“Tiếng kèn Pí lè” của người gái bản
(Đọc tập truyện ngắn của Bùi Thị Như Lan)
VNTN - Tôi được “gái bản” tặng tập truyện ngắn Tiếng kèn Pí lè - Nhà xuất bản Quân đội nhân dân “vừa ra lò” vào trung tuần tháng 7/2015 này, sau Bồng bềnh sương núi - Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, năm 2009 và Cọn nước đôi - Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2012, của “noọng”- Nhà văn, Trung tá quân đội Bùi Thị Như Lan.
Vẫn những mạch nguồn dào dạt từ những tập trước - Tiếng kèn Pí lè phản ánh cuộc sống mưu sinh vất vả của người miền núi, nhưng cũng đầy sự lãng mạn, nặng tình yêu thương, bao dung, nhân ái và cao thượng.
Mở đầu tập truyện là Lá bùa đỏ - lá bùa định mệnh biến gã trai bản hồn nhiên như cây cỏ trải những thăng trầm, lĩnh án tù bởi sự thiếu hiểu biết về pháp luật. Sự trở về sau khi thụ án của Lình đã khép lại một trang buồn để mở tiếp những trang vui.
Ngọt ngào những câu dân ca, đắng đót bao số phận, Lời Sli trôi trong trăng như một trò đùa số phận khiến cặp sơn nữ song sinh đẹp như hoa như mộng, giống nhau như hai giọt nước gặp nhiều oan trái. Sự nhầm lẫn tai hại đã khiến Sang (cô chị) được gả cho chàng trai bản khác. Đêm tân hôn ngọt ngào tận hiến, qua phút giây nồng nàn, người chồng mân mê bàn tay vợ thấy không có ngón tay thừa - đặc điểm duy nhất để nhận biết sự khác nhau với Sao (cô em), người đã cùng anh trao gửi yêu thương qua bao mùa trăng hò hẹn. Cay đắng của Sang là duy nhất sau một lần làm vợ mà với chồng cứ như người xa lạ. Cay đắng những đêm Sli để Sao nuôi con một mình.
Bạn toồng là tình cảm chân thành, bền lâu của ông Sẩn và ông Phái. Hai chàng trai với hoàn cảnh khác nhau: Anh Phái lấy cô Mải không thể có con, anh Sẩn yêu cô Xay nhưng nhà gái không gả vì anh không thể nói được. Sự kỳ diệu đã xảy ra trong một đêm đông rét buốt - trên lưng một con ngựa, như trong mơ, đem đến ngôi nhà nhỏ bé của đôi vợ chồng hiếm muộn một đứa bé trai. Hai mươi bốn năm trôi qua với trọn vẹn tình yêu thương của đôi vợ chồng dành cho đứa trẻ - cậu trai- chiến sỹ tên là Ngọ. Bí mật đã vô tình bật mí trước bà Mải vào hôm ông Phái đến chơi nhà để bà chợt nhận ra con trai mình giống bạn toồng của chồng đến kỳ lạ.
Khai thác nỗi đau thân phận con người - Tiếng kèn Pí lè là một sự đau đớn tột cùng. Cặp sinh đôi, người anh (Sính) yếu ớt, người em (Siển) khỏe mạnh. Số phận đùa cợt Sính khi lấy cô Mí, người con gái đẹp nhất vùng qua bà mối, nhưng lại tước đi của nàng hạnh phúc được làm vợ, vì bất lực. Mí lầm lũi chấp nhận những ngày làm dâu họ Sùng. Cha là trưởng họ, anh Sính sau này sẽ thay cha làm trưởng họ, trưởng họ không thể không có con. Những dằn vặt của cha, cha dằn vặt Siển, bắt anh phải làm cái việc không ai muốn. Cha bắt Siển uống rượu thật nhiều, thật nhiều và…
Xoay quanh mối quan hệ của hai gia đình, Mùa cây mắc tào nở hoa đề cập tới những điều giản dị. Dần, chàng trai được gia đình “bắt” lấy Sang - con gái bạn toồng của bố, đang là cô giáo của bản, khi anh còn đang là học viên năm cuối ở một trường quân sự. Cuộc hôn nhân sắp đặt. Những phong tục tập quán lâu đời được tái hiện trong câu chuyện. Sự thắt nút và mở nút lại chính là những người trong cuộc - hai gia đình họ Nông và họ Lý. Đổi con cho nhau, se duyên cho hai đứa con đã đổi - một sự kiện hy hữu.
Tái hiện hình ảnh người phụ nữ chờ đợi mỏi mòn những người thân yêu trở về - sự hy sinh không toan tính, Trăng mọc trong thung lũng là một câu chuyện nặng buồn đau. Truyện kể về người phụ nữ tên Ngần, đi qua tuổi xuân, bỏ ngoài tai những điệu khèn, lời hát. Người phụ nữ ấy dành tất cả tình yêu chăm chút cho 2 đứa con của người chị ruột bị chết vì lũ cuốn, khi anh rể đi đánh giặc. Rồi dì Ngần thành mế khi pò trở về. Thời gian làm vợ quá ngắn ngủi. Nỗi đau mất chồng sau thời gian mất đứa con đứt ruột đẻ ra do di chứng chiến tranh. Bền bỉ như dây mây, cây nứa, đối mặt với đau thương, với lễ giáo khe khắt của đời thường.
Vẫn hình ảnh những người phụ nữ áo chàm lam làm, cái khó cứ chồng chất lên những phận người. Những mất mát to lớn: mất người đã biến trái tim bà cô hóa đá, biến người vợ thành điên dại, biến đứa con thành bơ vơ. Những con người co cụm vào nhau, nương tựa vào nhau bởi chất kết dính gia đình. Gió thổi qua rừng không phản ánh những biểu hiện bên ngoài mà đi sâu khai thác tâm lý nhân vật. Trong mông lung của tạo hóa, người sống đặt niềm tin vào người chết. Một niềm tin thánh thiện mà chênh vênh.
Truyện cuối cùng của tập có tên Trầm hương dường như truyện liêu trai. Giữa hai bờ hư - thực, âm - dương, tốt - xấu, thánh thiện - trần tục, hình như cõi vô hình đã thắng. Khi gối mỏi chân chồn, bị vấp ngã trên con đường cơm áo, con đường quyền lực thì không cú ngã nào đau bằng cú ngã trước bậu cửa nhà mình. Cú ngã ấy sẽ làm con người tỉnh táo dời bỏ bến mê, quay đầu về bờ giác.
Là người con gái của bản Tày nên hình như tiếng tí tách nảy mầm của cỏ, tiếng róc rách của suối, tiếng thở dài của gió, tiếng nức nở của đất đều được Bùi Thị Như Lan cảm nhận và thu nhận trọn vẹn để đem hết hồn vía, phong tục tập quán, ngôn ngữ quê hương sắp đặt vào từng trang viết một cách hợp lý.
Con người và cảnh vật miền núi hiện lên trong Tiếng kèn Pílè chân thực và sống động, thật và nhân hậu đến bất ngờ.
Nông Thị Ngọc Hòa
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...