Tiếng vó ngựa xa
VNTN - Cụ nội nói, bản Chế tết này tròn chín mươi tuổi. Chế tiếng Mông nghĩa là nhà. Trong cuộc du cư năm ấy, cụ của Víu là đứa trẻ bảy tuổi. Cụ cùng đoàn đã đi từ nơi mặt trời thức dậy, đến miền mặt trời ngủ. Cuộc hỗn chiến với một tộc người khác kéo dài ba tháng, người bản Chế thua. Họ bị bật ra khỏi mảnh đất tổ tiên ông cha khai khẩn và đi đang đêm. Người họ tộc kia còn cho người đuổi đánh đến bờ sông Thanh mới dừng lại. Người bản Chế giỏi đan lát nên đã kết bè chạy thoát qua sông giữa mùa lũ lớn. Càng đi thấy rừng dày hơn, trời rộng hơn và núi cao hơn. Tới đây, núi thành vách dựng. Sông biến thành suối. Nước suối trong như sương. Khói biến thành mây, mây chồng mây cao hơn thác nước. Ẩn hiện trong nắng mai những tòa nhà cao lớn. Những cỗ xe không có ngựa kéo vẫn chạy bon bon trên đường. Những người đàn ông da trắng khổng lồ nói liến thoắng như loài vượn núi. Những người đàn bà mắt xanh như màu cánh chim rừng, ăn mặc diêm dúa như con trĩ, con công… Đi nữa, đi nữa, đi xa cái chỗ đang có gì đó rất tĩnh, rất kín như một mưu đồ, dù nó vô cùng tráng lệ.
Cụ nội Víu là người biết nhiều nhất về cuộc chạy trốn ấy. Ký ức của đứa trẻ bảy tuổi giống như lưỡi dao vừa ra khỏi lò rèn đã bập vào đá, mẻ những vết lớn. Những đứa trẻ ẵm ngửa, những đứa trẻ chào đời trên đường chạy trốn, giờ chỉ còn vài người, tóc cũng bạc trắng như bông tuyết đậu trên những mỏm đá rồi. Nơi cùng trời cuối đất này, có rất nhiều bản làng. Bản nào có câu chuyện của bản ấy. Người đến sớm, kẻ đến muộn. Người bản nào chăm chỉ thì đất bản ấy rộng. Không biết ai là người đầu tiên nói rằng năm nay bản Chế làm lễ mừng tuổi. Chỉ biết, cái tin lan ra, như người ta nhỏ một giọt máu vào bát rượu nóng. Như người ta vẩy vào đầu gió một vệt dầu hương khiến cả không gian sực lên ngan ngát. Ai ai cũng náo nức.
Víu xé từng tờ lịch, như người già lật vạt áo đếm rét. Rét từ trên những ngọn núi đá chọc trời rét về. Rét lùa qua rừng thông, vập vào nóc bản. Chị dâu Víu cắt về một lù cở đầy ngồng cải đắng, hái về một khăn đội đầu ớt xanh, đang loay hoay muối dưa cay ngoài chái bếp. Ngồng rau tước phần thân, để nguyên hoa với nụ. Nước đun sôi một chảo đầy, rau cho vào chần qua, vớt để ráo rồi xếp vào vại. Cứ một lớp rau lại một lớp ớt xanh. Đến gần đầy thì đặt cái vỉ nứa lên, chèn cho hòn đá suối. Nước muối đun sôi đợi ấm vừa thì dội lên ngập rau. Dưa cay có thể thái ra ăn kèm với thịt luộc, có thể thái ra xào với thịt hun khói, có thể băm nhỏ lẫn thịt rồi rang khô làm thức ăn đem theo lên nương ngày sau tết đi làm lúa. Dưa ngồng cải đắng màu vàng đẹp mắt, mùi cay sực buốt sống mũi. Đến bếp người Mông, ngửi mùi dưa cay biết ngay đàn bà con gái có chăm không, có khéo không. Anh trai Víu nâng trên tay quả bắp cải tím sẫm, những củ cải đỏ tươi, cười ngẩn ngơ vì cái loài rau củ đẹp anh trồng. Anh mê cây cối, rau củ gần bằng mê vợ. Đã đến lúc cái đẹp ăn được chứ không chỉ nhìn được. Đã đến lúc không chỉ ăn lấy no mà phải ăn lấy ngon, lấy đẹp. Mẹ Víu ngồi lấy sơn đỏ đánh dấu những đầu đũa to, để không so nhầm khi mời khách. Rồi mẹ tất bật mang vải đỏ ra xé áo tết cho nông cụ, vật nuôi. Người Mông tự vót đũa bằng ống bương rất dài. Vì nhà đông người, mâm cơm trải trên nền đất, đũa phải dài mới gắp được thức ăn. Người Mông cho nông cụ nghỉ tết, mặc áo tết hẳn hoi. Bố Víu ngồi làm thêm ba ống điếu hút thuốc, bảy sừng trâu đựng rượu mời khách, tô lại bài cúng cho rõ hơn. Bố Víu còn chưa đến năm mươi tuổi. Nhưng người cũ như cái chảo chỉ lên lửa có một lần đã cũ. Mà bố thì qua nhiều lửa rồi. Ông nội và bà nội Víu đều đã về với tổ tiên cả. Còn Víu, suốt cả ngày chỉ quẩn quanh với cây khèn, ống sáo. Hết lau chùi cho bóng lại chuốt lại âm cho thanh trong. Víu cẩn thận lắm. Còn đem vòng bạc ra, vắt chanh vào tro bếp, lau cho bạc trắng xóa mới thôi. Nhà Víu, mấy thế hệ vẫn sống chung trong một căn nhà lớn có nhiều buồng thế này. Mỗi người mỗi việc, nhưng đến bữa thì ăn chung một mâm. Tổng cộng là tám người. Nếu chị gái đem anh rể và hai cháu về nữa là mười hai người, cũng vẫn một mâm.
Người không mấy quan tâm đến lễ mừng tuổi bản là anh San. Mới hôm cái tin mở tiệc mừng tuổi bản râm ran lan truyền, anh là người đầu tiên phản đối. Bố đừng bàn chuyện tiệc tùng, cỗ bàn nữa. Thần linh không ăn được. Những người chết trong cuộc chạy trốn năm nào không ăn được. Tổ tiên không ăn được. Chỉ người sống ăn. Đằng nào cũng làm tết, thì chúng ta tổ chức ăn mừng luôn cùng tết, tách bạch ra làm gì. Bố xem, một năm người Mông ta đã có bao nhiêu cái hội, cái tiệc rồi. Rất là tốn kém, chỉ làm dân nghèo đi thôi. Đấy, anh còn nói nhiều nhưng Víu không nhớ hết. Anh San bướng từ bé, chí nả bao phen khóc vì anh. Anh thường dội xô nước lạnh vào ngọn lửa ấm, đổ lời chua chát vào những tâm trạng đang hoan hỉ phấn chấn. Chí bảo anh là cái bắp cải không bao giờ cuốn. Nả bảo anh là cây vừng nở ra bông cải. Ơ, thế mà chị dâu rất hợp anh. Bênh chằm chặp luôn. Thì họ gối tay nhau, đắp áo váy nhau, uống nước cốc nhau và ăn đũa chung nhau mà. Víu thèm sau này lấy vợ hợp được như anh trai chị dâu lắm. Nhưng bản này, trừ họ Mã nhà Víu ra, còn tám họ nữa, Víu xem hết rồi, con gái chưa đứa nào được bằng chị dâu hồi mười tám tuổi. Víu xem cả con gái mấy bản lân cận nữa, có nhiều đứa rất đẹp nhưng chúng nó đều như con ngựa đã đóng hàm thiếc, như cây thuốc lào trồng trong giậu. Những đứa không đẹp mấy thì giá như lời nói đủ ngọt. Giá như ánh mắt đủ ấm và những cái lắc mông khi đi xuống những bậc đá Sình Vá đủ khiến trái tim Víu lắc lư theo. Bản Chế mà mở hội mừng tuổi dài ngày là cơ hội lớn để Víu và những thằng trai thèm được phô diễn tiếng sáo, tiếng khèn, điệu nhảy, hi vọng tìm lấy ngọn lửa sưởi ấm mùa xuân này. Xuân ở Chế rất lạnh. Nhìn những cây đào, cây lê trong vườn thì biết. Chúng im phăng phắc như kẻ giả chết. Mặc người ta nói gì bàn gì, mong đợi gì, chúng vẫn im. Rêu rong tiến từ gốc lên tận ngọn, bò ra tận đầu cành. Mặc kệ, chúng vẫn giả chết. Giá như Víu có thể thờ ơ với tình yêu như cây đào thờ ơ với mùa đông thì tốt biết mấy…
Ơ thế không ai ra ruộng à? Không ai lên nương, không ai xuống suối nữa à? Anh San đeo sọt củ cải ở giữa sân mà nhìn vào chỗ bố đang tô bài cúng. Cả nhà bỏ qua lời anh San. Tất cả chỉ chăm chú nghĩ đến ngày Chế mở hội tưng bừng thôi. Dứt khoát không phải là tết. Hội là hội chứ. Hội mở vào tết thì chả ai biết đấy là đâu. Víu buông cây sáo đi ra vườn bê vào một khúc củi lớn để nối lửa trong buồng của cụ. Trời buốt thế không biết. Cụ nội tụt từ trên giường xuống. Chăn đệm dường như bất lực trước thân thể cạn nhiệt của người già. Cụ xán lại gần bếp, ngay cạnh khúc củi còn đang toát hơi lạnh. Cụ bấm bấm đếm đếm gì đó trên đốt tay. Những ngón tay sần sùi, chi chít đường ngang vạch dọc của cụ là một quyển lịch, thứ lịch người già. Cụ bấm tay ra ngày xấu, giờ tốt, ra hướng nhà hướng bếp, ra tuổi con gái hợp con trai, ra mưa, ra nắng, ra gió ra tuyết, còn ra vận hạn của từng người trong nhà. Cụ vừa bấm vừa khò khè thở. Víu phồng mồm thổi lửa bằng cái ống vầu dài. Sức con trai mà lại. Người Mông, chỉ nên thổi lửa bếp nhà mình thôi. Kiêng thổi bếp nhà người, nhất là dịp tết, nhỡ mà làm tắt lửa bếp người ta, đen đủi cả năm, người ta trách móc. Kiêng lắm đấy. Nhiều nhà, đến bếp nhà mình cũng kiêng thổi ba ngày tết. Vì thế, những bó đóm nứa khô nỏ phải được chuẩn bị từ trước tết cả tháng. Cụ từng nói, người ốm yếu mà thổi lửa, thì sẽ làm lửa tắt. Vì người ốm, luồng khí âm vượng. Khí âm sẽ khiến bếp lạnh và tắt. Người khỏe, khí dương sung mãn, sẽ làm bếp bùng cháy. Khi ngồi bếp, đàn ông hãy cầm cái ống thổi thay đàn bà, trẻ con, người ốm. Như thế mới là thương nhau. Thấy cụ nội thở khò khè, Víu nẩy ra một suy nghĩ. Víu vội chạy ra bếp ngoài, vốn là bếp nấu nướng. Ở đó có bố với anh San đang ngồi. Bàn tay bố giấu trong bụng. Bàn tay anh San đang hơ lửa, những ngón bầm đỏ vì lạnh như đang bốc hơi. Anh San mới ra ruộng lấy củi cải đỏ về mà. Người Mông, suốt ba ngày tết chỉ ăn thịt chứ không ăn rau. Ăn cơm khô chứ không ăn canh chan. Đồng bào chỉ muốn một năm chăn nuôi tốt, có nhiều thịt mà ăn, không phải ăn nhiều rau quá. Không phải ăn độn canh củ thay cơm. Thế anh trồng rau nhiều làm gì? À. Tết năm ngoái, kiêng qua mùng một, đến chiều mùng hai, anh San đã mang củ cải đỏ về luộc lên, sắp ra đĩa. Không ai dám phá lệ mà gắp. Chỉ mỗi cụ gắp. Cụ nói ăn rau cho mát ruột. Cái bụng cụ đầy lắm, sắp không chịu được thịt rồi. Rau đỏ cũng mang điềm may cho người mà. Bố mẹ thương con trai trồng cấy vất vả nên cũng ăn. Mỗi Víu là kiên quyết không phá lệ. Suốt ba ngày tết Víu chỉ ăn thịt. Sáng mùng ba, anh San còn để bạn rượu ngồi chờ, anh chở lên phố một sọt củ cải đỏ đến ba mươi cân. Chỉ hai tiếng sau là anh bán xong rồi về. Người Kinh tết ăn nhiều rau lắm. Họ đầy đủ quanh năm rồi nên tết không cần nhiều thịt. Sao mình không học người ta để làm ra cái sự đủ đầy nhỉ?
Những người không biết phong tục của người Mông thì cứ nói người Mông tham tiền, mùng hai, mùng ba tết đã đi bán rau, bán phong lan với bán gà. Thực ra là tục của người Mông thế, ba ngày tết, nhà nào bán được thứ gì đó do họ làm ra, con gì do họ nuôi được, củ quả gì do họ trồng được thì cả năm ấy họ sẽ có nhiều thứ để bán và có rất nhiều tiền. Thế thôi. Nếu không có cái chương trình mừng tuổi bản này, năm nay, Víu sẽ đi bán quay với sáo để có thêm chút tiền mua quà cho mẹ trước khi đi bộ đội. Víu nhớ tết năm nào đó, khi Víu chưa biết tự làm sáo, Víu mua sáo của một ông già ngồi ở sân nhà thờ. Ông ấy tán Víu thế này. Mày không biết thổi sáo, là mày không phải con trai Mông rồi. Víu ghi nhớ câu nói ấy. Thấy Víu đứng ngẩn người rõ lâu. Bố Víu hỏi. Gì thế? Víu vội vàng. Cụ ốm rồi đấy. Hay là cả bản mình năm nay ăn tết người Mông đi. Bố là trưởng bản cơ mà, bố quyết là bà con theo luôn. Con xem lịch, sắp tết người Mông rồi. Tại sao chúng ta phải ăn tết theo người Kinh? Ánh mắt bố như thể nói. Mày toàn nói những điều cũ kỹ. Cả bản này, ai chả biết thế. Nhưng mà đã mấy năm nay, theo nhà nước ăn tết chung rồi. Giờ bỏ sao được. Bố quay nhìn sang anh San. Anh San thì như thể con rể chứ không phải con trai. Víu bồi tiếp. Rồi đến tết người Kinh, chúng ta lại mở tiệc mừng tuổi bản. Anh San bật cười. Ờ, mày chỉ thích ăn chơi thế này, mà còn đòi cưới vợ rồi mới đi bộ đội trong khi người yêu chưa có. Làm như mày nói là ăn uống tiệc tùng suốt hai tháng. Rượu đâu, gạo đâu, thịt đâu? Nương ruộng để cho chuột về làm tổ à? Chúng ta ăn tết Nguyên đán là ăn tết cổ truyền giống cả dân cả nước, chứ theo gì người Kinh? Víu vùng vằng đi vào buồng cụ. Phải bốn năm nay người Mông ở bản Chế không ăn tết theo phong tục của họ nữa rồi. Tết người Mông sớm hơn tết cổ truyền của toàn dân cả tháng. Vì người Mông tính chẵn mỗi tháng ba mươi ngày, năm là ba trăm sáu mươi ngày, không có tháng nhuận, không có tháng thiếu. Bố Víu vớ cái điếu cày, làm một hơi rồi thả thõng một câu. Chúng mày như thế không được. Phải thế nào mới được thì bố lại không nói. Mà kể ra bố cũng khó nói. Bố là trưởng bản thật, nhưng bố học hết có lớp tám. Còn Víu đã học xong mười hai, chờ ăn tết xong là đi bộ đội. Anh San cũng học xong mười hai, còn học xong cái trường gì như là cao đẳng về chăn nuôi trồng cấy nữa. Nhà có hai thằng con trai. Thằng anh chí thú làm ăn, ham làm giàu. Thằng em thì chỉ thích tiệc tùng, hội hè, chỉ thích chơi, hát hò nhảy múa viển vông. Cơ mà nó hát hay, sáo khèn giỏi. Nói chung, chúng nó đều không giống bố. Cả hai đứa cộng vào, chia đôi thì may ra mới giống bố một tí. Cái nết của bố là sớm chả vội, tối chả cần. Làm thì làm ra trò mà chơi thì cũng như mũi tên sau khi bật lẫy luôn. Bát ngát rừng non ruộng già. Ấy thế, không biết chơi, không biết bát ngát, chả làm được trưởng bản đâu!
Víu ấm ức lắm. Vì bố không nghe lời Víu. Víu sắp đi xa nhà cả mấy năm, mà người lớn chả nể nang Víu gì cả. Hay là bố xuôi tai theo anh San rồi. Ý anh San là gộp cái lễ mừng tuổi bản vào tết cổ truyền, hoặc gộp vào hội xuống đồng. Nhưng hội xuống đồng vào ngày Thìn đầu tiên của tháng giêng (không kể bảy ngày tết). Lúc ấy Víu đi bộ đội rồi. Còn được vui nữa à? Hôm nọ anh San còn bảo, nếu không vì cụ và những người già bản Chế lắt lay như cây đóm trước gió thì để khi bản Chế đầy trăm tuổi mừng cả thể. Rõ là cái người càng học nhiều càng lắm lý. Bản càng nhiều tuổi thì con cháu càng tự hào. Nhưng người càng nhiều tuổi thì càng gần với tổ tiên. Hễ bàn gì anh nghe được là anh phủ đầu một lãng phí, hai lãng phí. Chán anh San. Chán cả bố. Muốn nói chuyện với cụ thì cụ bỏ lửa lên giường nằm. Víu lại đem ống sáo ra chuốt giọng. Việc chuẩn bị gạo đồ xôi giã bánh dày ngày tết đã có mẹ. Việc ủ rượu thóc đã có bố. Cắt giấy trang trí, làm quả pao đã có chị dâu. Víu có việc gì đâu mà chả khèn với sáo. Nhưng thử hỏi, nhà này đã ai được huyện khen nhiều như Víu chưa? Bằng khen dán đầy nhà kìa, năm nào hội diễn văn nghệ quần chúng, Víu cũng được giải nhé. Hát có, sáo có, đánh quay có. Có cả giải thưởng đi cà kheo kìa. Bố tự hào về Víu ngấm ngầm trong bụng chả nói ra thôi. Chỉ có mẹ là thi thoảng lại lườm nguýt Víu và đánh động Víu đừng sốt ruột, để tìm cho được đứa con dâu ngoan ngoãn xứng đáng cho mẹ. Víu cũng chẳng vì được cả nhà chiều chuộng mà sinh hư đâu. Nhưng đi bộ đội đến nơi rồi, mà chả có chỗ để thương nhớ gửi về thì… Nghe Víu thổi sáo. Cụ nhắc. Cháu ra giữa giời đất mà thổi chứ. Sáo Mông, ai thổi trong xó bếp bao giờ? Víu vươn vai bước ra sân. Víu thấy trời có vẻ ấm lên. Víu đứng chống một chân lên mom đá, mắt mơ màng nhìn xuống thung lũng, và đưa ống sáo lên môi…
Đang mải mê thổi sáo thì Víu nghe tiếng vó ngựa từ xa vọng lại. Những năm gần đây, đường xá tốt rồi, người Mông cũng mua xe máy đi nhiều, còn ít nhà dùng ngựa thồ với cưỡi lắm. Cùng xã với Víu, nhưng ở bản So, giáp với đất của người Dao, có một bản nghèo lắm, chưa có đường to để đi, điện còn chưa tới. Người dân chủ yếu đi lại bằng ngựa. Chắc người bản So ra nhờ vả gì cụ đây. Víu dừng sáo. Tiếng vó ngựa lộc cộc nước kiệu trên lối vào nhà Víu. Từ trên lưng ngựa nhảy xuống là một đứa con gái mặc váy. Nó cột chạc ngựa vào gốc cây lê nhà Víu rồi bước tới chỗ Víu đứng. Gái này là gái đi học đây. Váy nó toàn hạt kìa. Gái Mông đen mặc quần nhung đen mà Víu còn chưa vừa ý. Giờ gái Mông đen mặc váy, mà là thứ váy mua sẵn rất diêm dúa, đắt tiền. Víu không thích lắm đâu. Nó nhìn thấy Víu thì nhoẻn cười. Ôi cái má lúm sâu ơi là sâu. Hàm răng đều tăm tắp trắng ơi là trắng. Và lời nói thì thánh thót như họa mi. Tiếng sáo của anh đưa em tới đây đấy. Víu líu ríu mời khách vào nhà. Khách lại đi vào bếp. Anh San đứng dậy nhường sự tự nhiên cho thằng em trai hay xấu hổ. Chưa bao giờ có cái việc nước đi tìm máng thế này đâu. Con bé kia đến là tự nhiên. Nó khoe, nó hai mươi, đang học đại học văn hóa ở thủ đô. Nó hỏi Víu về những thành tích thi thố. Nó còn hẹn là mùng ba tết sẽ đến đây, mở hàng cho Víu một đôi ống sáo để đem về Hà Nội, tặng cho thầy giáo nó là người mê sáo. Víu cứ gọi là ngất ngây khi kể về những chiến công oanh liệt của mình, những giải thưởng, những ngày đi hội diễn, đến việc chọn trúc, khoan lỗ làm sáo, học các làn điệu dân ca Mông, cách chọn gỗ đẽo quay… Con bé kia nghe như uống lời. Rồi nó còn hỏi Víu về cảm giác khi lên đường nhập ngũ, bảo vệ Tổ quốc. Víu vui, vui đến ngột ngạt cả người. Khách về rồi, tiếng vó ngựa xa rồi mà Víu vẫn còn ngơ ngẩn đứng ở ven suối đến khi quần áo lạnh toát mới về. Lâu lắm rồi, Víu mới tiễn một người khách bằng đoạn đường xa thế. Ở cái nhà này, suy cho cùng chưa ai công nhận những thành tích của Víu một cách thoải mái, dễ chịu và đầy cảm xúc như đứa con gái xa lạ kia. Mà giờ không còn xa lạ nữa. Víu biết tên, tuổi và cả số điện thoại của người ta rồi. Len, cái tên nghe thôi cũng thấy ấm áp.
Chiều ba mươi tết, chị dâu mang đôi thùng gánh nước ra suối cọ rửa. Không phải cọ rửa để cất đi, để mặc áo tết và nghỉ ngơi như con dao cái cuốc, cái búa… Mà cọ sạch để sớm mùng một còn gánh nước. Kể từ ngày chị về làm dâu, chị là người nhận lấy việc gánh nước sáng mùng một cho cả nhà. Nước chị gánh từ suối về đổ tràn các xô thùng, chậu lớn bé. Trong khi, nhiều nhà ở bản đã bỏ tục này rồi thì nhờ chị mà nhà Víu vẫn giữ được. Tục lệ Mông cho phép ngày mùng một tết, mọi người được dậy muộn hơn ngày thường và không làm gì lúc sáng sớm cả. Nhưng chị dâu vẫn dậy sớm nhất nhà để ra suối, múc về những thùng nước trong nhất đầu năm. Những mong một năm sẽ tràn trề nước và ruộng vườn tươi tốt… Víu đi ra, nắm vào mấu đòn gánh của chị và bảo. Sáng mai, chị dâu cứ ngủ nhiều vào, để em gánh nước nhé. Chị dâu Víu mỉm cười. Anh San từ trong bếp đi ra, vỗ vào vai Víu, nói to. Chúc mừng chú nhé, xã vừa quyết định sẽ tổ chức lễ mừng tuổi bản Chế ta, mừng tuổi cho tất cả những người già vào dịp tân binh lên đường nhập ngũ. Tre già măng mọc mà lại. Hội sẽ diễn ra ba ngày, sau đó cả bản sẽ tiễn chú và sáu chàng trai nữa của bản ta…
Anh San chưa nói hết câu Víu đã nhảy lên, xoay một vòng tròn rồi đáp xuống, nhấc bổng anh San lên trong tột cùng vui sướng. Hai anh em cười to đến nỗi, từ trong buồng, cụ vốn rất nặng tai cũng tấp tểnh đi ra cửa ngó. Mấy con dê ngơ ngác dừng nhai lá. Víu vui muốn khóc. Chưa bao giờ Víu có nhiều niềm vui như thế này. Vừa hôm nào xin số điện thoại người ấy, Víu nói. Xin để sau này, khi nào có chuyện buồn, Víu còn tâm sự. Thế nhưng, ngay đêm nay, lúc chờ con gà gáy hay con chó sủa đón năm mới, Víu sẽ gọi điện để khoe với người ấy những niềm vui. Nhưng, thật sự, Víu không chờ được thêm nữa đâu. Víu lấy điện thoại ra, đứng giữa sân, ngay cạnh anh San mà gọi cho Len. Lộc cộc… lộc cộc… lộc cộc. Tiếng nhạc chuông kỳ lạ làm sao. Nó khiến lòng dạ Víu bồi hồi giống hệt như khi nghe tiếng vó ngựa xa hôm nào!
Truyện ngắn. Tống Ngọc Hân
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...