Thơ và lời bình
Đỗ Phủ viết làm gì
Đỗ Phủ viết làm gì
Mà viết nhiều như thế
Đói rách suốt một đời
Dòng thơ như dòng lệ
Thời ấy không có báo
Không đóng tập phát hành
Lệ và huyết mài mực
Đâu phải vì chữ Danh
Danh cũng chẳng làm gì
Không là cơm là gạo
Danh không là manh áo
Che thân gầy cho Thơ
Đỗ Phủ vẫn cứ viết
Rồi buông tay nằm chết
Trên chiếc thuyền sông Tương
Thơ bay thành khói sương
Đỗ Phủ viết làm gì
Thế gian không ai biết
Hỏi làm sao Chim hót
Chim hót để làm gì
Hỏi làm sao cây lá
Rút ruột thành màu hoa
Đến thân tàn héo úa
Tay người hái lướt qua...
(Nguyễn Phan Hách. Nơi gió bay.
NXB Dân Trí, 2019)
Làng thơ Việt Nam vừa mất đi nhà thơ Nguyễn Phan Hách, vì bệnh ung thư. Ông là người đa tài, sáng tác cả thơ và văn xuôi. Công chúng biết nhiều về hai bài “Làng quan họ quê tôi” và “Hoa sữa” của ông; hai bài đủ để ghi tạc tên tuổi ông vào nền thơ hiện đại Việt Nam.
Nhưng bài thơ Đỗ Phủ viết làm gì theo tôi, lớn hơn hai bài trên rất nhiều. Nó vượt qua những giới hạn của vùng miền, của thế hệ, của cộng đồng nhỏ. Nó xoáy vào tâm khảm của người đọc những câu hỏi về số phận của thi nhân, của thi ca trong cõi đời này.
Ngay từ tên bài, tác giả đã đặt ra câu hỏi: Đỗ Phủ viết làm gì.
Câu hỏi mà không có dấu hỏi đặt cuối câu, khiến nó dường như bớt đi sắc thái chất vấn mà mở về hướng suy ngẫm. Đỗ Phủ là nhà thơ lớn đời Đường, ai làm thơ chắc cũng biết. Một trong những nhà thơ vĩ đại nhất của lịch sử văn học Trung Quốc, được phong là Thi thánh; người có ảnh hưởng sâu sắc đến thi ca trung đại không chỉ ở Trung Quốc mà còn cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam; tên tuổi ông được giới nghiên cứu sánh ngang với Horace, Shakespeare, Hugo... trong văn học phương Tây. Sự nghiệp văn chương của Đỗ Phủ tỏa sáng suốt chiều dài lịch sử văn học Trung Quốc. Người ta nói mỗi nhà thơ Trung Quốc sau ông đều khó có thể không chịu ảnh hưởng từ ông.
Vậy mà Nguyễn Phan Hách chất vấn: Đỗ Phủ viết làm gì.
Đã ai từng chất vấn như vậy chưa? Tôi nghĩ là chưa.
Đỗ Phủ viết làm gì/ mà viết nhiều như thế.
Rồi ông đem cuộc đời và sự nghiệp Đỗ Phủ ra cắt nghĩa. Một tài năng kiệt xuất nhưng “sinh bất phùng thời”, cả đời lận đận, đói nghèo, chết trong cơ cực trên một con thuyền rách nát. Hai câu thơ khái quát một kiếp người và một đời thơ Đỗ Phủ:
Đói rách suốt một đời
Dòng thơ như dòng lệ.
Tác giả tiếp tục truy vấn và tự cắt nghĩa:
Thời ấy không có báo
Không đóng tập phát hành
Lệ và huyết mài mực
Đâu phải vì chữ Danh
Danh cũng chẳng làm gì
Không là cơm là gạo
Danh không là manh áo
Che thân gầy cho Thơ.
Mạch thơ thẳng, được kết nối bởi những câu hỏi và câu trả lời ở dạng phủ định với hàng loạt từ/ngữ phủ định không/không có/không là/ đâu phải/chẳng làm gì.
Thơ không viết vì danh lợi, mà danh lợi cũng không giúp được gì cho người, thơ. Vậy làm thơ để làm gì?
Truy vấn đến đây vẫn chưa có câu trả lời. Chỉ khẳng định một sự thật rằng: Đỗ Phủ vẫn cứ viết. Viết cho đến khi “buông tay nằm chết”.
Đỗ Phủ vẫn cứ viết
Rồi buông tay nằm chết
Trên chiếc thuyền sông Tương
Thơ bay thành khói sương.
Khổ thơ được gieo vần khá lạ: Câu 1 gieo xuống câu 2, vần trắc. Câu 3 gieo xuống câu 4, vần bằng. Mạch thơ đang trúc trắc trở nên nhẹ bỗng. Cái nhẹ của sự hóa thân của người về cõi, nhưng cũng là cái nhẹ bỗng của sự vô tăm tích.
Để rồi nhà thơ trở lại với câu hỏi ban đầu và tự trả lời:
Đỗ Phủ viết làm gì
Thế gian không ai biết.
Rồi bất ngờ đưa ra hai hình ảnh khác:
Hỏi làm sao Chim hót
Chim hót để làm gì
Hỏi làm sao cây lá
Rút ruột thành màu hoa
Đến thân tàn héo úa
Tay người hái lướt qua...
Hai liên tưởng gần gũi mà độc đáo. Ồ, thi nhân làm thơ cũng như chim hót. Không ai biết chim hót để làm gì. Thi nhân làm thơ cũng như cây lá, rút ruột để trổ màu hoa, dù rằng hương sắc ấy héo úa, phai tàn trong sự vô tình lãng quên của người hái.
Cả bài chỉ sử dụng 3 tính từ gầy, tàn, héo úa để nói về số phận của thơ (Danh không là manh áo/ Che thân gầy cho Thơ) và của cây (Hỏi làm sao cây lá/ Rút ruột thành màu hoa/ Đến thân tàn héo úa). Nghe trong đó xa xót, ngậm ngùi số phận của thi nhân.
Nguyễn Phan Hách từng quan niệm làm văn chương là làm một cuộc “vật nhau” với chữ nghĩa, hai bên có lúc thua có lúc thắng nhưng cuối cùng thì “tất cả nằm thẳng đơ/ chữ nghĩa vứt vào sọt rác/còn tôi thì vào lò thiêu xác”. Tất cả đều bị vứt bỏ, trở về với hư không. Đó là quan niệm của riêng ông. Thấp thoáng bóng dáng quan niệm ấy trong khổ kết bài thơ này.
Bài thơ là sự truy vấn về ý nghĩa, giá trị của thi ca, của thi nhân trong cuộc đời này. Câu trả lời thuộc về mỗi người đọc. Có người nhìn thấy sự thương cảm của hậu thế với tiền nhân và chính mình, có người lại nhìn thấy sự dâng hiến của thi nhân cho cuộc đời như thể bản mệnh của họ là vậy. Bài thơ ít lời mà nhiều ý. Người đã xa khuất rồi, thơ còn ở lại với đời, không nguôi niềm day dứt.
Quỳnh Nguyễn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...