Thử nhận diện truyện ngắn Nguyễn Đức Hạnh
VNTN - Thời trẻ Nguyễn Đức Hạnh đã làm thơ, là hội viên hội văn học nghệ thuật của địa phương khá sớm. Học xong cao học, nghiên cứu sinh, được phong phó giáo sư - tiến sĩ văn học, trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thuộc chuyên ngành lí luận phê bình. Nhưng từ đầu năm 2018 đến nay, truyện ngắn của anh xuất hiện liên tục trên tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn), tạp chí Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ Thái Nguyên và một số tờ báo, tạp chí trên toàn quốc. Nhưng điều đáng nói về Nguyễn Đức Hạnh không phải chuyện viết ít hay nhiều, cũng không phải việc anh thay đổi thể loại sáng tác. Điều làm cho độc giả phải quan tâm là truyện ngắn của Nguyễn Đức Hạnh đăng tải trong vài năm gần đây, độc giả và bạn viết nhận thấy tác giả đang tìm tòi một lối viết khác với nhiều người, đặc biệt là đối với các bạn viết trong tỉnh. Đọc Nguyễn Đức Hạnh, nhiều người khen nhưng cũng có một số người cảm thấy hơi có chút băn khoăn, ngần ngại. Chiếm tới khoảng bảy, tám mươi phần trăm số lượng truyện ngắn của anh có các nhân vật là hồn ma bóng quỉ, là những oan hồn, là rắn, là khỉ hoặc những nhân vật nghịch dị, quái dị… có những quan hệ về tâm, sinh lí với con người. Thực ra, trong nền văn học cả Đông lẫn Tây, trong dân gian cũng như thành văn, cổ điển cũng như hiện đại, hậu hiện đại… đã có vô số các nhân vật kiểu ấy. Nhưng với một người viết ở địa phương, lại là một tác giả ban đầu đến với văn xuôi như Nguyễn Đức Hạnh, đứng trước một thói quen cố hữu trong thưởng thức văn chương theo hệ thẩm mĩ truyền thống của đông đảo độc giả thì dù sao đó cũng là một chuyện đáng lưu tâm. Nhìn lại văn chương của quá khứ chắc chắn chúng ta vẫn chưa thể quên những ông bụt, cô tiên, những mụ phù thủy trong cổ tích, những hồ ly tinh trong “Liêu trai chí dị” (Bồ Tùng Linh); những con mèo đen, rệp vàng của Edgar Allan Poe (Mỹ)… Và trong văn học hiện đại, hậu hiện đại với sự xuất hiện của Kafka, gần đây là Mạc Ngôn, Giả Bình Ao, Tô Đồng (Trung Quốc) cùng một số truyện của các tác giả Việt Nam… Đặc biệt nhất là với các nhà văn Mỹ Latinh nửa cuối thế kỉ XX mà G.Marquez là một đại diện tiêu biểu đã làm rung chuyển văn đàn thế giới về một khuynh hướng văn chương đầy kì ảo. Tuy nhiên, nếu ta lẫn lộn, phiến diện trong cách nhìn các loại nhân vật mang tính huyền ảo này thì sẽ dẫn đến một sai lầm cơ bản. Ở mỗi khuynh hướng, mỗi trào lưu, phương pháp sáng tác, các nhân vật kì ảo xuất hiện không giống nhau. Các tác phẩm thần thoại, truyền thuyết và một số tác phẩm kiểu như “Liêu trai chí dị”, các nhân vật kì ảo khi xuất hiện luôn được tác giả cũng như người đọc xác tín đó là những nhân vật hoàn toàn hoang đường cùng những câu chuyện không thể xảy ra trong đời sống thực tại. Cái hoang đường được tác giả đưa vào tác phẩm chỉ với dụng ý minh họa cho một luân lí, đạo đức hoặc luận về cái hiền, cái ác, hoặc những ước mơ về hạnh phúc… Nhưng với cái nhìn của văn chương hiện đại, hậu hiện đại lại khác. Các yếu tố hoang đường kì ảo được đặt bên cạnh cái thực không còn khoảng cách, không còn sự phân biệt. Các tác giả mặc nhiên thừa nhận và cũng có ý thức làm cho người đọc coi cái kì ảo bình đẳng với các yếu tố hiện thực. Nó chính là cái thực một cách hiển nhiên. Đó là sự khác nhau căn bản giữa văn chương huyền ảo cổ điển với văn chương huyền ảo hiện đại, hậu hiện đại. Trở lại với các truyện ngắn của Nguyễn Đức Hạnh. Rất dễ nhận ra, anh đang thực thi sáng tạo theo khuynh hướng kì ảo của văn chương hiện đại, hậu hiện đại kiểu Mỹ Latinh. Khảo sát khoảng ngót mười truyện ngắn viết theo khuynh hướng này, thấy Nguyễn Đức Hạnh sử dụng khá triệt để kiểu nhân vật là hồn ma, bóng quỉ. Ví như nhân vật “Em Ma” tức “Ma nữ” trong “Bến Tượng nghiêng trôi” cùng hai hồn ma là hồn của hai nhà văn nghệ Bính Nguyễn và Vũ Nguyễn. Các nhân vật này mang bóng dáng “Liêu trai chí dị”, văn chương trung đại nhưng họ lại xuất hiện một cách rất tự nhiên trong đời sống thực. Ở đây các nhân vật thực và nhân vật ảo có sự hòa nhập nhuần nhuyễn, thành thục, người và ma rất gần gũi và có thể chuyện trò thân mật với tư cách những người bạn. Nói về hồn ma nhưng tác giả viết như về một nhân vật đang có mặt ở chính đời sống thực một cách hết sức bình thản, như bất cứ ai cũng có thể gặp được những hồn ma kia trên một đường phố, bến sông, hoặc một… siêu thị nào đó, nghĩa là những hồn ma ấy đang có mặt một cách tự nhiên như một người đang sống bình thường trên đất đai của dương gian này. Xin đơn cử một đoạn Nguyễn Đức Hạnh mô tả việc mình thân với ma mà như cách thân với một cô gái hàng xóm hoặc cô sinh viên cùng lớp: “Tôi thân với hồn ma của một cô gái trẻ tự tử vì tình ở Bến Tượng, nhiều buổi tối tôi ngồi câu cá, em ma ấy ngồi bên cạnh, lúc tinh nghịch đùa giỡn, lúc trầm tư mơ mộng, lúc cáu gắt inh ỏi. Trời ạ! Đúng là phụ nữ, à quên, đúng là ma nữ”. Đọc mà không thể, không muốn phân biệt đó là ma hay người. Nói một cách khác, ma với người ở đây chỉ là một. Nhân vật “Ma nữ” vừa gần với cái kì ảo của văn chương hiện đại vừa phảng phất Liêu trai. Cũng với lối viết ấy, ở truyện ngắn “Tiếng chuông chùa Tử Đằng” còn được nâng lên thêm một bước. Đó là rất nhiều, rất nhiều những linh hồn của những đứa trẻ của một thời nạo thai ào ào do hưởng ứng phong trào “sinh đẻ có kế hoạch” cùng lối sống bừa bãi, vô trách nhiệm của con người gây ra. Với truyện ngắn này, những nhân vật là linh hồn của những đứa trẻ chưa kịp làm người, Nguyễn Đức Hạnh đã để chúng thân mật và tâm sự với nhân vật “tôi” như một đàn em với người anh và đặc biệt, tác giả đã cho chúng “đứng” trong tác phẩm một cách hết sức tự nhiên giống y như những nhân vật “tôi”, “bố tôi”, “mẹ tôi”, “ông lão chôn thai nhi”, “sư trụ trì”, “chàng trai”, “cô gái trẻ”… là những nhân vật đang sống ở cõi trần, đang đi học, dạy học, làm ruộng, tụng kinh, làm thơ… trên cõi đời rất thực này. Song song với các nhân vật thực, ảo đan xen được sử dụng tinh tế trong các truyện ngắn, không gian thực, ảo cũng được tác giả khá dụng công. Trong truyện “Âm dương” cả ba không gian cùng được đưa vào một cách có chủ ý: Không gian địa lí “xóm tôi” là một không gian có thực. Không gian “nghĩa địa” cũng là không gian có thực nhưng mang màu sắc kì ảo, không gian giấc mơ là không gian ảo. Hay ở “Bức ảnh không có hình người” cũng vậy. Ở giữa cái không gian có thực là Bản làng - Hoa đào lại xen vào đó một không gian ảo là ngôi nhà sàn. Sự hòa trộn các kiểu không gian như thế không chỉ làm tăng thêm sự hấp dẫn, ám ảnh mà còn là sự “san phẳng” khoảng cách giữa ảo và thực - một trong những nguyên tắc của khuynh hướng hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh. Ngoài ra, Nguyễn Đức Hạnh cũng rất lưu ý trong việc đưa các chi tiết thực, ảo song hành bên nhau. Ở các truyện ngắn “Gào thét”, “Nước mắt Khau Vai”, “Âm dương”, “Bức ảnh không có hình người”, “Bến Tượng nghiêng trôi”, “Thăm thẳm bóng người” đều đậm đặc lối viết này. Mặt khác, cái kì ảo, hoang đường trong truyện Nguyễn Đức Hạnh thấy cũng ít nhiều có những nét đồng điệu với cái kì ảo trong một số truyện ngắn của G. Marquez. Ví như truyện ngắn “Biển của thời đã mất”. Ở truyện ngắn này, G. Marquez chủ yếu vẫn theo lối cấu trúc tuyến tính, không có độ tản mạn, tất cả đều hướng về một mối. Nhưng vì đây là một truyện ngắn tiêu biểu cho khuynh hướng hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh nên các yếu tố có thực kì diệu cùng các yếu tố không có thực được sử dụng khá triệt để. Tình tiết nhân vật bà Jacob bị ném xuống biển, nhưng không chịu chết. Bà trẻ lại tới năm mươi tuổi, bơi cùng dòng hoa hồng. Bà sống ngược chiều thời gian, hướng về “biển của thời đã mất”. Cái làng “thiên đường” dưới biển sâu và hình ảnh bà lão Jacob là cái không có thực đã được nhà văn tưởng tượng theo nguyên tắc huyền thoại hóa. Song song với các nhân vật, các yếu tố không có thực ấy lại là những nhân vật hoàn toàn có thực (ông lão Jacob, ngài Herbert, cha xứ, lão Catarino...), và họ cùng tồn tại ngay bên cạnh nhau một cách bình thường, không có sự cách biệt, dù nhỏ nhất. Trong truyện ngắn “Gào thét”, Nguyễn Đức Hạnh cũng đưa ra hàng loạt những nhân vật thực (nhân viên bảo vệ, trưởng phòng tổ chức, cô phóng viên, lũ săn trộm…), những vật dụng thực như súng AK47, lựu đạn, thuyền, bưu phẩm… cùng các yếu tố kì ảo và cái không có thực được tưởng tượng theo nguyên tắc huyền thoại hóa. Ví như chi tiết “hóa người” con khỉ cái hoặc hai thằng săn trộm khỉ bị đàn khỉ tấn công, ném đá vỡ đầu rồi lột quần, cắn cụt dương vật. Xin dẫn lại một đoạn khi Nguyễn Đức Hạnh mô tả con khỉ cái lông trắng đẹp nhất bị lũ lâm tặc bắn bị thương và được “hắn” - nhân viên bảo vệ Đảo Khỉ - nhân vật chính của truyện cứu thoát: “Khi ôm con khỉ cái về để băng vết thương cho nó, thật lạ lùng là con khỉ cái cứ ôm chặt lấy chân vị cứu tinh, ánh mắt đầy biết ơn và si mê không chớp. Trời ạ! Lại cái kiểu anh hùng cứu mĩ nhân đây. Bật cười. Băng bó xong còn cho nó hai viên kẹo. Khỉ cái không ăn, lát sau quay lại đặt vào tay “anh hùng” một chùm vải rừng đỏ ối, rồi ở trong nhà không chịu đi nữa”. Rồi tiếp: “… Cứ mỗi lần chèo thuyền về đất liền lĩnh lương và mua gạo, mua thêm một số vật dụng cần thiết, khỉ cái lại kêu lên đau đớn rồi khóc từ hôm trước, ôm chặt không chịu buông tay. Phải dỗ dành, hứa hẹn mãi nó mới chịu để cho xuống thuyền…”. Nguyễn Đức Hạnh để cho khỉ mang tính người, tư duy như người, có tâm trạng vui sướng, đau đớn như người, biết ghen tuông như người (nhưng xin lưu ý ở đây hoàn toàn không phải là biện pháp nhân cách hóa trong tu từ học hoặc lối viết đồng thoại cho thiếu nhi). Đưa ra những chi tiết trên, tác giả đã dựa vào cái nhìn hiện thực kì diệu và tưởng tượng theo nguyên tắc huyền thoại hóa. Với nguyên tắc này, các nhà văn Mỹ Latinh đã từng để lại trong lòng độc giả một ấn tượng lớn: cái không thực luôn sâu sắc hơn hẳn cái có thực. Tuy nhiên, những cái có thực trong văn chương Mỹ Latinh vẫn là những yếu tố không thể thiếu, nó làm nền móng để xây nên những cái không có thực… Trên phương diện lí thuyết, dù còn những tranh cãi, nhưng hầu như nhiều nhà lí luận, nhiều nhà văn đều thống nhất cao: chủ nghĩa hiện thực huyền ảo chỉ là một nhánh của chủ nghĩa hiện thực. Đó là một cách hiểu đúng về hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh. Nhiều truyện ngắn của Nguyễn Đức Hạnh bước đầu đã làm được điều đó. Một điều cần phải thống nhất cao là dù được viết theo bất cứ khuynh hướng, phương pháp nào thì cái cuối cùng vẫn là chuyện văn chương phải hướng tới bản chất con người trong các giá trị nhân văn và thẩm mĩ. Trong các tác phẩm của mình, nhất là các truyện ngắn “Gào thét”, “Bến Tượng nghiêng trôi”, “Âm dương”, “Thăm thẳm bóng người”, “Nước mắt Khau Vai”, “Dưới đáy hồ”, “Bức ảnh không có hình người”… Nguyễn Đức Hạnh đã có những thành công nhất định. Đặc biệt là “Tiếng chuông chùa Tử Đằng” đã chở mang một giá trị nhân đạo sâu sắc. Toàn truyện toát lên một không khí rùng rợn, xót xa, đầy bi kịch, nhưng chính những bi kịch về những oan hồn của những đứa trẻ chưa kịp làm người ấy là tiếng gào thét phẫn nộ của lương tri. Thực ra, kiểu nhân vật kì ảo là các bào thai như thế đã được một số nhà văn sử dụng, trong đó đặc sắc nhất là tiểu thuyết “Thiên thần sám hối” của Tạ Duy Anh. Hay gần đây, một tác giả trẻ ở Thái Nguyên là Trần Thị Nhung cũng từng sử dụng trong truyện ngắn “Bao giờ con lớn” nói về cái bào thai bị người đời cưỡng bỏ với câu hỏi được đay đi đay lại đến thắt lòng: “bao giờ con lớn?”. Nhưng ở “Tiếng chuông chùa Tử Đằng”, các nhân vật linh hồn những đứa trẻ này còn làm người đọc choáng ngợp, rùng rợn hơn nhiều. Những linh hồn thơ trẻ nhiều đến nỗi chúng bám víu và hóa vào cả một rừng sim, thành hàng ngàn, hàng vạn quả sấu, đàn bướm. Xin dẫn một vài đoạn: “…Bỗng tôi sởn gai ốc, bụi sim trước mặt bật khóc nức nở, bụi sim sau lưng cười khanh khách. Tôi co giò định bỏ chạy thì hàng chục bụi sim đã di chuyển đến, tạo thành vòng tròn vây kín lấy tôi. Tôi nằm ngửa dưới đất, run bắn, mồm há hốc mà không sao kêu được. Kì lạ thay, những cây sim ấy như một lũ trẻ con nghịch ngợm, chúng dùng cành lá cù vào nách, ngoáy lỗ mũi, véo tai, rồi chúng tha cho tôi…” Hoặc: “Thỉnh thoảng tôi cắt giấy màu làm thành những chiếc áo bé tí xíu, rồi hóa cho bọn trẻ. Tội nghiệp, khi bị đem chôn bọn trẻ đều trần truồng, giờ có nhiều áo mới, chúng tranh nhau rồi hớn hở bay lượn khắp nơi, trông như một đàn bướm khổng lồ nhiều màu sắc. Cứ chiều tối chúng bám lúc lỉu trên vòm cây, cây sấu như ra một loài quả lạ có hình dáng của các em bé sơ sinh, loại quả ấy thi thoảng lại khóc thét làm mấy bà qua đường chạy văng guốc dép, vừa chạy vừa kêu cứu…”. “Tiếng chuông chùa Tử Đằng” là tiếng chuông cảnh tỉnh, không chỉ với riêng ai mà cho toàn nhân loại trên trái đất đầy thiện, ác, xót xa này. Ngoài ra, về nghệ thuật, đây còn là một truyện ngắn được thể hiện theo cảm hứng thơ, cũng là một quan niệm thẩm mĩ của truyện ngắn hậu hiện đại. Nhưng đó là một “một bài thơ” đầy máu và nước mắt. Có một điều rất nên lưu ý. Đọc các truyện ngắn Nguyễn Đức Hạnh cùng một số truyện ngắn thành công khác của các nhà văn Việt Nam (không nhiều) hình như đều thấy có sự qui tụ, kết hợp các kiểu huyền ảo: Từ dân gian, “Liêu trai chí dị” đến huyền ảo trung đại, hiện đại, hậu hiện đại. Về cấu trúc, khi viết các tác phẩm mang màu sắc huyền ảo, các nhà văn Việt Nam cũng thường sử dụng lối cấu trúc tuyến tính chứ không quá đi sâu vào lối cấu trúc phi tuyến tính hoặc các khuynh hướng mảnh vỡ, cực hạn như tác phẩm của nhiều nhà văn hậu hiện đại châu Âu. Có lẽ đây là một đặc điểm hơi khác biệt của các cây bút nước ta khi tiếp xúc và vận dụng lối viết từ các khuynh hướng huyền ảo của cả Đông, Tây, Mỹ Latinh chăng? Và có lẽ, do sự phù hợp về văn hóa, tâm lí nên hình như các tác phẩm được cách tân theo hướng này của các tác giả Việt Nam thường được độc giả quan tâm, đồng cảm vì sự dễ hiểu, dễ tiếp nhận hơn các tác phẩm ở chính nơi sinh ra nó. Có người cho đây là xu hướng “Việt tính” khi tiếp nhận khuynh hướng huyền ảo Mỹ Latinh. Nếu lối cách tân này là một thế mạnh và phù hợp với độc giả Việt Nam thì đó chẳng phải là một lợi thế sao? Cũng nên so sánh chút ít trường hợp của Vi Hồng ở vài thập kỉ trước và Nguyễn Đức Hạnh hôm nay. Như đã có người nhận định, văn xuôi Vi Hồng vào những năm cuối của thập kỉ 80 của thế kỉ trước, chừng như đã chớm gần với lối viết huyền ảo theo kiểu Mỹ Latinh. Tuy nhiên, đó là một chuyến đi chưa tới. Còn với Nguyễn Đức Hạnh rõ ràng đã tiến gần hơn với khuynh hướng này. Điều đó không có gì khó hiểu. Thời Vi Hồng chưa có đủ các điều kiện để tiếp cận với Phân tâm học của S. Freud, nhất là của K. Jung và chủ nghĩa siêu thực… là những thứ được coi như những xuất phát điểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sự ra đời của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh. Như ta đã biết, Nguyễn Đức Hạnh là chuyên gia về văn học phương Tây, một tiến sĩ lí luận văn học thì những thứ ấy với anh không xa lạ. Cho nên việc vận dụng hoặc dấn thân vào việc đi tìm cái mới của văn chương thế giới sẽ thuận lợi hơn Vi Hồng rất nhiều. Nếu như cần sự bình bàn thêm về truyện ngắn Nguyễn Đức Hạnh, chỉ xin nêu một ý kiến nhỏ. Như đã nói ở trên, các tác phẩm của các nhà văn Mỹ Latinh, khi sử dụng các yếu tố huyền ảo họ thường có sự dứt khoát trong việc xếp đặt các yếu tố có thực và yếu tố không có thực bên cạnh nhau mà không hề có sự phân biệt hoặc do dự. Nhưng ở Nguyễn Đức Hạnh thì đôi khi độc giả vẫn ít nhiều gặp thái độ hơi trăn trở của tác giả khi đặt hai yếu tố này bên nhau. Vì vậy, khi mô tả các yếu tố huyền ảo, đôi lúc tác giả thường cho nhân vật khi thì dựa vào giấc mơ, khi thì trong tâm lí nửa hư nửa thực hoặc một trạng thái hơi bất bình thường nào đó. Đại loại như các đoạn: “Gần sáng mệt quá thiếp đi (HTG nhấn mạnh), tôi thấy mấy chục đứa trẻ sơ sinh ngồi quanh giường nhìn tôi chăm chằm, chúng khóc mà nước mắt chảy ra đỏ như máu…”. Trạng thái này, cũng đã từng gặp ở Kafka khi trong Hóa thân nhà văn biến Grego Samsa thành con bọ. Có lẽ đó là sự hạn chế bởi những thói quen, bởi những cảm quan vốn đã quá cố hữu của chủ nghĩa hiện thực. Dấu vết đó chưa hẳn từ ý thức mà có thể trong tiềm thức. Mặc dầu vậy, nhưng có thể nói một cách không đắn đo rằng, bằng hơn chục truyện ngắn mang hình bóng cách tân theo văn chương huyền ảo Mỹ Latinh (kết hợp với lối huyền ảo của dân gian, Đông, Tây), Nguyễn Đức Hạnh đã có những thành quả bước đầu. Đến nay, văn chương hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh, tuy không phải không còn những ý kiến khác nhưng một điều khẳng định là nó đã mang đến cho nhân loại một dòng văn học chói sáng, trải qua hơn sáu mươi năm với tám giải thưởng Nobel. Thiết nghĩ, việc học hỏi một khuynh hướng sáng tác như văn chương Mỹ Latinh là điều có thể và cần thiết. Nếu như hơn ba mươi năm trước, nhà văn Vi Hồng đã làm nên một cơn mưa bóng mây, thì hôm nay Nguyễn Đức Hạnh cùng một vài cây bút khác ở địa phương đã tạo được một cơn mưa nhuần đầu mùa (trước hết là trong phạm vi địa phương), để trên con đường cách tân không hề mệt mỏi, may ra có thể làm nên những mùa vàng cho các cây bút văn xuôi Thái Nguyên trong tương lai.
HỒ THỦY GIANG
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...