Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
09:43 (GMT +7)

Thượng nghị sĩ John McCain và người phụ nữ Việt Nam có biệt danh “Ngôi sao Hollywood”

VNTN - Ngày 26/10/1967, Thiếu tá John McCain lái chiếc máy bay A-4E Skyhawk thực hiện phi vụ ném bom miền Bắc Việt Nam trong khuôn khổ chiến dịch "Sấm Rền" (Rolling Thunder). Trước phi vụ này, John McCain đã thực hiện 22 phi vụ ném bom miền Bắc Việt Nam. Chiếc máy bay do John McCain điều khiển đã bị quân và dân Hà Nội bắn rơi, ông may mắn thoát chết và nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch. John McCain bị thương nặng khi máy bay bị trúng đạn và được đưa tới một bệnh viện ở Hà Nội để chữa trị. Ông nằm viện 6 tuần và sau đó được đưa tới nhà tù Hỏa Lò, nơi mà các phi công Mỹ gọi bằng tiếng lóng là "Hanoi Hilton" (khách sạn Hilton Hà Nội). John McCain cùng nhiều tù binh Mỹ khác được trao trả ngày 14/3/1973, theo điều khoản trao đổi tù binh của Hiệp định Hòa bình Paris.

Sau khi trở về Mỹ, John McCain tham gia hoạt động chính trị và trở thành Thượng nghị sĩ, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Quốc hội. Ông là một trong những người tích cực ủng hộ việc bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ song phương giữa Việt Nam và Mỹ. Theo tờ "Thời báo New York" (New York Times), thời gian hơn 5 năm trong nhà tù tại Việt Nam có ảnh hưởng lớn đến quan điểm của John McCain về các chính sách chiến tranh và quan hệ Việt - Mỹ.

Hình ảnh bà Trịnh Thị Ngọ đăng trên báo Mỹ năm 1966. Nguồn: vov.vn

Trong chuyến thăm Hà Nội với tư cách Thượng nghị sĩ, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Quốc hội Mỹ năm 2000, John McCain nói rằng: "Ngày nào tôi cũng nghe chương trình phát thanh của cô Ngọ từ một chiếc loa lớn treo trên trần của nhà giam", "tôi thực sự ngạc nhiên, đối với tôi, cô Ngọ như một ngôi sao, song cô ấy chưa từng đến Hollywood bao giờ".

Người phụ nữ mà John McCain nhắc đến là bà Trịnh Thị Ngọ, phát thanh viên tiếng Anh của Đài tiếng nói Việt Nam, người cũng được lính Mỹ gọi là "Hanoi Hannah", "phù thủy có giọng đọc ám ảnh"... Bà Trịnh Thị Ngọ sinh năm 1930 tại phố cổ Hàng Bồ, Hà Nội. Bà là con của nhà tư sản Trịnh Đình Kính, được mệnh danh là "ông hoàng thủy tinh Đông Dương". Bà thi đậu tú tài Pháp, rất thích học tiếng Anh. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn nhà báo Don North năm 1978 tại thành phố Hồ Chí Minh, bà nói bà muốn học tiếng Anh vì tiếng Anh có ngữ điệu rất hay và vì bà muốn có thể tự mình nghe hiểu được lời thoại của các diễn viên trong phim mà không cần phụ đề dịch, nhất là bộ phim "Cuốn theo chiều gió". "Tôi thích phim Mỹ hơn là phim của Pháp", bà đã nói như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn Tạp chí New York Times năm 1994, "trong các phim của Pháp, nhân vật thoại nhiều quá, trong khi phim Mỹ thiên về hành động nhiều hơn". Năm 1955, Đài Tiếng nói Việt Nam mở chương trình phát thanh tiếng Anh, Trịnh Thị Ngọ với vốn tiếng Anh thành thạo của một sinh viên vừa tốt nghiệp khoa tiếng Anh, trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, đã trở thành phát thanh viên kiêm biên dịch và biên tập viên.

Ở miền Nam, trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn của chiến lược "chiến tranh đặc biệt", Mỹ phải chuyển sang chiến lược "chiến tranh cục bộ", ồ ạt đưa quân viễn chinh Mỹ và đồng minh vào miền Nam Việt Nam. Tháng 3/1965, Lữ đoàn 9 thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ vào bãi biển Đà Nẵng, đánh dấu sự can thiệp trực tiếp của Mỹ vào miền Nam.

Trước tình hình đó, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phối hợp với Cục địch vận, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam làm một chương trình phát thanh đặc biệt bằng tiếng Anh dành riêng cho lính Mỹ lấy tên là chương trình A small talk to American GIs (Chuyện nhỏ với binh sĩ Mỹ). Bà Trịnh Thị Ngọ được giao nhiệm vụ trò chuyện với lính Mỹ trên sóng đài phát thanh, giúp họ có cái nhìn đúng đắn về cuộc chiến tranh Mỹ đã gây ra ở Việt Nam. Cũng từ đó, tên tuổi của Trịnh Thị Ngọ gắn liền với chương trình phát thanh cho các binh sĩ Mỹ với cái tên Thu Hương. Sau này, nhiều phóng viên nước ngoài hỏi vì sao bà lấy tên là Thu Hương, bà Ngọ đã trả lời rằng, vì tên bà "Trịnh Thị Ngọ" có hai từ có dấu nặng, rất khó đọc đối với người nước ngoài, nên bà đã lấy tên là Thu Hương (Hương mùa Thu), tên một cô bạn gái rất thân, rất dễ đọc và dễ nhớ. Sau này, bà còn đặt tên Thu Hương cho con gái của mình. Nhưng lính Mỹ gọi bà là Hanoi Hannah (Hannah là tên tiếng Anh cho người nước ngoài, dùng cho phụ nữ, có nghĩa là vẻ yêu kiều, uyển chuyển, thanh tao, trang nhã).

