Thứ hai, ngày 23 tháng 09 năm 2024
00:22 (GMT +7)

Thơ và lời bình: Lời ru tháng Bảy

Ru anh

Bao năm thức với nắng mưa

Hôm nay anh ngủ say sưa dưới trời

Lưng em là một chiếc nôi

Bồng bênh câu hát như thời xa xưa

Dòng sông Thạch Hãn gió đưa

Một vầng trăng khuyết đôi bờ long lanh

Ngủ đi anh! Ngủ đi anh!

Trường Sơn mây trắng núi xanh trập trùng

Nhẹ như một chét lá rừng

Anh gầy giấc ngủ trên lưng cũng gầy

Nhón chân em vịn trời mây

Giữ êm cho gánh xương gầy bớt đau

Mẹ già tóc bạc hoa lau

Chiều nay ra tận ngõ sau khóc mừng

Hàng cau đứng lặng rưng rưng

Hạt mưa ngâu cứ ngập ngừng sẻ chia

Ngủ đi anh giữa trời khuya

Làng quê ta đó giặc kia tan rồi

Bờ tre tiếng cuốc bồi hồi

Phú Ân mình vẫn vọng lời hát ru

Cánh diều đẩy gió vào thu

Nghe trong tiếng sáo vi vu anh về

Bảy ngày tay ấp má kề

Để trăm năm trọn một bề làm dâu

Bảy ngày trầu thắm duyên cau

Cho lời ru sống bên nhau trọn đời

Ba mươi năm chẵn anh ơi

Đêm nay mới được hát lời ru anh

Bến lòng gác mái xuân xanh

Tình em vẫn trẻ bởi anh không già!

Ngoài kia xao xác tiếng gà

Trong này cánh võng la đà ru anh

Hình như có khúc quân hành

Bài ca anh hát vọng thành nước non

(Nguyễn Văn Thục)

Bài thơ Ru anh của Nguyễn Văn Thục - Lời độc thoại của người vợ đi tìm hài cốt của chồng là liệt sĩ từ Trường Sơn về quê nhà, sau 30 năm hy sinh. Nhân vật trong bài thơ chỉ có Em (vợ), Anh (chồng - gói xương liệt sĩ) và gián tiếp là hình bóng người mẹ của liệt sĩ.

Một tình cảm đặc biệt, chỉ có người vợ liệt sĩ mới nhận ra điều mà không ai nghĩ tới: “Bao năm thức với nắng mưa/ Hôm nay anh ngủ say sưa dưới trời”.

Trên đường từ Trường Sơn, nơi thượng nguồn dòng sông Thạch Hãn về quê nhà, hài cốt của anh nằm trong ba lô lúc nào chị cũng nâng niu trên lưng: “Ngủ đi anh! Ngủ đi anh!/ Trường Sơn mây trắng núi xanh trập trùng”. Giá còn nguyên vẹn hài cốt của anh cũng nặng trĩu trên vai nhưng đã 30 năm sương gió, đã qua đạn bom khói lửa nên chỉ còn: “Nhẹ như một chét lá rừng/ Anh gầy giấc ngủ trên lưng cũng gầy”. Chị thương chồng, chiều chồng, yêu chồng đến mức cõng anh trên lưng, ru anh ngủ ngon mà mỗi bước trên đường đưa anh về quê rất nhẹ nhàng: “Nhón chân em vịn gió mây/ Giữ êm cho gói xương gầy bớt đau”. Cụm từ “em vịn gió mây”, nhẹ như chị cõng anh bay trong vũ trụ về quê cho nhanh để “gói xương gầy bớt đau”. Đọc mà thắt lòng

Trên đường đưa anh về quê, hình ảnh chị hình dung ra đầu tiên rõ nhất là: “Mẹ già tóc trắng hoa lau/ Chiều nay ra tận ngõ sau khóc mừng”… Hai chữ “khóc mừng” đã là tuyệt bút của tác giả nói về hành trang tình cảm sâu nặng của người mẹ liệt sĩ khi đón hài cốt của con mình: buồn mà mừng vì…

Khi đưa hài cốt anh về tới nhà, chị vẫn ru anh: “Ngủ đi anh giữa trời khuya/ Làng quê ta đó, giặc kia tan rồi/ Bờ tre tiếng cuốc bồi hồi/ Phú Ân mình vẫn vọng lời hát ru/ Cánh diều đẩy gió vào thu/ Nghe trong tiếng sáo vi vu anh về”. Ấy là tình cảm quê hương thương nhớ anh, đón anh về, khi anh chưa về được thì dân làng vẫn biết ơn anh, nhớ anh : “Phú Ân mình vẫn vọng lời hát ru” anh đấy.

Nguyễn Văn Thục đã như hóa mình vào sự Ru anh có thật ở quê tôi, nhưng rồi “Ngoài kia xao xác tiếng gà” tác giả đã hướng ta sang một vũ trụ, một thế giới rộng hơn, có ý nghĩa hơn: “Bảy ngày tay ấp má kề/ Để trăm năm trọn một bề làm dâu”.

Ru anh là khúc tâm tình tâm huyết của nhà thơ Nguyễn Văn Thục dành cho Liệt sĩ, dành cho người Phụ nữ Việt Nam với một tình cảm sâu lắng nhất, sự biết ơn và trân trọng nhất. Đây là Lời ru tháng Bảy - Lời ru buồn đau mà không bi lụy cho tháng Bảy thiêng liêng -  tháng Bảy tâm linh.

 

Đỗ Lâm Hà

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Thơ dành cho các em nhân dịp Tết Trung thu

Xem tin nổi bật 6 ngày trước

Xin lỗi mùa thu

Thơ 1 tuần trước

Sau vũ hội

Thơ 1 tuần trước

Bên kia nỗi nhớ là làng

Thơ 1 tuần trước

Thơ Nguyễn Thúy Quỳnh

Thơ 1 tuần trước

Thơ Nguyễn Đức Tùng

Thơ 1 tuần trước

Xin lỗi mùa thu

Thơ 1 tuần trước