Thơ Việt Nam 2017 – nghịch lý giữa lượng và chất
VNTN - Vào dịp cuối năm, khi các tổ chức, hội - đoàn rục rịch việc tổng kết, trao giải cho các thể loại văn học trong năm, người ta mới giật mình nhìn lại một năm của (không chỉ) thơ. Tại đó, những vận động của thơ trong năm 2017 bỗng hiện lên những sắc màu tương phản kì lạ. Khi Hội Nhà văn Hà Nội bỏ trống giải thưởng dành cho thể loại thơ, đồng thời khá ít tác phẩm đề cử giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam dường như phản ánh một cách cô đọng tình hình thơ năm nay. Mặc dù, con số tác phẩm được in ấn, xuất bản không phải là ít, nhưng, cảm nhận đầu tiên khi nhìn lại một năm đã qua đối với thơ Việt Nam đương đại là sự trái ngược giữa số lượng và chất lượng. Có thể nói, năm 2017 là một năm khá trầm lắng của thơ Việt Nam.
Năm 2017, thơ Việt chứng kiến sự xuất hiện của các tác giả như: Dương Tường (Dương Tường thơ), Hoàng Thụy Anh (Người đàn bà sinh ra từ mưa), Đặng Thiên Sơn (Trong hố cầu thang), Lu (Sự đã rồi anh ngồi anh hát), Hoàng Liên Sơn (Những số hạng yêu thương), Như Quỳnh de Prelle (Song tử), Tạ Anh Thư (Người lạ), Đỗ Thượng Thế (Dưới tấm trần rỉ mưa), Hải Thanh (Tự thanh 3), Phương Uy (Bụi của giấc mơ), Nguyễn Thị Thúy Hạnh (Di chữ), Đỗ Quý Doãn (Rằng thương nhau cho trọn), Đỗ Thành Đồng (Xác), Huyền Thư (Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu), Nguyễn Phong Việt (Sao phải đau đến như vậy),… Ngoài ra, còn có trường ca Bình nguyên đỏ (Lý Hữu Lương), Sa mộc (Phạm Vân Anh), Ba mươi tháng tư (Nguyễn Minh Khiêm),… Cũng cần điểm ra ở đây con số từ Hội đồng chung khảo thơ của Hội Nhà văn Hà Nội. Theo ban tổ chức, có 35 tác phẩm thơ gửi đến tham dự giải, tuy nhiên, do chất lượng chưa thực sự thuyết phục nên cuối cùng không có tác phẩm nào đạt giải. Con số 35 tác phẩm này góp thêm vào sự sôi động cho đời sống thơ Việt Nam năm 2017. Đó là những tác phẩm - tập thơ được xuất bản. Vẫn còn nhiều các tác phẩm khác ở đơn vị bài thơ, chùm thơ được đăng tải trên các báo, tạp chí, diễn đàn văn học nghệ thuật như Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Thơ, Nhà văn và tác phẩm, Hà Nội mới, Nhân dân cuối tuần, Quân đội nhân dân cuối tuần, Văn nghệ Công an,… các báo - tạp chí văn học nghệ thuật ở 64 tỉnh thành trên cả nước (chưa nói ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều tờ báo - tạp chí văn nghệ cùng tồn tại), các Website văn chương: vanhọcque nha.vn, vietvan.vn, facebook thơ hiện thời plus,... Chỉ tính riêng tạp chí Văn nghệ Quân đội, một tháng hai số, mỗi số từ 30 - 35 bài (hoặc hơn), mỗi năm đã có tới hơn 700 bài thơ được ra mắt công chúng. Như thế, không tính trên đơn vị tập thơ, chỉ tính số lượng nơi các tờ báo, tạp chí và trên internet mỗi năm ở Việt Nam có lẽ hàng vạn bài thơ được in ấn, phát hành. Con số không nhỏ này nói lên tình hình thơ ở Việt Nam rất sôi động, ngày càng phát triển về mặt số lượng. Tuy nhiên, dường như đang có sự mâu thuẫn giữa số lượng và chất lượng, khi chúng ta không thực sự có những tên tuổi tác giả, tác phẩm nổi bật, tạo thành điểm nhấn cho năm 2017.
Trên cấp độ tập thơ, năm 2017 không có tác phẩm nào tạo được tiếng vang trong dư luận. Những tập vừa nêu lên ở trên phần nhiều được biết đến thông qua hoạt động giới thiệu, ra mắt sách với những tin bài có tính chất báo chí, nêu sự kiện. Nhìn lại những tập thơ đã ra mắt bạn đọc, có thể thấy, Dương Tường thơ là tuyển tập một đời sáng tạo “con âm” với thi pháp “âm bồi” được xem là lần cống hiến cuối cùng cho thơ của Dương Tường. Người ta ghi nhận Dương Tường ở nỗ lực sống với thơ thay vì những giá trị mới mẻ mà ông mang đến. Bởi dù sao, những cách tân của ông cũng đã dần quen thuộc trong đời sống thơ Việt mấy chục năm qua. Với Trần Ngọc Mỹ, Bài thơ vỗ cánh đã mang theo những ưu tư, xúc cảm cùng trái tim khao khát yêu thương của một người phụ nữ, một người mẹ. Hoàng Thụy Anh khá mềm mại, nữ tính nhưng cũng rạo rực đầy quyết liệt trong tình yêu với Người đàn bà sinh ra từ mưa. Đặng Thiên Sơn cùng với Trong hố cầu thang mang đến cho công chúng những suy tư và xúc cảm về thế giới cá nhân lọt giữa không gian đô thị chật hẹp và khát vọng được bay lên, thoát ra cùng thơ ca. Lu với Sự đã rồi anh ngồi anh hát vẫn tiếp tục mạch thơ từ Lấp kín một lặng im trước đó của anh. Đỗ Thượng Thế với những ngưng đọng trong thời gian, làm đầy lên những cảm giác về đời sống Dưới tấm trần rỉ mưa. Phương Uy với Bụi của giấc mơ mang đến những khuôn mặt khác nhau, những tâm tính khác biệt từ bản thể. Thơ Phương Uyên là nơi những phức cảm đời sống và thân phận được hé lộ. Từ những ám ảnh về bản thể, Nguyễn Thị Thúy Hạnh với Di chữ đã phục hoạt trong thế giới chữ của mình những thân phận Người - Chữ/ Chữ - Người. Thơ với Thúy Hạnh vừa như một phương tiện lại vừa như một mục đích, cưu mang đời sống của cái tôi dường như đã quá hoang mang với cuộc đời. Cuối năm 2017, Huyền Thư ra mắt Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu. Cô đang là sinh viên ngành quy hoạch đô thị tại New Zealand và đã đạt giải thưởng của Trung tâm văn bút trường Đại học Victoria. Thơ Huyền Thư nhẹ nhàng, thể hiện nỗi nhớ quê hương, đất nước, nhớ Hà Nội, những rung cảm trong tình yêu đôi lứa,… Giữa tháng 12/2017, Nguyễn Phong Việt ra mắt tập thơ Sao phải đau đến vậy. Tập thơ này vẫn tiếp nối tinh thần của các tập trước khi Nguyễn Phong Việt gợi lên những rung cảm của tuổi trẻ về cuộc đời, những vết đau, những hạnh phúc, mong manh, gần gụi, xa xôi. Với 5000 bản cho lần in đầu, đây vẫn là tập thơ có tira lớn hàng đầu ở Việt Nam. Các tập thơ vừa điểm chỉ là một phần nhỏ trong quan sát, trải nghiệm của người viết (chắc chắn là như thế, bởi còn khá nhiều tập thơ chúng tôi chưa có điều kiện tiếp cận, nhất là của các tác giả ở địa phương), nhưng sự thật, chúng ta vẫn cần nhiều hơn những điểm số từ sự đánh giá nghiêm cẩn của các nhà phê bình và công chúng rộng rãi. Năm qua, trên bình diện tập thơ, từ góc quan sát của cá nhân người viết, thật khó để chỉ ra cái tên nào thuyết phục về chất lượng nghệ thuật cho hạng mục thơ. Không khí dự giải và trao giải thơ ở Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam có lẽ là hệ quả tất yếu khi Ban tổ chức và Hội đồng trao giải đã gặp khó khăn trong việc lựa chọn tác phẩm trao giải.
Trên các diễn đàn báo - tạp chí, website, facebook, có thể thấy một số tên tuổi đã được định danh vẫn tiếp tục có sáng tác mới. Tuy nhiên, với một vài bài thơ, chùm thơ, những tác phẩm của họ vẫn chưa neo lại trong tâm trí người đọc. Những cái tên như Trương Đăng Dung, Mai Văn Phấn, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Thánh Ngã, Đinh Thị Như Thúy, Trần Hoàng Phố, Lê Vĩnh Tài, Nguyễn Thị Thùy Linh, Kai Hoàng, Trần Huy Minh Phương, Phan Tuấn Anh, Nguyễn Tuấn,… đã khá quen thuộc và độc giả biết đến họ từ trước thay vì những thành tựu riêng trong năm 2017. Điểm sáng đáng chú ý nhất là giải thưởng Cikada của Vương quốc Thụy Điển trao cho nhà thơ Mai Văn Phấn. Tuy nhiên, đây cũng là giải thưởng được trao dựa trên thành tựu của cả sự nghiệp thơ Mai Văn Phấn.
Việc không tìm được tác giả, tác phẩm để trao giải hay thưa vắng tác phẩm gửi xét giải có thể phản ánh khía cạnh chất lượng của thơ và của cả uy tín giải thưởng. Đương nhiên, đó là một tham chiếu để nhận định về thơ Việt Nam năm 2017. Phải khẳng định lại, chúng ta có một con số khổng lồ các tác phẩm (tập thơ, chùm thơ, bài thơ) được in ấn, xuất bản - hàng vạn bài (thậm chí nhiều hơn nếu chúng ta theo dõi thêm trên các diễn đàn văn học mạng, ở hải ngoại hay các tổ chức xuất bản tư nhân). Thời Thơ mới 1932 - 1945, Hoài Thanh đọc một vạn bài trong đó có tới non một vạn là dở, thiết nghĩ cũng không còn quá “khủng khiếp” với hiện tình thơ Việt hiện nay. Điều quan trọng là, với một vạn bài thơ ấy, trong hơn mười năm, Hoài Thanh đã lựa chọn (dù rất chủ quan) được 46 gương mặt để đưa vào danh tác Thi nhân Việt Nam. Với thơ đương đại, chỉ riêng năm 2017, chúng ta có lẽ có đến hơn một vạn bài. Đằng sau những con số thống kê hay so sánh, câu chuyện về tiến trình phát triển của thơ trữ tình Việt Nam, quan niệm về giá trị của nhà thơ và công chúng, hệ mĩ học của thời đại, trách nhiệm xã hội và nghệ thuật của các bên tham gia vào chuỗi sản xuất - phân phối - tiêu thụ thơ là điều đáng bàn hơn. Dường như, việc in ấn, xuất bản quá dễ dàng, vai trò biên tập của nhà xuất bản hay các cơ quan báo chí bị vô hiệu hóa cùng với tâm lí trọng danh, thị hiếu dễ dãi hoặc thờ ơ của công chúng,… đã trở thành điều kiện thuận lợi cho việc có quá nhiều ấn phẩm thơ ra đời. Trong một nghiên cứu trước đây, chúng tôi đã chỉ ra thơ Việt Nam đang khủng hoảng: thừa văn bản thơ mà thiếu thi phẩm, thừa người làm thơ mà thiếu thi sĩ (NTT nhấn mạnh). Giải thưởng thiết nghĩ cũng không phải là điều gì quá quan trọng, nhất là trong bối cảnh các giải thưởng không thực sự khẳng định được uy tín của mình. Nếu hiểu, thơ là thân phận, là đời sống ngụ nơi ý tình, câu chữ, nhịp điệu thì điều chúng ta cần là những dấu ấn để văn học, văn hóa và lịch sử nhắc đến 2017 như một điểm nhấn trên vòng quay bất tận, vô thường của thời gian. Câu chuyện thơ ca của năm 2017, xem ra cũng là câu chuyện chung của thơ Việt đương đại. Niềm hi vọng về những tác phẩm, tác giả làm nên tên tuổi của thời đại dường như vẫn còn ở phía trước, từ cái nhìn trong một năm trầm lắng của thơ Việt.
Nguyễn Thanh Tâm
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...