Các buổi phát thanh địch vận bằng tiếng Anh của bà Trịnh Thị Ngọ được phát vào ban đêm, sau một ngày dài diễn ra chiến sự. Câu mở đầu của chương trình thường là: “Đây là Thu Hương, trò chuyện với binh sĩ Mỹ ở Nam Việt Nam...” Lúc đầu, buổi phát thanh chỉ dài 5-6 phút mỗi lần và mỗi tuần có 2 buổi phát. Sau đó, thời lượng của chương trình tăng dần, phát ngày 3 buổi, mỗi buổi 30 phút. Bà cũng là người có vinh dự được đọc trực tiếp bản tin bằng tiếng Anh, thông báo với thế giới về sự kiện lịch sử của Việt Nam: “Sài Gòn đã được giải phóng, miền Nam đã được giải phóng hoàn toàn” vào 5 giờ chiều ngày 30/4/1975. Sau ngày đất nước thống nhất, bà theo chồng vào miền Nam sinh sống và làm việc ở Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh.

Tháng 11/1991, nhà báo Don North, cựu phóng viên truyền hình ABC, tác giả bộ phim tài liệu nổi tiếng Việt Nam - Cuộc chiến 10.000 ngày, đã có cơ hội gặp gỡ bà Trịnh Thị Ngọ, người mà theo Don North, từng khiến lính Mỹ "mất ăn mất ngủ". Don North đã viết về một bản tin mà bà Ngọ thường gửi đến lính Mỹ như sau: Xin chào những người lính Mỹ vô danh, hôm nay các anh có khỏe không?”, “Các anh đang bối rối đúng không? Không gì bối rối bằng việc bị ra lệnh phải bước vào một cuộc chiến hoặc phải chết hoặc bị tàn tật trọn đời mà không hề biết về những gì đang diễn ra. Chính phủ các anh đã bỏ rơi các anh. Họ ra lệnh cho các anh chết. Đừng tin họ. Họ lừa các anh rồi.”. Cũng trong chương trình đó, bà đã đọc tên của từng người lính chết trận trong tháng trước đó cùng với nguyên quán của họ. Sau này được hỏi bà lấy những thông tin đó ở đâu, bà đã trả lời rằng, bà và các đồng nghiệp đã khai thác và tổng hợp thông tin từ báo chí, trong đó có tờ báo của lục quân Mỹ Stars and Stripes (Sao và vạch), Newsweek... và tài liệu của Cục địch vận. Những người lính Mỹ, từ thái độ không nghiêm túc, thậm chí chế diễu ban đầu, đã ngồi im lặng lắng nghe giọng của bà, xem trong số những người lính xấu số đó có tên người thân hoặc bạn bè mình không. Thậm chí, có người nghĩ rằng, một ngày nào đó, tên mình có thể cũng được xướng lên như vậy. Cuối cùng, bà trầm giọng thúc giục lính Mỹ “Hãy đào ngũ đi hỡi những người lính Mỹ vô danh", “tốt hơn hết là hãy thoát khỏi con tàu đắm. Các anh thừa biết các anh không thể thắng được cuộc chiến này!”.

Việc làm của bà Trịnh Thị Ngọ đã gây ra những phản ứng khác nhau, tất nhiên không tránh khỏi sự hằn học, thù ghét của một số lính Mỹ. Trong bộ phim Good Morning, Vietnam (Chào Việt Nam) năm 1987, Robin Williams, một cựu binh Mỹ ở Việt Nam, một trong những tác giả của bộ phim, vẫn bộc lộ thái độ hằn học đối với bà và gọi bà là "mụ phù thủy đáng ghét". Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình C-SPAN (1992), bà Ngọ nói rằng, khi xem cuốn băng của bộ phim Good Morning, Vietnam, bà mới biết được phản ứng của lính Mỹ. Bà cũng nói rằng, người Mỹ đã sai lầm khi đưa quân xâm lược Việt Nam, chính vì vậy, bà chỉ muốn những người lính Mỹ chống lại cuộc chiến tranh này và công việc bà thực hiện là làm cho những người lính Mỹ tin rằng, cuộc chiến tranh mà họ tham gia là phi nghĩa vì nó chống lại nhân dân Việt Nam.

Do có nhiều công lao đóng góp, bà được tặng thưởng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú; Huy chương vì sự nghiệp phát thanh. Bà mất tháng 9/2016, thọ 86 tuổi. Ngày nay, giới trẻ vẫn biết đến bà Trịnh Thị Ngọ qua sách báo, tư liệu hoặc qua một trò chơi điện tử Battlefield Vietnam (Chiến trường Việt Nam) hoặc Bad Company 2 (Đại đội 2 tồi tệ)...

Vũ Khanh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy