Thơ và lời bình
Dòng sông trôi mòn vẹt vầng trăng Bóng lửa ăn vạc dần bóng mẹ Gió táp núi gầy trơ xương đá Ước mơ gẫy cánh trong nhà!
Mỗi lần đi vào đi ra Con QUÁI VẬT NHÀ ngoác miệng Cắn đời ta ngắn đi một chút Chạy đằng trời!!!
Võ Sa Hà (Báo Văn nghệ Thái Nguyên, số 45 ngày 6/11/2018)
LỜI BÌNH NGÔI NHÀ! Chắc hẳn người ta vẫn thường nghĩ đó là nơi tổ ấm bình yên để trở về sau bao nhiêu những lo toan bươn trải trong kế sinh nhai. Ngôi nhà - đó không chỉ là nơi chốn dung thân che chở khỏi nắng mưa sương gió, mà ở sâu trong lớp vỏ của ngôi nhà là cả một gia đình, nơi có ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu… và còn có cả ban thờ tổ tiên. Như vậy, trong mỗi ngôi nhà đã gồm đủ cả quá khứ - hiện tại - tương lai. Vì thế, ngôi nhà luôn là nơi chốn linh thiêng trong tâm khảm mỗi tâm hồn Việt! Thế nên, khái niệm Nhà cụ thể trong bài thơ Thời gian của Võ Sa Hà chỉ là cách nói tu từ hoán dụ bởi tính đa nghĩa, đa chiều, đa diện trong thâm ý có phần đặc dị của tác giả. Thoạt tiên, tác giả nêu ra một cách nhìn, một dạng hình khác, không xuôi chiều, không đơn luận về sự hiện sinh của một không gian sống: Dòng sông trôi mòn vẹt vầng trăng Bóng lửa ăn vạc dần bóng mẹ Gió táp núi gầy trơ xương đá Ước mơ gẫy cánh trong nhà! Dân gian có câu “Nước chảy đá mòn” đã thành chân lý hiển nhiên. Nhưng “dòng sông trôi” làm “mòn vẹt vầng trăng” thì là một khái niệm lạ và có phần nghịch lý. Đây chắc hẳn không phải câu thơ đích chỉ nhằm nói về các sự vật hiện tượng của thế giới tự nhiên mà ẩn sâu trong đó là cả một nỗi niềm. “Vầng” là chỉ sự tròn đầy. “Vầng trăng” là trăng tròn đầy. Trăng kia vốn rất tròn đầy nhưng đã bị “mòn” “mòn” đến mức bị “vẹt” đi, biến dạng bởi sự chà xát, bào giũa của dòng sông thời gian. Tự cổ chí kim, thi ca vẫn thường lấy vầng trăng làm biểu tượng cho tình yêu, cho hạnh phúc lứa đôi và CÁI ĐẸP. Thế nên, khi bắt gặp hình ảnh vầng trăng đã bị vẹt mòn thì thật khó tránh khỏi nỗi lòng nao nao khắc khoải…! Dẫu vẫn biết không ai, không gì có thể cưỡng lại được dòng chảy thời gian, nhưng… thứ linh thiêng, cao quý và thơ mộng như tình yêu và CÁI ĐẸP cũng bị hủy mòn mà không thương tiếc, xót xa thì mới là chuyện lạ! Bếp lửa không chỉ là biểu trưng cho mái ấm gia đình nếu nói theo biện pháp tu từ hoán dụ, mà còn là thước đo hiện thực phản ánh sự sung túc hay nghèo khó của chính gia đình đó! Ở câu thơ này, Võ Sa Hà không hẳn chỉ định nói trực tiếp về bếp lửa, thậm chí anh còn không muốn nói về bếp lửa gia đình thời hiện tại!? Anh đã mượn phương pháp ẩn dụ để nói về điều sâu xa hơn: “Bóng lửa” cái “bóng” của ngọn lửa ấm áp một thời đã lặng lẽ, vô tình “vạc dần dáng mẹ”. Ta biết “bóng” và “dáng” đều là ảo hóa, gần như vô thực, nhưng khi kết hợp chúng trong câu “Bóng lửa ăn vạc dần dáng mẹ” thì “bóng” và “dáng” đã trở thành hữu hình! Đó là sự hữu hình của một nỗi đau nỗi đau bởi cuộc mưu sinh như bị đẽo, bị “vạc” mỗi ngày. Một hình tượng thơ thật đẹp nhưng cũng thật xót xa! Và rồi, trong cuộc vật lộn vì bát cơm manh áo, trải bao