Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
16:29 (GMT +7)

Tiết Trung thu qua thơ ngự chế của vua Minh Mạng

VNTN - Vua Minh Mạng là vị vua hay chữ, giỏi thơ văn. Sinh thời vua đã làm hơn ba nghìn bài thơ được in trong Ngự chế thi tập. Ngoài ra chưa kể đến một số lượng lớn hàng ngàn bài văn. Có thể nói, ngoài việc chính sự, lúc thanh nhàn vua lại làm thơ. Tuy nhiên, nói về thơ của mình vua viết: ta làm phần nhiều liên quan đến việc tự răn mình về những lẽ kính trời, yêu dân, theo dõi nắng mưa để xem thời, chẳng phải là những lời hoa mỹ để vui lòng người nghe. Há lại đem so với cái học tầm chương trích cú của kẻ thư sinh, lại cùng tranh lời hay ý đẹp với văn nhân, mặc khách hay sao. Dẫu vậy, cũng có những lúc tâm hồn thi hứng, tức cảnh sinh tình, vịnh cảnh đẹp của thiên nhiên thì những bài thơ giàu cảm xúc như vịnh ánh trăng đêm Trung thu cũng thật thi vị biết bao.

Viết về đêm Trung thu trong toàn thi tập có năm bài được vua làm ở những thời điểm khác nhau. Trong thơ là những cung bậc cảm xúc, những tâm trạng của nhà vua khi ngắm trăng đêm Trung thu. Hay bên cạnh đó là những tâm sự về lẽ trị nước an dân. Tiết Trung thu vua đến chơi vườn Thường mậu, thưởng cho hoàng thân và quan viên đi hỗ giá: sa, đạo, nhung, trừu và tiền bạc, có thứ bậc khác nhau. Nhân đó thường tức cảnh sinh tình làm thơ. Thông thường trong cung vua các ngày lễ tiết đều có tục lễ tế lễ tại nhà tôn miếu hoặc các miếu. Theo chính sử triều Nguyễn cho biết: Vua dụ Nội các rằng: “Nhà nước xét theo phép xưa, làm sáng điển lễ. Hằng năm có 5 kỳ tế hưởng ở nhà tôn miếu, cho đến các tết như Nguyên đán, Thanh minh, Đoan dương, Trừ tịch đều có lễ tiến cúng để tỏ thành kính. Lễ nghi và ý nghĩa đã là chu đáo. Lại nghĩ: những ngày tuần tiết như: Thượng nguyên, Hạ nguyên, Trung nguyên, Thất tịch, Trung thu, Trùng dương, Đông chí người xưa cũng có cúng lễ, mà tục nước ta thật thà chất phác chưa cử hành được hết. Vậy sai bộ Lễ tham bác xưa nay, châm chước kiến nghị, tâu lên trẫm nghe. Đến khi lời bàn dâng lên thì vua chuẩn định: từ nay, phàm những tiết Đông chí, Thượng nguyên, Trung nguyên và Hạ nguyên đều làm cỗ bàn dâng cúng các miếu và điện Phụng Tiên, lễ nghi như lễ tiết Đoan dương (duy có tiết Thượng nguyên, gặp ngày đản ở điện Phụng Tiên thì những lễ phẩm cứ chiếu theo lệ, bày đặt như cũ, không phải làm thêm cỗ bàn). Còn những tiết Thất tịch, Trung thu và Trùng dương đều dùng hoa quả nước trà và của ngon vật lạ (ngày Đông chí, làm lễ 3 tuần rượu; các tiết khác làm lễ 1 tuần rượu). Còn những tiết Thượng nguyên và Trung thu, thì treo đèn suốt đêm để nêu bật ngày tết nhằm thời tiết đẹp”.

Theo đó thì nhà nước cũng quy định rõ việc chuẩn bị lễ vật, để dâng cúng, bởi lẽ đất nước lấy nông nghiệp làm đầu, việc cúng tế cốt cầu mong cho mưa thuận gió hòa, giảm bớt thiên tai: hằng năm, về tết Trung nguyên ở các miếu và điện Phụng Tiên đều theo lệ tết Nguyên đán, bày mũ đai, xiêm, áo bằng đồ mã, vàng giấy, bạc giấy, mâm giấy, hòm giấy, kho giấy; khi lễ xong, đốt mã đi và theo lệ như hai tiết Thượng nguyên, Trung thu, thắp đèn suốt đêm.

Dưới đây là nội dung của năm bài thơ viết về đêm Trung thu dưới cái nhìn của một vị quân vương thời phong kiến. Đêm Trung thu có trăng, có sao, có cung Quế nơi có Hằng Nga ở. Bên cạnh đó là nỗi lòng của nhà vua khi nghĩ về dân, lo cho dân trong đêm thu.

Trung thu

Ánh trăng soi sáng chợt mọc lên ở đằng Đông,

Muôn vạn ngôi sao cùng mặt trăng tạo nên vẻ dung nhan.

Khắp bốn bề gió bụi đều yên ắng, đất nước thanh bình,

Trên chín tầng trời không chút mây mù.

Thật đáng khen tặng lăng kính sáng,

Chẳng cần phải dạo bước du chơi lên cung Quế.

Việc đời còn lắm trước sau đều lạ,

Làm sao có thể đồng lòng ngắm ánh trăng sáng

                              (Ngự chế thi sơ tập, quyển 1)

Trung thu đến Doanh châu xem đèn

Khói lửa như ráng chiều tà,

Ánh đèn giống như ánh trăng.

Trên không trung bay về núi Điểu Thử (tên ngọn núi xưa),

Nhảy trên sóng chạy đến nơi núi sâu hồ lớn.

Trong dòng nước trồng cây đẹp đẽ,

Trong ánh lửa trồng hoa sen.

Trang hoàng cảnh trí chúc mừng tiết trời đẹp,

Vui chơi không cần phải nhiều.

                                (Ngự chế thi sơ tập, quyển 8)

Trung thu trăng sáng không thưởng ngoạn

Trung thu ánh trăng soi vằng vặc,

Đêm nay thật là tạnh ráo sau mưa.

Mây mù bốn phía đều quang đãng,

Sông núi tất cả đều thu vào trong mắt.

Mọi người thích trăng đều vui vẻ,

Duy chỉ có ta trong lòng thiết nỗi lo cho dân.

Đêm nay đẹp mặc cho cuối cùng không thưởng trăng,

Đành mời rượu ngâm thơ chớ nên coi nhẹ.

                      (Ngự chế thi nhị tập, quyển 8)

Vịnh trăng sáng đêm Trung thu

Đêm nay trăng sáng rực không khác ban ngày,

Đèn sao ép hết cả bầu rời chẳng cần phải làm trò.

Bao dung chịu đựng mây gần phòng khi che lấp trăng,

Nghĩ rằng khiến gió theo phụ giúp xua mây đi mau.

Mặt trời mặt trăng mùa hè mùa đông chia,

Trông mong trăng sáng trong lòng cũng vui.

Trong khoảng muôn dặm người nói giống như đêm nay,

Chẳng biết lê dân bị tai ương đã vui hay không.

                         (Ngự chế thi ngũ tập, quyển 4)

Trung thu không có trăng

Ba đến năm ngày nữa là gặp tiết Trung thu,

Thì đúng là lúc mây mù liên tiếp.

Điều vui nhất là ruộng nương được mùa,

Chẳng vui khi nghe hát trong cung.

Phong hỏa đài đã tắt biên thùy yên ổn,

Đất Long Biên sông thuận yên dòng.

Tiết thu phân gần tới (vào ngày 17 là tiết Thu phân),

Khi gần đến khí hòa tỏa khắp.

Hương lan thơm bay vào trong bữa tiệc,

Chậu quế nức hương chào đón tiệc mừng.

Đèn chúc ngàn cây vô cùng sáng,

Hương thơm nồng chen khói tỏa.

Tuy hôm nay chẳng có trăng ở trên trời,

Nhưng đã có đèn lửa đốt ở phía trước.

Đêm nay sao còn phải luống tiếc gì,

Còn lại đây năm này qua năm khác.

                     (Ngự chế thi lục tập, quyển 4)

Qua nội dung của năm bài thơ trên, người đọc cảm nhận được tâm tư tình cảm của vua Minh Mạng đối với đất nước: mong cho biên thùy yên ổn, sông núi thuận dòng, người dân được vui tươi đón Trung thu. Bên cạnh đó cũng là nỗi lo của vua khi những người dân gặp tai ương, không biết Trung thu này có được vui? Với nhà vua, Trung thu vui là khi ruộng nương được mùa, khí hòa lan tỏa khắp nơi.

Đọc thơ vua Minh Mạng, người đọc sẽ bắt gặp tâm sự của nhà vua khi lo cho nước, cho dân, cầu mưa, cầu tạnh; vui khi dân được mùa, buồn khi dân mất mùa, thiên tai. Điều đó chứng tỏ cái khác của vị hoàng đế khi làm thơ không cần tranh hay tranh giỏi với các văn sĩ đương thời - như chính tâm sự của nhà vua.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy