Thơ và lời bình: Bà tôi
Bà tôi
Bà hành khất đến ngõ tôi
Bà tôi cung cúc ra mời vào trong
Lưng còng đỡ lấy lưng còng
Thầm hai tiếng gậy…
tụng trong nắng chiều.
Nhà nghèo chẳng có bao nhiêu
Gạo còn hai ống chia đều thảo thơm
Nhường khách ngồi chiếc chổi rơm.
Bà ngồi dưới đất mắt buồn… ngó xa.
Lá tre rụng xuống sân nhà
Thoảng hương nụ vối…
chiều qua…
cùng chiều.
Kao Sơn
Bài thơ "Bà tôi" là một trong ba bài thơ đạt giải A của Kao Sơn trong cuộc thi thơ lục bát toàn quốc do Tuần báo Văn nghệ tổ chức (năm 2002-2003).
Bài thơ có ba khổ. Mỗi khổ giống như một phân đoạn của thước phim quay chậm, với những pha đặc tả cận cảnh: Hai tấm lưng còng đỡ lấy nhau, một đôi mắt buồn ngó xa xăm, những chiếc là vàng rụng trong buổi chiều tĩnh lặng… Tất cả thật tự nhiên, thật khẽ khàng mà khiến lòng ta không khỏi xa xót! Cuộc sống bao giờ mới hết cảnh những người phải lang thang xin ăn. Nhất là những người già cả?
“Bà hành khất đến ngõ tôi
Bà tôi cung cúc ra mời vào trong
Lưng còng đỡ lấy lưng còng…
Gạo còn hai ống chia đều thảo thơm
Nhường khách ngồi chiếc chổi rơm
Bà ngồi dưới đất mắt buồn ngó xa”…
Có thể ai đó đọc bài thơ và thầm nghĩ: Bà hành khất này thật may mắn, đến xin ăn mà được chủ nhà đón tiếp như một vị khách quý! Lại có người băn khoăn. Bà cụ chủ nhà đối xử quá tốt với bà lão ăn xin chăng? Tôi thì trộm nghĩ: Ở đây không có ranh giới giữa chủ nhà và người ăn xin, mà là cuộc hội ngộ của hai người bạn già đã xa cách lâu ngày. Vì thế một loạt động từ nhẹ mang đậm sắc thái tình cảm “mời, đỡ, chia, nhường…” mà tác giả sử dụng ở bài thơ thật hợp lí. Vừa cho thấy óc quan sát tinh tế vừa thể hiện tình cảm yêu thương, kính trọng của tác giả với người bà của mình. Hành động của bà phải chăng đã mang đến cho chúng ta bài học nhân nghĩa ở đời: “Thương người như thể thương thân”, “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”.
Sẽ là thiếu sót nếu ta bỏ qua cách dùng từ hành khất của tác giả. Hành khất, ăn xin, ăn mày đều là những từ đồng nghĩa chỉ những người sa cơ lỡ bước phải đi xin ăn nhờ vào sự bố thí của thiên hạ để duy trì sự sống. Ở đây tác giả dùng từ hành khất (từ Hán Việt) một cách trang trọng đã cho người đọc thấy một lối ứng xử hết sức nhân văn giữa bà tôi và người ăn xin.
“Lá tre rụng xuống sân nhà
Thoảng hương nụ vối… chiều qua… cùng chiều”
Chẳng phải ngẫu nhiên tác giả lấy buổi chiều làm bối cảnh diễn ra câu chuyện trên. Hình ảnh buổi chiều, hình ảnh lá rụng đều có thể ví với người già, tuổi già. Lá sẽ rụng về cội trong yên bình. Còn chiều qua nhanh hay chậm một phần tùy thuộc ở chúng ta. Những đứa con, đứa cháu có biết nâng niu chăm sóc để những phận đời già nua được an hưởng nốt những buổi chiều của cuộc đời trong yên ả.
Bài thơ được viết bằng thể thơ lục bát và đã đạt đến độ tương đối hoàn chỉnh về nội dung và nghệ thuật. Giống như nhiều bài thơ khác của Kao Sơn "Bà tôi" mang dáng dấp như một câu chuyện kể: có nhân vật, có tình tiết, có kết cấu... Dưới điểm nhìn của nhân vật "tôi"- người chứng kiến toàn bộ câu chuyện tác giả kể lại cuộc hạnh ngộ giữa người bà của mình và người hành khất qua đó làm toát lên thái độ ứng xử cảm động chan chứa tình người của người bà đối với người ăn xin. Đó là nét đẹp tinh thần rất cần phải được trân trọng, nâng niu, gìn giữ và nhân lên.
Đặng Toán
3 đã tặng
3
0
0
0
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...