Chủ nhật, ngày 29 tháng 12 năm 2024
09:56 (GMT +7)

Thông tin thất thiệt

VNTN - Những ngày cuối tháng 8, truyền thông đồng loạt thông tin hệ thống quán cơm tấm Kiều Giang nổi tiếng tại TP. HCM bị cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện có sai phạm. Những cái tít như: Phát hiện nhiều loại thịt tại quán cơm tấm Kiều Giang được ngâm trong dung dịch “lạ” đóng váng và bốc mùi; Cơm tấm Kiều Giang nổi tiếng Sài Gòn có dấu hiệu dùng phụ gia "lạ", chế biến trong khu vực có ruồi; Cơm tấm Kiều Giang sử dụng phụ gia thực phẩm không nguồn gốc; Tiệm cơm tấm Kiều Giang bị niêm phong hơn 1.000 kg phụ gia…; trên một tờ báo uy tín, loạt ảnh chụp những bao phụ gia, rồi những chiếc can nhựa đựng nguyên liệu, một góc gian bếp có thực phẩm bày trên kệ…, với dòng chú thích “Nhà hàng cơm tấm Kiều Giang vi phạm an toàn thực phẩm”. Chừng ấy đủ khiến người dân Sài Gòn hoang mang, bởi cơm tấm là món ăn quen thuộc được nhiều người yêu thích.

Điều đáng nói là, kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng đưa ra, cơm tấm Kiều Giang mắc hai lỗi: khu chế biến có côn trùng (ruồi) và một số nhân viên không đeo khẩu trang (vào thời điểm đoàn kiểm tra có mặt). Những thứ mà truyền thông đã “rần rần” đưa tin là “chất lạ”, “nguyên liệu lạ”, “phụ gia lạ”, thậm chí “hóa chất lạ”, đơn giản chỉ là đường, muối, hạt nêm... Ông chủ của Kiều Giang sau những ngày chịu tiếng oan đã bức xúc lên tiếng, rằng "dùng từ kiểu này là giết chết doanh nhân, doanh nghiệp".

Kiều Giang được “minh oan”, song những tổn thất đã xảy ra chẳng ai chung vai gánh chịu cùng họ. Một lần nữa, kiểu thông tin thất thiệt tái diễn và để lại hậu quả chẳng thể đong đếm được. Những cụm từ được mô tả như “thịt ngâm trong phụ gia “lạ””, “bốc mùi”, “nổi váng”, “không rõ nguồn gốc xuất xứ... xuất phát từ những phóng viên đi theo đoàn kiểm tra, là minh chứng thể hiện sự cảm tính, chủ quan của người đưa tin và của cả cơ quan truyền thông. Việc cơ quan chức năng mời báo chí tham gia hoạt động kiểm tra giám sát của ngành phần nào tăng tính công khai minh bạch, song chỉ cần một từ, cụm từ không chính xác được truyền đi như vậy cũng đủ khiến doanh nghiệp đứng bên bờ vực.

Nhìn lại những vụ việc đưa thông tin thiếu chính xác, thì hẳn cơm tấm Kiều Giang không phải trường hợp đầu tiên rơi vào cảnh “dở khóc dở mếu” sau khi xuất hiện trên truyền thông. Cách đây ít lâu, thông tin phế phẩm vỏ cà phê, sỏi nhuộm bột pin được dùng để trộn vào cà phê cũng gây rúng động dư luận xã hội, khiến không chỉ riêng tỉnh Đắk Nông mà ngành cà phê của toàn quốc bị ảnh hưởng. Tại Đắk Nông, các doanh nghiệp phân phối cà phê bột đi các tỉnh bị trả về một nửa số lượng. Các cơ sở chế biến cà phê sạch bỏ hàng xuống các tỉnh cũng bị trả về, thậm chí người ta tuyên bố không dùng cà phê xuất phát từ Đắk Nông. Ngay sau đó, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông đã vào cuộc “điều tra” cụ thể, và kết luận đưa ra là: toàn bộ “đường đi” của hỗn hợp “lạ” (gồm than pin + đá + vỏ cà phê) không liên quan đến cà phê, mà được chế để bán cho cơ sở trộn vào tiêu, làm thực phẩm.

 

Ảnh minh họa

Còn nhớ năm 2016, Công ty TNHH Nông sản Organic chuyên kinh doanh nhãn lồng Hưng Yên cũng “sống dở chết dở” vì thông tin thất thiệt trên báo chí khi có một bài báo nói rằng doanh nghiệp này dùng lưu huỳnh để xông với hun bảo quản nhãn. Trong khi đó, công nghệ bảo quản nhãn được doanh nghiệp mua của một chuyên gia có uy tín có tích hợp cả công nghệ của Úc. Xông hay hun là cách làm thủ công, còn công nghệ sử dụng lưu huỳnh để bảo quản sinh tiết khô đã được giám định đảm bảo chất lượng và an toàn. Thông tin không chính xác đó đã khiến hoạt động kinh doanh, xuất khẩu nhãn của doanh nghiệp chững lại; không chỉ doanh nghiệp bị ảnh hưởng mà cả những nông dân tham gia chuỗi liên kết cũng lao đao theo. Tiếp đó, thông tin nông dân đồng bằng sông Cửu Long sử dụng túi bao trái xoài của Đài Loan có độc được in trên một tờ báo chính thống, sau đó xuất hiện thêm ở một vài trang tin điện tử đã như một “đòn chí mạng” giáng xuống nông dân khi giá xoài từ mức 30.000 đồng/kg lao xuống còn 13.000 - 15.000 đồng/kg, thậm chí chỉ còn 10.000 đồng/kg cũng không bán được.

Thực chất thì túi bao này được làm bằng giấy, có phủ một lớp dầu hỏa để chống thấm, chống sâu bệnh, lớp màu đen bên trong chứa 100% chất xơ bột gỗ lá nhằm tăng tính cản quang, thúc đẩy xoài nhanh chuyển từ màu xanh sang màu vàng, giúp cho trái sáng đẹp, không có chất gì gây hại cho người tiêu dùng.

Rõ ràng là, các cơ quan báo chí được cung cấp thông tin bởi cơ quan chức năng, nhưng phải vô cùng cẩn trọng trong những vụ việc thông tin chưa rõ ràng, đặc biệt liên quan đến sự sống còn của doanh nghiệp, tổ chức hay cá nhân. Đưa tin không chỉ cần tư duy khoa học, bằng chứng xác thực, mà còn ở lương tâm, đạo đức nghề nghiệp của nhà báo và cơ quan báo chí, bởi thông tin có thể đưa một sản phẩm “lên mây”, cũng có thể kéo nó “xuống bùn” chỉ sau vài câu chữ thiếu chính xác.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tinh giản… nghệ thuật

Xem tin nổi bật 1 ngày trước

Luật pháp có vô tình?

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Một cuộc cách mạng chưa từng có

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Sống chung với lũ

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Người dẫn đường và con đường đã mở

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Chủ nhật yên tĩnh – nghĩ và mong…

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Nhà văn và xuất bản sách

Xem tin nổi bật 5 tháng trước