Thứ năm, ngày 02 tháng 05 năm 2024
00:00 (GMT +7)

Thử bàn giải quyết vấn đề chất lượng Tiến sĩ, Giáo sư

Chất lượng học vị Tiến sĩ và học hàm Giáo sư phản ánh chất lượng khoa học của một quốc gia. Sau khi Bộ GDĐT ban hành Thông tư số 18/2021/TT có rất nhiều ý kiến trao đổi, quan tâm lo lắng đến chất lượng của Tiến sĩ trong thời gian tới.

Trường Đại học Y Dược Khoa và Đại học Tổng hợp Hà Nội được xây dựng từ đầu thế kỉ 20

Tiến sĩ, Giáo sư có từ nguồn giáo dục và đào tạo của một quốc gia

Dưới chế độ thuộc địa của Pháp, giáo dục ở Đông Dương từ năm 1862 đến năm 1945 mới chỉ có một số ít các trường phổ thông sơ học, tiểu học ở một số thành phố và một vài tỉnh. Các trường Cao đẳng Sư phạm (1914), trường Cao đẳng Thương mại (1920), trường Cao đẳng Nông – Lâm (1918), trường Cao đẳng Thú y Đông Dương (1917), Trường Cao đẳng Mỹ thuật (1924) và chỉ có vài trường Đại học như Trường Đại học Hà Nội và Trường Đại học Y khoa Hà Nội (1902). Tổng số sinh viên các trường Cao đẳng là: 2.051 người, sinh viên Đại học là: 547 người (trong đó 23% là người Cao Miên và Lào).

Tuy vậy đào tạo sau và trên đại học thì không có. Một số rất ít người có học vị là do Pháp đưa sang Pháp đào tạo và họ thực sự nổi tiếng lúc bấy giờ như Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường (1909 - 1997) có hai bằng Tiến sĩ Luật và Văn chương vào năm 1932, khi mới 23 tuổi. Thạc sĩ Phạm Duy Khiêm (1908 -1974), có bằng năm 1935 và Tiến sĩ Triết học Trần Đức Thảo (1917 - 1993) nhận bằng năm 1943. Có vậy thôi.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp tục công cuộc giáo dục đào tạo đội ngũ trí thức phục vụ xã hội và đất nước. Nhưng đến tận năm 1975, toàn bộ nguyên vật lực của cả dân tộc phải tập trung cho đấu tranh giành và bảo vệ đất nước trước những cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp, Mỹ và thế lực bành trướng phương Bắc.

Tuy vậy thành tựu giáo dục của nước ta thật đáng trân trọng. Một dân tộc hơn 95% mù chữ, ban đầu phải xóa nạn mù chữ bằng bình dân học vụ, đến nay xã (phường) nào cũng có trường Tiểu học. Xã, quận huyện nào cũng có trường Trung học cơ sở (THCS) và Trung học phổ thông (THPT). Hầu như tỉnh, thành phố nào cũng có trường Đại học hoặc phân hiệu Đại học, sinh viên lên đến hàng chục nghìn…

Nền khoa học dù còn khiếm khuyết nhưng đã có một đội ngũ các nhà khoa học đáng nể về nhiều ngành khoa học với 1.600 Giáo sư (GS), 10.000 Phó Giáo sư (PGS), 24.000 Tiến sĩ, 101.000 Thạc sĩ (ước tính đến năm 2020). Đem con số này so sánh với trước năm 1945, dưới thời thuộc địa thì quả là một trời một vực. Nhưng cũng những con số này cho thấy một thực tế xót xa. Trong số này có được bao nhiêu sinh viên có trình độ tương xứng. Các GS, PGS, Tiến sĩ, Thạc sĩ có trình độ thực, có đóng góp cho đất nước?

Từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chúng ta đã trải qua một quá trình hơn 70 năm của giáo dục và đào tạo. Các vị Bộ trưởng đầu tiên, những người tổ chức và điều hành nền giáo dục, cơ sở đào tạo trí thức cho chế độ của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, những: Hoàng Xuân Hãn, Đặng Thai Mai, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu… là những nhà khoa học, có trình độ do Pháp đào tạo. Họ là những nhà khoa học thực thụ, những người có nhân cách và đạo đức với tấm lòng và nhiệt huyết vì con người, vì nền khoa học tương lai của nước nhà.

Sau năm 1975 vắng dần những vị Bộ trưởng có tâm, có tầm như vậy. Từ đó là liên tục những đợt cải cách, đổi mới của ngành giáo dục. Bắt đầu với cải cách chữ viết. Một thế hệ học trò những năm 1980 đã trở thành đối tượng “thí nghiệm”, để rồi sau 30 năm, nay lại quay về chữ viết của cụ Hoàng Xuân Hãn năm 1946! Tiếp đó là cải cách sách giáo khoa, tốn hàng triệu đô la Mỹ, kéo dài hàng chục năm, đến nay vẫn còn dang dở. Dưới thời ông Nguyễn Thiện Nhân làm Bộ trưởng, cả nước hồ hởi với khẩu hiệu “Chống bệnh thành tích”. Bệnh thành tích là bệnh gì? Là cách nói văn hoa, thực chất là bệnh dối trá. Một nền giáo dục của một quốc gia mà dối trá thì đất nước sẽ đi đến đâu?

“Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử, hoặc tên lửa tầm xa, chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên” (Nelson Mandela). Như vậy, chúng ta cũng có thể hiểu cái đích cần phải đến của nền giáo dục là ở đâu.

Với những chính sách vô lý về bằng cấp ngoại ngữ và tin học trong tuyển chọn công chức, viên chức, trong việc đề bạt cán bộ quản lý và lãnh đạo của Nhà nước mà nạn mua bán bằng cấp lan tràn trong xã hội (sau mấy chục năm, mãi đến 2021 chính sách này mới ngừng lại). Hay việc mở tràn lan các trường đại học, các lớp tại chức không có chất lượng, đến nỗi dân gian ai cũng biết thành ngữ “Dốt như chuyên tu, ngu như tại chức”… Những mất mát và tốn kém vô cùng to lớn ấy chỉ có nhân dân phải gánh chịu.

Từ đó lan tràn nạn sửa điểm trong các kỳ thi, mà rầm rộ là kỳ thi năm 2017 ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình là ví dụ. Sửa điểm có tổ chức, đầu têu là cán bộ có chức, có quyền ở cấp tỉnh. Khi bị ra tòa, những tên tội phạm đội lốt thầy cô giáo ấy vẫn tươi cười nhận bản án như một chiến tích… Đến cả một trường đại học như Đại học Đông Đô, chỉ trong năm 2020 cấp bằng giả cho 429 người, trong đó đã xác minh được 210 bằng đã được sử dụng để bảo vệ luận án Tiến sĩ và để đề bạt vị trí lãnh đạo.

Vụ ông Hiệu trưởng Trường THPT Việt Lâm (Vị Xuyên, Hà Giang) Sầm Đức Xương bắt ép nữ sinh quan hệ tình dục rồi bắt các em phục vụ tình dục với một loạt cán bộ của tỉnh Hà Giang đã phơi bày những góc khuất suy đồi dù cá biệt nhưng tác động vô cùng xấu đến hình ảnh nền giáo dục nước nhà.

Nền giáo dục mang không ít những khiếm khuyết ấy đã đào tạo ra một số người mất nhân cách và lòng tự trọng. Dư luận xã hội đã vạch mặt chỉ tên một số cán bộ sử dụng bằng giả để tiến thân, nhưng không được xử lý thích đáng… có lẽ cũng bởi những người “Thầy” dạy họ là những tấm gương. Khi ra trường, một phần trong số họ là những kẻ dối trá, ăn cắp, vô văn hóa, tham nhũng và làm mọi cái bất chấp đạo lý và pháp luật, nhưng lại cần và muốn có bằng Tiến sĩ... Cũng từ động cơ vụ lợi, tiến thân, khiến họ lao vào tìm cho mình cái danh học vị, và sau đó là học hàm.

Một nền giáo dục như vậy làm sao “Học thật, thi thật, nhân tài thật” như Thủ tướng Nguyễn Minh Chính yêu cầu?

Tượng thờ Chu Văn An tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Hà Nội

Hướng nào để giải quyết tận gốc vấn đề?

Nói dài dòng như vậy để thấy đào tạo Tiến sĩ và Giáo sư cần thiết phải có chính sách như thế nào mới bảo đảm chất lượng.

Việt Nam trải qua 2.000 năm dưới chế độ phong kiến, chịu ảnh hưởng sâu đậm của Nho giáo. Nho giáo đề cao chữ danh. “Một miếng giữa đàng bằng một sàng góc bếp”. Đến tài ba như Nguyễn Công Trứ vẫn tha thiết: “Làm trai đã đứng trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”. Cô Kiều bị xã hội chà đạp, dày xéo làm cho tan nát cuộc đời nhưng vẫn khuyên Từ Hải đầu hàng Hồ Tôn Hiến để được làm quan bà: “Nở nang mày mặt rỡ ràng mẹ cha”. Đến cụ Phan Bội Châu, nhà yêu nước vĩ đại, mới tuổi 20 đã viết hiệu triệu “Bình Tây thu Bắc” kêu gọi nhân dân đánh Pháp nhưng vẫn phải chờ đợi suốt mười mấy năm trời ở nhà, miệt mài với các kỳ khoa cử, để đỗ đạt, có danh rồi mới xuất dương sang Nhật tìm đường cứu nước.

Trong nhà thờ, trong Gia phả họ tộc nào, bao giờ cũng phải có vài vị là ông quan, có phẩm trật của triều đình các thời đại. Không có cũng cố vơ vào, bịa ra cho có để tự hào danh giá họ mình, tộc mình. Cái tâm lý háo danh này là một yếu tố khuyến khích người ta phải có học hàm, học vị Giáo sư, Tiến sĩ. Điều quan trọng hơn là do chính sách của Nhà nước, trong quy chế bổ nhiệm phải có bằng cấp mà người ta lao vào làm Tiến sĩ dù ai cũng biết học hàm GS và học vị TS chỉ dành riêng cho người giảng dạy và nghiên cứu khoa học chứ không cần cho người quản lý.

Đến sách xuất bản cũng trương học hàm, học vị trước tên tác giả. Thật ra chỉ để khoe mẽ mà thôi, nhìn ra thế giới chẳng có nước nào như vậy.

Bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Hà Nội

Tác giả bài viết là người nghiên cứu và giảng dạy văn học Mỹ đã hơn 50 năm, thuộc ngành khoa học xã hội nên không biết và không dám bàn đến các ngành khoa học khác. Nhưng khoa học xã hội từ thế kỷ giữa XX đến nay ghi nhận tên tuổi những nhà nghiên cứu như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Huyên, Từ Chi, Trần Văn Giàu, Phạm Huy Thông, Trần Huy Liệu, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Đào Duy Anh, Trương Tửu, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Dương Quảng Hàm, Cao Xuân Huy, Hoàng Trinh, Phan Ngọc, Cao Xuân Hạo, Trần Đình Hượu, Nguyễn Hiến Lê… Tuyệt đại đa số họ đều được học từ thời Pháp và chẳng có ai đăng bài báo ở tạp chí nước ngoài hay các tạp chí thuộc Scopus – ISI như yêu cầu của Thông tư 08/2017 cả. Hiện nay có nhiều GS, TS đương chức ở các Trường đại học, Viện nghiên cứu có bài đăng ở các tạp chí trên đây mà nào có ai biết đến (bởi để có bài đăng ở các tạp chí này có thể chỉ cần nộp tiền hoặc thuê người viết, người dịch).

Tác giả Việt Nam sử lược (1920) là Trần Trọng Kim, cụ chẳng phải GS hay TS gì cả nhưng công trình cá nhân này (chỉ viết đến thời cận đại), tuy còn nhiều khiếm khuyết nhưng dám “chấp” nhiều bộ sử của nhiều vị GS –TS, hay bộ Lịch sử Việt Nam (15 tập) của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.

Tôi không bàn đến sự vô lý của cả hai Thông tư (08/2017 và 18/2021) về người hướng dẫn nghiên cứu sinh, về bài đăng ở tạp chí khoa học trong nước đặc biệt là tiêu chuẩn công trình (sách) xuất bản để làm cơ sở cho việc công nhận học vị Tiến sĩ và học hàm GS và PGS.

Như đã chỉ ra trên đây, các Thông tư, Quy chế đào tạo Tiến sĩ chỉ là phần ngọn để đối phó với tình trạng xuống cấp của học vị, học hàm khoa học mà không thể giải quyết được. Giải quyết tận gốc phải là Nhà nước cần có chính sách hợp lý về khoa học, giáo dục và đào tạo, về tổ chức các loại Hội đồng (Hội đồng Tuyển chọn và Nghiệm thu Đề tài khoa học, Hội đồng Xét chọn và Hội đồng Bảo vệ Đề tài luận án Tiến sĩ, Hội đồng Phong tặng học hàm Giáo sư, Hội đồng Xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước…). Nền giáo dục phải đào tạo ra những thế hệ công dân có văn hóa, không dối trá, không ăn cắp (công trình của người khác), không mua bán bằng cấp (như hiện nay); trung thực, biết xấu hổ và tự trọng và ý thức được như câu đối của Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến khóc Tú tài Trần Tế Xương:

Ông nghè ông thám ra mây khói,

Còn lại văn chương một tú tài.

Giá trị của cuộc đời là những đóng góp của mình cho cuộc sống chứ không phải ở bằng cấp. Tiến sĩ – Ông nghè phải biết người xưa đã lên án:

Cũng cờ cũng biển cũng cân đai

Cũng gọi ông nghè có kém ai.

Ghế tréo lọng xanh ngồi bảnh chọe

Tưởng rằng đồ thật hóa đồ chơi.

(Nguyễn Khuyến, Tiến sĩ giấy)

Được như vậy thì sẽ có đội ngũ Tiến sĩ, GS và PGS xứng đáng. Nghĩa là không thể cải cách, đổi mới giáo dục (đã có hơn 70 năm thực tế và kinh nghiệm) mà phải có một cuộc cách mạng trong giáo dục.

Lê Thị Hạnh Liên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy