Thứ sáu, ngày 03 tháng 05 năm 2024
11:18 (GMT +7)

Thơ và lời bình: Người xưa

Người xưa gặp lại thôi mà

Đã mờ kỷ niệm, đã xa tháng ngày

Sao mình run cả chân tay

Tim hồi hộp tựa đi vay vàng mười

May sao còn vẹn nụ cười

Còn gương nhân hậu mặt người

năm xưa

Năm xưa trên bến Vầy Nưa

Người trai trẻ lắm, ta chưa có chồng

Trập trùng núi, gập ghềnh sông

Rừng hoang, suối vắng...

lòng không vướng gì

Vượt đèo cõng chữ mà đi

Gian nan, đói khát cũng vì chữ thôi

Nhớ khi ngồi phệt chân đồi

Người đi tìm nước dưới trời

nắng trưa

May còn quả dứa cuối mùa

Đập ra cùng gặm vị chua trời dành...

Cuộc đời mọi cái qua nhanh

Vị chua còn mãi giờ thành ngọt môi

Chắc vì cái vị chua thôi

Nên ta hồi hộp gặp người ngày xưa.

Nguyễn Thị Mai

Nhà thơ Nguyễn Thị Mai từng để lại dấu ấn trong lòng độc giả với những bài thơ về đề tài gia đình đằm thắm nghĩa tình: Qua hàng trầu nhớ mẹ, Nói với con chồng, Nhà không có bố... Bên cạnh đó, những bài chị viết về tình yêu đôi lứa cũng khá đặc sắc như Linh cảm, Lục bát anh và em, Tâm tình với người đến sau... Bài lục bát Người xưa mới được chị viết năm 2019.

Mới viết nhưng câu chuyện trong bài thơ thì xảy ra cách đây đã rất lâu rồi, từ cái thuở “Người trai trẻ lắm, ta chưa có chồng”. Người phụ nữ trong bài thơ, nhân vật xưng “ta” đang cố kìm nén cảm xúc khi bất ngờ gặp lại “người xưa”. Mặc dù tim thì hồi hộp, chân tay thì run rẩy song cô vẫn tự trấn an mình: “Người xưa gặp gỡ thôi mà/ Đã mờ kỷ niệm, đã xa tháng ngày”. Có đúng là thời gian xa cách đã làm phôi phai kỷ niệm? Câu hỏi chắc chỉ người trong cuộc mới có câu trả lời thỏa đáng. Chỉ biết rằng vừa gặp lại nhau đây mà những tháng ngày xa xưa ấy bỗng ào ạt ùa về: “Năm xưa trên bến Vầy Nưa/ Người trai trẻ lắm, ta chưa có chồng/ Trập trùng núi, gập ghềnh sông/ Rừng hoang, suối vắng... lòng không vướng gì/ Vượt đèo cõng chữ mà đi/ Gian nan đói khát cũng vì chữ thôi”.

Thì ra nhân vật trữ tình của chúng ta và có thể cả người xưa nữa, đã từng có một thời cõng chữ lên non, mang ánh sáng tri thức đến với nơi rừng hoang suối vắng. Và chắc là những gian nan, đói khát nơi trập trùng núi, gập ghềnh sông ấy đã khiến con người thêm bó bện, yêu thương, san sẻ với nhau hơn: “Nhớ khi ngồi phệt chân đồi/ Người đi tìm nước dưới trời nắng trưa/ May còn quả dứa cuối mùa/ Đập ra cùng gặm vị chua trời dành”.

Hành động đi tìm nước uống giữa lúc nắng nóng của chàng trai, hay hình ảnh cả hai cùng nhau gặm quả dứa chua cuối mùa còn sót lại, là hết sức bình thường trong diễn tiến của câu chuyện. Chàng trai nghĩ thế và độc giả cũng thấy thế. Nhưng phụ nữ vốn nhạy cảm. Trong mắt người con gái thì những hành động, việc làm ngỡ đương nhiên đó lại khiến cho cô hết sức cảm động và con tim thì xao xuyến. Song có lẽ đó mới chỉ là những rung động đầu đời hết sức đáng yêu, trong trẻo. Tình cảm cô dành cho người xưa ấy chỉ một mình cô biết và cô đã rất nâng niu, trân trọng nó. Bởi vậy mà trong cô “vị chua còn mãi giờ thành ngọt môi”.

Bài lục bát không dài lắm mà các khổ thơ được sắp xếp ngắn dài một cách hơi bất thường. Điều đó phải chăng là thể hiện cho trạng thái tâm lý đang xáo động, đang rung rinh của nhân vật thơ (và rất có thể chính tác giả) trước người xưa? Cái cảm giác “say nắng” đã là của những ngày rất xa rồi, song những run rẩy, những bồi hồi thì vẫn đang hiện hữu, bởi tình cảm với người xưa trong cô là có thật. Giờ đây cô đã bình tâm trở lại để nhận ra rằng “Chắc vì cái vị chua thôi/ Nên ta hồi hộp gặp người ngày xưa”.

Cuộc sống sẽ thêm thi vị khi mỗi chúng ta có được nhiều hơn trong đời những kỷ niệm trong sáng vô tư và ân nghĩa. Những quan tâm, những sẻ chia khi bình thường đã rất quý, trong gian khổ, khó khăn nó càng quý giá biết chừng nào. Vì thế chất nữ tính, nét duyên thầm của nhân vật cô gái trong bài thơ càng chiếm được cảm tình của độc giả. Và bài thơ đã để lại những dư vị ngọt ngào cũng như điểm tô sắc màu cho bức tranh cuộc sống thêm sinh động, đáng yêu.

Đặng Toán

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục