Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024
20:32 (GMT +7)

Thơ và lời bình: Viếng chồng – một vòng hoa đẹp

VNTN - Chị ơi!...

Chỉ gọi được thế thôi

Anh chiến sĩ đưa đường bỗng thấy nghẹn lời

Không làm sao anh còn nói nổi:

Chị đặt hoa nhầm rồi

Mộ anh ấy ở bên tay trái

Chỉ có một vòng hoa chị mang từ quê lại

Hoa viếng mộ bên này đã có chúng tôi!

-Chị hiểu ý em rồi

Xin cho chị đặt hoa bên mộ đó

Cả cánh rừng chỉ có hai ngôi mộ

Viếng mộ anh có chị đến đây rồi.

Trần Ninh Hồ

(Trích trong tập Mưa đền cây  NXB Phụ Nữ 1997)

Đã có nhiều bài thơ hay về đề tài thương binh, liệt sĩ của các thế hệ nhà thơ Việt Nam, song hiếm có tác phẩm nào vừa đạt đến độ giản dị, cô đọng, lại vừa có kết cấu độc đáo như bài thơ Viếng chồng của nhà thơ Trần Ninh Hồ.

Mở đầu bài thơ là sự “nghẹn lời” của anh chiến sĩ đưa đường, chỉ đủ bật lên tiếng gọi, ái ngại: “Chị ơi!” và sau đó là khoảng trống ngôn từ. Lúc này, ở đây không cần đến những ngôn từ hoa mỹ, bởi nó không phù hợp, không thật với tình cảm của con người, khi lời thơ chỉ là tiếng nói thầm từ tận đáy lòng người chiến sĩ: “Chị đặt hoa nhầm rồi/Mộ anh ấy ở bên tay trái/Chỉ có một vòng hoa chị mang từ quê lại/Hoa viếng mộ bên này đã có chúng tôi !”. Anh chiến sĩ ái ngại đến mức nghẹn lời “không làm sao anh còn nói nổi” trước một sự thật đau lòng: khi chỉ có một vòng hoa chị mang từ quê xa đến viếng mộ chồng mà lại đặt nhầm lên mộ người khác.

Nhưng khổ thơ đầu mới chỉ đảm nhiệm vai trò tạo tình huống có vấn đề. Cái hay của bài thơ và cũng là cái tài của tác giả được thể hiện ở khổ thơ sau khi giải quyết vấn đề ấy một cách thật độc đáo và xúc động “- Chị hiểu ý em rồi/ Xin cho chị đặt hoa bên mộ đó/ Cả cánh rừng chỉ có hai ngôi mộ/ Viếng mộ anh có chị đến đây rồi”. Kết thúc bài thơ thật bất ngờ làm bừng sáng những câu chữ tưởng như chẳng thơ chút nào. Sự lấp lánh đầy chất thơ ấy xuất phát từ trái tim nhân hậu của người phụ nữ đến viếng mộ chồng và sâu xa hơn nữa đó là tấm lòng của nhà thơ. Tác giả “đã giúp” người vợ liệt sĩ giải quyết được tình huống tình cảm khó khăn khi “Cả cánh rừng chỉ có hai ngôi mộ” mà trên tay chị “Chỉ có một vòng hoa”.  Rõ ràng ở đây không có sự nhầm lẫn nào cả, mà đó là sự tự nguyện, tự ý thức của người phụ nữ. Một tiếng “Xin” nhỏ nhẹ cũng đã thể hiện tấm lòng nhân ái của chị. Cụm từ “Cả cánh rừng” gợi ra sự rộng lớn, mênh mông của không gian, còn “chỉ có” nói về số ít, gợi lên sự ít ỏi, lẻ loi. Đặt hai cụm từ ấy trong cùng một dòng thơ, tác giả đã gợi sự trống vắng, trơ trọi của thân phận người nằm dưới mộ. Chính vì vậy, người đến viếng càng không được phép quên nấm mộ nào!

Viếng chồng thực sự là một vòng hoa đẹp được kết từ tấm lòng nhân ái của nhà thơ, không cần màu mè, hoa mỹ nhưng lại có sức lay động và cuốn hút mãnh liệt đến tâm hồn người đọc.

Trần Văn Lợi

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Thơ My Tiên

Thơ 1 giờ trước

Thơ Nguyễn Nhật Huy

Thơ 1 ngày trước

Thơ Tô Hoàn

Thơ 2 ngày trước

Giọt chiều dưới nón

Thơ 3 ngày trước

Hoa dâng thày

Thơ 4 ngày trước

Thơ Nguyễn Hưng Hải

Thơ 5 ngày trước