
Góc biếm họa số 6 (2025)

Mười lăm năm rồi, cứ vào tối 30 Tết, nhiều người, nhiều nhà ngồi trước màn hình ti-vi đón xem chương trình nghệ thuật “Gặp nhau cuối năm” do Trung tâm Sản xuất Phim Truyền hình (Đài Truyền hình Việt Nam) sản xuất. Câu chuyện xa xưa nhằm giải thích cho ngày “ông Công ông Táo” cưỡi cá chép chầu trời (23 tháng Chạp) đã được hài kịch hóa, dùng tiếng cười để phê phán những thói xấu đương thời.
Mặc dù gây nhiều tranh cãi, nhưng “Gặp nhau cuối năm” vẫn là chương trình có lượng người xem đông đảo. Lời ăn tiếng nói của các nhân vật còn truyền trong dân chúng một thời gian dài sau phát sóng.
Mô típ chương trình từ năm 2013 đến nay không thay đổi nhiều. Các Táo (ngầm hiểu là người đứng đầu các bộ, ngành) báo cáo công việc năm qua với Ngọc Hoàng theo kiểu “Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”. Nhưng người đứng đầu thiên đình và hai trợ lý đắc lực là Nam Tào và Bắc Đẩu cũng có nhiều thông tin để chỉ ra những gian dối trong báo cáo của các Táo.
Khác với 14 chương trình trước, sau khi chương trình “Gặp nhau cuối năm” xuân Mậu Tuất phát sóng, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) cùng Trung tâm Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT (ICS) đã gửi Thư ngỏ gửi đến Đài truyền hình Việt Nam (VTV) và Ban biên tập chương trình “Gặp nhau cuối năm” để phản đối việc chương trình đã xúc phạm đến người đồng tính (LGBT).
Thông tin trên khiến nhiều người “giật mình”. Nhìn lại mười lăm năm kể từ khi ra đời, nhân vật Bắc Đẩu trong “Gặp nhau cuối năm” là người thuộc cộng đồng LGBT và được hóa trang ngày càng “đàn bà” hơn. Chính vì nét “đặc biệt” đó mà cô Đẩu đanh đá, chanh chua hơn người, các Táo vì thế cũng dành nhiều lời lẽ “châm chích” lại cô Đẩu. Một số câu như "Con chi sống trên trời không phải nữ cũng chẳng phải nam", "Bọn phụ nữ một nửa" trong chương trình “Gặp nhau cuối năm” Xuân Mậu Tuất là giọt nước tràn ly khiến cộng đồng LGBT phải lên tiếng.
Tìm hiểu thêm về vấn đề này, chúng ta được biết, trong tiếng Anh có các từ: Lesbian (đồng tính nữ), Gay (đồng tính nam), Bisexual (song tính nam hoặc nữ), và Transsexual/Transgender (hoán tính/chuyển giới). LGBT là các chữ cái đầu ghép lại mà thành. LGBT có thể hiểu là cộng đồng những người đồng tính. Thế giới chọn ngày 17 tháng 5 hằng năm là “Ngày quốc tế chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người LGBT”. Cách đây 28 năm, ngày 17-5-1990, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) loại bỏ đồng tính ra khỏi danh sách các bệnh, chứng minh rằng đồng tính là hoàn toàn tự nhiên. Tháng 3-2011, 85 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ký vào bản Tuyên bố chung về việc chấm dứt các hành động bạo lực và vi phạm nhân quyền dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới. Tháng 3-2013, tại phiên họp thứ 19 của Hội đồng Nhân quyền, Cao ủy viên Liên Hiệp Quốc về quyền con người, ông Navi Pillay, đã yêu cầu các nước viết lên “một chương mới” trong lịch sử Liên Hiệp Quốc, đóng góp vào việc chấm dứt ngay bạo lực và phân biệt đối xử đối với người LGBT.
Tuy nhiên, với nhận thức và hiểu biết về giới tính của đa số dân chúng còn hạn hẹp, coi người LGBT là bệnh hoạn, nên cộng đồng LGBT vẫn bị kỳ thị và phân biệt đối xử.
Một nghiên cứu về bạo lực học đường do UNESCO thực hiện năm 2015 tại 20 nước ở châu Á (trong đó có Việt Nam) cho thấy 70% học sinh LGBT từng bị bắt nạt và phân biệt dưới nhiều hình thức như: tẩy chay, ngừng kết bạn, trêu chọc… dẫn đến 15% học sinh LGBT phải trốn học hoặc bỏ học.
Ở Việt Nam, tính theo “tỷ lệ an toàn” đã được khoa học thừa nhận với mức 3%, thì cả nước hiện có khoảng gần 3 triệu người LGBT.
Nhìn chung, người LBGT ở Việt Nam vẫn bị xã hội nhìn nhận một cách “khác biệt”, thiếu cảm thông và bị xa lánh. Trong khi đó, thay vì hướng tới giá trị nhân văn, truyền thông đôi khi lại đi ngược với lợi ích cộng đồng. Phản ứng của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) cùng Trung tâm Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT (ICS) là hoàn toàn có cơ sở. Bởi không chỉ trong “Gặp nhau cuối năm” mà ở nhiều chương trình khác, những người làm chương trình không ít lần đã dùng khuyết điểm thân thể (lùn, béo, vẩu, khiếm thị, khiếm thính, xấu xí…) để gây cười, vô tình gây tổn thương cho người khác.
Không ai sinh ra trên đời này được quyền chọn cho mình về giới tính và hình hài. Nhưng dù họ ở giới tính nào, hình hài như thế nào thì họ cũng là những con người được pháp luật bảo vệ. Đã đến lúc, tiếng cười cất lên cũng cần nhân văn hơn, trí tuệ hơn.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...