Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
00:47 (GMT +7)

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Trước hết ở người đứng đầu

VNTN - Từ cuối tháng 11, trên các phương tiện thông tin đại chúng, người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - đã phát đi thông điệp về việc tổ chức Tết Nguyên Đán 2017. Thủ tướng nói: “Tôi yêu cầu không chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành. Yêu cầu các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết. Ở các địa phương cũng vậy. Cần thực hiện nghiêm việc này. Chính phủ cần làm gương, từng thành viên Chính phủ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng”.

Chung quan điểm này, ngày 20 tháng 12 năm 2016, Ban Bí thư Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW về việc tổ chức tết năm 2017. Chỉ thị nêu rõ: Các địa phương không chúc tết Trung ương; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ban, ngành ở Trung ương không tổ chức đi thăm, chúc tết địa phương; nghiêm cấm tặng quà tết cấp trên dưới mọi hình thức; các địa phương không bắn pháo hoa trong dịp tết, để dành thời gian và kinh phí chăm lo Tết cho người nghèo, khó khăn, gia đình chính sách...

Yêu cầu cấp dưới không chúc tết cấp trên, địa phương không chúc tết trung ương là vấn đề được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong thời gian qua. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến với các địa phương, ngày 28/12/2016.   Ảnh: Internet.

Quan điểm tiết kiệm, chăm lo cho người dân để người nào, nhà nào cũng có Tết là quan điểm nhất quán của Đảng ta. Sinh thời, Bác Hồ là người luôn nhắc nhở vui tết phải tiết kiệm và cán bộ phải quan tâm đến người nghèo trước nhất. Đối với nhân dân, Bác dặn: “Suốt năm chúng ta thi đua lao động, sản xuất, những ngày Tết Nguyên đán chúng ta vui chơi một hôm để chào xuân, việc đó cũng đúng thôi. Nên chúng ta mừng xuân một cách vui vẻ và lành mạnh. Nếu có bao nhiêu tiền bỏ ra mua sắm hết để đánh chén lu bù, thế là mừng xuân một cách lạc hậu, thế là lãng phí, thế là không xuân”. Đối với cán bộ, Bác là tấm gương về quan tâm, chăm lo cho nhân dân bằng hành động thiết thực nhất. Chắc hẳn chúng ta còn nhớ câu chuyện Bác đến thăm, tặng quà gia đình chị Nguyễn Thị Tín, một người gánh nước thuê ở ngõ 16 Lý Thái Tổ (Hà Nội) trong đêm 30 Tết mưa rét năm 1962. Quá bất ngờ trước sự xuất hiện của Bác, chị Tín đã đánh rơi đôi thùng gánh nước trên vai xuống đất. Chị run run nắm lấy tay Bác và nói trong sự xúc động nghẹn ngào: “Cháu không ngờ lại được Bác đến thăm”. Bác vỗ vai an ủi chị: “Bác không đến thăm những gia đình như thím thì thăm ai…”. Tết năm 1965, trong chuyến thăm công trường Việt Trì, Bác dặn: “Cán bộ phải chú ý chăm lo sinh hoạt của anh chị em trong ngày tết. Đối với các đồng chí xa nhà trong dịp Tết Nguyên Đán này, ta càng chú ý chăm sóc”.

Như vậy, Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 20 tháng 12 năm 2016 một lần nữa thể hiện quyết tâm của Đảng trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, trong đó có Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Cũng là thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Sở dĩ, cứ vào dịp tết đến, xuân về, Đảng, Chính phủ lại ban hành các văn bản về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bởi tình trạng lãng phí, nhất là trong các hoạt động vui xuân đón tết vẫn diễn ra. Ban Bí thư đánh giá: Tình hình lãng phí vẫn còn xảy ra nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, nhất là trong bối cảnh kinh tế đất nước và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn.

Thực hiện nghiêm Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương, ngày 26 tháng  12 năm 2016, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU về công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các hoạt động trong dịp tết Đinh Dậu (2017). Đối tượng cần chăm lo Đảng bộ hướng đến là đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn còn nhiều khó khăn. Chỉ thị 14 nêu rõ: Cần thực hiện có hiệu quả các chính sách, biện pháp bình ổn giá cả thị trường trước, trong và sau tết; điều hòa cung ứng hàng hóa giữa các vùng, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa và tăng giá đột biến; vận động khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm thăm, giúp đỡ đối tượng chính sách, đồng bào vùng dân tộc thiểu số, đảm bảo mọi người mọi nhà đều được vui Tết, đón xuân…

Yêu cầu và quyết tâm của Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến địa phương  là như vậy, nhưng thực hiện như thế nào mới là điều người dân quan tâm. Tình trạng cấp dưới đến nhà cấp trên biếu xén những món quà tết “khủng” là điều người dân thường bàn ra tán vào ở chỗ nọ, chỗ kia. Tình trạng dùng xe công, tiền ngân sách du hí đầu năm, thậm chí du lịch nước ngoài báo chí cũng đã nói nhiều. Tình trạng đi tặng món quà nhỏ cho người nghèo rồi mời nhau ăn uống tốn số tiền gấp nhiều lần không là chuyện hiếm.

Cách đây 16 năm, tại Chỉ thị số 29/2001/CT-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2001, Chính phủ đã phân tích nguyên nhân của tình trạng lãng phí còn xảy ra ở nhiều nơi, trước hết thuộc trách nhiệm của thủ trưởng, cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp chưa nhận thức và quán triệt đúng, đầy đủ chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí của Đảng và Nhà nước. Nguyên nhân này vẫn đúng trong hoàn cảnh hiện nay.

Hơn lúc nào hết, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, nhất là người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải thật sự gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước để người dân học tập, làm theo. Những tổ chức, cá nhân vi phạm quy định cũng cần được cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm. Có như vậy, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mới trở thành hiện thực.

Ngô Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy