Thứ sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2024
10:49 (GMT +7)

Thơ và lời bình: Chớm thu

VNTN - Đành hanh cái nắng chớm thu

Nửa như nhớ Hạ nửa như giận mình

Gặp Thu cũng muốn ngoại tình

Lại e sen muộn đầu đình ngóng trông

Cốm xanh vương vít trái hồng

Xóm bên người ấy lấy chồng phố xa

Chớm thu nắng đổ về già

Bao nhiêu mắt mở vườn na dậy thì..

Trần Nhương

Không phải nói về thu đâu mà là nói về người đấy, hay nói cách khác là về mùa thu của con người. Tuy không non tơ như mùa xuân, không rực rỡ như mùa hè, nhưng mùa thu, thiên nhiên cũng như con người, lại là mùa đẹp nhất. Đẹp một cách thầm kín, một vẻ đẹp bên trong, đang vào độ chín.

                   Đành hanh cái nắng chớm thu

Nửa như nhớ Hạ nửa như giận mình

Ở độ tuổi đã vượt qua cái mốc bốn mươi của cuộc đời (tuổi chớm thu), không thể có và cũng không nên có cái nhí nhảnh của mùa xuân, cái nồng nã của mùa hè, vì như vậy là trái với tự nhiên, không thận trọng sẽ trở nên kệch cỡm. Cho nên từ “đành hanh” được dùng để diễn tả cái tâm thế của tuổi chớm thu, mở màn cho bài thơ thật đáng giá. Tính từ “đành hanh”, ngoài một vài nghĩa đen, còn tiềm ẩn nhiều ý nghĩa biểu cảm lắm. Đành hanh là cái thói đời (ở đây là cái “thói” của nắng) có phần ngang trái, đòi mình phải được hơn đời một cách vô lí. Vào tuổi này, tự biết mình đã mất đi sự vồ vập, đón đưa của thiên hạ mà lòng thì vẫn còn đầy ắp những kiêu hãnh một thời nên mới có sự hờn giận vu vơ mà sinh ra cái thói đành hanh như vậy. Cái thói đành hanh của người, của nắng trong bài thơ vừa như một lực đẩy, lại vừa như một lực kéo. Để diễn tả nắng thu, đã có quá nhiều thi sĩ viết và đổi mới cách viết, nhưng nắng “đành hanh” thì hình như chỉ có Trần Nhương là một.

Câu thơ thứ hai chỉ để làm rõ hơn cái nghĩa “đành hanh”: “nửa như nhớ Hạ nửa như giận mình”. “Giận mình” là nỗi giận, nỗi lo sắp phải bước vào cái tuổi tàn phai. Nhưng nói vậy mà không phải vậy. Hãy thử tìm hiểu kĩ đoạn thơ tiếp theo xem sao:

Gặp Thu cũng muốn ngoại tình

Lại e sen muộn đầu đình ngóng trông

Cốm xanh vương vít trái hồng

Xóm bên người ấy lấy chồng phố xa

Thì ra cái tuổi chớm thu tình lực còn sung mãn lắm. Những nhớ nhung, những trái ngang, nhưng xót xa, dang dở, những vướng vít, những… ngoại tình vẫn còn nguyên vẹn trong tâm khảm. Tuy nhiên, câu thơ diễn tả cái sự “muốn ngoại tình” nhưng “lại e sen muộn đầu đình ngóng trông” thì quả là tài. Không phải tài về chữ nghĩa mà về tâm lí. Chắc là có chuyện suy bụng ta ra bụng người nên câu thơ mới đắc địa thế? Có thể gây hiệu ứng đồng cảm đến cả ngàn vạn con người, mà các “sen muộn” cũng bớt phần phiền muội.

Trong sáng tác, những kiểu từ như “đành hanh” đã nhắc ở trên và “ngoại tình” trong đoạn thơ này cùng những từ ít nhiều mang tính khẩu ngữ thường rất khó đưa và thơ, nhất lại là những bài thơ mang đậm chất trữ tình như “chớm thu”. Vậy mà ngược lại, Trần Nhương lại luôn thành công trong việc sử dụng những từ ngữ “trái khoáy” như thế, “Chớm thu” là một ví dụ. Một điều nữa. Cái lối viết lấy cảnh tả tình và những biện pháp tu từ của ngôn ngữ mà lâu nay các nhà thơ thường dùng không còn xa lạ với độc giả nữa, nếu không làm mới có khi còn trở nên sáo mòn. Vẫn là cách đó, nhưng ở Trần Nhương việc sử dụng tu từ có những nét khác biệt so với một số tác giả khác. Chừng như anh không cố tình, không dụng ý như đôi ba nhà thơ thích “làm mầu” trong khi sáng tác, mà hết sức tự nhiên, vẻ tự nhiên như trong ca dao (Bây giờ mận mới hỏi đào/ Vườn hồng đã có ai vào hay chưa; Trăm năm dù lỡ hẹn hò/ Cây đa bến cũ con đò khác đưa). Nói thu, nói sen, nói cốm, nói hồng…dĩ nhiên vẫn là nói người, nhưng khi đọc “Chớm thu” có vẻ như độc giả chẳng cần đến sự liên tưởng quá quen của hình thức ẩn dụ, cũng chẳng cần tô đậm bởi các hình thức phân tích. Người đọc chỉ cần nhận ra thu, ra cốm, ra sen, ra hồng… như những gương mặt đầy thân thuộc trong cuộc đời là đủ. Vì ở đây cảnh đã luồn trong tình, tình đã lặn vào cảnh. Vậy thôi. Phải chăng đó chính là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa dân gian và hiện đại, là năng lực đổi mới trong sáng tác thi ca, thứ mà không ít các nhà cách tân đang mệt mỏi kiếm tìm ở những phương trời xa lắc.

Cái kết của bài thơ cũng thật đáng nể. Trữ tình mà lại giống như một triết lí:

Chớm thu nắng đổ về già

Bao nhiêu mắt mở vườn na dậy thì...

Thực ra, tác giả không cố tình triết lí, mà chỉ dựa vào một hiện tượng của thiên nhiên là vào tiết chớm thu cũng là lúc na đang vào kì mở mắt, để một lần nữa nói với mọi người rằng tuổi chớm thu vô cùng tươi đẹp, bất diệt trong sự hồi sinh. Nắng dù có đổ về già nhưng tình của tuổi chớm thu thì mãi mãi vẫn như tuổi dậy thì.

Hồ Thủy Giang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Thơ My Tiên

Thơ 15 giờ trước

Thơ Nguyễn Nhật Huy

Thơ 2 ngày trước

Thơ Tô Hoàn

Thơ 3 ngày trước

Giọt chiều dưới nón

Thơ 3 ngày trước

Hoa dâng thày

Thơ 4 ngày trước

Thơ Nguyễn Hưng Hải

Thơ 5 ngày trước