thuyết lịch sử tiêu biểu như: Ba ông đầu rau (Hà Đức Toàn), Tể tướng Lưu Nhân Chú, Thái Nguyên - 1917, Những người mở đường (Hồ Thủy Giang), Ông Ké thượng cấp, Ông Ké trở lại chiến khu (Ma Trường Nguyên), Thượng thư Đỗ Cận (Phan Thức), Linh Sơn tử chiến, Nắng phía sau mặt trời, Bình minh máu (Phan Thái), …
Tìm hiểu tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên 20 năm đầu thế kỷ XXI, chúng tôi nhận thấy nổi bật hai nguồn cảm hứng chủ đạo: Cảm hứng viết về các sự kiện lịch sử với lòng tự hào, ngợi ca những chiến thắng và bi hùng trước những đau thương mất mát; Cảm hứng về các nhân vật lịch sử.
1. Cảm hứng viết về các sự kiện lịch sử Thái Nguyên với lòng tự hào, ngợi ca những chiến thắng và bi hùng trước những đau thương mất mát
Thái Nguyên là một tỉnh có vị trí đặc biệt quan trọng – là cửa ngõ thủ đô, là vùng phên dậu của đất nước giáp với các tỉnh biên giới: Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang. Vì vậy trong quá trình đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền dân tộc trong hàng ngàn năm qua cho tới ngày nay, mảnh đất Thái Nguyên đã diễn ra bao sự kiện lịch sử quan trọng không thể nào quên như: Thời kỳ phong kiến có cuộc kháng chiến chống quân Tống (thế kỷ XI), kháng chiến chống quân Mông Nguyên (thế kỷ XII), kháng chiến chống quân Minh (thế kỷ XV), kháng chiến chống quân Thanh (thế kỷ XVIII),…; Thời kỳ Pháp thuộc (thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX) gắn với cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên 1917, cuộc đấu tranh của công nhân mỏ than Phấn Mễ - 1945; Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954), Thái Nguyên cùng các tỉnh miền núi phía Bắc trở thành An toàn khu, thủ đô kháng chiến; Thời kỳ kháng chiến chống Mĩ cứu nước, Thái Nguyên hòa cùng phong trào xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam, đồng thời góp phần trực tiếp chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Đế quốc Mĩ…Những sự kiện lịch sử này đã trở thành nguồn cảm hứng lớn cho các nhà văn, nhà tiểu thuyết viết nên những cuốn tiểu thuyết lịch sử đầy ý nghĩa của mình. Đó là những tác phẩm tiểu thuyết lịch sử viết về các sự kiện lịch sử một cách sống động, cụ thể, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, khơi dậy lòng yêu mến sâu sắc của nhân dân các dân tộc Thái Nguyên.
Đặc biệt trong khoảng 20 năm đầu thế kỷ XXI, với cảm hứng viết về các sự kiện lịch sử, các nhà tiểu thuyết Thái Nguyên đã sáng tạo khá nhiều tác phẩm ghi dấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc. Những tác phẩm đó đã góp phần làm sáng tỏ những sự kiện lịch sử quan trọng, những chiến thắng oanh liệt, những hy sinh to lớn của quân, dân các dân tộc Thái Nguyên trong các thời kỳ, các giai đoạn lịch sử khác nhau của đất nước. Ví dụ như: Nhà văn Phan Thái viết về cuộc kháng chiến chống quân Tống (thế kỷ XI) tại phòng tuyến Linh Sơn (Linh Sơn tử chiến), viết về cuộc đấu tranh của công nhân mỏ than Phấn Mễ năm 1945 (Bình minh máu), về sự kiện bi hùng sự hy sinh của Đại đội thanh niên xung phong 915 năm 1972 (Nắng phía sau mặt trời); nhà văn Hồ Thủy Giang viết về cuộc kháng chiến chống quân Minh tại vùng đất Thuận Thượng - Đại Từ qua tiểu thuyết Tể tướng Lưu Nhân Chú, viết về cuộc khởi nghĩa của Đội Cấn (Thái Nguyên - 1917), về sự hysinh của Đại đội 915 qua tiểu thuyết Những người mở đường; nhà văn Ma Trường Nguyên viết về các sự kiện gắn với hoạt động của ông Ké - Bác Hồ tại chiến khu Việt Bắc với hai tiểu thuyết Ông Ké thượng cấp và Ông Ké trở lại chiến khu.
Chọn cuộc kháng chiến chống quân Tống (thế kỷ XI) để sáng tác, nhà văn Phan Thái đã ngợi ca những anh hùng nghĩa sĩ trong cuộc chiến giữ phòng tuyến Linh Sơn – một phần của phòng tuyến Như Nguyệt. Trong Linh Sơn tử chiến, nhà văn đã tái hiện công cuộc kháng chiến từ bước đầu khi chuẩn bị những điều kiện đầu tiên để chống giặc đến những trận giao tranh khốc liệt giữa hai đội quân không cân sức, đến khi quân ta đánh bại bước tiến của giặc.
Trong Linh Sơn tử chiến, những người chiến binh sẵn sàng hy sinh để phòng tuyến Linh Sơn được vững chắc. Nhà văn Phan Thái đã chọn thể hiện những giây phút bi tráng nhất của cuộc chiến. Tất cả gợi lên cảm xúc đau đớn, xót xa mà vô cùng tự hào. Bởi mỗi con người ngã xuống là để cho đất nước được bình yên. Mỗi sự hy sinh, dù của người thủ lĩnh, tộc trưởng, hay là người lính, thậm chí những người dân chưa từng biết cầm cung kiếm… tất cả đều là sự hy sinh tự nguyện, sẵn sàng xả thân bảo vệ từng tấc đất quê hương. Điều đó càng khiến cho các thế hệ mai sau phải biết ơn, yêu quý, trân trọng và hết lòng gìn giữ nền độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền đất nước.
Ở thế kỷ XV, cuộc đối đầu với giặc Minh lại được thể hiện theo một cách khác. Ở Tể thướng Lưu Nhân Chú, tác giả Hồ Thủy Giang lại bắt đầu câu chuyện từ cuộc sống lầm than của người dân dưới ách thống trị của quân Minh. Lòng yêu nước, căm thù những hành động tàn ác của giặc thôi thúc họ cầm vũ khí đấu tranh. Với Tể tướng Lưu Nhân Chú, tác giả đã thuật lại những chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn trong từng thời kỳ. Từ những ngày đầu với vài trăm binh mã đến khi chiến thắng hoàn toàn. Đặc biệt bằng ngòi bút giàu chất điện ảnh, nhà văn đã tái hiện những khung cảnh hào hùng của Hội thề Lũng Nhai của 19 nghĩa quân, Lễ tế cờ khởi nghĩa của hơn 50 tướng lĩnh...
Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn kéo dài trong vòng mười năm từ 1418 đến 1427, rất nhiều trận chiến đã diễn ra. Để tôn vinh, ngợi ca nhữngchiến thắng của dân tộc, tác giả Hồ Thủy Giang đã tập trung vào những trận chiến lớn. Ngoài trận mở màn hừng hực khí thế, còn là trận phá vây đánh chiếm lại thành Lam Sơn, trận diệt viện binh của Liễu Thăng ở ải Chi Lăng, trận Xương Giang… Với cảm hứng ngợi ca, tự hào về chiến thắng quân Minh lẫy lừng, nhưng nhà văn Hồ Thủy Giang cũng không né tránh những sự hy sinh mất mát. Bởi đó là tất yếu của chiến tranh. Nhưng với một cảm hứng sử thi lãng mạn, nhà văn đã cho thấy những hy sinh mất mát ấy vô cùng lớn lao, vĩ đại.
Bước sang thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, lịch sử thời cận đại mở ra chặng đường mới. Vận mệnh dân tộc một lần nữa đặt trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Đối mặt với kẻ thù hùng mạnh từ phương Tây với những trang bị vũ khí hiện đại, nhân dân ta vô cùng lầm than.
Lấy bối cảnh là cuộc Khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917 của trại lính khố xanh dưới sự chỉ huy của Trịnh Văn cấn (Đội Cấn) và quân sư Lương Ngọc Quyến, tiểu thuyết Thái Nguyên – 1917 của Hồ Thủy Giang đã ngợi ca những con người dám đứng lên đấu tranh. Dù cuối cùng bị giặc đàn áp, nhưng những chiến công mà đội nghĩa binh dành được đã có sức mạnh cổ vũ to lớn cho quân dân cả nước. Chiến thắng của nghĩa quân Đội Cấn đã khiến thực dân Pháp khiếp sợ, phải dè chừng sức mạnh của quân dân ta. Đó là chiến thắng đầu tiên,là niềm tự hào của người Thái Nguyên đầu thế kỷ XX.
Với tiểu thuyết Bình minh máu, tác giả Phan Thái lại thể hiện một bước trưởng thành trong đấu tranh của người dân Thái Nguyên trong cuộc chiến chống ách đô hộ của thực dân Pháp. Đặc biệt đối tượng hướng tới là những công nhân hầm mỏ - giai cấp sớm được giác ngộ cách mạng. Tác giả Phan Thái chọn mốc thời gian từ năm 1942 đến 1945 để mô tả cuộc sống thống khổ của những người thợ mỏ khi đất nước đang bị thực dân Pháp cai trị. Những thống khổ của người dân nói chung và người công nhân nói riêng đã được nhà văn phản ánh chân thực, cảm động: cảnh lao động vất vả trong các hầm mỏ, mối hiểm nguy rình rập trong điều kiện lao động thiếu thốn, những tai nạn thương tâm do sập hầm, điện giật… và cả sự ăn chặn, bóc lột của giới chủ. Cuộc sống, các mối quan hệ, nhận thức của các nhân vật được nhà văn mô tả một cách sống động, gây xúc động và giúp cho độc giả hình dung rõ bức tranh xã hội Việt Nam giai đoạn này.
Với hai tiểu thuyết tư liệu viết về Bác Hồ với những năm tháng tại chiến khu Việt Bắc, nhà văn Ma Trường Nguyên góp một tiếng nói riêng cho rừng tác phẩm ngợi ca Bác. Với hai cuốn tiểu thuyết Ông Ké thượng cấp, Ông Ké trở lại chiến khu, nhà văn Ma Trường Nguyên đã kể lại một cách chi tiết nhiều sự kiện lịch sử của đất nước, lịch sử địa phương. Đặc biệt những dấu ấn gắn với sự xuất hiện và lãnh đạo của ông Ké. Từ những ngày đầu về nước phải sống nơi rừng núi heo hút được đồng bào các dân tộc cưu mang, đến khi cách mạng tháng Tám bùng nổ và thành công, từ khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ đến những năm hòa bình lập lại, miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Mỗi bước chân của Người đều còn in dấu trên mảnh đất Việt Bắc thân thương. Tuy các câu chuyện còn rời rạc, thiếu sự liên kết chặt chẽ, nhất quán, nhưng người đọc vẫn cảm nhận được tình cảm sâu sắc nhà văn muốn gửi gắm. Đồng thời con người của ông Ké được thể hiện đầy đủ và toàn diện hơn. Đó là một ông Ké quắc thước, nghiêm khắc trong công việc, nhưng lại vô cùng ân cần, chu đáo, tỉ mỉ trong từng việc nhỏ nhất thường ngày.
Cùng phản ánh một sự kiện bi hùng của đất và người Thái Nguyên,về sự kiện hy sinh của Đại đội thanh niên xung phong 915 năm 1972, cả hai tác giả Hồ Thủy Giang và tác giả Phan Thái đều dành những trang văn sâu lắng để ngợi ca sự hy sinh của tuổi trẻ một thời qua hai tiểu thuyết Những người mở đường và Nắng phía sau mặt trời.
Trong Nắng phía sau mặt trời, nhà văn Phan Thái khắc họa cuộc sống chiến đấu của những Đội viên Thanh niên xung phong Đại đội 915. Tại Thái Nguyên, Đại đội 915 được thành lập theo yêu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến. Phần lớn thành viên là những cô gái các dân tộc thiểu số ở Thái Nguyên, tất cả mới mười tám đôi mươi. Đặc biệt là thời khắc bi tráng trước sự hy sinh của 60 đội viên đêm nôel năm 1972.
Với Những người mở đường, nhà văn Hồ Thủy Giang lại tái hiện những giây phút bi hùng ấy của những người con Thái Nguyên qua những dòng hồi ký đầy xúc động của Tâm – một đội viên của Đại đội. Câu chuyện chiến đấu ở hậu phương được nhà văn khai thác với tâm thế của người trong cuộc, người trải nghiệm. Sự kiện hy sinh của Đại đội thanh niên xung phong 915 là một mất mát lớn. Những người mở đường vượt lên trên ý nghĩa câu chuyện của đại đội thanh niên xung phong mở đường 915, đó còn là câu chuyện “mở đường” của những con người dám dấn thân khẳng định mình. Và bất cứ sự mở đường nào cũng đầy gian khổ khó khăn.
Như vậy, cảm hứng tự hào, ngợi ca là cảm hứng chủ đạo được thể hiện trong các tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên. Khi miêu tả những sự kiện, dấu ấn lịch sử của dân tộc, vẻ đẹp phẩm chất, tài năng của những người anh hùng trên đất Thái Nguyên được thể hiện rõ nét. Với những người thật, việc thật, các tác giả tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên đã thành công khi tái hiện những mốc son đáng nhớ, những tấm gương sáng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước từ xưa đến nay. Tất cả tạo nên nguồn cảm hứng cho các thế hệ tiếp tục sống và cống hiến sao cho xứng đáng với người xưa. Cùng với đó là cảm hứng bi tráng trước những đau thương, mất mát và hy sinh to lớn của quân và dân Thái Nguyên. Viết về sự hy sinh mất mát nhưng những tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên không cho thấy sự bi lụy, mà mỗi sự hy sinh mất mát ấy là những khúc tráng ca bi hùng trong lịch sử giữ nước. Với việc tôn trọng lịch sử, cảm hứng trước những mất mát đau thương trở thành một phần tất yếu của tiểu thuyết lịch sử. Có thể khẳng định, những tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên đã thành công khi phản ánh các sự kiện lịch sử dân tộc nói chung và sự kiện lịch sử trên đất Thái Nguyên nói riêng. Những trang vàng lịch sử luôn được nhuộm đỏ bởi máu của những người con anh hùng. Nhìn lại những đau thương, hy sinh, mất mát là cách để con người thêm trân trọng hiện tại, biết ơn quá khứ.
Các sự kiện lịch sử diễn ra ở Thái Nguyên trong suốt quá trình lịch sử gìn giữ, bảo vệ đất nước đã trở thành niềm cảm hứng mãnh liệt cho các cây bút tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên sáng tác, sáng tạo nên những tác phẩm tiểu thuyết lịch sử vừa giàu giá trị lịch sử, vừa giàu giá trị giáo dục truyền thống sâu sắc. Những cuốn tiểu thuyết lịch sử đó đã góp phần nhắc lại, khắc ghi những chiến công oanh liệt, những chiến thắng lẫy lừng, cùng những khó khăn gian khổ, những hy sinh mất mát của cha anh; góp phầngiáo dục lòng yêu nước, đoàn kết dân tộc cho các thế hệ người Thái Nguyên hôm nay và mai sau.
2. Cảm hứng viết về những nhân vật lịch sử (những người con ưu tú của Thái Nguyên, những nhân vật lịch sử có tầm ảnh hưởng lớn lao trong lịch sử dân tộc)
Thái Nguyên là mảnh đất có vị trí quan trọng trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm từ xưa đến nay. Chính vì vậy mảnh đất Thái Nguyên đã ghi dấu nhiều nhân vật lịch sử anh hùng võ tướng, danh nhân văn hóa... Họ có thể là con dân các đồng bào Thái Nguyên, cũng có khi là những người đã sống và gắn bó với Thái Nguyên. Có thể kể đến những nhân vật lịch sử như: Nùng Tông Đản, (kháng chiến chống quân Tống), Lưu Nhân Chú (kháng chiến chống quân Minh), Đội Cấn, Lương Ngọc Quyến (khởi nghĩa Thái Nguyên 1917), những người công nhân mỏ than Phấn Mễ được giác ngộ cách mạng, những đội viên Đội thanh niên xung phong 915, hình tượng ông Ké – Bác Hồ ở chiến khu…
2.1. Những nhân vật anh hùng là những người con ưu tú của đồng bào các dân tộc Thái Nguyên và những người đã sống, gắn bó với Thái Nguyên
Khi xây dựng hình tượng các nhân vật anh hùng của đất Thái Nguyên, các tác giả tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên đã đi sâu vào khắc họa những nét tính cách đặc trưng của họ. Đó là những con người khỏe mạnh, trung thực, yêu quê hương đất nước, có tinh thần tự hào dân tộc. Họ là những người con ưu tú của cộng đồng các dân tộc thiểu số nơi đây. Họ có tài thao lược, có sức mạnh, có niềm tin và có uy tín lớn đối với cộng đồng dân tộc. Họ đã dẫn dắt nhân dân đứng lên đấu tranh, chiến đấu ngoan cường chống kẻ thù xâm lược.
Khi lựa chọn xây dựng hình tượng người võ tướng thời phong kiến, các tác giả tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên đã tuân thủ nguyên tắc sáng tác của thể loại: kết hợp sáng tạo, hư cấu và cốt lõi lịch sử. Bởi vậy đọc các tiểu thuyết Linh Sơn tử chiến (Phan Thái), Tể tướng Lưu Nhân Chú (HồThủy Giang), người đọc đều hình dung được vẻ đẹp, khí chất của những người con ưu tú đất Thái Nguyên - họ có vai trò quan trọng trong công cuộc giữ nước, đồng thời họ hiện lên rất gần gũi, thân thiết, mang đậm khí chất người miền núi khí khái, thâm trầm, giản dị.
Với hình tượng Lang trung tướng quân Nùng Tông Đản, nhà văn Phan Thái đã đem đến một cảm nhận sâu sắc về người anh hùng quê đất Quảng Nguyên (Cao Bằng). Trong tác phẩm, nhà văn tập trung thể hiện phẩm chất, tài năng của vị tướng quân cùng cuộc sống bình dị hàng ngày của ông. Không chỉ khẳng định được tài năng quân sự của người anh hùng, nhà văn còn đặc biệt khắc họa thành công những diễn biến tâm tư, tình cảm rất chân thật của nhân vật. Đó là nỗi nhớ nhà khôn nguôi phải nén lại. Đó là nỗi xót xa xen lẫn cảm phục trước ước nguyện giản dị của người lính Mùa A Sua khi nguyện quyên sinh làm ngọn đuốc sống thiêu cháy trại giặc. Ở con người đó cũng có những phút căm hờn sục sôi. Chính bởi những nét tâm trạng đa dạng ấy đã làm cho hình tượng nhân vật người anh hùng trở nên sống động, gần gũi.
Tuy không phải là người con của mảnh đất Thái Nguyên, nhưng với nhiệm vụ cách mạng lập phòng tuyến Linh Sơn, chặn đánh quân Tống khi chúng tiến vào nước ta, Nùng Tông Đản đã gắn bó với mảnh đất Linh Sơn sâu sắc. Ông nắm chắc từng ngả đường, từng con suối, ngọn núi. Có thể nói, với Linh Sơn tử chiến, nhà văn Phan Thái đã thành công khi xây dựng hình tượng vị Lang trung tướng quân - người có công lớn trong công cuộc kháng chiến chống quân Tống thế kỷ XI.
Bên cạnh đó, hình tượng những vị tướng quân như: Lý Cảnh Vân, Vi Tất Đẳng, cùng các tộc trưởng các bộ tộc như Lý Khương Huy, Mã Phàn, Lưu Tráng Thanh,… cũng được miêu tả với vẻ đẹp vừa uy dũng, hiên ngang, vừa rất mực gần gũi.
Trong Tể tướng Lưu Nhân Chú, nhân vật Lưu Nhân Chú được Hồ Thủy Giang khắc họa khá đầy đủ về ngoại hình, phẩm chất, tài năng và trí tuệ. Để khẳng định sức mạnh của một võ tướng, nhà văn tập trung vào vai trò của người anh hùng trong những trận chiến quan trọng của nghĩa quân Lam Sơn. Hình ảnh Lưu Nhân Chú trong lòng nhân dân là hình ảnh một võ tướng mang dáng dấp một văn nhân. Đặc biệt quan điểm chính trị và lập trường nhân nghĩa là điểm sáng ở nhân vật này.Với Tể tướng Lưu Nhân Chú, Hồ Thủy Giang đã thành công khi xây dựng hình tượng người anh hùng đất Đại Từ vừa lớn lao cao cả, vừa rất đỗi gần gũi thân quen. Đó là niềm tự hào cho các thế hệ người Thái Nguyên.
Thái Nguyên - 1917 là cuốn tiểu thuyết lịch sử thành công khi tái hiện sự kiện nổi dậy của nhân dân Thái Nguyên năm 1917 với hình tượng trung tâm của tác phẩm là Đại đô đốc Trịnh Văn Cấn.
Bị bắt buộc phải đứng trong hàng ngũ tay sai của giặc Pháp, nhưng Đội Cấn là con người yêu nước, thương dân. Ông hiểu rõ bản chất, tội ác của giặc, đồng thời hiểu được muốn giành được độc lập mang lại cuộc sống yên bình cho nhân dân chỉ có một con đường duy nhất là đấu tranh cách mạng, đấu tranh vũ trang. Nhân vật Đội Cấn hiện lên với những nét đặc trưng của một người chỉ huy uy dũng, một con người hội tụ lòng yêu nước, căm thù giặc, đồng thời lại có sự khéo léo, cẩn trọng trong lời nói, hành động, lại điềm đạm, đáng tin, uy tín, được mọi người nể phục, kính trọng. Không chỉ có tầm ảnh hưởng trong quần chúng, mà ngay cả bọn giặc Pháp và tay sai cũng phải kiêng dè.
Tiểu thuyết Bình minh máu là một tác phẩm mới của nhà văn Phan Thái lựa chọn đề tài đấu tranh của giai cấp công nhân những năm trước cách mạng tháng Tám 1945. Tác phẩm không xây dựng hình tượng nhân vật điển hình, tuy nhiên người đọc vẫn nhận thấy hình tượng trung tâm là những người công nhân mỏ than Phấn Mễ trong cuộc đấu tranh với thực dân Pháp những năm đầu thế kỷ XX. Đó là những người công nhân già như cụ Trương - người đã có nhiều năm lăn lộn ở khắp các hầm mỏ, là những chàng trai sức vóc như Thông, Trác, Dị,… là những người phụ nữ như bà Bân,Nụ, Thu,… Ở họ đều có điểm chung xuất thân là nông dân nghèo khổ. Cuộc sống gia đình chồng chất khó khăn. Tuy các nhân vật trong Bình minh máu không phải những nhân vật điển hình đại diện cho một kiểu người, nhưng ở họ có những đặc điểm chung của giai cấp. Họ vốn là những người nông dân ở khắp các miền quê. Từ ngày thực dân Pháp đặt ách đô hộ, giai cấp địa chủ tăng cường bóc lột, người nông dân trở nên bần cùng. Khi trở thành công nhân trong các hầm mỏ, họ là những người nhận thức được cuộc sống của mình, và sớm giác ngộ. Ở họ vốn có một tình cảm tương thân tương ái, yêu thương đùm bọc giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Khi được giác ngộ, tình cảm ấy trở thành tình ái hữu giai cấp, là nguồn động lực tạo nên tinh thần đoàn kết. Trong Bình minh máu, nhà văn đã dành nhiều trang viết cảm động về sự sẻ chia ngọt bùi của những người công nhân. Dẫu cuộc sống của chính mình rất khó khăn, nhưng họ luôn quan tâm tới mọi người. Khi cách mạng biết khơi dậy nguồn lực tiềm tàng trong những con người ấy, nó sẽ trở thành nguồn sức mạnh vô cùng lớn lao.Có thể thấy, trong Bình minh máu, những người phu mỏ ở mỏ than Phấn Mễ đã sớm đứng lên thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình. Những con người ấy đã trở thành biểu tượng kiên cường, bất khuất cho các thế hệ công nhân Thái Nguyên mãi về sau.
Cùng lấy bối cảnh là Đại đội thanh niên xung phong 915, hai nhà văn Hồ Thủy Giang và nhà văn Phan Thái đã tạo dựng được một thế giới nghệ thuật khá đặc sắc trong tiểu thuyết Những người mở đường và Nắng phía sau mặt trời. Mỗi nhà văn lại có cách tiếp cận và thể hiện riêng. Ở cả hai tác phẩm, nhân vật trung tâm đều là những thanh niên xung phong tuổi đời rất trẻ, họ hy sinh trong một sự kiện bi hùng. Với cái nhìn của những người trong cuộc, các tác giả đã xây dựng các nhân vật là những con người đời thường, giản dị.
Đặc biệt với Những người mở đường, các sự kiện lịch sử có sự nối dài tới hiện tại. Bởi vậy khi đọc tác phẩm, chúng ta có sự chiêm nghiệm sâu sắc và có cách cảm nhận gần gũi với người thật việc thật. Những cựu thanh niên xung phong như ông Thịnh, bà Tâm, hay Vinh…. họ vẫn đang tiếp tục sống và cống hiến. Dù mỗi người có một cách riêng, nhưng bằng vốn trải nghiệm trong quá khứ bi hùng, họ càng có sự trân quý cuộc sống hiện tại. Những chàng trai, cô gái thanh niên xung phong ấy đi ra từ chính các làng quê nghèo vùng núi phía Bắc, có người chưa thạo tiếng Kinh, có người chưa từng biết đến đường phố, ô tô… Tuy nhiên, họ đại diện cho một thế hệ con người Việt Nam nói chung sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Câu chuyện về sự hy sinh của họ khi đang làm nhiệm vụ bốc dỡ hàng tại ga Lưu Xá đêm nôel 1972 là câu chuyện về sự hy sinh thầm lặng của những con người ra sức “chiến đấu nơi hậu phương”.
Trong Nắng phía sau mặt trời, nhà văn đã điểm qua những gương mặt trẻ trung, những chàng trai cô gái từ nhiều làng quê hội tụ nơi Đại đội 915. Có người tham gia thanh niên xung phong và đơn vị lại đóng ngay trên quê hương của mình. Tuy còn ít tuổi, nhưng khi đứng trong hàng ngũ, được rèn luyện trong môi trường quân đội, các đội viên nhanh chóng trưởng thành về mặt tư tưởng. Họ nhận thức về vai trò, trách nhiệm của bản thân rất rõ.Trên mảnh đất Thái Nguyên, câu chuyện về sự hy sinh của 60 đội viên thanh niên Đại đội 915 cũng đã được nhìn nhận và đánh giá. Sự hy sinh của họ đáng được ngợi ca và trân trọng.
Với hình tượng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, nhà văn Ma Trường Nguyên đã cố gắng thể hiện hình tượng ông Ké - Bác Hồ rất đỗi giản dị, thân thương. Với cách cảm nhận của con người miền núi, cách kể của nhà văn rất dung dị. Không sử dụng một thủ pháp nghệ thuật đặc biệt nào, nhưng câu chuyện về ông Ké lại được kể theo mạch kể chuyện của một người dân bình thường. Đọng lại trong tâm trí người đọc là hình ảnh một ông Ké thân thương, giản dị, hết lòng vì dân vì nước. Hình ảnh ông Ké in đậm trong tâm trí những người dân Việt Bắc.
Trong công việc, ông Ké là con người cẩn trọng, chu đáo, có tầm nhìn chiến lược. Trong sinh hoạt hàng ngày, ông Ké là người giản dị, gần gũi, quan tâm mọi người nhất là trẻ em. Đi đến địa phương nào ông Ké cũng quan tâm đến vấn đề vệ sinh, ăn ở của nhân dân.Ở ông Ké, trên hết là tình yêu thương ông Ké dành cho nhân dân, đặc biệt là trẻ em. Nhà văn Ma Trường Nguyên đã kể lại nhiều kỷ niệm về tình cảm ông Ké dành cho các cháu thiếu nhi. Ông Ké cũng đặc biệt dành sự quan tâm đến chị em phụ nữ. Đặc biệt, trong tiểu thuyết Ông Ké trở lại chiến khu, nhà văn dành nhiều trang viết kể về những kỷ niệm và ấn tượng của các văn nghệ sĩ, trí thức trong những lần được gặp ông Ké, khi được làm việc gần ông Ké. Đọng lại sâu sắc nhất chính là niềm ngưỡng mộ, tự hào khi được gặp ông Ké Bác Hồ.
Có thể nói, với tình cảm ngưỡng mộ, tin yêu, thành kính của nhân dân dành cho ông Ké, những tư liệu về quãng đời hoạt động của ông Ké gắn với chiến khu Việt Bắc trở nên gần gũi, thân thương. Ở đó không có sự xa cách của vị lãnh tụ vĩ đại, mà chỉ có sự trân trọng, yêu thương vô bờ của nhân dân với ông Ké – vị cha già của dân tộc. Tuy các câu chuyện còn rời rạc, xong sâu chuỗi lại người đọc vẫn hình dung được chân dung của một con người vĩ đại.
2.2. Nhân vật là danh nhân văn hóa của Thái Nguyên
Trong tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên, bên cạnh hình tượng người anh hùng với vẻ đẹp về sức mạnh thể chất, sự hy sinh oanh liệt, các tác giả tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên cũng quan tâm đến khắc họa tài thao lược, mưu trí và vẻ đẹp nhân cách con người.
Trong tiểu thuyết Tể tướng Lưu Nhân Chú, nhà văn Hồ Thủy Giang bên cạnh việc khắc họa hình ảnh một võ tướng anh hùng, dũng mãnh, hiên ngang xông pha nơi trận mạc, nhà văn còn làm rõ vẻ đẹp một con người văn hóa. Đó là một con người lấy chữ nhân làm trọng, đánh giặc với tư tưởng nhân nghĩa làm đầu. Ở con người này có tầm nhìn xa trông rộng của một bậc kỳ tài.
Có thể thấy, ở Lưu Nhân Chú là sự hội tụ của một võ tướng và một văn nhân. Ở ông có sự dũng mãnh, quả cảm của con người suốt cuộc đời trên lưng ngựa chiến đấu, đồng thời là tầm nhìn xa và tư tưởng của một vị đại quan biết lo cho dân cho nước. Lưu Nhân Chú được phong làm Tể tướng - một vị quan đầu triều. Đó là sự khẳng định tài năng cũng như đóng góp lớn lao của ông cho sự nghiệp đánh đuổi giặc Minh. Lưu Nhân Chú xứng đáng là một trong những công thần khai quốc triều Lê, xứng đáng là danh nhân văn hóa đất Thái Nguyên nói riêng và danh nhân văn hóa nước Việt nói chung.
Với niềm cảm phục sâu sắc với cuộc đời, đóng góp của danh nhân Đỗ Cận với quê hương Phổ Yên, tác giả Phan Thức đã dành nhiều thời gian tìm hiểu tư liệu lịch sử và kết tinh thành quả trong tiểu thuyết lịch sử Thượng thư Đỗ Cận. Thái Nguyên cũng là mảnh đất rất giàu truyền thống hiếu học. Nhắc đến những tấm gương hiếu học không thể không nhắc đến Đỗ Cận - một biểu tượng của tinh thần vượt khó học tập.
Đỗ Cận tên thật là Đỗ Viễn. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo. Ngay từ nhỏ ông nổi tiếng thông minh, học giỏi. Câu chuyện về con đường học tập của ông là bài học cho nhiều thế hệ hôm nay và mai sau. Người học trò nghèo Đỗ Viễn được nhà văn thể hiện với những nét tâm tư, tình cảm rất riêng trong mỗi bước đường đời. Ý chí quyết tâm và lòng ham học cùng với sự thông minh vốn có, Đỗ Viễn trở thành tấm gương sáng cho hậu thế noi theo. Tư tưởng của Đỗ Cận là tư tưởng của một vị đại quan luôn biết lo cho dân cho nước. Hình ảnh một vị quan bình dị, hết lòng vì nhân dân in đậm trong tâm trí người dân Thống Thượng.
Như vậy, khi viết về những danh nhân văn hóa trên đất Thái Nguyên xưa, các tác giả tiểu thuyết Lịch sử Thái Nguyên đều nhằm khắc họa hình tượng những con người với những phẩm chất cao quý. Họ là những con người thông minh, tài trí, thao lược. Đồng thời là những con người đạo đức, nhân nghĩa, sống có trách nhiệm, có uy tín lớn, mà rất mực đời thường, giản dị, trần tục. Họ trở thành niềm ngưỡng mộ của nhân dân các thế hệ, là tấm gương để học tập noi theo. Thông qua hình tượng các nhân vật văn nhân, võ tướng thời phong kiến, các tác giả đã góp phần giáo dục những truyền thống tốt đẹp của dân tộc: yêu nước, thương dân, hiếu học, nhân nghĩa.
Kết luận
Tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên (20 năm đầu thế kỷ XXI) đã chú trọng tới hai nguồn cảm hứng chủ đạo: Cảm hứng về các sự kiện lịch sử và cảm hứng về các nhân vật lịch sử các thời kỳ. Những sự kiện lịch sử, những nhân vật lịch sử được tái hiện trong các tác phẩm đều mang những dấu ấn riêng. Các tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên (20 năm đầu thế kỷ XXI) đã tái hiện những sự kiện lịch sử dân tộc, lịch sử địa phương trong các thời kỳ với hai mặt chủ yếu: tự hào, ngợi ca những chiến thắng; xót xa, bi hùng trước những mất mát, hy sinh. Đó là hai mặt của lịch sử làm nên tính chân thực, khách quan của tác phẩm. Thông qua các sự kiện lịch sử ấy, tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên không chỉ góp phần lí giải, làm rõ những vấn đề lịch sử, thời đại, mà còn góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Viết về các nhân vật lịch sử, tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên đi vào hai mảng chính, đó là những tấm gương nhân vật là người con của các dân tộc Thái Nguyên và những người đã sống, gắn bó với mảnh đất Thái Nguyên trong các thời kỳ. Các tác phẩm tập trung làm rõ những phẩm chất tốt đẹp cùng những đóng góp, hy sinh của họ cho quê hương, đất nước. Bên cạnh đó, các nhà tiểu thuyết cũng ngợi ca những danh nhân đất Thái Nguyên, họ là những anh hùng, dũng tướng, những đại quan có tầm ảnh hưởng lớn trong đời sống cộng đồng dân tộc. Thông qua cuộc đời, sự nghiệp của các danh nhân, tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên góp phần giáo dục đạo lí, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, hiếu học,… cho con người. Tất cả những nguồn cảm hứng trên góp phần tạo nên diện mạo của tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên khá phong phú, đầy đủ.
Học viên Nguyễn Thị Thanh Hằng
(Trường Đại học Khoa học - ĐH Thái Nguyên)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...