gió táp mưa buồn khắc nghiệt đến như núi còn bị đẽo vạc tới mức “gầy trơ xương đá”… thì đôi khi con người phải chấp nhận gục ngã đầu hàng nghịch cảnh. Cũng có khi vì nhiều thứ phải gánh vác lo toan, từ trong nếp nghĩ sự trói buộc vô hình của tờ giấy giá thú, có sự giằng xé, dày vò của tình máu mủ, ruột già và đôi khi, cả địa vị xã hội của người chủ gia đình với tính sĩ diện, và theo phong tục văn hóa - đạo đức truyền thống… mà người ta phải cố gắng gượng níu giữ cho sự tồn tại với vẻ ngoài bình yên của một gia đình, để tránh phải mang tiếng là “tan đàn xẻ nghé”… nên đành đau đớn và cay đắng từ bỏ ước mơ cháy bỏng của chính mình! “Ước mơ gẫy cánh trong nhà!!!” - ở đời ai cũng nhiều mơ ước, và mọi ước mơ vốn thường được bắt đầu từ trong chính ngôi nhà của mình. Một trong những ước mơ khiêm nhường, bình dị nhất là có được một nếp nhà làm tổ ấm, một gia đình hạnh phúc tròn đầy…! Nhưng đôi khi hiện thực phũ phàng, ngoại cảnh, số phận đẩy đưa đã làm mọi dự định tốt lành bị đảo lộn, bị dày xéo tan tành! Câu thơ “ước mơ gẫy cánh trong nhà!!!” thật sự là một nấc than, uất nghẹn!!! Khi ước mơ đã bị “gẫy cánh” thì gia đình càng trở thành gánh nặng tinh thần cho gia chủ. Và, khi ngôi nhà bị thiếu đi ánh sáng soi rọi của tình yêu thì có khác gì chiếc lồng, chiếc cũi giam cầm, để trong đó chỉ còn lại sự bế tắc quẩn quanh đến tận kiệt. Thế nên ngôi nhà biến thành “con QUÁI VẬT NHÀ” là một điều tất yếu, đương nhiên! “Mỗi lần đi vào đi ra/con QUÁI VẬT NHÀ ngoác miệng cắn đời ta ngắn đi một chút”. Như đã nói: không ai, không gì có thể cưỡng lại đươc dòng chảy của thời gian. Cứ sau mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút trôi qua thì cuộc đời của tất thảy chúng ta đều đã bị ngắn đi một chút. Chân lý hiển nhiên ấy đã được Võ Sa Hà diễn đạt dưới một góc nhìn mỉa mai, tự trào và cay nghiệt: Đó là sự xuất hiện, sự ra đời của MỘT SINH THỂ mới: “con QUÁI VẬT NHÀ”! “con QUÁI VẬT NHÀ” được sinh ra cũng có nguồn căn từ một nghịch lý đã - đang và còn tiếp tục hiển nhiên tồn tại. Ấy là: Khi ta càng lao tâm dồn sức mà lo toan gây dựng cho sự tồn sinh của NGÔI NHÀ GIA ĐÌNH thì chính NGÔI NHÀ GIA ĐÌNH lại là đối tượng chính trực tiếp ra tay vắt kiệt sức ta, đưa ta đến nhanh, đến gần hơn với lưỡi hái Tử thần! Và, có lẽ cũng chính từ cái nghịch lý đảo nhưng hợp logic ấy, Võ Sa Hà đã phất câu thơ chốt hạ: “chạy đằng trời!!!”. Bài thơ thật hàm súc, cô đọng đến mức đặc quánh như keo: Tất thảy chỉ có bảy câu - tám dòng - 49 chữ nhưng đã đưa ra một triết lý mang nội hàm rộng lớn, một bài học, một nhận thức về giá trị của gia đình! Ở đó ngôi nhà chỉ là phương tiện, chỉ là cái vỏ bề ngoài của một không gian sống. Nó không song hành, không đồng dạng với hạnh phúc hay khổ đau! Ngôi nhà chỉ trở thành Tổ ấm khi trong lòng nó luôn chứa đựng ắp đầy và không ngừng được bồi lắng những tình cảm yêu thương chia sẻ, để luôn đứng vững trước mọi biến cố, mọi bão táp của DÒNG CHẢY THỜI GIAN!.
Nguyễn Minh Sơn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...